fbpx
Điểm tin y tếTin nổi bậtTin tức - Sự kiện

Các yếu tố liên quan đến khí hậu làm tăng tỷ lệ mắc ung thư da

Theo một đánh giá phạm vi được công bố trên tạp chí Public Health, bức xạ tia cực tím (UV), nghề nghiệp, nhiệt độ tăng cao, thói quen cá nhân và ô nhiễm không khí đều là những yếu tố liên quan đến khí hậu có thể làm tăng tỷ lệ mắc bệnh ung thư da.

Đánh giá này nhằm tổng hợp những nghiên cứu đã công bố về mối quan hệ giữa biến đổi khí hậu và ung thư da, cũng như những tác động đối với việc phòng ngừa, quản lý và nghiên cứu trong tương lai.

Biến đổi khí hậu được dự đoán sẽ có tác động xấu đến sức khỏe con người, bao gồm cả ung thư da. Đây là loại ung thư phổ biến thứ năm trên toàn thế giới, trong đó Úc có tỷ lệ mắc cao nhất và u ác tính là loại ung thư phổ biến nhất ở những người từ 20 đến 29 tuổi. Theo Cơ quan Nghiên cứu Ung thư Quốc tế của Tổ chức Y tế Thế giới, có hơn 1,5 triệu ca ung thư da mới trên toàn thế giới vào năm 2022. Trong đó, 333.000 ca là u ác tính-và gần 60.000 người đã chết vì căn bệnh này. Tuy nhiên, vẫn chưa có đánh giá phạm vi hoặc hệ thống về mối quan hệ giữa biến đổi khí hậu và ung thư da.

Các tác giả xác định rằng nghiên cứu trong tương lai nên ưu tiên tập trung vào mối quan hệ giữa biến đổi khí hậu và ung thư da, bao gồm các nghiên cứu và đánh giá dịch tễ học cơ bản.

Các nhà nghiên cứu đã xem xét các ấn phẩm được xuất bản bằng tiếng Anh trên các hệ thống dữ liệu như MEDLINE, Embase, CINAHL, Web of Science và Scopus vào ngày 14 tháng 4 năm 2023. Các bài báo được sàng lọc bởi 2 nhà đánh giá độc lập, 1 người trích xuất dữ liệu và người còn lại kiểm tra.

Trong số 1376 ấn phẩm được chọn, 45 ấn phẩm đã được đưa vào phân tích bao gồm 9 bài nghiên cứu sơ cấp và 36 bài nghiên cứu thứ cấp. Trong số 36 bài nghiên cứu thứ cấp, có14 bài đánh giá, 7 bài chia sẻ quan điểm, 2 bài bình luận, 2 bài xã luận, 1 đánh giá ngắn gọn, 1 tiểu luận và 9 tài liệu chưa được phân loại. Tất cả các ấn phẩm đều được xuất bản từ năm 2002 đến năm 2023. Các ấn phẩm chính đến từ Úc, Bỉ, Cộng hòa Séc, Anh, New Zealand, Na Uy, Ba Lan, Vương quốc Anh, Mỹ và Nam Phi.

38 nghiên cứu, bao gồm 8 nghiên cứu sơ cấp và 30 nghiên cứu thứ cấp, đã phân tích các sắc thái của tiếp xúc với tia cực tím trong việc gây ra ung thư da, bao gồm sự khác biệt về ung thư tế bào sừng và cấu trúc phơi nhiễm của khối u ác tính. Hai nghiên cứu nhấn mạnh hướng dẫn y tế công cộng về mức độ tia cực tím.

Mặc dù không có bất kì nghiên cứu cơ bản nào đề cập đến vai trò của yếu tố nghề nghiệp, nông thôn hoặc bối cảnh đối với nguy cơ ung thư da, nhưng có 11 nghiên cứu thứ cấp đã làm điều này. Một trong số đó nhấn mạnh nguy cơ mắc bệnh ung thư da ở những người làm việc ngoài trời dựa trên các nghiên cứu dịch tễ học và đánh giá hệ thống. Một nghiên cứu khác lưu ý rằng những người lao động thu nhập thấp có xu hướng làm việc ngoài trời và điều kiện kinh tế xã hội thấp có liên quan tình trạng tăng khối u ác tính và phát hiện muộn.

Hai nghiên cứu sơ cấp và 19 nghiên cứu thứ cấp đã chỉ ra mối liên hệ giữa nhiệt độ môi trường, biến đổi khí hậu và tỷ lệ ung thư da, trong đó có 1 bài báo thiết lập mối liên hệ giữa nhiệt độ tăng và tỷ lệ ung thư tế bào sừng và 2 bài đánh giá bày tỏ sự không chắc chắn về mối quan hệ này.

Có 4 nghiên cứu sơ cấp và 26 nghiên cứu thứ cấp về sự ảnh hưởng của nhiệt độ tăng lên đến các hành vi liên quan đến nguy cơ ung thư da, hé lộ một mô hình phức tạp và đa dạng trong đó mức độ tiếp xúc với tia cực tím có thể tăng ở một số vị trí nhất định khi nhiệt độ tăng, nhưng các cá nhân cũng có thể giảm hành vi tiếp xúc với ánh nắng mặt trời trong thời kỳ nhiệt độ tăng cao.

Ba tài liệu nghiên cứu sơ cấp và 5 thứ cấp phân tích khả năng phòng ngừa ung thư da và tiếp cận chăm sóc sức khỏe trong bối cảnh biến đổi khí hậu và các thách thức về sức khỏe nông thôn, nhấn mạnh nhu cầu nâng cao nhận thức về sức khỏe cộng đồng và các biện pháp can thiệp có mục tiêu cho những nhóm dân cư có nguy cơ cao, đặc biệt là trong bối cảnh kinh tế xã hội thấp hơn phải đối mặt với nguy cơ di dời hàng loạt do sự thay đổi khí hậu.

Không có nghiên cứu cơ bản nào xem xét mối liên hệ giữa ô nhiễm không khí với tỷ lệ ung thư da ngày càng tăng, nhưng 5 nghiên cứu thứ cấp đã cho thấy ô nhiễm không khí là yếu tố tiềm ẩn gây ung thư da dựa trên các nghiên cứu dịch tễ học và đoàn hệ.

Đánh giá này có một số hạn chế, bao gồm việc nó chỉ tập trung vào nghiên cứu trên con người, những thách thức xung quanh việc ngoại suy nghiên cứu về ô nhiễm nhiệt hoặc không khí đối với sức khỏe con người bên ngoài bối cảnh biến đổi khí hậu. Các tác giả cũng lưu ý những lỗ hổng trong nghiên cứu về các yếu tố này ở vùng nông thôn, cũng như mức độ các yếu tố xã hội quyết định sức khỏe khác có thể tác động đến tỷ lệ ung thư da.

Các tác giả kết luận: “Các ưu tiên cho nghiên cứu sâu hơn về mối quan hệ giữa biến đổi khí hậu và ung thư da nên bao gồm nghiên cứu dịch tễ học cơ bản và các đánh giá tuân thủ các hướng dẫn đánh giá được quốc tế công nhận, cũng như bao gồm đánh giá về vai trò của dịch vụ y tế và các yếu tố xã hội quyết định trong mối quan hệ tương quan này.”

Người dịch: Hồ Thu Linh

Nguồn: https://www.dermatologytimes.com

Show More

Related Articles

Back to top button