Bản tóm tắt 500 hành động của WHO và các đối tác của Liên hợp quốc nhằm giảm tỉ lệ tử vong và bệnh tật do các yếu tố môi trường
Người dịch: Hồ Thu Linh
WHO, UNDP, UNEP và UNICEF đã hợp tác đưa ra bản tóm tắt mới gồm 500 hành động nhằm giảm tỉ lệ tử vong và hạn chế dịch bệnh do các yếu tố rủi ro môi trường gây ra. Bản tóm tắt này nhằm hợp nhất các nguồn lực trong toàn hệ thống LHQ.
Ô nhiễm môi trường và các rủi ro môi trường khác là nguyên nhân gây ra 24% trường hợp tử vong, ví dụ như bệnh tim, đột quỵ, ngộ độc, tai nạn giao thông và các bệnh khác. Tỉ lệ này có thể được giảm đáng kể – thậm chí được loại bỏ – thông qua hành động ngăn chặn quyết liệt ở cấp quốc gia, khu vực, địa phương và ngành cụ thể.
Bản tóm tắt của WHO và các hướng dẫn khác của Liên hợp quốc về y tế và môi trường giúp các quốc gia dễ dàng tiếp cận các hành động thiết thực thúc đẩy nỗ lực tạo ra môi trường lành mạnh ngăn ngừa bệnh tật. Tài liệu được thiết kế cho các nhà hoạch định chính sách, nhân viên trong các bộ chính phủ, chính quyền địa phương, nhân viên Liên hợp quốc tại các quốc gia và những người ra quyết định khác.
Nội dung bản tóm tắt xoay quanh các hành động và khuyến nghị để giải quyết một loạt các yếu tố nguy cơ môi trường đối với sức khỏe, như ô nhiễm không khí, nguồn nước, môi trường vệ sinh, biến đổi khí hậu và hệ sinh thái, hóa chất, bức xạ và rủi ro nghề nghiệp.
Chỉ riêng ô nhiễm không khí đã gây ra 7 triệu ca tử vong mỗi năm, trong khi biến đổi khí hậu được đánh giá sẽ ngày càng gây ra nhiều tác động đến sức khỏe, cả trực tiếp và gián tiếp thông qua ảnh hưởng đến đa dạng sinh học.
Tiến sĩ Maria Neira, Giám đốc Ủy ban Môi trường, Biến đổi Khí hậu và Sức khỏe của WHO cho biết: “Những sự kiện như nhiệt độ cao kỷ lục ở Bắc Mỹ, lũ lụt lớn ở châu Âu và Trung Quốc, và những mùa cháy rừng tàn khốc là những lời cảnh báo ngày càng thường xuyên và khắc nghiệt rằng các quốc gia cần đẩy mạnh hành động để loại bỏ các các yếu tố rủi ro môi trường tác động đến sức khỏe. Việc thực hiện các hành động trong bản tóm tắt nên là một phần của quá trình phục hồi xanh và lành mạnh sau đại dịch COVID và hơn thế nữa, đây là điều cần thiết để đạt được các Mục tiêu Phát triển Bền vững. LHQ đang hợp nhất các nguồn lực về sức khỏe và môi trường của mình để hỗ trợ các quốc gia trong nỗ lực này. “
Cá nhân có thể truy cập trang web của WHO đọc trực tiếp hoặc tải văn bản dưới dạng PDF để tham khảo ngoại tuyến. Một loạt các hành động được thiết lập ưu tiên hành động cho các thành phố hoặc khu định cư đô thị, cũng như các chủ đề xuyên suốt như sức khỏe môi trường của trẻ em.
Aboubacar Kampo, Giám đốc Chương trình Y tế của UNICEF, cho biết: “Trẻ nhỏ đặc biệt dễ bị tổn thương trước những rủi ro về môi trường, có thể ảnh hưởng đến tính mạng và sức khỏe suốt đời của chúng. Môi trường lành mạnh là điều kiện tiên quyết để trẻ em khỏe mạnh. Đánh giá của chúng tôi chỉ ra rằng môi trường tốt có thể ngăn ngừa một loạt các bệnh đe dọa tính mạng và ấn tượng hơn, có thể giảm lên tới 1/4 số ca tử vong ở trẻ em dưới 5 tuổi. Hơn nữa, môi trường lành mạnh có tác dụng chăm sóc sức khỏe dự phòng và giúp giảm chi phí y tế không cần thiết cho các gia đình, tạo điều kiện cho họ đầu tư vào tiến bộ kinh tế – xã hội. “
Hai phần ba số ca tử vong do các yếu tố rủi ro môi trường là do các bệnh không lây nhiễm (NCD), chẳng hạn như bệnh tim, đột quỵ và ung thư. Đây là lý do tại sao các hành động trong bản tóm tắt được xem là một phần quan trọng trong hành động ứng phó dịch NCD.
Bản tóm tắt còn đóng một vai trò quan trọng trong việc đạt được sự công bằng về sức khỏe, vì các nước có thu nhập thấp và trung bình phải chịu gánh nặng môi trường lớn nhất trong tất cả các loại bệnh tật và thương tổn.
Tiến sĩ Mandeep Dhaliwal, Giám đốc Ủy ban HIV, Sức khỏe và Phát triển của UNDP cho biết: “Bản tóm tắt có thể được sử dụng trong đối thoại quốc gia về các ưu tiên phát triển phù hợp với Chương trình nghị sự 2030, và định hướng các nguồn lực phù hợp cho sự phát triển bền vững, lành mạnh, toàn diện. Bằng cách đưa ra các giải pháp giúp giải quyết các yếu tố gây ra gánh nặng bệnh tật ở các nước có thu nhập thấp và trung bình, tài liệu này cung cấp cho các nhà hoạch định chính sách, khu vực tư nhân và các bên liên quan khác những công cụ có giá trị để tạo ra sự thay đổi cần thiết để đảm bảo một tương lai lành mạnh cho con người và hành tinh.”
“Tập trung đầu tư vào các hành động giải quyết cuộc khủng hoảng ảnh hưởng sâu sắc đến sức khỏe bởi 3 yếu tố biến đổi khí hậu, mất đa dạng sinh học và ô nhiễm, là chìa khóa cho sự phát triển. Chúng ta phải thay đổi cách chúng ta ứng xử với thiên nhiên nếu chúng ta muốn bảo vệ sức khỏe và đạt được các Mục tiêu Phát triển Bền vững – một sự thay đổi lớn đòi hỏi các nỗ lực đa ngành, đa cơ quan. Tài liệu này, bằng cách cung cấp các công cụ chính và phương pháp luận được phát triển bởi nhiều đối tác phát triển là một bước quan trọng đúng định hướng và thúc đẩy các kết quả tích cực về môi trường và sức khỏe, ” Monika MacDevette, Trưởng bộ phận Hóa chất và Y tế, UNEP cho biết.
Đây là một kho lưu trữ “sống động”, các hướng dẫn mới luôn được cập nhật từ các tổ chức đối tác. Mỗi hành động được mô tả ngắn gọn và dẫn nguồn để biết chi tiết hơn.
Bản tóm tắt kêu gọi các bộ nghành, đặc biệt là Bộ y tế nhân rộng các hành động ở cấp quốc gia, khu vực, địa phương. Mỗi biện pháp can thiệp được phác thảo và phân loại theo các lĩnh vực liên quan chủ yếu, mức độ thực hiện và các công cụ cần thiết, chẳng hạn như quy định, thuế và trợ cấp, cơ sở hạ tầng, giáo dục, truyền thông.
Nguồn: WHO