Bệnh chốc
- Đại cương:
Chốc thường gặp ở trẻ em, bé trai nhiều hơn bé gái. Ở người lớn, có thương tổn chốc khi miễn dịch kém. Bệnh hay gặp vào mùa hè, phổ biến ở các nước đang phát triển, điều kiện sống thiếu vệ sinh, dân cư đông. Chốc hay gặp sau một số bệnh da như viêm da cơ địa, ghẻ, thủy đậu, vết đốt do côn trùng, bỏng nhiệt, viêm da.
Bệnh chốc là bệnh nhiễm trùng da rất phổ biến, đặc trưng bởi các thương tổn cơ bản là mụn mủ, bọng nước và các vết trợt đóng vảy tiết màu vàng nâu hoặc nâu nhạt giống màu mật ong
- Nguyên nhân, bệnh sinh
– Nguyên nhân gây chốc là tụ cầu vàng, liên cầu hoặc phối hợp cả hai
– Chốc không có bọng nước (nonbullous impetigo) có thể gây ra bởi liên cầu tan huyết beta nhóm A, tụ cầu và/hoặc liên cầu xâm nhập vào các vết thương nhỏ trên da, ở đó có các protein giúp vi khuẩn gắn chặt vào tổ chức.
– Chốc bọng nước (bullous impetigo) thường do độc tố bong da của tụ cầu (exfoliatin A-D) tác động vào cầu nối desmoglein 1 của các tế bào gai ở thượng bì, làm bóc tách lớp nông của thượng bì, tạo hình ảnh giống pemphigus vảy lá.
– Chốc loét thường do liên cầu nhưng có thể phối hợp với tụ cầu vàng, xảy ra trên cơ địa suy giảm miễn dịch, người già, người mắc bệnh mạn tính.
3.Triệu chứng lâm sàng
3.1. Tổn thương cơ bản:
Mụn nước nhỏ, mềm, chứa dịch trong, mụn nước thường hóa mủ nhanh trong vài giờ và mụn mủ vỡ nhanh đóng vảy tiết màu vàng nâu
Ở vùng đầu tổn thương có dịch và mủ làm cho tóc bết lại thành búi, mảng vảy gồ ghề. Nếu cạy vảy lên sẽ thấy vết chợt nông có màu đỏ hay sợi tơ huyết
3.2. Triệu chứng cơ năng và toàn thân:
Thường có ngứa kèm theo đau rát khó chịu.
Thường người bệnh không sốt, mệt mỏi.
Trường hợp thương tổn lan rộng, thương tổn sâu gây sưng hạch thì bệnh nhân có sốt.
3.3. Các thể lâm sàng:
3.3.1. Chốc không có bọng nước thường bắt đầu là một dát hồng, tiến triển thành mụn nước, bọng nước hóa mủ nhanh, mau chóng dập vỡ để lại các vết xước đóng vảy tiết màu vàng mật ong. Khi vảy tiết bong ra để lại nền da đỏ ẩm, khi lành để lại dát thâm. Nếu không được điều trị, bệnh có thể tự lành sau 2- 4 tuần mà không có sẹo. Thương tổn có thể lan rộng ra các vùng khác do tự lây nhiễm, do cào gãi. Bất kỳ vùng da nào trên cơ thể đều có thể bị nhưng mặt và các chi hay bị nhất. Thương tổn có thể ngứa nhẹ hoặc không có triệu chứng, có hoặc không có quầng đỏ bao quanh. Hạch ngoại vi thường to. Bệnh nhân có thể có chấn thương nhẹ, côn trùng đốt, ghẻ, thủy đậu, viêm da cơ địa tại vị trí bị chốc.
3.3.2. Chốc loét: Bắt đầu giống như chốc không bọng nước nhưng tiến triển thành những vết loét hoại tử lõm giữa, chậm lành, để lại sẹo. thường gặp ở người già, người suy giảm sức đề kháng, trẻ em suy dinh dưỡng. Thể này tiên lượng nặng.
3.3.3.Chốc bọng nước:
Khởi phát với mụn nước nhỏ, lớn dần thành bọng nước. Bọng nước nông, dễ vỡ, kích thước nhỏ hoặc lớn, chứa dịch vàng, trong, sau chuyển sang vàng đậm, vỡ trong 1 đến 3 ngày, để lại viền da mỏng xung quanh dát đỏ ẩm ướt, khi lành không có sẹo. Xung quanh bọng nước có thể có quầng đỏ hoặc không.Thương tổn hay gặp ở mặt, thân mình, các chi, mông, sau đó lan ra các đầu xa do tự lây nhiễm. Khác với chốc không bọng nước, chốc bọng nước có thể có thương tổn ở niêm mạc má, ít lây hơn, hạch vùng không to.
