fbpx
Chuyên đề KCBDa liễu chuyên sâuPhong chuyên sâuTin nổi bật

Chiến lược phòng chống phong toàn cầu của WHO giai đoạn 2021-2030

Người dịch: Quang Tiến

Chiến lược toàn cầu mới của WHO nhằm phòng chống bệnh phong có tên là “Hướng tới xoá bỏ bệnh phong”, được công bố vào ngày 15/4. Đây là một trong những chiến lược giành riêng cho bệnh phong, làm cơ sở cho Lộ trình phòng chống các bệnh nhiệt đới bị lãng quên (NTDs) giai đoạn 2021-2030 của WHO. Chiến lược này đề ra phương hướng cơ bản, mục tiêu, thách thức và các hành động chiến lược ở cấp độ toàn cầu. Các chương trình phòng chống NTD và bệnh phong cấp quốc gia được khuyến khích áp dụng chiến lược này và điều chỉnh các hành động chiến lược phù hợp với bối cảnh ở từng nước. Đây là tài liệu quan trọng đối với ILEP và các tổ chức thành viên cũng như đối với tất cả các đối tác hoạt động trong lĩnh vực phong.

Tầm nhìn và các mục tiêu

‘Hướng tới xoá bỏ bệnh phong’ được định nghĩa trong tầm nhìn dài hạn của chiến lược là xoá bỏ tình trạng lây nhiễm và mắc bệnh, xoá bỏ tàn tật, xoá bỏ kỳ thị và phân biệt đối xử. Mục tiêu trung hạn là loại trừ bệnh phong, được định nghĩa là làm đứt đoạn sự lây nhiễm bệnh, và một nhóm công tác của WHO đã phát triển các định nghĩa về mục tiêu này trong những tháng gần đây. WHO không dự kiến đạt được mục tiêu này trên phạm vi toàn cầu vào năm 2030, mặc dù họ hy vọng rằng sẽ có thêm 86 quốc gia đạt mục tiêu loại trừ bệnh phong. Bốn chỉ tiêu cấp cao đến năm 2030 là:

  • 120 quốc gia báo cáo không có ca mắc mới là người bản xứ.
  • Giảm 70% số ca mắc mới hàng năm.
  • Giảm 90% số ca mắc mới có khuyết tật độ 2 trên 1 triệu dân.
  • Giảm 90% số ca mắc mới là trẻ em trên 1 triệu trẻ em.

Chi tiết xem ở bảng bên dưới.

Chỉ số2019 (thực tế)2020 (kế hoạch)2023 (mốc quan trọng)2025 (mốc quan trọng)2030 (mục tiêu)
Số quốc gia không có ca mắc mới là người bản xứ34 (18%)50 (26%)75 (39%)95 (49%)120 (62%)
Số ca mắc mới được phát hiện (được phân loại theo giới tính và tuổi tác)202,256184,000148,000123,50062,500
Tỷ lệ ca mắc mới có khuyết tật độ 2 (trên 1 triệu dân)1.401.300.920.680.12
Tỷ lệ ca mắc mới là trẻ em (trên 1 triệu trẻ em)7.837.815.664.240.77

Các hành động chiến lược

Để đạt được các chỉ tiêu trên, chiến lược này sử dụng kết hợp bốn hành động chiến lược, mỗi hành động có một số hoạt động chính và các chỉ số liên quan. Các hành động chiến lược này là:

  1. Triển khai các lộ trình xoá bỏ bệnh phong của mỗi quốc gia và lộ trình phối hợp giữa các quốc gia ở những nơi bệnh phong còn lưu hành.
  2. Mở rộng quy mô phòng chống bệnh phong kết hợp với chủ động phát hiện ca mắc mới.
  3. Quản lý bệnh phong và các biến chứng cũng như phòng chống khuyết tật.
  4. Chống lại sự kỳ thị và tôn trọng quyền con người.

