fbpx
Chuyên đề KCBDa liễu chuyên sâuTin nổi bật

BỆNH VIÊM DA DẦU

  1. Đại cương

Viêm da dầu (VDD) là tình trạng viêm da mạn tính, thường xuất hiện ở vùng da có nhiều tuyến bã hoạt động. Bệnh được biểu hiện là các vảy da và các dát đỏ ranh giới không rõ và hình thái lâm sàng phong phú [8].

VDD được biết đến từ rất lâu với nhiều tên gọi khác nhau. Ở Việt Nam, trước đây viêm da dầu thường được gọi là chàm da dầu, chàm da mỡ. Nhiều tác giả cho rằng VDD thuộc nhóm chàm nội sinh và được cho là một bệnh da thường gặp nhất cho dù ít có công trình về dịch tễ bệnh được công bố.

Viêm da dầu thường gặp và nặng hơn ở những người có tổn thương hệ thống miễn dịch: người nhiễm HIV, Parkinson, amyloid gia đình, viêm đa dây thần kinh.

Các stress thần kinh có thể là một trong những yếu tố khởi phát hay làm cho bệnh nặng lên [3].

  1. Căn nguyên và cơ chế bệnh sinh

Cho đến nay, căn nguyên của VDD vẫn chưa rõ ràng. VDD được coi là bệnh đa yếu tố, cần có những yếu tố nội sinh và ngoại sinh cho sự phát triển của bệnh [7].

  • Vai trò của hormone và tuyến bã
  • Vai trò của nấm Malassezia
  • Cơ chế miễn dịch
  • Sự bất thường về chu chuyển các tế bào thượng bì
  1. Một số yếu tố liên quan đến bệnh viêm da dầu

3.1. Một số bệnh lý

– HIV/AIDS: viêm da dầu là một bệnh phổ biến ở bệnh nhân HIV/AIDS, tỷ lệ lên đến 85% theo nghiên cứu của Betty Anne Johnson. Ở các đối tượng này viêm da dầu thường lan toả và khó điều trị.

Bệnh lý thần kinh như Parkinson, Alzheimer, tổn thương dây V… Các thuốc gây ra bệnh lý thần kinh có thể gây viêm da dầu hoặc nặng lên các triệu chứng của viêm da dầu. Mặt khác điều trị giảm nhẹ triệu chứng của bệnh lý thần kinh cũng làm nhẹ tình trạng viêm da dầu.

Các yếu tố stress, suy nhược cơ thể cũng liên quan đến viêm da dầu. Theo kết quả nghiên cứu của Misery, Touboul 82% bệnh nhân biểu hiện sự liên quan của da đầu, 33% khuôn mặt, 19% ngực và 13% các vị trí khác (tai, da). Bản thân bệnh nhân xác định căng thẳng là yếu tố kích hoạt chính [6].

3.2. Yếu tố vật lý

– Chấn thương mặt: Các chấn thương ở mặt gây bùng phát bệnh.

– Tia tử ngoại: các liệu pháp điều trị PUVA ở vùng mặt có thể gây bùng phát viêm da dầu.

– Bệnh thay đổi theo nhiệt độ và độ ẩm. Bệnh nặng lên vào mùa đông đầu mùa xuân (độ ẩm thấp và không khí lạnh), nhẹ hơn vào mùa hè.

– Thuốc: một số thuốc gây ra khởi phát viêm da dầu như: Griseofulvin, Cimetidin, lithium, methyldopa, arsenic, haloperidol…

– Yếu tố di truyền: Tiền sử gia đình bị viêm da dầu, đột biến gen ZNF750 gây kém hấp thu kẽm[4].

3.3. Yếu tố dinh dưỡng, chế độ ăn

Đối với bệnh nhân thì chế độ ăn luôn là vấn đề được quan tâm. Đã có nghiên cứu được báo cáo trước đây cho rằng chất béo trong chế độ ăn như axit béo, axetat và glucose có thể là nguồn để tổng hợp bã nhờn, hay việc tiêu thụ lượng lớn carbohydrate làm tăng đường huyết dẫn đến tăng insulin máu liên quan đến tăng nồng độ androgen làm tuyến bã hoạt động mạnh hơn. Hơn nữa, các khuyến nghị về chế độ ăn uống đã được biết đến trong điều trị gàu – một bệnh phổ biến có triệu chứng vảy da ở đầu tương tự như viêm da dầu. Bệnh nhân bị gàu được khuyên nên ăn nhiều thức ăn chứa vitamin nhóm B, kẽm, động vật có vỏ, hạt hướng dương, cá hồi, trái cây…Ngoài ra, bệnh nhân còn được khuyên tránh các sản phẩm nhiều dầu mỡ, đường, đồ ăn nhanh, chất béo động vật, tinh bột. Tuy nhiên, mối liên quan giữa chế độ ăn uống và sự tiết bã nhờn vẫn chưa được xác định rõ ràng. Vẫn chưa có số liệu nghiên cứu đầy đủ trong các tài liệu trên. Năm 2018, tác giả Tamer F đã  thực hiện nghiên cứu trên 51 bệnh nhân bị viêm da dầu và 50 người khoẻ mạnh, đã chỉ ra rằng chế độ ăn uống không có mối liên quan với việc sản xuất bã nhờn ở bệnh nhân viêm da dầu [10].

