fbpx
Chuyên đề KCBĐa khoa phổ cậpTin nổi bật

Chồi rốn ở trẻ em: Có nguy hiểm?

Bs. Nguyễn Thị Thảo Nguyên

Chồi rốn là gì?

Bên cạnh việc theo dõi rốn của trẻ về vấn đề nhiễm trùng, thời gian rụng rốn; một tình trạng khác cũng thường gặp ở trẻ sơ sinh đó là chồi rốn, hay còn gọi là u hạt rốn.

Chồi rốn trông giống như một cục u nhỏ màu đỏ ở đáy rốn, thường ướt và tiết dịch nhẹ. Chồi này xuất hiện trong vài tuần đầu tiên sau khi rụng rốn.

Ước tính cứ 500 trẻ sơ sinh thì có 1 trẻ có chồi rốn.

Chồi rốn có thể không quá ảnh hưởng đến trẻ. Tuy nhiên, nó có thể tăng nguy cơ bị nhiễm trùng rốn.

Tại sao trẻ lại có chồi rốn?

Thông thường, cuống rốn trẻ sơ sinh sẽ khô lại và rụng đi sau sinh vài ngày mà không có bất kỳ biến chứng nào.

Tuy nhiên, ở một số trẻ, sau khi rốn rụng lại hình thành một mô sẹo, hay còn gọi là mô hạt ở đáy cuống rốn. Giống như mô sẹo trong quá trình lành vết thương mà chúng ta thường thấy.

Mô này phát triển nhô ra thành chồi rốn nhỏ, lành tính.

Chồi rốn điều trị như thế nào?

Một chồi rốn nên được can thiệp điều trị triệt để. Vì không như những vết thương bình thường, nó khó tự lành hoặc tự teo lại. Theo thời gian, có thể bị nhiễm trùng và gây nguy hiểm cho sức khỏe của trẻ.

Hầu hết các u hạt ở rốn có thể được điều trị dễ dàng bằng nhiều phương pháp, từ bôi thuốc đến đốt điện, laser hay thủ thuật cắt triệt để.

Và may mắn một điều, mô hạt này không có dây thần kinh trong quá trình tăng sinh, vì vậy các can thiệp của bác sĩ sẽ không gây đau đớn.

Tuỳ vào tình trạng chồi rốn của mỗi trẻ, bác sĩ nhi khoa sẽ lựa chọn một trong những cách sau:

  • Chấm Nitrate bạc: bác sĩ sẽ chấm một lượng nhỏ chất này lên chồi rốn của trẻ. Nó gây bỏng nhẹ mô hạt, làm mô này teo và tự nhỏ lại dần. Thường sẽ cần chấm 2-3 lần mỗi tuần, trong 2-3 tuần tuỳ vào kích thước chồi rốn.
  • Khối u hạt này cũng có thể được buộc lại bằng chỉ khâu. Sau một thời gian nó sẽ khô và rụng đi.
  • Đốt điện hoặc laser: phương pháp này sẽ tác động trực tiếp đốt mô hạt rốn một cách triệt để và thường chỉ cần làm một lần duy nhất.
  • Trong một số rất ít trường hợp, bác sĩ có thể cân nhắc đến phẫu thuật để cắt bỏ u hạt.

Chăm sóc tại nhà trong và sau điều trị

Hãy giữ rốn trẻ sạch sẽ và khô ráo trong thời gian này.

Nhẹ nhàng làm sạch rốn bằng nước ấm và xà phòng, sau đó lau khô và để thoáng rốn.

Để rốn khô và không băng kín là lưu ý quan trọng trong quá trình chăm sóc rốn. Người chăm sóc nên cuộn mặt trước của tã xuống để nó không che rốn và vây bẩn lên rốn.

Chồi rốn có nguy hiểm?

Chồi rốn được điều trị hiệu quả trong hầu hết các trường hợp mà không có biến chứng.

Việc khám sớm đặc biệt cần thiết khi chồi rốn đi kèm với các triệu chứng khác, chẳng hạn như:

  • Sốt
  • Chảy máu xung quanh u hạt
  • Sưng hoặc đỏ xung quanh u hạt
  • Đau hoặc nhạy cảm quanh rốn
  • Dịch tiết ra từ rốn có mùi hôi

Nếu trẻ có chồi rốn hình thành sau rụng rốn, hãy đến gặp bác sĩ nhi khoa xem xét phương pháp can thiệp phù hợp cho tình trạng trẻ.

Show More

Related Articles

Back to top button