fbpx
Chuyên đề KCBDa liễu chuyên sâuTin nổi bật

CẬP NHẬT PHÁC ĐỒ ĐIỀU TRỊ BỆNH LẬU THEO CDC 2021

                                   Ts.Bs.Nguyễn Thế Toàn

Tại Hoa Kỳ, ước tính có khoảng 1.568.000 người mới nhiễm Neisseria gonorrhoeae (lậu) xảy ra mỗi năm và bệnh lậu là loại vi khuẩn được báo cáo phổ biến thứ hai sau bệnh truyền nhiễm. Nhiễm trùng niệu đạo do Neisseria gonorrhoeae (lậu) có thể gây ra các triệu chứng ở nam giới nên họ phải tìm cách điều trị sớm đủ để ngăn ngừa di chứng, nhưng thường không đủ sớm để ngăn chặn sự lây truyền cho người khác. Ở phụ nữ, nhiễm trùng lậu cầu thường gặp không có triệu chứng hoặc có thể không tạo ra các triệu chứng dễ nhận biết cho đến khi xảy ra các biến chứng (ví dụ: PID- Pelvic Inflammatory Disease: Bệnh viêm vùng chậu). Bệnh viêm vùng chậu có thể dẫn đến sẹo ống dẫn trứng có thể dẫn đến vô sinh hoặc mang thai ngoài tử cung.

I. NHIỄM LẬU CẦU Ở THANH THIẾU NIÊN VÀ NGƯỜI LỚN

Điều trị nhiễm lậu cầu không biến chứng cổ tử cung, niệu đạo hoặc trực tràng

Phác đồ khuyến cáo điều trị bệnh lậu không biến chứng cổ tử cung, niệu đạo hoặc trực tràng ở người lớn và thanh niên thiếu niên

  • Ceftriaxone 500 mg tiêm bắp liều duy nhất với người < 150 kg. Nếu người > 150 kg Ceftriaxone 1g tiêm bắp liều duy nhất
  • Nếu chưa loại trừ nhiễm chlamydia, điều trị chlamydia bằng doxycycline 100 mg uống 2 lần/ngày x 7 ngày.

Phác đồ thay thế nếu không có Ceftriaxone hoặc dị ứng với Ceftriaxone

  • Gentamicin 240 mg tiêm bắp liều duy nhất thêm Azithromycin 2g uống liều duy nhất

Hoặc

  • Cefixime 800 mg uống một liều duy nhất
  • Nếu chưa loại trừ nhiễm chlamydia, điều trị chlamydia bằng doxycycline 100 mg uống 2 lần/ngày x 7 ngày

Điều trị nhiễm lậu cầu không biến chứng hầu họng

Phác đồ khuyến cáo điều trị bệnh lậu không biến chứng hầu họng ở người lớn và thanh niên thiếu niên

-Ceftriaxone 500 mg tiêm bắp liều duy nhất với người < 150 kg. Nếu người > 150 kg  Ceftriaxone 1g tiêm bắp liều duy nhất.

Nếu có nhiễm chlamydia ở hầu họng thì điều trị:  doxycycline 100 mg uống 2 lần/ngày x 7 ngày.

Đối với nhiễm lậu cầu không biến chứng hầu họng không có phác đồ điều trị thay thế đáng tin cậy nào khi bị dị ứng với cetriaxone. Đối với những người bị sốc phản vệ hoặc phản ứng nghiêm trọng khác (ví dụ: hội chứng Stevens Johnson) với ceftriaxone, hãy tham khảo ý kiến ​​bác sĩ chuyên khoa về bệnh truyền nhiễm để có khuyến cáo điều trị thay thế.