4. Đặc điểm lâm sàng của viêm da dầu

VDD có các đặc điểm riêng biệt tùy thuộc vào nhóm tuổi bị ảnh hưởng: ở trẻ em bệnh thường giới hạn, trong khi với người lớn bệnh là mạn tính. Các tổn thương bao gồm dát đỏ, bong vảy khác nhau về phạm vi và mức độ, cường độ.

4.1. Viêm da dầu ở trẻ nhỏ

Ở trẻ nhỏ, VDD thường gặp hơn trong ba tháng đầu đời (10% ở bé trai và 9,5% ở bé gái), với bong tróc trên da đầu là biểu hiện lâm sàng phổ biến nhất (42%). Bệnh đặc trưng bởi sự xuất hiện của vảy tiết màu vàng với mức độ khác nhau xuất hiện trong những tháng đầu đời sau khi sinh.

-Tổn thương cơ bản:

+Vùng da đầu: hay gặp ở vùng trán và đỉnh đầu, tổn thương là các vảy da và vảy mỡ trên nền da đỏ kèm theo các vết nứt, thường không kèm theo rụng tóc, tổn thương có thể lan rộng toàn bộ đầu. Các mảng đỏ da trên có vảy mỡ bóng dính tập trung ở trán, rãnh mũi má, lông mày, mí mắt, rãnh sau tai, ống tai ngoài và ngực.

+Vùng kẽ như nách, bẹn, quanh rốn, quanh ống hậu môn cũng là những vị trí hay gặp với tổn thương là các mảng đỏ ẩm ướt kèm theo ít vảy, liên kết với nhau thành đám.

-Triệu chứng cơ năng: ngứa rất ít, trẻ vẫn ăn và ngủ tốt.

Leiner’s disease: đây là một thể nặng lan tỏa của VDD ở trẻ em, được tác giả Leiner mô tả lần đầu tiên năm 1908. Tổn thương VDD lan tỏa dẫn đến tình trạng đỏ da bong vảy toàn thân kèm theo sốt, tiêu chảy, thiếu máu, nôn và sút cân. Trẻ có thể tử vong nếu không được điều trị kịp thời. Thể này có thể có tính chất gia đình hoặc không, liên quan đến việc có hoặc không có kèm theo thiếu hụt bổ thể C3, C5. Trẻ bị VDD lan tỏa hiếm gặp, hình thái lan tỏa thường liên quan đến suy giảm miễn dịch [2].

4.2. Viêm da dầu ở người lớn

Ở người lớn, VDD là một bệnh da mạn tính. Bệnh thường xuất hiện sau tuổi dậy thì và có thể kéo dài suốt đời. Các khu vực bị ảnh hưởng và mức độ thường gặp của từng khu vực như sau: khuôn mặt (87,7%), da đầu (70,3%), ngực (26,8%), chi dưới (2,3%) và các vị trí khác (5,4%) như nếp gấp cơ thể.

Các hình thái VDD ở người lớn

– Ở đầu: biểu hiện sớm nhất của viêm da dầu ở đầu là gàu. Đó là các mảnh vảy da nhỏ bong ra từ trên nền da đầu bình thường. Nếu tiến triển lâu xung quanh các nang lông ở da đầu thường đỏ lên, bong vảy, làm thành từng mảng có ranh giới rõ, rải rác hoặc tập trung. Mảng tổn thương có thể lan rộng và tiến ra rìa chân tóc. Trường hợp mạn tính có thể thấy rụng tóc. Sau tai có thể có vảy đỏ và tiết bã nhờn, có thể thấy vết nứt đóng vảy tiết.

