HỘI CHỨNG CHUYỂN HÓA VÀ NGUY CƠ TIM MẠCH
Bs. Phạm Thị Thuyên
Bs. Võ Thị Thanh Tâm
I. Định nghĩa
Hội chứng chuyển hóa (HCCH) bao gồm 1 nhóm các yếu tố nguy cơ tập hợp lại trên một người bệnh: tình trạng béo bụng; rối loạn lipid máu (tình trạng rối loạn các chất béo trong máu như triglycerid máu cao, HDL-C máu thấp, LDL-C cao, tạo nên mảng xơ vữa ở thành động mạch); tăng huyết áp; tình trạng kháng insulin hoặc không dung nạp đường (tình trạng cơ thể không thể sử dụng insulin và đường một cách hiệu quả); tình trạng tiền đông máu (tăng fibrinogen và chất ức chế plasminogen hoạt hóa PAI-1 cao trong máu); tình trạng tiền viêm (CRP tăng cao trong máu).
II. Chẩn đoán
Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) áp dụng chẩn đoán khi người bệnh có từ 3 yếu tố trở lên trong các yếu tố sau:
- Nam có vòng bụng ≥ 90cm, nữ có vòng bụng ≥ 80cm.
- Triglycerid máu ≥ 150mg/dl.
- HDL-C < 40mg/dl (nam) và <50mg/dl (nữ).
- Huyết áp ≥ 130/85mmHg.
- Tăng glucose máu khi đói ≥ 100mg/dl.
III. Các yếu tố nguy cơ
Các yếu tố nguy cơ tiềm ẩn chủ yếu của hội chứng chuyển hóa dường như là
- Béo bụng
- Kháng insulin;
- Ít hoạt động thể chất
- Lão hóa, và mất cân bằng nội tiết tố.
- Chế độ ăn giàu chất béo bão hòa và cholesterol
IV. Sinh bệnh học
Một số nghiên cứu cho thấy kháng insulin là nguyên nhân chủ yếu của hội chứng chuyên hóa. Rõ ràng, đề kháng insulin là xu hướng của đái tháo đường type 2. Sự đề kháng insulin, giảm tiết insulin của tuyến tụy được tìm thấy trong đái tháo đường type 2 mặc dù nồng độ insulin huyết thanh có thể tăng. Ở một số người dù không béo phì vẫn có tình trạng đề kháng insulin, do đó họ có nguy cơ rối loạn chuyển hóa. Ở những người này tuy không có biểu hiện béo phì trên lâm sàng, nhưng có bất thường dư thừa phân bố mỡ nội tạng. Ở người béo phì, mô mỡ có khả năng kháng insulin. Nó làm tăng nồng độ acid béo bão hòa và làm sự đề kháng insulin trong cơ xấu hơn. Chúng bao gồm tăng sản xuất các cytokine gây viêm. Chất ức chế hoạt hóa plasminogen và các sản phẩm hoạt tính sinh học khác. Đồng thời, adipokine, adiponectin (có khả năng bảo vệ) bị giảm.
Mặc dù hội chứng chuyển hóa là xu hướng của đái tháo đường type 2 song các nghiên cứu về tim mạch còn cho thấy hội chứng này là yếu tố nguy cơ đa chiều của bệnh tim do xơ vữa động mạch. Và nguy cơ này tăng lên khi bị đái tháo đường type 2.
Tăng triglycerid thường gặp ở HCCH và nó liên quan đến các yếu tố gây xơ vỡ động mạch như tăng Lipoprotein giàu triglycerid, tăng LDL-C nhỏ đậm đặc (lipoprotein) gây xơ vữa và giảm HDL-C.
HDL-C thấp có nguy cơ mạch vành tương đương với tăng cholesteron toàn phần hoặc tăng LDL-C, vì vậy HDL-C thấp được xem là yếu tố nguy cơ tim mạch chính dùng để dự đoán bệnh mạch vành. Tỉ lệ triglycerid /HDL cũng có giá trị tiên đoán cao về bệnh tim mạch. Vì có nhiều bằng chứng cho thấy sự phối hợp giữa giảm HDL với tăng triglycerid như là sự hiện diện của tình trạng đề kháng insulin cũng như nguy cơ bệnh mạch vành.
Hội nghị chuyên đề về tăng huyết áp lần thứ XIV tháng 5/1992 tại Madrid đã xác định cơ chế làm tăng huyết áp của kháng insulin gồm: insulin làm tăng tái hấp thu Na và nước ở ống thận, insulin làm tăng calacholamin (tăng hoạt tính của hệ thần kinh giao cảm), insulin làm thay đổi sự vận chuyển ion qua màng và có thể gây rối loạn tiết oxide nitric bởi nội mạch.
V. Điều trị và phòng bệnh
Mục đích hàng đầu của xử trí lâm sàng HCCH là giảm nguy cơ mắc bệnh tim mạch và mắc đái tháo đường týp 2. Tiếp đó, việc điều trị hàng đầu là làm giảm các yếu tố nguy cơ tim mạch quan trọng như: ngừng hút thuốc lá, giảm cholesterol máu, điều trị tăng huyết áp và điều trị đái tháo đường. Để quản lý trước mắt và lâu dài các yếu tố nguy cơ thì việc điều chỉnh lối sống là can thiệp hàng đầu để giảm các yếu tố nguy cơ mắc HCCH. Việc can thiệp để điều chỉnh các thói quen có hại cho sức khỏe bao gồm:
– Giảm cân nặng để đạt được cân nặng lý tưởng (BMI 18,5 – 22,9kg/m2).
– Tăng cường hoạt động thể lực, với đích cần đạt là phải hoạt động thể lực mức độ vừa phải ít nhất 30 phút mỗi ngày trong hầu hết các ngày trong tuần.
– Có thói quen ăn uống tốt cho sức khỏe như ăn ít chất béo bão hòa, ít cholesterol.
– Thể dục đều đặn 30 – 60 phút mỗi ngày với cường độ vừa phải như là đi bộ.
– Giảm 5 – 10% trọng lượng cơ thể giúp làm giảm nồng độ insulin, giảm huyết áp, giảm nguy cơ mắc bệnh đái tháo đường.
– Chế độ ăn uống lành mạnh: hạn chế chất béo có hại, tăng cường rau hoa quả, cá và các loại hạt.
– Ngừng hút thuốc lá. Thuốc lá làm tăng đề kháng insulin.
Tài liệu tham khảo
4. Gregg EW, Cauley JA, Stone K, Thompson TJ, Bauer DC, Cummings SR, et al. The Study of Osteoporotic Fractures Research Group. Relationship of changes in physical activity and mortality among older women. JAMA. 2003;289:2379–86.