Đại học Oxford bắt đầu thử nghiệm vắc-xin ngừa HIV
Người dịch: Quang Tiến
Các nhà nghiên cứu tại Đại học Oxford ở Anh đang thử nghiệm một loại vắc-xin đột phá có tiềm năng ngăn ngừa HIV và họ hy vọng vắc-xin này cũng có thể chữa khỏi cho những người đã bị nhiễm.
Thử nghiệm lâm sàng, có tên là HIV-CORE 0052, sẽ thử nghiệm vắc-xin HIVconsvX. Giáo sư Tomas Hanke của Đại học Oxford cho biết vắc-xin này có khả năng nhắm vào một loạt các biến thể HIV-1.
Ông cho biết trên chương trình Your Morning của kênh CTV vào thứ Ba rằng nếu thành công, thử nghiệm có thể mở ra khả năng sử dụng duy nhất loại vắc xin này trên toàn thế giới.
“Hầu hết các thử nghiệm vắc-xin đang tập trung sử dụng các kháng thể trung hòa phổ rộng để bảo vệ cơ thể. Vắc-xin của chúng tôi thì sử dụng các tế bào T tìm diệt”.
Trong khi các ứng viên vắc-xin HIV hoạt động bằng cách tạo ra kháng thể từ tế bào B, giáo sư Hanke giải thích rằng HIVconsvX sử dụng phản ứng miễn dịch từ các tế bào T, một loại tế bào bạch cầu có thể tiêu diệt các tế bào bị nhiễm virus hoặc ung thư, nhắm vào các cơ quan dễ bị nhiễm HIV nhất.
“Khi vi rút HIV xâm nhập vào cơ thể, nó sẽ lây nhiễm sang các tế bào, chúng bắt đầu sản sinh nhiều vi rút hơn và lây lan rộng hơn. Các tế bào T tìm diệt của chúng tôi tiêu diệt các nguồn sản xuất vi rút này trước khi chúng có thể lây nhiễm ra toàn cơ thể”.
Ngoài ra, giáo sư Hanke cho biết vắc xin có thể làm chậm khả năng lây nhiễm của vi rút và giúp các kháng thể trung hòa phổ rộng được tạo ra bởi tế bào B, cùng với tế bào T tìm diệt, ngăn chặn sự lây nhiễm.
Theo Đại học Oxford, thử nghiệm sẽ đánh giá tính an toàn, khả năng dung nạp và khả năng sinh miễn dịch của vắc-xin HIVconsvX.
Thử nghiệm gồm 13 người trưởng thành tại Vương quốc Anh ở độ tuổi từ 18 đến 65 tuổi có sức khỏe tốt, âm tính với HIV, đây là đối tượng được coi là không có nguy cơ lây nhiễm cao. Những người tham gia được tiêm một liều vắc-xin và sẽ được tiêm nhắc lại sau bốn tuần.
Các nhà nghiên cứu tại Oxford không chỉ thử nghiệm liệu vắc-xin có thể ngăn ngừa tình trạng lây nhiễm ở những người âm tính với HIV hay không, mà còn kết hợp đánh giá liệu loại thuốc này có thể được sử dụng như một phương pháp điều trị cho những bệnh nhân dương tính HIV hay không.
Giáo sư Hanke bổ sung rằng các thử nghiệm trong tương lai cũng sẽ xem xét việc kết hợp vắc-xin với các loại thuốc kháng vi-rút khác trong nỗ lực “thiết lập sự kiểm soát vi rút trong cơ thể.”
Theo UNAIDS, 37,6 triệu người trên toàn cầu đang sống chung với HIV vào năm 2020. Trong đó, 35,9 triệu người là người trưởng thành và 1,7 triệu người là trẻ em dưới 15 tuổi.
Trải qua 40 năm không thể tìm ra một loại vắc-xin HIV hiệu quả, giáo sư Hanke thừa nhận một số phương pháp điều trị nhất định đã giúp chất lượng cuộc sống của bệnh nhân nhiễm HIV trở nên tốt hơn.
Ông nói: “Bệnh này không còn là một bản án tử hình nữa; các loại thuốc điều trị đã biến nó thành một bệnh truyền nhiễm mãn tính.”
Tuy nhiên, Hanke lưu ý rằng có những mặt trái của các phương pháp điều trị này.
“Việc điều trị bằng thuốc kháng vi rút không thể loại bỏ hoàn toàn vi rút, bệnh nhân phải sử dụng thuốc trong suốt quãng đời còn lại và điều này làm tăng thêm nguy cơ gặp các phản ứng phụ do các loại thuốc này.”
Ông kết luận rằng những người sử dụng các phương pháp điều trị này còn phải đối mặt với sự kỳ thị, và khó khăn trong việc tuân thủ điều trị cũng như chi trả khi phải uống thuốc hàng ngày, đặc biệt là đối với những bệnh nhân nhiễm HIV ở các nước nghèo.
“Ngay cả trong bối cảnh thế giới đang sử dụng các loại thuốc kháng vi rút để phòng bệnh, vắc-xin vẫn là giải pháp tốt nhất, kinh tế nhất và có thể là yếu tố quan trọng của các chiến lược nhằm chấm dứt dịch bệnh này”.
Các nhà nghiên cứu Oxford dự báo kết quả của thử nghiệm này, một phần của Sáng kiến vắc xin phòng bệnh châu Âu, sẽ được báo cáo vào tháng 4/2022.
Hình ảnh chụp bằng kính hiển vi điện tử do Viện Y tế Quốc gia Hoa Kỳ cung cấp cho thấy một tế bào T của con người, màu xanh lam, đang bị HIV, loại vi rút gây bệnh AIDS, có màu vàng, tấncông. (Seth Pincus, Elizabeth Fischer, Austin Athman/ Viện Dị ứng và Bệnh truyền nhiễm Quốc gia /NIH qua hãng tin AP)
Nguồn: ctvnews.ca