Các nhóm hành động chiến lược đầu tiên, thứ ba và thứ tư nhìn chung tương tự như trong chiến lược trước đó, mặc dù có bổ sung một số nội dung mới. Ví dụ: Nhóm 1 hiện có các khuyến nghị để hình thành mối quan hệ đối tác quốc gia về việc thực hiện lộ trình xoá bỏ bệnh phong đa phương, phản ánh sự ra đời của Hiệp định Đối tác Toàn cầu về Xoá bỏ bệnh phong. Nó còn liên quan đến việc nâng cao chất lượng dữ liệu và theo dõi các tác dụng phụ của thuốc. Nhóm 3 bao gồm một phần nội dung về tư vấn và giữ gìn sức khỏe tinh thần, nội dung này chiến lược trước đó không đề cập đến, cùng với tài liệu cụ thể hơn về hướng dẫn tự chăm sóc. Nhóm 4 nhấn mạnh đến các Nguyên tắc và Hướng dẫn xóa bỏ phân biệt đối xử đối với bệnh nhân phong và gia đình của họ, với nội dung đầy đủ của các Nguyên tắc và Hướng dẫn trong phần phụ lục, đồng thời giải thích tầm quan trọng của việc đưa bệnh phong vào trong chính sách nhân quyền của mỗi quốc gia.

Nhóm 2 là điểm mới, cùng với nội dung chủ động phát hiện các ca bệnh, nó bổ sung thêm việc mở rộng quy mô phòng chống phong phù hợp với khuyến nghị trong Hướng dẫn của WHO năm 2018 về chẩn đoán, điều trị và phòng ngừa bệnh phong. Nó cũng đề cập đến tiềm năng của các loại vắc-xin hiện có hoặc vắc-xin mới, vốn không được chiến lược trước đó đề cập.

Bên cạnh những điểm mới trong các hành động chiến lược, có sự khác biệt rõ rệt trong cách diễn đạt một số nội dung, điều này phù hợp với sự thay đổi trọng tâm trong Lộ trình phòng chống NTD của WHO. Ví dụ, mặc dù chiến lược trước đây đề cập đến việc lồng ghép bệnh phong vào các hệ thống chăm sóc sức khỏe tuyến ban đầu và tuyến thứ 2, nhưng chiến lược mới liên tục đề cập đến việc tích hợp dịch vụ về bệnh phong vào các dịch vụ y tế khác và đặc biệt là với các NTD khác về da liễu.

Chiến lược cũng đề ra 16 ưu tiên nghiên cứu cho giai đoạn này, và nhấn mạnh cần phải đầu tư toàn cầu và quốc gia vào nghiên cứu để đạt được mục tiêu xoá bỏ bệnh phong.

Áp dụng và điều chỉnh chiến lược

Khi hợp tác chặt chẽ với các chương trình kiểm soát bệnh phong tại một quốc gia, các tổ chức thành viên ILEP có thể sẽ được yêu cầu tư vấn và hỗ trợ cho Bộ Y tế sở tại về tác động của chiến lược mới đối với các chương trình phòng chống bệnh phong và NTD tại quốc gia đó. Cách đây 5 năm, một số quốc gia chỉ đơn giản là sử dụng các mục tiêu và hành động chiến lược của WHO làm chiến lược của quốc gia mình, nhưng Chương trình phòng chống phong toàn cầu của WHO khuyên không nên làm như vậy. Họ cho rằng các mục tiêu năm 2030 trong chiến lược mới này là các mục tiêu toàn cầu. Mỗi quốc gia cần đặt ra các mục tiêu phù hợp với tình hình thực tế về bệnh phong và dữ liệu cơ bản của mình, từ đó góp phần đạt được các mục tiêu toàn cầu.

Các hành động chiến lược mới phù hợp với các bối cảnh dịch tễ cả cao và thấp. Tuy nhiên, các quốc gia (và các tổ chức thành viên ILEP đang tư vấn cho họ) nên kiểm tra chặt chẽ các hành động chiến lược cũng như các thành phần và nội dung chi tiết làm nền tảng cho các nhóm hành động này, từ đó xác định nội dung nào phù hợp với tiến trình thực hiện các mục tiêu về bệnh phong và NTD của quốc gia đó.

Văn phòng ILEP dự định tổ chức các hội thảo trực tuyến giành cho các tổ chức thành viên nhằm hiểu rõ hơn Lộ trình phòng chống NTD cũng như Chiến lược phòng chống phong toàn cầu và khám phá sâu hơn ý nghĩa của hai tài liệu này.

Nguồn: ilepfederation.org

Show More

Related Articles

Back to top button