Quản lý người bệnh

          Để tối đa hóa việc tuân thủ các phác đồ điều trị được khuyến cáo và giảm các biến chứng cũng như lây truyền, thuốc điều trị nhiễm lậu cầu phải được cung cấp tại chỗ và được quan sát trực tiếp bỡi nhân viên y tế. Nếu không có thuốc khi chỉ định điều trị, cần cung cấp địa chỉ liên kết với cơ sở điều trị các bệnh lây qua đường tình dục để điều trị trong cùng ngày. Để giảm thiểu lây truyền bệnh, những người đang điều trị bệnh lậu nên được hướng dẫn kiêng quan hệ tình dục trong 7 ngày sau khi điều trị và cho đến khi tất cả bạn tình được điều trị (7 ngày sau khi được điều trị và giải quyết các triệu chứng, nếu có). Tất cả những người được chẩn đoán mắc bệnh lậu nên được xét nghiệm các bệnh lây truyền qua đường tình dục khác, bao gồm: chlamydia, giang mai và HIV. Những người có kết quả xét nghiệm HIV âm tính nên được cung cấp thuốc dự phòng trước lây nhiễm HIV (PrEP: Pre-Exposure Prophylaxis).

Theo dõi

          Xét nghiệm lại sau khi hoàn thành phác đồ điều trị là không cần thiết đối với những người được chẩn đoán bệnh lậu niệu sinh dục hoặc trực tràng không biến chứng được điều trị bằng bất kỳ phác đồ được khuyến cáo hoặc thay thế nào. Bất kỳ người nào mắc bệnh lậu hầu họng nên quay lại 7–14 ngày sau lần điều trị ban đầu để kiểm tra khả năng khỏi bệnh bằng phương pháp nuôi cấy hoặc xét nghiệm sinh học phân tử bằng xét nghiệm khuyết đại axit nucleic (NAAT: Nucleic acid amplification tests); tuy nhiên, xét nghiệm sau 7 ngày có thể làm tăng khả năng xét nghiệm dương tính giả. Nếu NAAT dương tính, thì thực hiện nuôi cấy khẳng định trước khi điều trị lại, đặc biệt nếu mẫu cấy chưa được thu thập. Tất cả các mẫu cấy dương tính được làm kháng sinh đồ. Các triệu chứng vẫn tồn tại sau khi điều trị nên làm xét nghiệm lại bằng phương pháp nuôi cấy lậu cầu (đồng thời có hoặc không có làm xét nghiệm NAAT) và làm kháng sinh đồ để đánh giá độ nhạy của kháng sinh. Viêm niệu đạo dai dẳng, viêm cổ tử cung hoặc viêm trực tràng cũng có thể do các sinh vật khác gây ra. Tỷ lệ nhiễm lậu cầu cao thường  thấy ở nam giới và phụ nữ trước đây đã được điều trị bệnh lậu. Phần lớn các trường hợp nhiễm trùng này là do tái nhiễm của bạn tình không được điều trị hoặc bắt đầu quan hệ với bạn tình mới bị nhiễm bệnh, do đó cần phải điều trị cho bệnh nhân và đồng thời điều trị cả cho bạn tình. Nam giới hoặc phụ nữ đã được điều trị bệnh lậu nên được xét nghiệm lại 3 tháng sau khi điều trị bất kể họ có tin rằng bạn tình của mình đã được điều trị hay không; Khuyến khích lên lịch tái khám tại thời điểm điều trị. Nếu không thể xét nghiệm lại sau 3 tháng, bác sĩ lâm sàng nên xét nghiệm lại bất cứ khi nào bệnh nhân tìm kiếm sự chăm sóc y tế lần tiếp theo <12 tháng sau lần điều trị ban đầu.

Quản lý bạn tình

Bạn tình gần đây (tức là những người có quan hệ tình dục với bệnh nhân bị nhiễm bệnh <60 ngày trước khi xuất hiện triệu chứng hoặc chẩn đoán bệnh lậu) nên được đưa đến khám, xét nghiệm và điều trị. Nếu lần quan hệ tình dục gần đây nhất của bệnh nhân có nguy cơ tiềm ẩn là > 60 ngày trước khi xuất hiện các triệu chứng hoặc chẩn đoán là bệnh lậu, thì bạn tình gần đây nhất nên được điều trị.

Nếu ở các sở y tế hoặc trung tâm kiểm soát bệnh tật không có cán bộ chuyên khoa da liễu hay truyền nhiễm khám, điều trị, quản lý các bệnh lây qua đường tình dục và quản lý bạn tình của bệnh nhân bị các bệnh lây qua đường tình dục; trong đó có bệnh lậu, thì bạn tình có thể đến nhà thuốc mua thuốc để điều trị, nếu pháp luật cho phép. Khuyến cáo điều trị bạn tình cefixime 800 mg liều duy nhất, nếu đã loại trừ nhiễm chlamydia đồng thời với lậu. Nếu xét nghiệm chlamydia chưa có, thì bạn tình điều trị cefixime 800 mg uống liều duy nhất và thêm doxycycline 100 mg uống 2 lần/ngày x 7 ngày.

