fbpx
Đa khoa phổ cậpĐiểm tin y tế

Chẩn đoán sớm bệnh whitmore nhân một trường hợp điều trị tại Bệnh viện Phong – Da liễu Trung ương Quy Hòa

Nguyễn Thanh Phước

Hoàng Đức Sỹ

I. Đặt vấn đề:

Bệnh Melioidosis (Whitmore) do trực khuẩn Gram âm Burkholderia pseudomallei tồn tại trong môi trường tự nhiên gây ra. Con người có thể mắc bệnh Melioidosis khi tiếp xúc trực tiếp với đất và nước bề mặt bị nhiễm vi khuẩn B. pseudomallei. Người và động vật có thể nhiễm khuẩn mắc phải do hít phải hạt nước hoặc bụi có nhiễm vi khuẩn, uống nguồn nước nhiễm khuẩn hoặc tiếp xúc trực tiếp với đất nhiễm khuẩn, đặc biệt là qua xây xước nhỏ ngoài da. Bệnh khó lây truyền từ người sang người. Đây là bệnh ít gặp, không gây thành dịch, nhưng bệnh cảnh thường tiến triển nặng, có tỷ lệ tử vong cao, đặc biệt ở những người mắc bệnh mãn tính.

II. Lịch sử bệnh Meliodosis

Đầu tiên, nhà nghiên cứu bệnh học Alfred Whitmore và trợ lý Krishnaswami báo cáo bệnh này ở người ăn xin, người nghiện morphine khi khám nghiệm tử thi ở Rangoon, ngày nay là Myanmar, trong một báo cáo được công bố vào năm 1912.

Họ phân biệt nó với bệnh loét mũi truyền nhiễm, một căn bệnh mà cả con người và động vật có những biểu hiện tương tự như trong bài đã trình bày, nhưng nguyên nhân gây ra bởi một loại vi sinh vật khác nhau. B. pseudomallei, còn được gọi là trực khuẩn Whitmore, đã được xác định năm 1917 tại Kuala Lumpur. Arthur Conan Doyle có thể đã đọc báo cáo năm 1912 trước khi viết một câu chuyện ngắn mà liên quan đến các bệnh nhiệt đới hư cấu “sốt tapanuli” trong một cuộc phiêu lưu Sherlock Holmes. B. pseudomallei trước đây được phân loại thuộc giống Pseudomonas và cho đến năm 1992, nó được gọi là Pseudomonas pseudomallei. Trên cây phân loài, nó liên quan chặt chẽ với Burkholderia mallei, gây bệnh loét mũi truyền nhiễm, một bệnh nhiễm trùng chủ yếu ở ngựa, lừa và la.

III. Chẩn đoán ca bệnh

Chẩn đoán nhằm xác định bệnh được thực hiện bằng phương pháp nuôi cấy vi sinh vật từ bất kỳ các mẫu lâm sàng, bởi vì các vi sinh vật này không bao giờ thường trú ở người bình thường.

Tiền sử tiếp xúc với đất có thể không gợi ý được điều gì, nhưng bệnh melioidosis có thể không hoạt động trong nhiều năm trước khi biểu hiện.

Quá trình theo dõi đầy đủ (cấy máu, cấy đờm, cấy nước tiểu, ngoáy họng, và nuôi cấy dịch mủ đường hô hấp) phải được thực hiện trên tất cả các bệnh nhân nghi ngờ melioidosis (nuôi cấy trên môi trường thạch máu cũng như trên môi trường Ashdown’s). Một chẩn đoán xác định được thực hiện bằng cách nuôi cấy B. pseudomallei từ bất kỳ mẫu bệnh phẩm gì. Dịch ngoáy họng không có độ nhạy cao, nhưng độ đặc hiệu đạt 100%, nếu so sánh với cấy đờm.

Độ nhạy của phương pháp nuôi cấy nước tiểu tăng lên nếu mẫu đã được ly tâm đem đi nuôi cấy, và bất kỳ vi khuẩn nào phát triển nên được báo cáo (không chỉ trong trường hợp tăng trưởng trên 104 vi khuẩn/ ml, thường được dùng là ngưỡng cắt cutoff level).

IV. CA NHI MẮC BỆNH WHITMORE (VI KHUẨN ĂN THỊT NGƯỜI) ĐANG ĐIỀU TRỊ TẠI BỆNH VIỆN:

  1. Thông tin người bệnh:

– Họ tên người bệnh: P.B.B.N

– Ngày sinh: 2014                     Giới tính: Nữ

– Nghề nghiệp: Trẻ em

– Địa chỉ: Khối 6 – Hòa Sơn- Bình tường – Tây Sơn – Bình Định

– Vào viện lúc: 07 giờ 03 phút, ngày 03/10/2019

– Vào khoa: 08 giờ 05 phút, ngày 03/10/2019

– Chẩn đoán vào viện: Theo dõi Whitmore

  1. Lý do vào viện: Bé bị sưng dưới góc hàm trái (T).
  2. Hỏi bệnh:

3.1. Quá trình bệnh lý: Mẹ phát hiện bệnh của bé cách đây 1 tuần với biểu hiện sốt, đau nhức, mệt mỏi, thấy góc hàm trái sưng đau, đã dùng thuốc ở nhà không thấy biến chuyển, xin vào viện điều trị.

