Điểm tin y tếTin tức - Sự kiện
Các nhà lãnh đạo thế giới cam kết hành động đối phó tình trạng kháng thuốc kháng vi sinh vật trong khuôn khổ cuộc họp của Liên Hiệp Quốc
Hôm nay các nhà lãnh đạo thế giới đã kêu gọi sự chú ý ở mức độ cao nhất từ trước đến nay nhằm ngăn chặn tình trạng lan rộng của các loại vi sinh vật kháng thuốc kháng vi sinh vật.
Kháng thuốc kháng vi sinh vật (AMR) là khả năng của một vi sinh vật kháng lại một loại thuốc kháng vi sinh vật mà ban đầu loại thuốc này có hiệu quả trong điều trị bệnh nhiễm khuẩn do vi sinh vật đó gây ra.
Lần đầu tiên các nhà lãnh đạo thế giới cam kết thực hiện một giải pháp kết hợp rộng rãi đối với nguyên nhân gây ra AMR trên nhiều lĩnh vực, đặc biệt là sức khỏe con người, sức khỏe động vật và nông nghiệp. Đây mới là lần thứ 4 một vấn nạn y tế được đưa ra tại Đại hội đồng Liên Hợp Quốc (các vấn nạn khác là HIV, các bệnh không lây nhiễm và Ebola). Hội nghị cấp cao lần này do ông H.E. Peter Thomson – Chủ tịch Đại hội đồng Liên Hợp Quốc khóa 71, chủ trì.
Ông Thomson nhận định “Tình trạng kháng thuốc kháng vi sinh vật đang đe dọa việc hoàn thành các Mục tiêu bền vững Thiên niên kỷ và đòi hỏi một sự ứng phó toàn cầu”. “Các quốc gia thành viên hôm nay đã đồng thuận trong một tuyên bố chính trị mạnh mẽ nhằm đưa ra một nền tảng vững chắc cho cộng đồng quốc tế tiến lên trong cuộc chiến này. Không một quốc gia, một lĩnh vực hoặc một tổ chức có thể đơn phương giải quyết vấn nạn này.”
Các quốc gia tái khẳng định cam kết thúc đẩy chương trình hành động quốc gia nhằm ứng phó với AMR, trên cơ sở “Chiến dịch toàn cầu về kháng thuốc kháng vi sinh vật” – một kế hoạch chi tiết ứng phó với tình trạng AMR do WHO phối hợp với Tổ chức lương thực và Nông nghiệp LHQ (FAO) và Tổ chức thú y thế giới (OIE) đưa ra vào năm 2015. Các kế hoạch này giúp hiểu rõ hơn về quy mô của tình trạng kháng thuốc kháng vi sinh vật cũng như ngăn chặn việc lạm dụng thuốc kháng vi sinh vật trong hệ thống chăm sóc sức khỏe con người, sức khỏe động vật và nông nghiệp. Các nhà lãnh đạo thế giới khẳng định tính cấp thiết phải xây dựng hệ thống toàn diện hơn nhằm giám sát tình trạng nhiễm khuẩn kháng thuốc và lượng thuốc kháng vi sinh vật được sử dụng trên người, động vật và nông sản, cũng như đẩy mạnh sự hợp tác và các hoạt động gây quỹ trên toàn cầu.
Các nhà lãnh đạo còn cam kết đẩy mạnh các quy định về sử dụng thuốc kháng vi sinh vật, tăng cường phổ biến kiến thức, nâng cao nhận thức xã hội và tuyên truyền xây dựng các thói quen tốt – cũng như thúc đẩy việc nghiên cứu các loại thuốc thay thế thuốc kháng vi sinh vật và các công nghệ mới trong chẩn đoán và sản xuất vắc xin tiêm phòng.
Tiến sĩ Margaret Chan, Tổng giám đốc WHO phát biểu “Kháng thuốc kháng vi sinh vật đặt ra mối đe dọa đối với sức khỏe, sự phát triển và an toàn của con người. Các cam kết này cần phải biến thành các hành động thực tiễn nhanh chóng, hiệu quả và cần thiết trên các lĩnh vực sức khỏe của con người, động vật và môi trường. Chúng ta không còn nhiều thời gian.”