Nghi ngờ điều trị bệnh lậu bằng nhóm Cephalosporin (cetriaxon)  thất bại

          Điều trị bệnh lậu bằng nhóm cephalosporin thất bại là bệnh nhân tuân thủ phác đồ điều trị theo khuyến cáo nhưng sau điều trị thì các triệu chứng lâm sàng vẫn tồn tại và xét nghiệm lại vẫn dương tính với lậu cầu khuẩn. Như vậy thất bại trong điều trị là dấu hiệu kháng thuốc cephalosporin mặc dù bệnh nhân và bạn tình đã điều trị, với các nguy cơ tái nhiễm thấp.

          Điều trị thất bại được xem là triệu chứng lâm sàng bệnh nhân không thuyên giảm trong vòng 3-5 ngày sau khi tuân thủ phác đồ điều trị theo khuyến cáo, không có quan hệ tình dục trong thời gian theo dõi sau điều trị và xét nghiệm kiểm tra lại sau điều trị dương tính lậu cầu khuẩn (nghĩa là nuôi cấy (+) > 72h hoặc (+) với NAAT > 7 ngày sau điều trị theo phác đồ khuyến cáo) và không có quan hệ tình dục trong thời gian theo dõi sau điều trị. Thất bại điều trị cũng được xem là kết quả nuôi cấy dương tính sau điều trị và kháng sinh đồ giảm độ nhạy hoặc kháng với nhóm cephalosporin bất kể có quan hệ tình dục trong thời gian theo dõi sau điều trị hay không.

          Những bệnh nhân nghi ngờ điều trị thất bại trước tiên nên được điều trị lại thường xuyên với phác đồ ban đầu được sử dụng (ceftriaxone 500 mg tiêm bắp), cộng thêm doxycycline nếu có nhiễm chlamydia, vì thực tế khả năng tái nhiễm cao hơn thất bại điều trị. Tuy nhiên, trong những tình huống có khả năng thất bại điều trị cao hơn tái nhiễm, cần lấy mẫu bệnh phẩm phù hợp để nuôi cấy (tốt nhất là xét nghiệm đồng thời với xét nghiệm NAAT) và làm kháng sinh đồ trước khi tái điều trị. Có thể xem xét điều trị kép với liều duy nhất Gentamicin tiêm bắp 240 mg cộng với Azithromycin 2 g đường uống, đặc biệt khi các chủng phân lập được xác định là có MIC cephalosporin tăng cao. Những người nghi ngờ điều trị thất bại sau khi điều trị bằng phác đồ thay thế (cefixime hoặc gentamicin) nên được điều trị bằng ceftriaxone 500 mg tiêm bắp liều duy nhất hoặc liều duy nhất có hoặc không có thuốc điều trị chlamydia tùy theo tình trạng có  nhiễm hay không nhiễm chlamydia. Sau điều trị lại 7-14 ngày theo phác đồ khuyến cáo nên đánh giá lại tình trạng lâm sàng và kiểm tra lại xét nghiệm bằng phương pháp nuôi cấy; tốt nhất là kết hợp với NAAT và  đồng thời làm kháng sinh đồ. Các bác sĩ lâm sàng nên đảm bảo rằng bạn tình của bệnh nhân trong 60 ngày trước đó được đánh giá kịp thời bằng nuôi cấy và điều trị giả định bằng cách sử dụng cùng một phác đồ đã sử dụng. cho các bệnh nhân. Những người nghi ngờ điều trị thất bại sau khi điều trị bằng phác đồ thay thế (cefixime hoặc gentamicin) nên được điều trị bằng ceftriaxone 500 mg tiêm bắp liều duy nhất hoặc liều duy nhất có hoặc không có thuốc kháng chlamydia tùy theo tình trạng có  nhiễm hay không nhiễm chlamydia. Nên đánh giá lại tình trạng lâm sàng và xét nghiệm sau khi điều trị lại 7–14 ngày; nuôi cấy là xét nghiệm được khuyến cáo, tốt nhất là kết hợp đồng thời với xét nghiệm NAAT và làm kháng sinh đồ đánh giá độ nhạy của kháng sinh đối vi khuẩn lậu. Các bác sĩ lâm sàng nên đảm bảo bạn tình của bệnh nhân trong 60 ngày trước đó được khám, đánh giá kịp thời bằng xét nghiệm nuôi cấy và đã điều trị trước đó cùng một phác đồ đã sử dụng cho bệnh nhân.