3.2. Tiền sử: Sống khỏe

3.3. Gia đình: Sống khỏe

  1. Khám bệnh:

4.1. Toàn thân: Trẻ tỉnh, da niêm mạc hồng, hạch góc hàm trái sưng, nóng, đỏ, đau, sờ di động ít, kích thước khoảng 3x2cm.

4.2. Khám tại chỗ: Tuyến mang tai trái sưng đau.

4.3. Các cơ quan:

– Tuần hoàn: T1 – T2 đều rõ, chưa nghe âm bệnh lý.

– Hô hấp: Thở đều, rì rào phế nang êm dịu.

– Tiêu hóa: bụng mềm tham gia nhịp thở, khám chưa phát hiện bụng ngoại khoa.

– Thận – tiết niệu –sinh dục: Tiểu trong, rung thận (-).

– Thần kinh: bệnh tỉnh, chưa có dấu thần kinh khu trú.

– Cơ xương khớp: Vận động trong giới hạn.

– Tai mũi họng: Bình thường.

– Răng – Hàm mặt: Bình thường.

– Mắt trái: nhìn rõ                                          Mắt phải: nhìn rõ

  1. Các xét nghiệm cận lâm sàng:

– Cấy mủ: Tại Bệnh viện Phong – Da liễu Trung ương Quy Hòa

 Kết quả: Có vi khuẩn Burkholderia pseudomallei.

– Kháng sinh đồ:

Vi Khuẩn Burkholderia pseudomallei nhạy cảm với kháng sinh Ceftazidine 1g, Augmentin 0,625mg và kháng sinh Meropenem, kháng với kháng sinh Trimethoprime – Sultamethoxazole.

  1. Chẩn đoán khi vào khoa điều trị: Bệnh Whitmore do vi khuẩn Burkholderia pseudomallei.
  2. Hướng điều trị:

Rửa dẫn lưu ổ áp xe;

– Ceftazidine 1g x 1 lọ tiêm tĩnh mạch chậm lúc 8h và 16h;

– Augmentine 0,625mg x 02 gói uống lúc 8h và 16h;

– Paracetamol 250mg x 02 gói uống lúc 8h và 16h;

– VitamineC, 3B

Sau 10 ngày điều trị người bệnh ổn định, vết loét khô, tiếp tục điều trị kháng sinh duy trì 3 đến 6 tháng.

  1. Khuyến cáo phòng bệnh:

 Phòng bệnh Melioidosis (Whitmore), người dân cần thực hiện:

Hạn chế tiếp xúc với đất hoặc nước bùn, đặc biệt là những nơi bị ô nhiễm nặng.

Sử dụng giày, dép và găng tay đối với những người thường xuyên việc ngoài trời, tiếp xúc với đất và nước bẩn, đặc biệt đối với những người có nguy cơ cao.

Khi có vết thương hở, vết loét hoặc vết bỏng cần tránh tiếp xúc với đất hoặc nước có khả năng bị ô nhiễm. Nếu bắt buộc phải tiếp xúc thì sử dụng băng chống thấm và cần được rửa sạch đảm bảo vệ sinh.

Những người có bệnh mãn tính như tiểu đường, suy giảm miễn dịch cần được chăm sóc, bảo vệ các tổn thương để ngăn ngừa nhiễm khuẩn.

Khi nghi ngờ nhiễm bệnh cần đến cơ sở y tế để được tư vấn, khám phát hiện. Cần xét nghiệm xác định nhiễm vi khuẩn B.pseudomallei và điều trị kịp thời.

Người dân làm việc và tiếp xúc nhiều với đất (đa số nông dân), có tiền sử bệnh tiểu đường hoặc các bệnh mãn tính về thận và phổi, có những triệu chứng sốt kèm theo viêm phổi thì nên đến ngay các cơ sở y tế uy tín có phòng xét nghiệm vi sinh để được khám, xét nghiệm và điều trị bệnh kịp thời.

Đối với các bác sĩ, khi nghi ngờ bệnh nhân nhiễm bệnh Whitmore thì nên cho chỉ định cấy máu, mủ, đờm và nước tiểu ngay.

V. KẾT LUẬN:

Sau ca bệnh Whitmore Bệnh viện rút ra được bài học:

– Phát hiện sớm bệnh.

– Chẩn đoán đúng bệnh.

– Điều trị đúng phác đồ.

– Không gây biến chứng.

– Người bệnh nhanh chóng hồi phục

 

Show More

Related Articles

Back to top button