Hiệu quả thực tế của các loại vắc-xin covid-19
Người dịch: Quang Tiến
Các nghiên cứu vắc-xin sau khi tiến hành tiêm chủng cung cấp cho giới chuyên môn và hoạch định chính sách các bằng chứng mà thử nghiệm lâm sàng không thể – bao gồm việc hiệu quả của vắc-xin trong thực tế có thể đối lập với kết quả lâm sàng. Hai nghiên cứu mới đã cùng nhau kiểm tra ba loại vắc-xin covid-19, bổ sung thêm bằng chứng cho thấy hiệu quả trong thực tế tương đồng với các thử nghiệm lâm sàng. Các vắc-xin được nghiên cứu bao gồm CoronaVac (của hãng Sinovac Biotech), BNT162b2 (của hãng Pfizer-BioNTech), và mRNA-1273 (của hãng Moderna) – hoạt động tốt trong việc ngăn ngừa tình trạng covid-19 nặng và tử vong ở người trưởng thành sau 02 mũi tiêm; tiêm 01 mũi đạt hiệu quả kém hơn, và cả ba loại vắc-xin đều có hiệu quả (mặc dù ít hơn đáng kể) đối với tình trạng bệnh nhẹ hơn.
Cả hai nghiên cứu đều sử dụng thiết kế bệnh chứng xét nghiệm âm tính để ước tính hiệu quả – so sánh lịch sử tiêm chủng giữa những người có các triệu chứng đã xét nghiệm SARS-CoV-2 dương tính (bệnh nhân) và âm tính (nhóm chứng). Nghiên cứu của Ranzani và cộng sự đã đánh giá vắc-xin CoronaVac trên người từ 70 tuổi trở lên tại Brazil trong đợt dịch do biến thể gamma và báo cáo hiệu quả sau 02 mũi tiêm là 42% đối với các ca mắc có triệu chứng ở bất kỳ tình trạng bệnh nào. Nghiên cứu của Chung và cộng sự đã đánh giá hai vắc-xin mRNA (BNT162b2 và mRNA-1273) trên người trưởng thành tại Canada, báo cáo hiệu quả ước đạt hơn 80% sau 02 mũi tiêm đối với các ca mắc có triệu chứng do một số biến thể – bao gồm alpha, beta và gamma – nhưng hiệu quả thấp hơn (43-61%) sau 01 mũi đầu tiên. Các nghiên cứu bổ sung về biến thể delta và các biến thể khác sẽ được yêu cầu khi SARS-CoV-2 tiếp tục phát triển.
Hiệu quả của vắc-xin phụ thuộc nhiều vào bối cảnh, bị ảnh hưởng bởi nguy cơ nhiễm trùng và mắc bệnh của quần thể dân cư, vì vậy cần phải đánh giá nhiều nhóm đối tượng khác nhau. Quan trọng hơn, nghiên cứu ở Brazil đã bổ sung cho các thử nghiệm lâm sàng hạn chế độ tuổi bằng cách chỉ bao gồm người từ 70 tuổi trở lên, báo cáo vắc-xin đạt hiệu quả 80% chống lại tình trạng nhập viện sau 02 mũi tiêm ở người 70-74 tuổi nhưng giảm hiệu quả khi tăng độ tuổi. Cả 02 nghiên cứu đều cung cấp bằng chứng rằng việc trì hoãn mũi thứ hai lâu hơn thời điểm khuyến nghị của nhà sản xuất có thể có lợi cho một số nhóm đối tượng. Ví dụ, những quần thể có nguy cơ thấp mắc covid-19 được hưởng lợi vì khả năng bảo vệ chống lại tình trạng nặng tăng lên theo thời gian sau mũi đầu tiên.
Sự cần thiết phải đánh giá các loại vắc-xin covid-19 về chỉ tiêu lâm sàng và hiệu quả đối với các biến thể trong các nhóm đối tượng khác nhau cho thấy các nghiên cứu về hiệu quả của vắc-xin sẽ đóng vai trò quan trọng trong nghiên cứu học thuật và y tế công cộng. Chúng ta cần đảm bảo rằng các phương pháp tiếp cận, chẳng hạn như thiết kế đối chứng xét nghiệm âm tính có thể được thực hiện thông qua các giao thức chung sử dụng hệ thống dữ liệu về giám sát và y tế thường quy, được kiểm soát chất lượng. Sự kết hợp này giúp giảm các nghiên cứu riêng biệt chi phí cao yêu cầu thiết kế cá nhân hóa với nhiều phương pháp tiếp cận khác nhau để thu thập dữ liệu và phê duyệt đạo đức, do đó bảo vệ các nguồn lực khan hiếm dành cho các ưu tiên y tế công cộng khác.