Những lưu ý đặc biệt

  • Dị ứng thuốc, không dung nạp và phản ứng có hại.

          Nguy cơ phản ứng dị ứng chéo của kháng sinh nhóm penicillin với cephalosporin thế hệ thứ nhất là cao nhất nhưng hiếm gặp (<1%) với cephalosporin thế hệ thứ ba (ví dụ ceftriaxone và cefixime). Trước tiên, các bác sĩ lâm sàng nên đánh giá kỹ lưỡng tiền sử dị ứng của bệnh nhân, bao gồm loại phản ứng, các loại thuốc liên quan và hồ sơ kê đơn trước đó. Nếu nghi ngờ dị ứng penicillin qua trung gian IgE hay còn gọi là quá mẫn Typ I (sốc phản vệ) , có thể điều trị kép bằng liều đơn Gentamicin tiêm bắp 240 mg cộng với Azithromycin đường uống 2 g. Nếu bệnh nhân không có triệu chứng và cơ sở điều trị có thể thực hiện xét nghiệm gyrase A (gyrA) (Xét nghiệm sinh học phân tử phát hiện gen đột biến gyrase A)  để xác định độ nhạy của ciprofloxacin, có thể dùng ciprofloxacin 500 mg uống một liều duy nhất.

  • Phụ nữ có thai.

          Phụ nữ mang thai bị nhiễm lậu cầu nên được điều trị bằng ceftriaxone 500 mg một liều tiêm bắp duy nhất cộng với điều trị bệnh chlamydia nếu chưa loại trừ được nhiễm chlamydia. Khi dị ứng cephalosporin hoặc các cân nhắc khác ngăn cản việc điều trị bằng phác đồ này, nên tham khảo ý kiến ​​của chuyên gia về bệnh truyền nhiễm hoặc chuyên gia lâm sàng về các bệnh lây qua đường tình dục. Sử dụng Gentamicin nên thận trọng trong thời kỳ mang thai vì nguy cơ dị tật bẩm sinh ở trẻ sơ sinh, độc tính trên thận hoặc độc tính trên tai.

  • Nhiễm HIV

          Những người mắc bệnh lậu và nhiễm HIV nên được điều trị giống như những người không nhiễm HIV.

Viêm kết mạc do lậu

          Phác đồ khuyến cáo điều trị viêm kết mạc mắt do lậu ở người lớn và thanh niên thiếu niên

Ceftriaxone 1g tiêm bắp liều duy nhất. Rửa mắt bị nhiễm trùng bằng dung dịch nước muối

Nhiễm lậu cầu lan toả

          Nhiễm lậu cầu lan tỏa (DGI: Disseminated gonococcal infection) còn được gọi là hội chứng viêm khớp-viêm da, phản ánh tình trạng nhiễm trùng máu và thường biểu hiện với sốt, đau khi di chuyển hoặc sưng khớp (viêm đa khớp). Tổn thương da: dát sẩn, mụn mủ, xuất huyết, hoại tử  hoặc mụn nước thường ở thân mình, tay chân, lòng bàn tay, bàn chân, có thể ở mặt.  Có thể có các tổn thương  hồng ban nút, nổi mày đay và hồng ban đa dạng nhưng ít gặp. Các tổn thương khác gồm có: viêm đa khớp di chuyển, viêm khớp nhiễm khuẩn, viêm gân, viêm bao hoạt hoạt dịch, viêm nội tâm mạc và viêm màng não. Ngoài ra, một số tiến triển nguy hiểm của nhiễm lậu cầu lan toả có thể kể đến như:

-Viêm gan quanh cấp tính: Viêm quanh gan cấp tính (hội chứng Fitz-Hugh-Curtis) cũng có nguy cơ xảy ra do lây lay vi khuẩn trực từ từ ống dẫn trứng đến bao gan và phúc mạc phía trên. Triệu chứng gặp phải là đau hạ sườn phải, buồn nôn, nôn và sốt.

