fbpx
Điểm tin y tế

Giao tiếp tốt để thực hành y đức

Theo GS.TSKH Phạm Mạnh Hùng, Chủ tịch Tổng hội Y học VN, trong các quy tắc ứng xử về y đức, ngoài vấn đề chuyên môn thì văn hoá ứng xử giữa thầy thuốc – bệnh nhân – người nhà của họ có vai trò quan trọng.
Nhiều “quyền lực” nên dễ lạm quyền
        Ngày 23/9, tại Hà Nội, Công đoàn Y tế Việt Nam tổ chức Hội thảo tập huấn “Lập kế hoạch triển khai thực hiện Quy tắc ứng xử nâng cao Y đức” trong bệnh viện. Tại Hội nghị này, 5 bệnh viện gồm: Việt Đức, Bạch Mai, Phụ Sản TƯ, BV K, BV E đã ký cam kết triển khai thực hiện Quy tắc này…
        GS.TSKH Phạm Mạnh Hùng cho rằng, quy tắc ứng xử nâng cao y đức vừa thuộc phạm trù đạo đức vừa thuộc phạm trù pháp luật. Trong quy tắc ứng xử này, phải tuân thủ việc ứng xử cả với bản thân mình lẫn người khác, gồm bệnh nhân và người nhà bệnh nhân, đồng nghiệp cũng như những mối quan hệ xã hội. Hành vi của người thầy thuốc ảnh hưởng đến tính mạng người bệnh. Vì có nhiều “quyền lực”, do đó có một bộ phận dễ lạm dụng thời cơ này. Họ có thể nắm được nhiều bí mật của người bệnh và cũng có thể gây ra bệnh cho người khác do kỹ năng hành nghề chưa tốt. Hiện nay chưa có một mẫu hình tốt duy nhất của y đức nên đôi khi khó diễn tả và dễ nguỵ biện.
       Ông Đoàn Hữu Đủ, Phó Vụ trưởng Vụ Tổ chức cán bộ (Bộ Y tế) đã nói một cách rất hình tượng rằng, những cán bộ y tế mà không  vì người bệnh, “khẩu phật tâm xà” hay “khẩu xà, tâm cũng xà” thì hết sức nguy hiểm, cần phải loại ra khỏi ngành y.
Nghề nắm giữ nhiều bí mật
        Theo GS.TSKH Phạm Mạnh Hùng, bác sĩ là người nắm rõ nhất về bí mật của cuộc đời bệnh nhân. Minh chứng cho điều này, ông nhớ lại: Một lần ông thực hiện ghép thận cho một thanh niên do bố anh ta cho thận. Sau khi làm hết các thủ tục để ghép thì phát hiện ra người con không phải là con đẻ của ông bố dù điều này đã được mặc định trong mấy chục năm trời. “Lúc đó tôi đã rất khó khăn và phải cân nhắc trước những bí mật cuộc đời họ. Bởi những lời nói không cẩn trọng của bác sĩ có thể ảnh hưởng tới rất nhiều người trong gia đình bệnh nhân”, GS Phạm Mạnh Hùng nói.
        Đối với một bệnh nhân, nhiều khi vợ con, đồng nghiệp, bạn bè không hề biết những bí mật bệnh tật của họ nhưng bác sĩ lại là người nắm rõ nhất, họ có thể chia sẻ tất cả với bác sĩ. Đó là “quyền năng” của một ông thầy thuốc. Nhưng đó chính là điều mà bác sĩ phải tuân thủ nguyên tắc về y đức của mình.
        GS.TSKH Phạm Mạnh Hùng nói vui: “Mỗi cán bộ y tế chúng ta cần phải lên bàn mổ một lần. Có như vậy mới có thể hiểu hết tâm trạng của bệnh nhân, thấu hiểu cho bệnh nhân cũng như người nhà của họ”. Trong cuộc đời làm nghề, ông đã không bao giờ quên những ánh mắt cầu cứu nhìn mình. Đó là những thời khắc người bệnh cô độc nhất, bác sĩ cần có thái độ, lời nói chia sẻ động viên…
        Ông tiếp lời: Cũng như thế khi bệnh nhân tìm đến, các bác sĩ chỉ cần cầm tay bệnh nhân bắt mạch, đặt ống nghe vào người họ là đã khiến người bệnh yên tâm, tin tưởng rồi. Đó là sợi dây truyền đi những tình cảm của bác sĩ – người bệnh rất hiệu quả.
       Tại Hội nghị, ông Đoàn Hữu Đủ cho rằng: “Việc kiểm soát y đức trong thực hiện chuyên môn nghiệp vụ thì chỉ có những đồng nghiệp với nhau mới có thể hiểu rõ nhất. Về thái độ đối với bệnh nhân, các nhân viên y tế cần nâng cao kỹ năng giao tiếp để làm hài lòng người bệnh” (Gia đình & Xã hội 3/10).
Ngày 04/10/2011
Show More

Related Articles

Back to top button