HÌNH ẢNH X QUANG TỔN THƯƠNG XƯƠNG TRÊN BỆNH NHÂN PHONG
Bs. Nguyễn Trung Hiếu
1. ĐẠI CƯƠNG VỀ BỆNH PHONG.
Bệnh phong là bệnh nhiễm khuẩn mãn tính do trực khuẩn Mycobacterium leprae gây ra. Trực khuẩn này tác động chủ yếu vào da và các dây thần kinh ngoại biên. Mycobacterium leprae có thể thấy ở nhiều nơi như: Niêm mạc đường hô hấp trên, tủy xương, gan, lách, hạch lympho, mắt, tinh hoàn, thành mạch máu, cơ trơn, cơ vân.
Bệnh nhân phong bị xã hội kì thị do tàn tật, mặc dù sự kì thị đã giảm xuống khi bệnh nhân phong đã được điều trị đa hóa, nhưng tàn tật vẫn xảy ra mà chủ yếu là do điều trị muộn và chăm sóc không phù hợp. Ngoài tổn thương thần kinh và da, thì thay đổi xương hay gặp trong bệnh phong.
2. HÌNH ẢNH TỔN THƯƠNG XƯƠNG BỆNH NHÂN PHONG TRÊN X QUANG
Tổn thương chủ yếu ảnh hưởng đến các xương nhỏ của bàn tay bàn chân, trong một số trường hợp nặng có biểu hiện ở xương sọ và xương trục. Có thể chia thành nhóm đặc hiệu, không đặc hiệu, và loãng xương.
– Nhóm đặc hiệu: Là kết quả của sự xâm lấn của vi khuẩn phong vào xương, được phát hiện trong những bệnh nhân có dương tính với vi khuẩn phong và biểu hiện chính là ổ (hang) nhỏ (geodes) hoặc nang xương.
– Nhóm không đặc hiệu: Nhóm này phổ biến hơn nhóm đặc hiệu, gồm hai nguyên nhân:
+ Do tổn thương thần kinh: Hay gặp trong tổn thương xương do phong, nguyên nhân do giảm hoặc mất cảm giác, thay đổi sự trao đổi chất, rối loạn hệ thần kinh tự chủ, thiếu mạch, sự xuất hiện loét thiếu dưỡng và chấn thương tái diễn.
+ Do bội nhiễm: Thường xuất hiện dưới dạng tiêu xương đầu chi hoặc tiêu xương ( bone reabsorption) tại các đốt xa ngón tay và chân. Một số biểu hiện lâm sàng khác là viêm xương tủy cấp và mãn tính,trật khớp, gãy xương tự phát.
– Cuối cùng loãng xương là biểu hiện thường gặp sau tổn thương xương không đặc hiệu, nguyên nhân do chấn thương tái diễn, tăng tái tạo xương vùng lân cận.
Tài liệu tham khảo
1. Lê Kim Duệ (2000), “Bách khoa thư bệnh học, Bệnh phong“, Nhà xuất bản từ điển bách khoa, Hà Nội, tr. 57-59
2. Trần Hữu Ngoạn (2001), “Bệnh phong lý thuyết và thực hành“, Nhà xuất bản Y học Hà Nội, tr. 14, 17-23.
3. Carl D.Enna, M.D.,Robert R.Jacobson, M.D.,and Robert O. Rausch, M.D (1971), “Bone Changes in Leprosy: A Correlation of Clinical and Radiographic Features”, Radiology, 100, pp. 295-306.
4. Wastie M.L. (1975), “Radiological changes in serial x-rays of the foot and tasus in leprosy”, Clin.RadioL (1975) 26, pp. 285-292.