fbpx
Chuyên đề KCBĐa khoa phổ cậpTin nổi bật

Giải thích đáp ứng hiếm gặp ở trẻ em mắc COVID-19

Hồ Thu Linh

Một trong những bí ẩn chưa được giải đáp của đại dịch COVID-19 là tại sao hầu hết trẻ em thường có ít triệu chứng hơn người trưởng thành sau khi nhiễm coronavirus. Nghiên cứu mới đây của Đại học Yale công bố trên tạp chí Immunity cho thấy đáp ứng của hệ miễn dịch ở một số ít ca gây nguy hiểm tính mạng ở trẻ em có thể là chìa khóa giải đáp bí ẩn trên.

Trong khi nhiều trẻ em nhiễm vi rút không có triệu chứng hoặc không được chẩn đoán, thì khoảng 1 trong số 1.000 trẻ có hội chứng viêm đa hệ thống (MIS-C) sau khi được xác nhận nhiễm SARS-CoV- 2 từ 4 đến 6 tuần. Hội chứng viêm này bao gồm nhiều triệu chứng như sốt, đau bụng kèm theo nôn và/hoặc tiêu chảy, phát ban, các vấn đề về tim mạch và thần kinh. Nếu được chẩn đoán sớm, hội chứng này có thể dễ dàng điều trị bằng các thuốc ức chế miễn dịch như steroids, nếu không có thể dẫn đến tử vong.

Carrie Lucas, Giáo sư trợ lý chuyên nghành sinh học miễn dịch tại Yale và đồng tác giả của nghiên cứu đã đặt ra câu hỏi  “Tại sao điều này lại xảy ra khi vi rút hoặc đáp ứng kháng vi rút không còn tồn tại trong cơ thể trẻ em nữa? Và tại sao nó chỉ xảy ra ở thanh thiếu niên?”.

Trong một phân tích toàn diện, Lucas và phòng thí nghiệm của cô đã tiến hành xét nghiệm máu cho các nhóm đối tượng: trẻ em mắc MIS-C, người trưởng thành mắc COVID có triệu chứng nặng, trẻ em và người trưởng thành khỏe mạnh. Họ phát hiện ra rằng hệ miễn dịch của trẻ mắc MIS-C có các đặc điểm khác với các nhóm còn lại.

Cụ thể, những trẻ mắc MIS-C có nồng độ alarmins cao, đây là các phân tử cấu thành hệ miễn dịch không đặc hiệu và được huy động nhanh chóng khi có nhiễm trùng. Một vài kết quả nghiên cứu khác cho thấy đáp ứng của hệ miễn dịch không đặc hiệu ở trẻ em có thể mạnh hơn ở người trưởng thành. Điều này có thể giải thích tại sao trẻ em thường gặp các triệu chứng nhẹ hơn người trưởng thành khi nhiễm trùng.

Lucas nói: “Miễn dịch không đặc hiệu có thể hoạt động mạnh hơn ở trẻ em nhiễm vi rút. Nhưng mặt khác, trong một số trường hợp hiếm gặp, nó có thể hoạt động quá mức và gây ra hội chứng viêm đa hệ thống.”

Trẻ em được chẩn đoán mắc MIS-C cũng được phát hiện sự tăng hoạt của hệ miễn dịch đặc hiệu – hàng rào để chống lại các mầm bệnh cụ thể – như vi rút gây ra COVID-19 – và tạo ra trí nhớ miễn dịch tương ứng. Nhưng thay vì chức năng bảo vệ, những đáp ứng này ở trẻ mắc MIS-C lại tấn công các mô của cơ thể, một dấu hiệu của bệnh tự miễn.

Lucas suy đoán rằng đáp ứng miễn dịch ban đầu ở những trường hợp hiếm gặp này kích hoạt quá trình phá hủy các mô khỏe mạnh, khiến chúng dễ bị tự kháng thể tấn công.

Tuy nhiên, các đặc điểm khác biệt của hệ miễn dịch gặp trong MIS-C có thể giúp chẩn đoán và lựa chọn điều trị sớm cho trẻ em có nguy cơ cao mắc hội chứng này.

Nguồn: sciencedaily.com

Show More

Related Articles

Back to top button