Những đôi giày ở đây không giống nhau, thậm chí hai chiếc của cùng một đôi cũng khác biệt về kích cỡ, hình dáng. Đó là sản phẩm đặc biệt dành cho bệnh nhân phong.
Làng phong Quy Hòa (Quy Nhơn, Bình Định) nằm nép mình, yên bình trước biển bao đời nay. Nó gắn liền với tên tuổi Hàn Mặc Tử – thi nhân tài hoa bạc mệnh. Ở đó, cuộc sống diễn ra theo một nhịp điệu riêng, tách hẳn những xô bồ bên ngoài. Ở đó, còn có những người đóng giày miệt mài làm việc chỉ vì yêu nghề và muốn chia sẻ cùng bệnh nhân phong.
Nhìn giày biết bệnh
Mỗi chiếc giày dành cho bệnh nhân đã bị biến dạng chân đều có thông số kỹ thuật riêng. Người đóng giày nhìn vào đó mà có thể đoán biết chủ nhân của nó mắc bệnh nặng hay nhẹ, mới bệnh hay đã lâu. Có những chiếc giày mòn vẹt một bên vì chân người bệnh bị lật, vẹo hoặc đi bằng mu bàn chân. Lại có chiếc đế tròn, nhỏ bằng một nắm tay nâng đỡ cho bên chân chỉ còn lại mỗi gót chân bé tẹo… Phía sau những chiếc giày đó là bao câu chuyện đời dài dằng dặc, đo đếm bằng cực nhọc, đau đớn và mặc cảm.
Ông Lê Chín (80 tuổi) có thâm niên 50 năm sống, làm việc, chữa bệnh tại làng phong Quy Hòa. Năm 29 tuổi, từ Quảng Nam, chàng thanh niên cường tráng Lê Chín phải lặng lẽ bỏ quê đến với Quy Hòa sống hết phần đời còn lại. Ngày đó, bệnh phong bị cho là bệnh quỷ ám. Thiếu thông tin, hiểu biết về căn bệnh khiến đa số người dân kỳ thị, xa lánh những người chẳng may mắc phải căn bệnh này.
Ông Chín đã sống tiếp cuộc đời mình bằng đủ thứ nghề tại vùng đất mới: thợ hồ, đi củi, đốt than, đánh cá… Nhưng bao nhiêu gian khổ, cực nhọc thời đó cũng không đau xót bằng cảm giác tủi thân của người phải bỏ làng mà đi. May sao, ông gặp được một người cùng cảnh ngộ ở Quy Hòa, kết duyên chồng vợ. Họ chia sớt cuộc sống một cách lặng lẽ mà hạnh phúc. Duy có điều khiến tuổi già của ông bà kém vui là không có được một người con nối dõi. Hiện tại, bệnh tình của ông Chín đã chuyển nặng. Hai bàn chân bị cụt gần hết. Đôi tay cũng không còn đủ 10 ngón. Hằng ngày, ông vẫn đi về trên đôi giày đế tròn không “đụng hàng”.
Cuộc đời bà Huỳnh Thị Diệp (83 tuổi) cũng không kém éo le. Những ngày còn lại của bà gắn liền với giường bệnh. Đôi mắt đã mù, đôi tay đã cụt, chân đã bị cưa đến đầu gối. Bà bắt đầu cuộc đời cực nhọc bằng những ngày giúp việc cho các gia đình khá giả ở Huế. Ở tuổi 30, đang độ đẹp mặn mà nhất của phụ nữ thì bà lại mắc bệnh phong. Các nhà chủ xua đuổi. Những người gắn bó lâu nay cũng quay lưng ngoảnh mặt. Bà Diệp trôi dạt hết Sài Gòn, Nha Trang đến những vùng đất hẻo lánh mưu sinh. Nghiệt ngã thay, đến đâu, bà cũng bị người dân hắt hủi. Cuối cùng, bà đến Quy Hòa như đứa trẻ lạc mẹ tìm lại được gia đình.
Còn rất nhiều phận người như ông Chín, bà Diệp ở Bệnh viện Phong – Da liễu Trung ương Quy Hòa. Ở họ là những mảnh đời chắp vá, nối ghép. Sau bao đưa đẩy, họ dạt về đây như ga cuối của cuộc đời, bước đi trên đôi chân được bao bọc bởi những đôi giày làm bằng tình thương, sự đồng cảm.
Kỳ công người thợ
Xưởng giày Bệnh viện Phong – Da liễu Trung ương Quy Hòa hình thành từ những năm 1997, do 2 tổ chức phi chính phủ Handicap International (HI) và Hội Cứu trợ bệnh phong Hà Lan (NLR) tài trợ. Cả nước hiện có 7 cơ sở đóng giày cho người bệnh phong, ở các tỉnh thành Đà Nẵng, Quảng Nam, Ninh Thuận, Đắk Lắk, Kon Tum, Khánh Hòa và Quy Nhơn. Trong đó, cơ sở tại Quy Nhơn là lớn nhất, chịu trách nhiệm cung cấp vật tư, đào tạo kỹ thuật cho các nơi khác.