-Nhiễm lậu tuyến Bartholin (các tuyến gần môi âm hộ): ⅓ trường hợp gặp tình trạng này không có triệu chứng. Một số ít dấu hiệu được ghi nhận là đau, phù nề và tiết dịch.

– Nhiễm trùng trực tràng: Tình trạng này cũng thường không có triệu chứng, một số ít trường hợp nhận thấy đau trực tràng, ngứa, mót rặn, tiêu chảy và tiết dịch bất thường. Nhiễm trùng trực tràng xảy ra phổ biến ở nữ giới quan hệ tình dục bằng đường hậu môn.

Điều trị viêm khớp và hội chứng viêm khớp-viêm da

Phác đồ khuyến cáo điều trị bệnh viêm khớp liên quan đến lậu cầu và hội chứng viêm khớp-viêm da

  • Ceftriaxone 1 g tiêm bắp hoặc tiêm tĩnh mạch/ 24h

Nếu nhiễm chlamydia chưa loại trừ, bệnh nhân nên điều trị chlamydia bằng doxycycline 100 mg uống 2 lần/ngày x 7 ngày.

Phác đồ thay thế

          -Cefotaxime 1g iêm tĩnh mạch/ 8h hoặc hoặc Ceftizoxime 1g/ 8h

Nếu nhiễm chlamydia chưa được loại trừ, bệnh nhân nên điều trị chlamydia bằng doxycycline 100 mg uống 2 lần/ngày x7 ngày.

Điều trị viêm màng não và viêm nội tâm mạc do lậu cầu

Phác đồ khuyến cáo điều trị viêm màng não và viêm nội tâm mạc do lậu cầu

  • Ceftriaxone 1–2 g tiêm tĩnh mạch/ 24h

Nếu nhiễm chlamydia chưa được loại trừ, bệnh nhân nên điều trị chlamydia bằng doxycycline 100 mg uống 2 lần/ngày x7 ngày.

­­II. NHIỄM LẬU CẦU Ở TRẺ SƠ SINH

          Sàng lọc trước sinh và điều trị bệnh lậu cho phụ nữ mang thai là phương pháp tốt nhất để ngăn ngừa nhiễm lậu cầu ở trẻ sơ sinh. Nhiễm lậu cầu ở trẻ sơ sinh là do tiếp xúc chu sinh với cổ tử cung bị nhiễm bệnh của người mẹ. Đây thường là một bệnh cấp tính biểu hiện 2-5 ngày sau khi sinh. Tỷ lệ nhiễm bệnh ở trẻ sơ sinh phụ thuộc vào tỷ lệ nhiễm bệnh ở phụ nữ mang thai và liệu phụ nữ mang thai có được sàng lọc và điều trị bệnh lậu trong thai kỳ hay không. Biểu hiện nghiêm trọng nhất của nhiễm lậu cầu ở trẻ sơ sinh là viêm mắt trẻ sơ sinh và nhiễm trùng huyết, có thể bao gồm viêm khớp và viêm màng não. Các biểu hiện ít nghiêm trọng hơn bao gồm viêm mũi, viêm âm đạo, viêm niệu đạo và nhiễm trùng da đầu tại các vị trí theo dõi thai nhi trước đó.

Ngăn ngừa bệnh nhãn khoa ở trẻ sơ sinh do lậu cầu

Phác đồ khuyến cáo ngăn ngừa bệnh nhãn khoa ở trẻ sơ sinh do lậu cầu

          -Erythromycin 0,5% (mỡ) tra mỗi mắt /1 lần khi sinh

Điều trị bệnh lậu cầu mắt ở trẻ sơ sinh

Phác đồ khuyến cáo điều trị bệnh lậu cầu mắt ở trẻ sơ sinh

          – Ceftriaxone 25–50 mg/kg trọng lượng cơ thể tiêm tĩnh mạch hoặc tiêm bắp liều duy nhất, không vượt quá 250 mg

          Ceftriaxone điều trị thích hợp cho bệnh viêm mắt do lậu cầu. Ceftriaxone sử dụng thận trọng ở trẻ sơ sinh bị tăng bilirubin máu, đặc biệt là trẻ sinh non. Cefotaxime 100 mg/kg trọng lượng cơ thể tiêm tĩnh mạch hoặc tiêm bắp một liều duy nhất có thể được dùng cho những trẻ sơ sinh mà không thể dùng ceftriaxone và do sử dụng đồng thời canxi tiêm tĩnh mạch.

