Tin tức - Sự kiện
Chữa dứt “bệnh lạ” ở Quảng Ngãi
Các y bác sĩ ở Bệnh viện phong – da liễu T.Ư Quy Hòa (thuộc Bộ Y tế, đóng ở tỉnh Bình Định) vừa công bố chữa dứt điểm căn “bệnh lạ” tại Quảng Ngãi cho 12/13 người nhập viện.
Hoang mang vì bệnh lạ
Trong những ngày qua, tại xã Ba Điền, H.Ba Tơ (Quảng Ngãi), nơi được xem là vùng “rốn” của bệnh lạ, người dân nơm nớp lo âu sau khi chứng kiến thêm một trẻ 4 tuổi mắc bệnh với triệu chứng dày sừng, lở loét lòng bàn tay, bàn chân, gan bị tổn thương và sau đó tử vong. Điều đáng lo ngại, không chỉ tổn thương dày sừng ở lòng bàn tay, bàn chân mà nhiều bệnh nhân còn bị nhiều vết lở loét trên miệng, lưng và bụng; đồng thời trong đợt bùng phát trở lại này, bệnh lạ tấn công sang trẻ em.
Ông Phạm Văn Bút, Chủ tịch UBND xã Ba Điền, cho hay kể từ khi căn bệnh lạ xuất hiện vào đầu năm 2011 đến nay, cả xã có 12 trẻ bị tử vong. Do chưa xác định chính xác nguyên nhân gây bệnh nên nhiều phụ huynh buộc lòng cho con em nghỉ học vì sợ lây bệnh. Chị Phạm Thị Y, ở làng Rêu, xã Ba Điền, lo lắng: “Nhìn những đứa trẻ bị tử vong đột ngột nhưng chưa rõ căn nguyên, gia đình tui không dám cho con đến trường vì nếu lỡ bị lây bệnh thì khổ”. Trường mầm non Ba Điền có 48 cháu nhưng những ngày qua chỉ có 25 cháu tới trường. Trong khi đó, Trường tiểu học và THCS Ba Điền chỉ có khoảng 40% học sinh đến lớp.
Sở Y tế Quảng Ngãi cho biết sau gần 1 tháng kiểm tra, tháng 12.2011, đoàn công tác của Bộ Y tế có kết luận ban đầu về căn bệnh lạ xuất hiện tại huyện miền núi Ba Tơ là bệnh viêm da bàn tay, bàn chân do nhiễm chất bảo vệ thực vật (chưa rõ loại thuốc gì). Bệnh còn lây lan sang H.Minh Long với 98 trường hợp mắc, trong đó có 25 trẻ em. Ngành y tế Quảng Ngãi chỉ xác nhận 2 trường hợp trẻ bị tử vong vì căn bệnh này.
Bình tĩnh nhận và trị bệnh
Bác sĩ Nguyễn Thị Thời Loan, Trưởng khoa Hồi sức – Cấp cứu Bệnh viện phong – da liễu T.Ư Quy Hòa, cho biết: “Ngay khi nhận được thông báo của Sở Y tế Quảng Ngãi về bệnh lạ, chúng tôi có mặt và khảo sát thực địa để tìm hiểu và tiếp nhận bệnh nhân”. Theo bác sĩ Loan, các trường hợp mắc bệnh lúc nhập viện đều có cùng lúc nhiều biểu hiện suy nhược cơ thể như thiếu máu, gầy sút, đau vùng thượng vị, vàng da, vàng mắt và rụng tóc. Bệnh nhân bị các tổn thương da (dày sừng da lòng bàn tay, chân tạo thành một bờ rõ nổi cao, thâm tím hoặc nổi sẩn đỏ hai bên má, trán) và các hội chứng dạ dày, tắc mật, hủy hoại tế bào gan. Một số người bị nặng còn kèm thêm hội chứng tràn dịch đa màng và viêm cơ tim.
Bệnh viện phong – da liễu T.Ư Quy Hòa chẩn đoán đây là bệnh dày sừng lòng bàn tay, chân và nhiễm độc (chưa rõ nguyên nhân). Từ đó, các y bác sĩ bắt tay điều trị từng bước một. “Phải hết sức bình tĩnh và cẩn thận trong quá trình chạy chữa vì các trường hợp đều có quá nhiều biểu hiện suy yếu miễn dịch cơ thể. Chỉ cần một chút sơ sẩy là bệnh nhân có thể tử vong ngay”, bác sĩ Loan nói.
Phác đồ điều trị gồm: hỗ trợ cơ thể để đào thải chất độc từ bên ngoài vào và từ bên trong cơ thể phát sinh; bảo vệ tế bào gan, ngăn chặn tình trạng hủy hoại tế bào gan; điều trị biến chứng trên da; điều trị các biến chứng xảy ra tại tim mạch và chăm sóc tại chỗ.
Kết quả, 12/13 bệnh nhân đã dứt bệnh và xuất viện. Trường hợp nặng nhất là chị Phạm Thị Ân (20 tuổi, ở làng Rêu, xã Ba Điền, H.Ba Tơ) đang có dấu hiệu bình phục tốt với tiên lượng 70% sống. Cả nhà chị Ân có tới 4 người mắc bệnh là mẹ, chồng và con trai (4 tuổi, đã mất vào tháng 10.2011).
Theo tìm hiểu thực tế của bác sĩ Loan, tại vùng núi Ba Điền, hầu hết người dân đều là người H’rê với những tập tính, sinh hoạt cộng đồng nhưng rất lạ là có nhà, cả nhà đều bị bệnh, trong khi nhà ngay cạnh thì không ai mắc. Nguyên nhân về căn bệnh này đến nay vẫn còn là một điều bí ẩn.
Nguồn: Hiển Cừ – Trần Thị Duyên
http://www.thanhnien.com.vn
Ngày 09/01/2012