Trong 8 thợ giày đã có đến 7 người ở tại làng phong. Ngay từ những ngày đầu, họ đã có ý nguyện học nghề đóng loại giày đặc biệt này, bởi họ cũng là con, cháu của bệnh nhân phong. Sự đồng cảm và sẻ chia của những con người ấy có từ trong máu. Hơn ai hết, họ thấu hiểu bao khó khăn, bất tiện của người bệnh. Thiếu một thứ đơn giản nhất trong cuộc sống như đôi giày cũng trở thành một vấn đề nan giải.
Nghề đóng giày cho bệnh nhân phong không hề đơn giản. Nhìn những người thợ chăm chú tỉa tót từng công đoạn mới thấy được cái công, cái tình dành cho “khách hàng”. Anh Nguyễn Tâm, Tổ trưởng tổ đóng giày, vừa thoăn thoắt quét keo dán giày vừa “chỉ nghề” cho chúng tôi: “Loại giày này phải làm thật kỹ. Dán keo phải chắc gấp đôi bình thường vì nó được sử dụng thường xuyên, kể cả khi đi tắm”.
Về kỹ thuật, người học qua 3 tháng mới nắm được các bước cơ bản như cắt quai, may quai, cách đo chân và tính toán các con số… Một thợ giày ở đây cho biết phải mất khoảng 2-3 năm mới học cách đóng được một đôi giày cho bệnh nhân biến dạng nhẹ. Với những “ca khó” như chân bị lật, vẹo, cụt hết ngón… thì thâm niên học nghề hơn 5 năm chưa chắc đóng được. Theo các thợ giày, với những trường hợp như thế phải làm khuôn bột, tạo âm bản, dương bản rất phức tạp. Khó nhất là công đoạn ráp nối quai và đế. Với những thương tật dị dạng nặng, có người đi bằng mu bàn chân thì việc ráp nối quai sao cho vừa vặn đòi hỏi rất nhiều sự tinh tế và tỉ mẩn. Thông thường, mỗi thợ đảm nhận từ khâu đầu tiên đến khi hoàn thành sản phẩm.
Một cái khó nữa là cái tâm với nghề. Không nhiều người trụ được với nghề bằng đồng lương không nhiều mà yêu cầu lại cao, đa dạng như thế này. Trung bình mỗi thợ giày có thu nhập hơn 3 triệu đồng/tháng. Việc đo chân là một trong những thử thách đầu tiên. Không hiếm gặp những bàn chân có lỗ đáo (bị lở loét sâu), để lâu ngày ruồi nhặng bu đầy. Một thợ giày cho biết: “Nhiều lúc đo xong, phải bỏ cơm đến mấy ngày”.
Làm nghề từ năm 1998, anh Tâm chia sẻ: “Niềm vui của chúng tôi là những sản phẩm hạn chế bớt độ tàn tật của người bệnh. Hầu hết họ mất cảm giác ở chân, tay nên khi đi đứng rất dễ bị giẫm gai, vật nhọn mà không biết”. Anh Đức, một thợ giày khác tâm sự: “Tôi muốn làm một điều gì đó có ích cho họ. Hạn chế thương tật của bệnh phong cũng là cách làm cho xã hội bớt định kiến về nó”.
Đa số những người đóng giày ở đây đều rất ngại khi được hỏi về chuyện quê quán, gia đình. Nhiều người làm nghề hơn 10 năm, về thăm quê vẫn không dám nói cho bà con lối xóm biết mình đang làm gì, ở đâu mặc dù họ không hề mắc bệnh. Định kiến xã hội về bệnh phong vẫn còn nặng nề. Một thợ đóng giày cho biết, có lần, anh xuất hiện trong một chương trình truyền hình quay cảnh tại làng phong Quy Hòa, nhiều người ở quê đã đồn thổi về anh bằng thái độ kỳ thị.
8 người với 8 câu chuyện đời, chuyện nghề khác nhau. Dù có gặp điều này điều kia, họ vẫn bám trụ với nghề bằng một lý giải: “Việc sẻ chia từ những điều giản đơn nhất khiến cuộc sống này hạnh phúc hơn”.
Đôi giày như người bạn
Theo Bác sĩ Nguyễn Thanh Tân, Giám đốc Bệnh viện Phong – Da liễu Trung ương Quy Hòa, mỗi năm xưởng giày Quy Hòa sản xuất 2.400 đôi, phục vụ bệnh nhân tại chỗ và ở xa. Với người bệnh phong, việc có được một đôi giày vừa vặn với chân mình là một điều thật sự hạnh phúc. Nhờ đó, họ không những có thể đi lại, sinh hoạt thuận tiện hơn mà còn giúp giảm thiểu rất nhiều nguy cơ gây tai nạn, thương tật trong cuộc sống và công việc thường ngày.