Ngoài ra, khi các quốc gia đạt được mức độ bao phủ vắc-xin cao và tỷ lệ ca bệnh giảm, thiết kế đối chứng sẽ trở nên khó khăn hơn. Các phương pháp tiếp cận thay thế như nghiên cứu thuần tập mang lại cơ hội khám phá các ảnh hưởng gián tiếp của việc tiêm chủng, bao gồm bảo vệ quần thể dân cư và ảnh hưởng của vắc-xin đối với các kết quả không cụ thể, chẳng hạn như nghỉ học hoặc nghỉ làm và các triệu chứng như bệnh đường tiêu hóa. Tuy nhiên, những thiết kế này có những hạn chế, bao gồm khả năng gây nhiễu do sự khác biệt giữa các nhóm chưa được tiêm chủng và đã được tiêm chủng – ví dụ như sự khác biệt về tình trạng sức khỏe, khả năng tiếp cận dịch vụ y tế và hành vi tìm kiếm dịch vụ y tế. Cuối cùng, các nghiên cứu về tính hiệu quả của vắc-xin chỉ đạt yêu cầu khi có sẵn dữ liệu và các biện pháp thu thập dữ liệu kịp thời, chất lượng cao phải được ưu tiên, đặc biệt là ở các quốc gia có thu nhập thấp và trung bình, nơi gánh nặng bệnh tật cao và hệ thống thu thập dữ liệu thường quy có thể chưa tối ưu.
Vì vắc-xin covid-19 đã được cấp phép sử dụng khẩn cấp với dữ liệu lâm sàng hỗ trợ tương đối ít, dữ liệu an toàn thực tế đáng tin cậy và kịp thời là rất quan trọng để thông báo rủi ro, giảm thiểu tác hại và duy trì niềm tin của công chúng. Điều này gần đây càng được chú trọng khi vắc-xin ChAdOx1 nCoV-19 (Oxford-AstraZeneca) xuất hiện dấu hiệu cảnh báo mới về an toàn khi có rất ít dữ liệu chính xác về tỷ lệ các biến cố huyết khối gây tắc mạch.
Ở một số quốc gia, vắc-xin được cung cấp cho hầu hết người dân, bao gồm cả những người có nguy cơ cao và những đối tượng đóng vai trò chính trong việc lây truyền vi rút. Nhóm thứ hai này bao gồm trẻ em ở Canada, Hoa Kỳ, Indonesia, Chile và Malta. Dữ liệu về tính an toàn ngắn hạn của vắc-xin covid-19 ở trẻ nhỏ đang được các nghiên cứu lâm sàng thu thập. Tuy nhiên, xét thấy tình trạng mắc covid-19 nghiêm trọng ở trẻ em ít phổ biến hơn so với người trưởng thành, các nghiên cứu nghiêm ngặt về tính an toàn và hiệu quả lâu dài trên trẻ em đang được gấp rút thực hiện nhằm xác định mức độ cân bằng lợi ích-rủi ro, qua đó hỗ trợ công tác làm chính sách và lựa chọn vắc-xin.
Sự thành công của mọi chương trình vắc-xin đều phụ thuộc vào chất lượng của các đánh giá tính hiệu quả thực tế. Quyết định mua loại vắc-xin nào và hướng đến nhóm mục tiêu nào đều phải dựa trên các phân tích chất lượng cao nhất về vắc-xin đang được sử dụng, được lập với ngữ cảnh gồm đầy đủ theo địa điểm và dân số và tính đến tất cả các yếu tố có liên quan. Chúng ta cũng phải tạo điều kiện thuận lợi để tiếp cận kịp thời với ý kiến chuyên môn và dữ liệu ở các quốc gia có gánh nặng dịch bệnh lớn nhất, để đảm bảo hiệu suất tối ưu và công bằng vắc-xin trên toàn cầu.
Nguồn: bmj.com