fbpx
Điểm tin y tếTin nổi bậtTin tức - Sự kiện

25% bệnh nhân ung thư thiếu khả năng miễn dịch chống bệnh sởi

Người dịch: Quang Tiến

Trước khi đại dịch COVID 19 bùng phát, các nhà nghiên cứu tại Trung tâm Nghiên cứu Ung thư Fred Hutchinson ở Seattle đã lo lắng về một căn bệnh truyền nhiễm khác: một đợt bùng phát “chưa từng có” của bệnh sởi.

Bà Sara Marquis, điều phối viên nghiên cứu lâm sàng tại Trung tâm Fred Hutchinson, cho biết: “Chúng tôi đã chứng kiến số ca bệnh sởi trong năm 2019 nhiều nhất kể từ thập niên 90”. Các phương pháp điều trị ung thư như cấy ghép tủy xương và thuốc sinh học gây lo ngại “khiến bệnh nhân ung thư bị ức chế miễn dịch nghiêm trọng” và do đó dễ mắc các bệnh truyền nhiễm.

Bà Marquis cho biết thêm bệnh sởi thường không nghiêm trọng nhưng có thể dẫn đến các biến chứng gây viêm phổi, điếc và tử vong.

Vì vậy, vào năm 2019, nhóm nghiên cứu tại Trung tâm Fred Hutchinson đã khởi xướng một nghiên cứu nhằm đánh giá khả năng miễn dịch đối với bệnh sởi ở những bệnh nhân ung thư.

Báo cáo nghiên cứu cho biết trong nhóm đối tượng gồm hơn 900 bệnh nhân ung thư, 25% thiếu kháng thể bảo vệ chống lại bệnh sởi. Con số đó “nhiều hơn đáng kể” so với quần thể chung có khoảng 8% người thiếu các kháng thể này.

Nghiên cứu được công bố trực tuyến trên tạp chí JAMA Network Open cũng cho thấy 38% bệnh nhân không được bảo vệ chống lại căn bệnh truyền nhiễm ít đáng lo ngại hơn là quai bị, con số này cao hơn so với 13% ở quần thể chung.

Bà Marquis cho biết thêm “Điều đáng sợ nhất về bệnh sởi là nó dễ lây lan nhất trong số các bệnh truyền nhiễm được biết đến, gấp 2 lần biến thể Delta.”

Và nó không chỉ xuất hiện tại bang Washington khi nhiều đợt bùng phát khác nhau tiếp tục xảy ra trong cộng đồng.

Các tác giả nghiên cứu kết luận: “Sự thiếu hụt kháng thể bảo vệ làm gia tăng nguy cơ của bệnh nhân ung thư trong các đợt bùng phát bệnh sởi và đòi hỏi cộng đồng cần có các nỗ lực để củng cố khả năng miễn dịch cộng đồng nhằm bảo vệ nhóm đối tượng này.”

Tóm lại, việc bao phủ vắc-xin MMR (sởi-quai bị-rubella), được giới thiệu vào năm 1963, cần phải được tiếp tục.

Tiến sĩ Elizabeth Krantz, đồng tác giả nghiên cứu tại Trung tâm Fred Hutchinson, cho biết “Những năm gần đây, chúng ta đã đạt được rất nhiều tiến bộ đáng kinh ngạc trong điều trị ung thư và sẽ thật khủng khiếp khi chứng kiến bệnh sởi, một bệnh có thể phòng ngừa bằng vắc-xin, xuất hiện và phủ nhận những nỗ lực đó.”

Các nhóm chăm sóc sức khỏe và người chăm sóc bệnh nhân ung thư tại gia đình cũng nên đảm bảo rằng họ đã được tiêm chủng bệnh sởi. Tuy nhiên, một số bệnh nhân có thể không thể tiêm chủng ngừa bệnh sởi vì nó là vắc-xin sống hoặc vì họ không thể tạo ra đủ kháng thể bảo vệ.

Ba nhóm bệnh nhân ung thư dễ suy giảm miễn dịch

Nghiên cứu này, là một trong những nghiên cứu đầu tiên đánh giá tỷ lệ mắc bệnh sởi và quai bị theo huyết thanh học ở bệnh nhân ung thư trong kỷ nguyên điều trị ung thư hiện đại, cũng xác định ba nhóm bệnh nhân ung thư thường suy giảm miễn dịch: bệnh nhân từ 30-59 tuổi; bệnh nhân ung thư máu ác tính và những người đã được cấy ghép tế bào tạo máu.

Các nhà nghiên cứu đã lấy các mẫu huyết tương lâm sàng còn sót lại của 959 bệnh nhân ung thư tại các Trung tâm Seattle Cancer Care Alliance và Fred Hutchinson vào tháng 8/2019. Sau đó tiến hành xét nghiệm IgG của bệnh sởi và bệnh quai bị bằng phương pháp ELISA. Tổng cộng, 60% bệnh nhân có bướu đặc và 40% bị ung thư máu.

Như đã nói ở trên, tỷ lệ huyết thanh học của kháng thể bệnh sởi là 0,75 và bệnh quai bị là 0,62.

Bác sĩ Steven Pergam, chuyên gia về bệnh truyền nhiễm tại Trung tâm Fred Hutchinson, giải thích lý do nghiên cứu này bao gồm bệnh quai bị, một bệnh lây nhiễm ít đe dọa hơn “Chúng tôi muốn so sánh phản ứng miễn dịch của các thành phần vắc-xin MMR – đặc biệt giữa một vắc-xin mạnh (sởi) và một vắc-xin có phản ứng miễn dịch yếu hơn (quai bị). Vẫn còn những nỗi lo về sự bùng phát của bệnh quai bị khi tỷ lệ tiêm chủng MMR giảm trên khắp Hoa Kỳ.”

Thận trọng khi tiêm chủng là một trong những thông điệp của nghiên cứu. Bà Krantz nói “Tất cả chúng ta cần tự cập nhật thông tin về các loại vắc-xin mình tiêm để có thể bảo vệ những bệnh nhân ung thư dễ bị tổn thương xung quanh.”

Nguồn: mdedge.com

Show More

Related Articles

Back to top button