COVID-19: Triệu chứng ban đầu khác nhau giữa các nhóm tuổi
Người dịch: Hồ Thu Linh
Một nghiên cứu mới đây cho thấy sự khác nhau ở triệu chứng nhiễm COVID-19 giai đoạn đầu giữa các nhóm tuổi, giữa nam và nữ. Khác biệt đáng chú ý nhất là giữa các nhóm tuổi trẻ (16 đến 59 tuổi) so với các nhóm tuổi lớn hơn (60 đến 80 tuổi trở lên). Triệu chứng ở nam giới cũng không giống với nữ giới trong giai đoạn đầu nhiễm COVID-19.
Nghiên cứu, đăng trên Tạp chí The Lancet Digital Health, thực hiện bởi các nhà nghiên cứu từ Đại học King’s College London, đã phân tích dữ liệu từ ứng dụng Nghiên cứu triệu chứng ZOE COVID từ ngày 20 tháng 4 đến ngày 15 tháng 10 năm 2020. Với sự hợp tác từ Sở Y tế và Chăm sóc Xã hội, những người sử dụng app sẽ được xét nghiệm COVID ngay khi họ báo cáo bất kỳ triệu chứng mới xuất hiện. Các nhà nghiên cứu đã mô hình hóa các dấu hiệu ban đầu của nhiễm COVID-19 và phát hiện thành công 80% ca bệnh nhờ sử dụng ứng dụng này.
Các nhà nghiên cứu đã so sánh khả năng tiên đoán các dấu hiệu ban đầu của ca nhiễm COVID-19 bằng cách sử dụng các tiêu chuẩn chẩn đoán hiện tại của Dịch vụ Y tế Quốc gia Vương quốc Anh và mô hình Quy trình Gaussian phân cấp.
Mô hình này có thể tổng hợp một số đặc điểm của người nhiễm COVID, như độ tuổi, giới tính và tình trạng sức khỏe, từ đó đưa ra các triệu chứng nhiễm COVID-19 giai đoạn đầu khác nhau giữa các nhóm khác nhau.
18 triệu chứng nhiễm COVID phổ biến biểu hiện khác nhau ở các nhóm khác nhau. Các triệu chứng quan trọng nhất để phát hiện nhiễm COVID-19 sớm nhất bao gồm mất khứu giác, đau ngực, ho dai dẳng, đau bụng, nổi mụn nước trên bàn chân, đau nhức mắt và đau cơ bất thường. Tuy nhiên, mất khứu giác không có ý nghĩa ở nhóm người trên 60 tuổi và không phù hợp với những đối tượng trên 80. Tiêu chảy là triệu chứng ban đầu chủ yếu ở nhóm 60-79 và trên 80. Sốt, mặc dù là một triệu chứng khá phổ biến, nhưng không phải là biểu hiện ban đầu ở mọi lứa tuổi.
Nam giới khi nhiễm bệnh thường bị khó thở, mệt mỏi, ớn lạnh và rùng mình, trong khi nữ giới có nhiều khả năng bị mất khứu giác, đau ngực và ho dai dẳng.
Tuy các mô hình này được tạo trong ứng dụng nghiên cứu Triệu chứng COVID, nhưng đã được nhân rộng theo thời gian cho thấy chúng cũng sẽ áp dụng cho những người không dùng ứng dụng. Mặc dù các mô hình chỉ áp dụng trên chủng virus đầu tiên và các biến thể Alpha, nhưng những phát hiện quan trọng cho thấy các triệu chứng của biến thể Delta và các biến thể tiếp theo cũng sẽ khác nhau giữa các nhóm dân số.
Tác giả chính, Claire Steves, Giảng viên tại King’s College London cho biết: “điều quan trọng là mọi người nhận thức rằng các triệu chứng ban đầu rất nhiều và có thể khác nhau đối với từng thành viên trong gia đình hoặc hộ gia đình. Hướng dẫn xét nghiệm có thể được cập nhật để phát hiện sớm các ca nhiễm, đặc biệt khi chúng ta đang đối mặt với các biến thể rất dễ lây lan. Bao gồm thực hiện test nhanh bằng que thử cho những đối tượng có biểu hiện không đặc trưng.
Theo TS Liane dos Santos Canas, ĐH King’s College London, hiện tại, ở Anh, chỉ một số triệu chứng được sử dụng để khuyến nghị tự cách ly và kiểm tra thêm. Bằng cách sử dụng công nghệ AI kết hợp với điều kiện có một trong số hàng loại các triệu chứng hoặc mệt mỏi trong vài ngày, rất nhiều ca bệnh đã được phát hiện. Phương pháp này được hy vọng sẽ khuyến khích người dân đi xét nghiệm trong thời gian sớm nhất góp phần giảm thiểu nguy cơ lây lan.
Tiến sĩ Marc Modat, Giảng viên Cao cấp tại King’s College London, cho biết: “Nghiên cứu đã có thể xác định hồ sơ các triệu chứng mắc COVID-19 khác nhau giữa các nhóm. Điều này cho thấy các tiêu chí để khuyến khích người dân đi xét nghiệm nên được cá nhân hóa bằng cách sử dụng thông tin của từng cá nhân ví dụ như độ tuổi. Ngoài ra, có thể xem xét một loạt các triệu chứng khác, như vậy, các biểu hiện khác nhau của bệnh trên các nhóm khác nhau sẽ không bị bỏ sót.”
Nguồn: Science daily