CÚM MÙA VÀ TÁC DỤNG CỦA VACCIN CÚM
Bs. Phạm Thị Thuyên
Cúm mùa là bệnh như thế nào?
Cúm mùa là bệnh lây qua đường hô hấp do virus cúm gây ra và thường xuất hiện khi thời tiết chuyển sang mùa đông. Bệnh có khả năng lây lan nhanh thành dịch.
Có bốn loại virus cúm: A, B, C và D. Vius cúm A và B gây bệnh ở người và gây ra các đợt dịch theo mùa. Vi-rút cúm A là loại virus cúm duy nhất được biết là gây ra đại dịch cúm, hay còn gọi là dịch cúm toàn cầu. Một virus cúm A mới xuất hiện và có khả năng lây lan rộng khắp thì có thể khởi phát một đại dịch cúm.
Nhiễm virus cúm C thường gây bệnh nhẹ và thường không lây lan thành dịch. Virus cúm D chủ yếu ảnh hưởng đến gia súc và không lây bệnh sang người.
Nhân loại đã trải qua các đại dịch cúm nào trong lịch sử?
Năm 1918, đại dịch cúm nghiêm trọng nhất trong lịch sử nhân loại, do virus H1N1 gây ra. Virus cúm H1N1 có nguồn gốc từ gia cầm và đã lây lan khắp thế giới năm 1918 – 1919. Người ta ước tính một phần ba dân số thế giới đã bị nhiễm. Và số người chết ước tính lên tới 50 triệu người.
Trong đại dịch cúm này, tỷ lệ tử vong cao gặp ở những người khoẻ mạnh, kể cả lứa tuổi 20-40. Ở những năm 1918 thì bản chất cũng như đặc tính của virus chưa được tìm hiểu rõ, chưa có vaccin cũng như việc kiểm soát nhiễm khuẩn chưa được áp dụng chặc chẽ và đồng đều.
Năm 1957, cúm A (H2N2) có nguồn gốc từ gia cầm, gây ra đại dịch “cúm châu Á”. Số ca tử vong ước tính là 1,1 triệu người trên thế giới.
Đại dịch cúm năm 1968 do virus cúm A (H3N2) gây ra. Ước tính có 1 triệu người chết trên toàn thế giới. Trong đó, hầu hết các trường hợp tử vong ở người trên 65 tuổi. Virus cúm A H3N2 sau đó tiếp tục lưu hành trên thế giới theo mùa, thể bệnh nặng thường gặp ở người lớn tuổi và trải qua quá trình biến đổi kháng nguyên thường xuyên.
Đến năm 2009, một virus cúm A (H1N1) mới đã xuất hiện và nhanh chóng lan rộng trên toàn thế giới. Virus cúm H1N1 mới này mang tổ hợp gen chưa từng được phát hiện trên người và động vật. Virus này được gọi là virus Cúm A (H1N1)pdm09. . Các người trẻ hầu như không có kháng thể với loại cúm mới này, trong khi những người già hơn 65 tuổi có ít kháng thể (như đã từng tiếp xúc với virus trong quá khứ). Hiệu quả của vaccin đối với loại cúm mới này là không cao. Tính đến tháng 4 năm 2010, Tổ chức kiểm soát và phòng ngừa bệnh tật Hoa Kỳ (CDC) ước tính có 60,8 triệu ca mắc và hơn 12 ngàn ca tử vong. Trong đó, 80% các ca tử vong là dưới 65 tuổi. Điều này rất khác biệt với các dịch cúm mùa điển hình là các ca tử vong (70% – 90%) xảy ra ở người trên 65 tuổi. Sau đó, virus Cúm A ( H1N1)pdm09 này tiếp tục lưu hành dưới dạng cúm mùa gây bệnh, nhập viện và tử vong hàng năm trên toàn thế giới.
Triệu chứng, mức độ nghiêm trọng và biến chứng của bệnh cúm mùa?
Các triệu chứng cúm bao gồm:
- Sốt
- Ho, đau họng
- Sổ mũi hoặc nghẹt mũi
- Đau nhức cơ thể
- Nhức đầu
- Ớn lạnh
- Mệt mỏi.
Ở trẻ em cũng có thể bị nôn mửa và tiêu chảy. Mọi người có thể bị nhiễm cúm và có các triệu chứng về đường hô hấp mà không bị sốt.
Thông thường, khi chỉ dựa vào các triệu chứng lâm sàng thì không thể chẩn đoán chắc chắn bệnh cúm mùa. Các bệnh nhân cúm mùa nặng phải nhập viện sẽ được xét nghiệm để chẩn đoán xác định và định chủng cúm.
Bệnh cúm mùa có thể từ nhẹ đến rất nghiêm trọng, thậm chí có thể tử vong. Dịch cúm mùa cũng có thể khác nhau về mức độ nghiêm trọng từ năm này sang năm khác. Các biến chứng do cúm bao gồm:
- Viêm phổi
- Mất nước
- Nhập viện kéo dài ở các nhóm đối tượng nguy cơ.
Các đối tượng thường mắc cúm nặng và kéo dài hơn là các bệnh nhân có bệnh lý mạn tính, suy giảm miễn dịch, hen suyễn, đái tháo đường, tim bẩm sinh. Trẻ em, người già, phụ nữ có thai và sau khi sinh.
Các bệnh nhân bị biến chứng nghiêm trọng do cúm cần được chăm sóc ở bệnh viện. Trẻ em mắc bệnh mãn tính, trẻ sơ sinh, trẻ nhỏ dưới 2 tuổi, người già có tỷ lệ nhập viện cao hơn những đối tượng khác.
