fbpx
Điểm tin y tế

Trước thông tin về bệnh sởi xuất hiện tại một số tỉnh thành phố ở trẻ em khiến nhiều bà mẹ lo lắng. Vậy thực trạng tình hình bệnh sởi hiện nay như thế nào? Yếu tố nguy cơ gia tăng số ca bệnh? Cách phòng bệnh sởi hiệu quả?

Câu 1: Hiện nay có nhiều thông tin về bệnh sởi xuất hiện tại nhiều tỉnh thành trên cả nước, vậy tình hình thực tế bệnh sởi hiện nay như thế nào? Yếu tố nguy cơ gia tăng số ca bệnh trong thời gian qua?

             Bệnh sởi là bệnh truyền nhiễm gây dịch lưu hành phổ biến ở trẻ em, bệnh xuất hiện quanh năm nhưng thường xảy ra dịch vào những tháng đông- xuân. Phương thức lây truyền bệnh bằng đường hô hấp do tiếp xúc trực tiếp với chất tiết của mũi họng bệnh nhân. Bệnh sởi có tính lây truyền cao, chỉ có thể cắt đứt được sự lây truyền của bệnh trong cộng đồng khi đạt được >95% tỷ lệ miễn dịch bảo vệ đặc hiệu trong cộng đồng. Dịch thường có tính chu kỳ từ 3-5 năm. Tất cả những người chưa bị mắc bệnh sởi hoặc chưa được gây miễn dịch đầy đủ bằng vắc xin sởi đều có cảm nhiễm với bệnh sởi. Bệnh sởi là loại bệnh lành tính, nhưng có khả năng gây suy giảm miễn dịch rất nhanh nên trẻ mắc bệnh rất dễ mắc các căn bệnh kèm theo như khác như viêm phổi, tiêu chảy…. và có thể diễn biến nặng hoặc tử vong do những căn bệnh cơ hội này. Việt Nam triển khai thành công chương trình Tiêm chủng mở rộng từ năm 1984 đến năm 2012: tỷ lệ mắc bệnh sởi giảm 830 lần.

             Theo kết quả giám sát của Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương: Bệnh sởi xuất hiện trở lại cuối năm 2013 sau 3 năm không có dịch: tại Hà Nội phân bố rải rác tại 36 phường của 9 quận (Hai Bà Trưng, Thanh Xuân, Hoàng Mai, Đống Đa, Ba Đình, Long Biên, Hoàn Kiếm, Cầu Giấy, Hà Đông). Không chỉ tại Hà Nội, từ đầu năm 2014 đến nay, bệnh sởi còn xảy ra ở Lào Cai, Sơn La, Yên Bái và Thành phố Hồ Chí Minh trong đó chủ yếu là trẻ dưới 5 tuổi.

        Cũng theo điều tra dịch tễ cho thấy khoảng 80% bệnh nhân chưa được tiêm phòng. Bệnh xảy ra ở những trẻ chưa được tiêm, hoặc đã được tiêm một mũi lúc 9 tháng tuổi, hoặc đã được tiêm mà vì một lý do nào đó trẻ không có đáp ứng miễn dịch tốt, hoặc trẻ nhỏ sinh ra từ những bà mẹ mà trước đó chưa được tiêm vắcxin sởi hay chưa từng mắc sởi. Khi tích lũy đủ lớn số trẻ chưa có miễn dịch thì dịch sẽ xảy ra. Bên cạnh đó các tỉnh miền núi phía Bắc có nguy cơ cao xuất hiện dịch do giáp với Trung Quốc là quốc gia đang có dịch sốt phát ban nghi sởi lưu hành. Vấn đề tiêm phòng ở các tỉnh vùng sâu, vùng xa còn gặp nhiều khó khăn do địa bàn rộng và giao thông không thuận lợi, điều tra nhanh các ca bệnh tại tỉnh Yên Bái cho thấy chỉ có khoảng 20% được tiêm vắc xin đầy đủ. Do đó, trong thời gian tới dịch có thể xuất hiện rải rác tại các tỉnh miền núi và các tỉnh vùng sâu, vùng xa.

        Tuy nhiên trước tình hình hiện nay chuyên gia dịch tễ học khẳng định, tình hình bệnh sởi hiện không có gì đáng lo ngại vì vắcxin sởi đã được triển khai từ nhiều năm nay với tỷ lệ cao. Do đó đa số trẻ đã có miễn dịch. Trong thời gian qua dịch xảy với quy mô nhỏ, tản phát, rải rác ở một số tỉnh và đã được kiểm soát sau một thời gian ngắn.

Câu 2: Cách phòng bệnh sởi hiệu quả?

Tiêm vắc xin là biện pháp phòng bệnh hiệu quả nhất

       Bệnh sởi là bệnh truyền nhiễm gây dịch lây qua đường hô hấp do vi rút sởi gây nên. Tiêm vắc xin sởi là biện pháp phòng bệnh hiệu quả nhất. Để phòng bệnh có hiệu quả, trẻ cần được tiêm 2 mũi. Mũi thứ nhất được tiêm khi trẻ 9 tháng tuổi, mũi thứ hai được tiêm khi trẻ 18 tháng tuổi.

       Không có vắc xin nào có hiệu qủa bảo vệ 100%. Nếu trẻ được tiêm một mũi vắc xin sởi lúc 9 tháng tuổi, chỉ có 80-85% trẻ có đáp ứng miễn dịch. Nếu trẻ được tiêm thêm mũi vắc xin sởi thứ hai lúc 18 tháng tuổi thì tỷ lệ bảo vệ là 90-95%.

       Sau khi mắc sởi xong hoặc sau khi được tiêm đủ 2 mũi vắc xin theo lịch tiêm chủng thì có miễn dịch có thể bền vững suốt đời.

       Các bà mẹ phải thực hiện đầy đủ các hướng dẫn của cán bộ y tế khi đưa trẻ đi tiêm chủng.

Khi trẻ mắc bệnh: 

        Trẻ cần tăng cường dinh dưỡng đầy đủ để phòng suy dinh dưỡng; tăng cường vệ sinh răng miệng, vệ sinh cá nhân cho trẻ tránh mắc bệnh cơ hội. Trẻ mắc bệnh hoặc nghi mắc bệnh sởi phải được cách ly, nghỉ học và không đến nơi tập trung đông người để tránh lây lan trong cộng đồng. Cha mẹ và người chăm sóc nên chú ý đưa trẻ đến bệnh viện khi trẻ có sốt phát ban và kèm theo ho.

Huỳnh mạnh Hùng (st)

Nguồn: Phòng TT-CĐT, Cục Y tế Dự phòng Bộ Y tế

Ngày 23/04/2014

Huỳnh Mạnh Hùng

Show More

Related Articles

Back to top button