Các loại bệnh nhiễm khuẩn phổ biến và đe dọa mạng sống con người như viêm phổi, lậu, nhiễm khuẩn hậu phẫu, hay như HIV, lao phổi và sốt rét đang dần trở nên khó điều trị do tình trạng AMR. Nếu không có các biện pháp ứng phó kịp thời, AMR có khả năng gây ra các hậu quả nghiêm trọng về kinh tế, an ninh y tế và xã hội, làm suy yếu nghiêm trọng sự phát triển của các quốc gia.
Trong những năm gần đây, sự gia tăng nghiên trọng của tình trạng kháng thuốc kháng vi sinh trên toàn cầu là hậu quả của việc sử dụng quá mức và không hợp lý các loại thuốc kháng sinh và kháng vi sinh vật ở người, các loại động vật (bao gồm thủy sản nuôi) và nông sản cũng như lan rộng của dư lượng các loại thuốc này trong đất, cây trồng và nước. Với việc tình trạng AMR ngày càng lan rộng, kháng kháng sinh được xem là nguy cơ toàn cầu cấp thiết và quan trọng nhất cần có sự tập trung ứng phó của các quốc gia và thế giới.
Tiến sĩ José Graziano da Silva, Tổng giám đốc FAO cho biết “AMR không chỉ là một vấn đề giới hạn trong khuôn viên bệnh viện mà còn mở rộng ra các nông trại và trong thực phẩm hàng ngày. Ngành nông nghiệp cần chung vai chia sẻ trách nhiệm, bằng cách sử sụng thuốc kháng vi sinh vật một cách có trách nhiệm hơn và hạn chế nhu cầu sử dụng các loại thuốc này, bằng cách giữ vệ sinh nông trại.”
Tiến sĩ Monique Eloit, Tổng Giám đốc OIE nói rằng ” Các loại thuốc kháng sinh có hiệu quả và dễ tiếp cận là rất thiết yếu để bảo vệ sức khỏe và sự an toàn của động vật và thuốc thú y tốt thiết yếu vì chúng bảo vệ cho sức khỏe con người. Chúng tôi kêu gọi các chính quyền quốc gia hỗ trợ mạnh mẽ các ngành có liên quan, thông qua việc thúc đẩy sử dụng thuốc kháng sinh có trách nhiệm và thận trọng, rèn luyện thói quen tốt và triển khai các tiêu chuẩn và hướng dẫn đã được ban hành.”
Tại cuộc họp của Liên Hiệp Quốc, các nhà lãnh đạo thế giới đã kêu gọi WHO, FAO và OIE phối hợp với các ngân hàng lớn như Ngân hàng Thế giới và các đơn vị liên quan khác điều phối chương trình hành động này và báo cáo kết quả cho Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc vào tháng 9/2018.
Các quốc gia kêu gọi sử dụng tốt hơn các công cụ hiệu quả hiện có để ngăn ngừa nhiễm khuẩn ở người và động vật. Chúng bao gồm tiêm chủng, nước sạch và vệ sinh môi trường, vệ sinh tốt trong các bệnh viện, và chăn nuôi gia súc. Cần phải đưa các loại thuốc kháng sinh mới cũng như đã có vào hệ thống theo dõi để đảm bảo việc sử dụng chúng hợp lý hơn.
Ngoài ra, các quốc gia nhấn mạnh sự thất bại của thị trường và kêu gọi phải có sự ưu đãi mới cho việc đầu tư vào nghiên cứu và phát triển các loại thuốc mới, hiệu quả và giá cả phải chăng, xét nghiệm chẩn đoán nhanh chóng, và các liệu pháp quan trọng khác để thay thế cho các thuốc và phương pháp đang mất đi tác dụng.
Họ nhấn mạnh rằng khả năng chi trả và tiếp cận các loại thuốc kháng sinh, vắc xin và công cụ y học mới và hiện có phải là một ưu tiên toàn cầu và phải trở thành nhu cầu của tất cả các quốc gia.
Nguồn: www.who.int
Người dịch: Trần Quang Tiến
|
|
|