– Ở mặt:

+ Viêm da dầu thường đặc trưng bằng tổn thương vùng lông mày, điểm giữa trên gốc mũi và rãnh mũi má. Thương tổn cơ bản là các dát đỏ bong vảy da ẩm, nhờn, bóng mỡ, ranh giới rõ và thường liên quan đến thương tổn trên đầu. + Viêm bờ mi cũng là loại tổn thương thường thấy. Bờ mi đỏ lên có những vảy da trắng nhỏ. Có thể thấy những vảy tiết vàng và các vết loét nhỏ, khi khỏi tạo thành các sẹo, có thể phá hủy các nang lông ở bờ mi.

+ Hình thái VDD ở cằm thường gặp ở nam giới ở giai đoạn đầu khi mọc râu.

– Ở thân mình có thể thấy các hình thái sau:

+ Hình thái cánh hoa (Petaloide form): là hình thái thường gặp nhất và thường xuất hiện ở vùng trước xương ức, vùng liên bả vai ở nam giới. Tổn thương bắt đầu bằng những sẩn nhỏ nang lông, màu đỏ nâu, phía trên có vảy tiết bã. Dần dần thương tổn lan rộng ra và liên kết với nhau tạo thành đám tổn thương có hình vòng cung trông giống như cánh hoa với vảy da trắng ở vùng trung tâm, các sẩn đỏ thẫm với vảy tiết bã ở thượng bì.

+ Hình thái bong vảy phấn: thường ở thân mình. Các chi ít gặp hơn. Các dát đỏ trong hình thái bong vảy giống như vảy phấn hồng Gibert.

+ Ở các nếp gấp như nách, bẹn, sinh dục, kẽ dưới vú và rốn thì VDD biểu hiện như viêm kẽ, cá dát đỏ ranh giới rõ và có vảy da tiết bã. Vùng sinh dục của hai giới đều có thể bị tổn thương.

– Đôi khi viêm VDD có thể có biến chứng đưa đến đỏ da toàn thân (hình thái lan tỏa).

– Mức độ tiến triển của VDD có thể khác nhau, hầu hết là tiến triển mạn tính hay tái phát [2].

  1. Đánh giá mức độ tổn thương

Theo thang điểm của Avner Shermer viêm da dầu được chia làm 3 mức độ [9]

  • Ngứa:

Không ngứa: 0 điểm.                           Ngứa ít: 1 điểm.

Ngứa vừa: 2 điểm                                Rất ngứa: 3 điểm.

  • Bỏng rát:

Không bỏng rát: 0 điểm.                      Bỏng rát ít: 1 điểm.

Bỏng rát vừa: 2 điểm.                          Rất bỏng rát: 3 điểm.

  • Đỏ da:

Không đỏ da: 0 điểm.                          Đỏ da ít: 1 điểm.

Đỏ da vừa: 2 điểm.                              Rất đỏ da: 3 điểm.

  • Vảy da:

Không vảy: 0 điểm.                             Vảy da ít: 1 điểm.

Vảy da vừa: 2 điểm.                             Rất nhiều vảy da: 3 điểm.

 

Cách tính điểm:

– Mức độ nhẹ: tổng số điểm < 5

– Mức độ trung bình: tổng số điểm từ 5 đến 8

– Mức độ nặng: tổng số điểm > 8

6.Cận lâm sàng

– Mô bệnh học: không đặc hiệu, có hiện tượng á sừng, tăng lớp tế bào gai và xốp bào nhẹ. Xốp bào là dấu hiệu quan trọng giúp chẩn đoán phân biệt với vảy nến. Trung bì có hiện tượng thâm nhiễm nhẹ các tế bào viêm.

– Soi nấm trực tiếp phát hiện M. furfur.

– Người bệnh viêm da dầu cần làm xét nghiệm HIV [2].

7. Chẩn đoán

7.1. Chẩn đoán xác định

Chủ yếu dựa vào lâm sàng:

-Tổn thương cơ bản là dát đỏ ranh giới không rõ, trên có vảy da bóng mỡ màu vàng.

-Vị trí chủ yếu da đầu sau tai, ống tai ngoài, rãnh mũi má, bờ mi, vùng trước xương ức và vùng liên bả. Một số vị trí ít gặp hơn như nách, kẽ dưới vú, rốn, bẹn, kẽ liên mông.

-Triệu chứng cơ năng: Ngứa, rát [2].

7.2. Chẩn đoán phân biệt

– Ở da đầu, gáy: phân biệt với vẩy nến, viêm da do chấy, lichen phẳng.

– Ở mặt: phân biệt với viêm bì cơ, luput ban đỏ, viêm da do ánh nắng, viêm da do Demodex, trứng cá, trứng cá đỏ, viêm da tiếp xúc.

– Ở thân mình: phân biệt với lang ben; vảy phấn hồng Gibert; vảy nến; dị ứng thuốc; đặc biệt các thuốc methyldopa, chlopromazin, cimetidin.