Hình: Các triệu chứng thường gặp của cúm mùa
Phòng bệnh cúm mùa như thế nào ?
Cách tốt nhất để giảm nguy cơ mắc bệnh cúm theo mùa và các biến chứng nghiêm trọng tiềm ẩn của nó là tiêm phòng hàng năm.
CDC khuyến nghị tiêm vaccin cúm hàng năm là bước đầu tiên và quan trọng nhất để bảo vệ khỏi virus cúm.
Bên cạnh đó, thực hiện các hoạt động chống nhiễm khuẩn hàng ngày được khuyến nghị để giảm sự lây lan của bệnh cúm. Cụ thể:
– Tránh tiếp xúc gần với người bị bệnh.
– Nếu bạn bị bệnh, hãy hạn chế tiếp xúc với người khác càng nhiều càng tốt để tránh lây nhiễm cho họ.
– Che miệng khi ho và hắt hơi. Che mũi và miệng bằng khăn giấy khi ho hoặc hắt hơi. Vứt khăn giấy vào thùng rác sau khi bạn sử dụng nó.
– Rửa tay thường xuyên bằng xà phòng và nước hoặc dung dịch sát khuẩn tay.
– Tránh chạm vào mắt, mũi và miệng của bạn.
– Làm sạch và khử trùng các bề mặt và đồ vật có thể bị nhiễm virus gây bệnh cúm.
– CDC khuyến nghị mọi người nên ở nhà ít nhất 24 giờ sau khi hết sốt.
Khả năng bảo vệ của vaccin cúm như thế nào?
Vaccin cúm mùa được bào chế để bảo vệ chống lại các chủng virus cúm đang lưu hành gây ra dịch bệnh (các virus cúm này đã được biết đến), bao gồm: virus cúm A(H1N1) pdm 09, virus cúm A(H3N2), virus cúm B/dòng Victoria và virus cúm B/dòng Yamagata (theo cập nhật mới nhất của WHO về các chủng virus Cúm lưu hành 2022-2023 tại 2 bán cầu).
Vaccin cúm không bảo vệ chống lại virus cúm C hoặc D hoặc chống lại virus cúm lây truyền từ động vật sang người (có nguồn gốc từ động vật) hoặc cúm gia cầm. Ngoài ra, vaccin cúm sẽ không bảo vệ khỏi nhiễm trùng và bệnh do các loại virus khác cũng gây ra các triệu chứng giống như bệnh cúm.
Vaccin cúm giúp giảm gánh nặng bệnh cúm, nhập viện và tử vong cho hệ thống chăm sóc sức khỏe mỗi năm. Ngoài việc giúp cho một số người tiêm phòng cúm không bị cúm. Việc tiêm phòng cúm còn làm giảm mức độ nghiêm trọng của bệnh ở những người đã tiêm phòng nhưng vẫn bị bệnh.
Một nghiên cứu còn cho thấy việc tiêm phòng cúm còn giúp giảm nguy cơ nhập viện chăm sóc đặc biệt (ICU) và nguy cơ tử vong do cúm so với những người không được tiêm phòng..
Những người có nguy cơ cao bị biến chứng cúm nghiêm trọng bao gồm trẻ nhỏ, người mang thai, người mắc một số bệnh mãn tính như hen suyễn, tiểu đường hoặc bệnh tim và phổi và người từ 65 tuổi trở lên. Việc chủng ngừa cho những người có nguy cơ cao bị biến chứng cúm nghiêm trọng là đặc biệt quan trọng để giảm nguy cơ mắc bệnh cúm nặng
Việc chủng ngừa cũng rất quan trọng đối với những người sống cùng hoặc chăm sóc những người có nguy cơ mắc bệnh cao hơn, để tránh lây bệnh cúm cho họ. Trẻ em dưới 6 tháng tuổi có nguy cơ mắc bệnh cúm nặng cao hơn nhưng còn quá nhỏ để tiêm phòng. Thay vào đó, những người chăm sóc trẻ sơ sinh nên được tiêm phòng.
Tiêm phòng cúm cho phụ nữ mang thai giúp bảo vệ người mẹ khỏi bệnh cúm trong và sau khi mang thai và giúp bảo vệ trẻ sơ sinh khỏi bệnh cúm trong vài tháng đầu đời. Tiêm phòng cúm còn làm giảm khoảng một nửa nguy cơ nhiễm trùng đường hô hấp cấp tính do cúm ở phụ nữ mang thai.
Thời điểm tiêm vắc xin Cúm:
Đối với hầu hết những người chỉ cần tiêm một liều vắc-xin cúm trong mùa, lý tưởng nhất là nên tiêm vắc-xin vào tháng 9 hoặc tháng 10. Tuy nhiên, nên tiếp tục tiêm vắc-xin trong suốt mùa miễn là vi-rút cúm đang lưu hành.
Kết luận
Hàng năm, cúm có thể gây ra hàng triệu ca bệnh, hàng trăm nghìn ca nhập viện và hàng chục ngàn ca tử vong trên toàn thế giới. Càng nhiều người được chủng ngừa thì càng có nhiều người được bảo vệ khỏi cúm.
Tài liệu tham khảo:
- https://www.cdc.gov/flu/pandemic-resources/basics/past-pandemics.html
- WHO, Influenza: signs, symptom & complication; infomation for general public