Quản lý người bệnh

          Xét nghiệm Chlamydia nên được thực hiện đồng thời từ mẫu mí mắt. Trẻ sơ sinh mắc bệnh viêm mắt do lậu cầu cần được đánh giá các dấu hiệu nhiễm trùng lan tỏa (ví dụ: nhiễm trùng huyết, viêm khớp và viêm màng não). Trẻ sơ sinh mắc bệnh viêm mắt do lậu cầu cần được điều trị với sự tư vấn của bác sĩ chuyên khoa về bệnh truyền nhiễm.

Quản lý bà mẹ và bạn tình của mẹ

          Bà mẹ có con sơ sinh mắc bệnh viêm mắt sơ sinh do lậu cầu cần được đánh giá, xét nghiệm và điều trị giả định (Điều trị giả định: còn được gọi là điều trị theo kinh nghiệm chỉ dựa trên nghi ngờ lâm sàng và dựa vào đánh giá lâm sàng) bệnh lậu cùng với bạn tình của mẹ.

Nhiễm lậu cầu lan tỏa và áp xe da đầu do lậu cầu ở trẻ sơ sinh

Phác đồ khuyến cáo cho bệnh nhiễm lậu cầu lan toả ở trẻ sơ sinh

  • Ceftriaxone 25–50 mg/kg thể trọng/ngày tiêm tĩnh mạch hoặc tiêm bắp với liều duy nhất/ ngày x 7 ngày, kéo dài 10–14 ngày nếu có bằng chứng viêm màng não
  • Hoặc
  • Cefotaxime 25 mg/kg thể trọng/ngày IV hoặc IM mỗi 12 giờ cho 7 ngày, kéo dài 10–14 ngày nếu có bằng chứng viêm màng não

Trẻ sơ sinh có mẹ bị nhiễm lậu cầu

Trẻ sơ sinh có mẹ mắc bệnh lậu không được điều trị có nguy cơ nhiễm trùng cao. Trẻ sơ sinh nên được xét nghiệm bệnh lậu tại các vị trí tiếp xúc (ví dụ: kết mạc, âm đạo, trực tràng và hầu họng) và nghi ngờ điều trị bệnh lậu.

Điều trị khi không có dấu hiệu nhiễm lậu cầu

Phác đồ khuyến cáo cho trẻ sơ sinh không có dấu hiệu nhiễm lậu cầu

  • Ceftriaxone 20–50 mg/kg thể trọng tiêm tĩnh mạch hoặc tiêm bắp một liều duy nhất, không vượt quá 250 mg

III. NHIỄM LẬU CẦU Ở TRẺ NHỎ (NHŨ NHI) VÀ TRẺ EM

Phác đồ khuyến cáo điều trị viêm âm đạo do lậu cầu không biến chứng, viêm cổ tử cung, viêm niệu đạo, viêm họng hoặc viêm trực tràng ở trẻ nhỏ và trẻ em có cân nặng 45≤ kg

  • Ceftriaxone 25–50 mg/kg trọng lượng cơ thể tiêm tĩnh mạch hoặc tiêm bắp một liều duy nhất, không vượt quá 250 mg tiêm bắp.

Phác đồ khuyến cáo điều trị viêm âm đạo do lậu cầu không biến chứng, viêm cổ tử cung, viêm niệu đạo, viêm họng hoặc viêm trực tràng ở trẻ nhỏ và trẻ em có cân nặng 45> kg

  • Điều trị phác đồ khuyến cáo như người lớn:

-Ceftriaxone 500 mg tiêm bắp liều duy nhất với người < 150 kg. Nếu người > 150 kg  Ceftriaxone 1g tiêm bắp liều duy nhất

-Nếu chưa loại trừ nhiễm chlamydia, điều trị chlamydia bằng doxycycline 100 mg uống 2 lần/ngày x 7 ngày.

