fbpx
Đa khoa phổ cậpTin nổi bật

CẬP NHẬT TIÊM CHỦNG CÚM MÙA (INFLUENZA) 2019-2020

Ths.Bs. Lê Thị Huệ

1. Cúm là gì?

Cúm là một bệnh lý truyền nhiễm đường hô hấp gây ra bởi virus Cúm. Có hai loại vi-rút cúm (cúm) chính: Loại A và B. Vi-rút cúm A và B thường lây lan ở người (vi-rút cúm ở người) là nguyên nhân gây ra dịch cúm theo mùa mỗi năm.

2. Triệu chứng Cúm?

Bệnh cúm thường bị nhầm lẫn với bệnh cảm thông thường nhưng các triệu chứng của cúm thường có chiều hướng phát triển nhanh (thường 1-4 ngày sau khi bệnh nhân nhiễm phải virus cúm) và thường nghiêm trọng hơn so với triệu chứng hắt hơi và nghẹt mũi đặc trưng của bệnh cảm.
Các triệu chứng của cúm có thể gồm:
• Sốt hoặc cảm thấy sốt /ớn lạnh. Điều cần lưu ý là không phải ai bị Cúm cũng sẽ bị sốt
• Ho
• Viêm họng
• Chảy nước mũi hoặc nghẹt mũi
• Đau cơ hoặc cơ thể
• Đau đầu
• Mệt mỏi toàn thân
• Có thể nôn mửa và tiêu chảy, hay gặp ở trẻ em hơn người lớn

3. Đối tượng nguy cơ cao mắc Cúm:

• Phụ nữ có thai (quan trọng nhất)
• Trẻ em dưới 5 tuổi (đặc biệt 6 tháng – 23 tháng)
• Người già
• Người có bệnh lý đính kèm: Bệnh phổi mãn tính (Hen, COPD), bệnh tim mạch, bệnh chuyển hoá mãn tính như đái tháo đường, suy giảm miễn dịch do điều trị hoặc do mắc bệnh (HIV), bệnh suy thận mãn.

4. Những người nên được tiêm chủng cúm mùa 2019-2020

Bất cứ người nào cũng có thể bị cúm, kể cả người khỏe mạnh. Cúm có thể gây biến chứng ở bất kỳ độ tuổi nào. Tuy nhiên, một số người có nguy cơ cao có diễn tiến nguy hiểm và phức tạp khi họ bị cúm. Hầu hết bệnh nhân bị cúm sẽ hồi phục sau vài ngày và ít hơn 2 tuần. Nhưng một số người sẽ diễn tiến nặng (ví dụ viêm phổi), một số khác có thể bị ảnh hưởng tính mạng và tử vong. Thông thường những biến chứng trung bình khi bị nhiễm cúm là viêm xoang và viêm tai. Một số trường hợp gây viêm phổi có thể do nhiễm virus cúm hoặc nhiễm đồng thời cả virus cúm và vi khuẩn. Một số biến chứng khác có thể là viêm cơ tim, viêm não hoặc viêm cơ, tiêu cơ vân, suy đa tạng (suy hô hấp và suy thận).

5. Thời điểm thích hợp để được chích ngừa

– Trong mùa cúm 2019-2020, CDC Hoa kỳ và Ủy ban Tư vấn về Thực hành Chủng ngừa (ACIP) khuyến cáo nên tiêm phòng cúm hàng năm cho mọi người từ 6 tháng tuổi trở lên vì đây là một trong những đối tượng thuộc nhóm nguy cơ cao có thể có diễn tiến nguy hiểm khi bị nhiễm cúm.
– Nên chủng ngừa trước khi virus Cúm bắt đầu lây lan trong cộng đồng. Phải mất 2 tuần sau khi tiêm thì cơ thể mới sinh kháng thể chống lại virus Cúm. Thời điểm được khuyến cáo là cuối tháng 10. Tuy nhiên tiêm phòng sau khoảng thời gian này vẫn cung cấp sự bảo vệ và việc tiêm phòng nên được tiếp tục trong suốt mùa cúm, thậm chí đến tháng 1 năm sau.
– Tiêm phòng sớm hơn thời gian nói trên (ví dụ tháng 7 hay tháng 8) thì thường sẽ làm giảm sự bảo vệ của các kháng thể chống lại bệnh cúm trong mùa cúm, đặc biệt là ở người lớn.
– Trẻ em cần tiêm hai liều vaccin để được bảo vệ, do đó nên bắt đầu tiêm phòng sớm hơn, bởi vì 2 liều phải được thực hiện cách nhau ít nhất 4 tuần.

6. Lưu ý việc tiêm vắc xin trên đối tượng dị ứng với trứng

Những người mà có tiền sử dị ứng với trứng nếu được cân nhắc đưa ra quyết định tiêm bởi nhân viên y tế thì nên được tiêm phòng ở một trung tâm y tế uy tín và được giám sát bởi chuyên gia y tế để có thể nhận diện và kiểm soát sự diễn tiến của dị ứng.

7. Thói quen lành mạnh giúp ngăn ngừa Cúm?

– Tránh tiếp xúc gần với người bị bệnh
– Tránh đi đến nơi công cộng, có nhiều người nếu bạn đang mắc bệnh
– Che miệng, mũi khi ho, hắt hơi
– Thực hành các thói quen tốt cho sức khỏe khác: Làm sạch và khử trùng các bề mặt thường xuyên chạm vào ở nhà, nơi làm việc hoặc trường học, đặc biệt là khi có người bị bệnh. Ngủ nhiều, hoạt động thể chất, kiểm soát căng thẳng, uống nhiều nước và ăn thực phẩm bổ dưỡng.

Tài liệu tham khảo

https://www.cdc.gov/vaccines/vpd/flu/index.html
Show More

Related Articles

Back to top button