Hình ảnh chốc bọng nước
3.3.4. Chốc hóa ở bệnh nhân có sẵn bệnh da: là chốc thứ phát trên bệnh da có sẵn bị bội nhiếm tụ cầu, liên cầu gây nên nhiều mụn mủ, bọng mủ và vảy tiết.
3.3.5. Chốc ở trẻ sơ sinh: thường là bọng nước lớn vỡ nhanh, bong vảy mảng đỏ da.
- 4.Chẩn đoán:
Chủ yếu dựa vào các đặc điểm lâm sàng như đã mô tả ở trên. Ngoài ra, có thể làm một số xét nghiệm như nhuộm soi, nuôi cấy vi khuẩn, công thức bạch cầu (có tăng bạch cầu trung tính), mô bệnh học.
Đặc điểm mô bệnh học bệnh chốc
– Chốc không bọng nước: có tụ cầu gram dương, mụn mủ chứa bạch cầu trung tính trong thượng bì, xâm nhập viêm dày đặc ở trung bì nông.
– Chốc bọng nước: thượng bì bị tách ở lớp hạt mà không có hiện tượng viêm, không có vi khuẩn, có hiện tượng ly gai, xâm nhập viêm nhẹ ở trung bì nông. Hình ảnh mô bệnh học giống pemphigus vảy lá.
– Chốc loét: vết loét sâu, có cầu khuẩn bắt màu gram trong trung bì. - Các biến chứng của chốc
– Viêm đường hô hấp
– Viêm màng não
– Viêm cơ
– Nhiễm trùng huyết
– Viêm quầng
– Viêm cầu thận cấp
– Viêm mô tế bào có khả năng lây nhiễm nghiêm trọng ảnh hưởng đến các mô bên dưới da và cuối cùng có thể lan đến hạch bạch huyết và vào máu. Nếu không điều trị, viêm mô tế bào có thể đe dọa tính mạng.
- 6.Điều trị :
- Nguyên tắc:
– Kết hợp thuốc điều trị tại chỗ và toàn thân
– Chống ngứa: tránh tự lan truyền
– Điều trị biến chứng nếu có
- Điều trị cụ thể
Theo các bước như sau:
– Rửa thương tổn, nhẹ nhàng loại bỏ vảy tiết
– Dùng các thuốc sát trùng (povidone iodine, hydrogen peroxide, chlorhexidine) hoặc mỡ kháng sinh bôi tại chỗ (acid fusidic, mupirocin).
– Che phủ vùng da thương tổn
– Thuốc kháng Histamin tổng hợp khi có ngứa
– Sử dụng kháng sinh toàn thân (flucloxacillin, cefuroxim).
Thời gian dùng kháng sinh 5-7 ngày
– Nếu chốc kháng thuốc hoặc chốc loét phải điều trị theo kháng sinh đồ
– Nếu có biến chứng điều trị các biến chứng
7. Đề phòng lây bệnh cho người khác
– Tránh tiếp xúc gần gũi với người khác
– Cho trẻ nghỉ học cho tới khi vảy tiết đã khô
– Dùng khăn mặt riêng
– Thay quần áo và giặt hàng ngày
- Phòng bệnh:
– Chú ý phòng bệnh cho trẻ nhỏ, nhất là sau khi mắc bệnh do virus sởi
– Tắm rửa vệ sinh ngoài da cắt tóc, cắt móng tay
– Tránh ở lâu nơi ẩm thấp, thiếu ánh sáng
– Tránh côn trùng đốt
– Điều trị các nguồn nhiễm khuẩn .
– Cho trẻ ăn đủ chất dinh dưỡng để nâng cao thể trạng
- Một số hình ảnh lâm sàng:
Tài liệu tham khảo:
- Hướng dẫn chẩn đoán và điều trị các bệnh da liễu, Bộ Y tế, Hà Nội, 2015
- Cribier B,et al: Staphylococcal scalded skin syndrome in adults. J Am Acad dermatol 1994.
- Holland TT.et al; Tender periungual nodules. Arch dermatol. 1992.
- Manders SM, et al: Recurrent toxin-mediated perianal erythema. Arch dermatol 1996
BS CK1 Đinh Thị Ái Liên