Phác đồ thay thế nếu không có Ceftriaxone hoặc dị ứng với Ceftriaxone

-Gentamicin 240 mg tiêm bắp liều duy nhất thêm Azithromycin 2g uống liều duy nhất

Hoặc

-Cefixime 800 mg uống một liều duy nhất

-Nếu chưa loại trừ nhiễm chlamydia, điều trị chlamydia bằng doxycycline 100 mg uống 2 lần/ngày x 7 ngày

Phác đồ khuyến cáo điều trị nhiễm khuẩn huyết hoặc viêm khớp ở trẻ có cân nặng ≤45 kg

  • Ceftriaxone 50mg/kg (liều tối đa:2g) IM hoặc IV với liều duy nhất 24h mỗi ngày x 7 ngày.

Phác đồ khuyến cáo điều trị nhiễm khuẩn huyết hoặc viêm khớp ở trẻ có cân nặng >45 kg

  • Ceftriaxone 1 g tiêm bắp hoặc tiêm tĩnh mạch liều duy nhất 24h mỗi ngày x 7 ngày

Quản lý

Tất cả trẻ em được xác định là mắc bệnh lậu cầu nên được xét nghiệm C. trachomatis, giang mai và HIV

TÀI LIỆU THAM KHẢO

1.Workowski KA, Bolan GA; CDC. Sexually transmitted diseases treatment  guidelines, 2021. MMWR Recomm Rep 2021;70 (No. RR-3). PMID: 34292926

2.Workowski KA, Bolan GA; CDC. Sexually transmitted diseases treatment  guidelines, 2015. MMWR Recomm Rep 2015;64(No. RR-3). PMID:26042815

  1. Barrow RY, Ahmed F, Bolan GA, Workowski KA. Recommendations for providing quality sexually transmitted diseases clinical services, 2020. MMWR Recomm Rep 2020;68(No. RR-5). PMID:31899459.
  2. CDC. A guide to taking a sexual history. Atlanta, GA: US Department of Health and Human Services, CDC. https://www.cdc.gov/std/ treatment/sexualhistory.pdf
  3. Henderson JT, Senger CA, Henninger M, Bean SI, Redmond N, O’Connor EA. Behavioral counseling interventions to prevent sexually transmitted infections: updated evidence report and systematic review for the US Preventive Services Task Force. JAMA 2020;324:682–99. PMID:32809007 https://doi.org/10.1001/jama.2020.10371
  4. Kamb ML, Fishbein M, Douglas JM Jr, et al.; Project RESPECT Study Group. Efficacy of risk-reduction counseling to prevent human immunodeficiency virus and sexually transmitted diseases: a randomized controlled trial. JAMA 1998;280:1161–7. PMID:9777816 https://doi. org/10.1001/jama.280.13.1161
  5. Metsch LR, Feaster DJ, Gooden L, et al. Effect of risk-reduction counseling with rapid HIV testing on risk of acquiring sexually transmitted infections: the AWARE randomized clinical trial. JAMA 2013;310:1701–10. PMID:24150466 https://doi.org/10.1001/ jama.2013.280034
  6. Brookmeyer KA, Hogben M, Kinsey J. The role of behavioral counseling in sexually transmitted disease prevention program settings. Sex Transm Dis 2016;43(Suppl 1):S102–12. PMID:26779681 https://doi. org/10.1097/OLQ.0000000000000327
  7. Patel P, Bush T, Mayer K, et al.; SUN Study Investigators. Routine brief risk-reduction counseling with biannual STD testing reduces STD incidence among HIV-infected men who have sex with men in care. Sex Transm Dis 2012;39:470–4. PMID:22592834 https://doi.org/10.1097/ OLQ.0b013e31824b3110

10. Warner L, Klausner JD, Rietmeijer CA, et al.; Safe in the City Study Group. Effect of a brief video intervention on incident infection among patients attending sexually transmitted disease clinics. PLoS Med 2008;5:e135. PMID:18578564 https://doi.org/10.1371/journal. pmed.0050135

Show More

Related Articles

Back to top button