– Ở các nếp gấp: phân biệt với nấm da, erythrasma, pemphigus lành tính gia đình, nhiễm nấm Candida [2].

  1. Điều trị bệnh viêm da dầu

Cho đến nay có rất nhiều phương pháp điều trị bệnh VDD, có thể sử dụng thuốc tại chỗ hoặc đường toàn thân, nhưng chủ yếu là dùng các thuốc bôi tại chỗ như thuốc chống nấm, corticoid … Tuy nhiên chưa có phương pháp nào điều trị triệt để bệnh.

8.1. Thuốc chống nấm

Malassezia đóng vai trò quan trọng trong cơ chế bệnh sinh của VDD, do đó sử dụng thuốc chống nấm tại chỗ và toàn thân để điều trị là lựa chọn hàng đầu.

– Tại chỗ: gốc azol có hiệu quả nhất cho tác dụng chống nấm ở bệnh nhân VDD.

+ Kem ketoconazol được sử dụng để điều trị VDD ở mặt.

+ Các loại dầu gội có chứa fluconazol 2% hoặc ketoconazol 2% được sử dụng để điều trị VDD ở đầu.

– Các thuốc chống nấm đường uống như: terbinafin, ketoconazol và itraconazol có hiệu quả trong điều trị viêm da dầu mức độ nặng hoặc kháng với các phương pháp điều trị khác [1].

8.2. Corticosteroid tại chỗ

Điều trị VDD bằng corticoid có hiệu quả cao nhưng chỉ dùng được trong thời gian ngắn. Khi sử dụng corticoid đường bôi kéo dài sẽ gây teo da, giãn mạch, trứng cá do thuốc, viêm da quanh miệng và đặc biệt là tình trạng phụ thuộc thuốc. Các nghiên cứu điều trị VDD bằng corticoid tại chỗ đều thấy triệu chứng lâm sàng giảm nhanh chỉ trong 1 tuần.  Các thuốc corticoid thường được sử dụng là nhóm VI và nhóm VII, Hydrocortison dạng kem hoặc dung dịch 1%, 2% [5].

8.3. Các điều trị khác

– Các chất bạt sừng không đặc hiệu như: salicylic acid, selenium sulfid, và lithium succinat.

– Thảo mộc: dầu từ cây trà có tên là Melaleuca alternifolial

– Điều trị bằng tia UVB khi có kháng với các phương pháp điều trị khác

-Vitamin A acid.

Thuốc ức chế calcineurin: Tacrolimus [2].

TÀI LIỆU THAM KHAO

I.TIẾNG VIỆT

  1. Bệnh viện da liễu Thành Phố Hồ Chí Minh (2019), Hướng dẫn chẩn đoán và điều trị bệnh da liễu, Viêm da dầu, Nhà xuất bản Y học.
  2. Bộ Y tế (2015), Hướng dẫn chẩn đoán và điều trị các bệnh da liễu Viêm da dầu, Hà Nội, tr.154-156.
  3. Hoàng Thị Phượng (2011), Đặc điểm lâm sàng, các yếu tố liên quan và kết quả điều trị viêm da dầu bằng uống vitamin a acid kết hợp bôi mỡ Tacrolimus 0,1%, Luận văn bác sỹ nội trú, Trường đại học Y Hà Nội, Hà Nội.
  4. Trường đại học Y Hà Nội (2019), Hình ảnh lâm sàng chẩn đoán và điều trị trong chuyên ngành da liễu, Viêm da dầu, tập1, Nhà xuất bản Y học.

II.TIẾNG ANH

  1. Anderew (2006), Diseases of the Skin Clinical Dermatology, Seborrheic dermatitis, Elsevier.
  2. Apple B (2020), “Seborrheic dermatitis, VA Office of Patient Centered Care and Cultural Transformation, pp.1-6.
  3. Chris D C và Chad H (2022), “Chapter 22. Seborrheic Dermatitis”, Fitzpatrick’s Dermatology in General Medicine, Silverchair, pp.1-15.
  4. Dall’Oglio F and et al (2022), “An Overview of the Diagnosis and Management of Seborrheic Dermatitis, Clin Cosmet Investig Dermatol. 15, pp.1537-1548.
  5. Shermer A and Baruch K (2008), “Treatment of Moderate to Severe Facial Seborrheic Dermatitis with Itraconazole: An Open Non-Comparative Study, IMAJ 10, pp.417-418.
  6. Tamer F (2018), “Relationship between diet and seborrheic dermatitis, Our Dermatology Online, 9(3), pp.261-264.
Show More

Related Articles

Back to top button