fbpx
Chuyên đề KCBĐa khoa phổ cậpTin nổi bật

BỆNH TAY-CHÂN-MIỆNG

BSCK1.Lê Thị Thơm

Nội dung :

  1. Dịch tễ học bệnh tay-chân-miệng
  2. Triệu chứng và biến chứng của bệnh tay-chân-miệng
  3. Chăm sóc trẻ bị bệnh tay-chân-miệng
  4. Điều trị tay-chân-miệng
  5. Phòng bệnh tay-chân-miệng
  1. Dịch tễ học bệnh tay-chân-miệng:
  • Hai nhóm gây bệnh chính là Coxsackie virus A16,A6 và Enterovirus 71(EV71)
  • Đường lây: bệnh lây qua đường tiêu hóa: nước uống, bàn tay của trẻ hoặc người chăm sóc trẻ, các đồ dùng, đặc biệt là đồ chơi và vật dụng sinh hoạt hàng ngày như chén, bát, đĩa, thìa, cốc bị nhiễm virus từ phân hoặc dịch nốt phỏng, vết loét hoặc dịch tiết đường hô hấp nước bọt. Ngoài ra bệnh có thể lây truyền do tiếp xúc trực tiếp từ người qua người thông qua dịch tiết đường hô hấp, hạt nước bọt.
  • Một số yếu tố có thể làm gia tăng sự lây truyền và bùng phát dịch bao gồm: mật độ dân số cao, sống chật chội, điều kiện vệ sinh kém…
  • Lứa tuổi: gặp ở trẻ dưới 5 tuổi. Nhiều nhất trẻ từ 1 đến 3 tuổi.

2. Triệu chứng và biến chứng của bệnh tay-chân-miệng:

֎Triệu chứng thông thường:

Thường sốt 2 đến 3 ngày, ăn ít hoặc bỏ ăn, chảy nước miếng, sau đó phát ban dạng mụn nước, phỏng nước, mụn đỏ ở tay, chân, lòng bàn tay, lòng bàn chân, mông , gối, kèm loét miệng. Trẻ quấy khóc, ngủ lăn qua lăn lại rất khó chịu, đang ngủ dậy khóc thét từng cơn.

  • Sốt nhẹ, nôn
  • Loét miệng: vết loét, phỏng nước có đường kính 2-3mm ở niêm mạc miệng, lợi, lưỡi, gây đau miệng, bỏ ăn, bỏ bú, gây tiết nước bọt.
  • Phát ban: ban dạng mụn nước, phỏng nước, mụn đỏ ở tay, chân, lòng bàn tay, lòng bàn chân, mông, gối, tồn tại trong thời gian ngắn thường dưới 7 ngày sau đó để lại vết thâm.

֎Triệu chứng nặng :

  • Sốt cao liên tục 39 đến 40 độ, ít đáp ứng thuốc hạ sốt.
  • Giật mình chới với hoặc co giật, rung giật cơ.
  • Đi không vững, loạng choạng , tay chân yếu.
  • Thở mệt, thở nhanh, li bì, da nổi vân tím.

֎Biến chứng :

  • Biến chứng thần kinh: Viêm não, viêm thân não, viêm não tủy, viêm màng não biểu hiện với:

       . Rung giật cơ.

       . Ngủ gà, bứt rứt, chới với, đi loạng choạng, run chi, mắt nhìn ngược

       . Yếu liệt chi, liệt dây thần kinh sọ não

       . Co giật, hôn mê là dấu hiệu nặng, thường đi kèm với suy hô hấp, tuần hoàn. 

  • Biến chứng tim mạch, hô hấp: Viêm cơ tim, phù phổi cấp, tăng huyết áp, suy tim, trụy mạch :

       . Mạch nhanh >150 lần/ phút

       . Thời gian đổ đầy mao mạch chậm trên 3 giây

       . Da nổi vân tím, vã mồ hôi, chi lạnh

       . Giai đoạn đầu có huyết áp tăng, giai đoạn sau mạch, huyết áp không đo được

      . Khó thở, thở nhanh rút lõm lồng ngực, thở rít thanh quản, thở không đều

      . Phù phổi cấp: sùi bọt mép, khó thở, tím tái …

  1. Chăm sóc trẻ bị bệnh tay-chân-miệng :
  • Tổn thương da: không kiêng tắm mà cần tắm rửa sạch sẽ tránh tình trạng bội nhiễm da, và việc tắm giúp giảm ngứa cho trẻ và phòng bội nhiễm da. Bôi các thuốc về da theo chỉ định của bác sĩ.
  • Tổn thương miệng: do loét miệng nên trẻ rất khó ăn uống. Vào ngày thứ 3 đến thứ 5 của bệnh trẻ có thể chỉ uống được sữa hoặc cháo loãng nên trẻ ăn được gì thì cho trẻ ăn, không kiêng khem thứ gì. Cho trẻ ăn thức ăn nguội, mềm, lỏng, dễ tiêu như cháo, sữa, chia nhỏ bữa. Có thể dùng các chế phẩm thuốc bôi miệng theo chỉ dẫn của bác sĩ đề giảm đau cho trẻ.
  • Cần vệ sinh tay trước và sau mỗi lần chăm sóc trẻ.
  1. Điều trị tay chân miệng:
  • Hiện nay chưa có thuốc điều trị đặc hiệu, chỉ điều trị hỗ trợ (không dùng kháng sinh khi không có bội nhiễm).
  • Theo dõi sát, phát hiện sớm, phân độ đúng và điều trị phù hợp.
  • Đảm bảo dinh dưỡng đầy đủ, nâng cao thể trạng.
  1. Phòng bệnh tay-chân-miệng:
  • Rửa tay thường xuyên cho cả người lớn và trẻ em
  • Tăng cường vệ sinh: rửa sạch đồ chơi, lau sàn nhà bằng dung dịch khử khuẩn thích hợp.
  • Đối với gia đình có trẻ bị mắc bệnh tay-chân-miệng cần không cho trẻ bị bệnh tới nhà trẻ, nơi tập trung đông người hoặc tiếp xúc với các trẻ khác. Rửa tay bằng xà phòng trước khi chăm sóc trẻ và sau khi tiếp xúc với chất thải của trẻ.

Tay- chân- miệng là bệnh virus đường ruột nên diễn biến thông thường từ 5 đến 7 ngày, thường qua ngày thứ 5 nồng độ virus sẽ giảm hẳn, trẻ sẽ tươi tỉnh lên hơn, chịu khó ăn uống lại được hơn. Nên ba mẹ chịu khó chăm trẻ thêm trong khoảng thời gian trẻ bị bệnh. Cần theo dõi các triệu chứng nặng để  đưa trẻ đến cơ sở y tế để khám và điều trị kịp thời.

TÀI LIỆU THAM KHẢO :

1.Quyết định 1003/QĐ-BYT ngày 30/03/2012 của Bộ Y Tế về việc ban hành “Hướng dẫn chẩn đoán và  điều trị bệnh tay chân miệng”.

2.Quyết định 581/QĐ-BYT ngày 24/02/2012 của Bộ Y Tế về việc ban hành “Hướng dẫn giám sát và phòng chống bệnh tay chân miệng”.

Show More

Related Articles

Back to top button