fbpx
Đa khoa phổ cập

Hội chứng ruột kích thích (IBS)

Hội chứng ruột kích thích là bệnh lý thường gặp ở Việt Nam. Tỷ lệ mắc bệnh từ 5% đến 15% thay đổi theo vùng dân cư. Theo thống kê, bệnh lý tiêu hóa là thường gặp nhất trong các bệnh lý đến khám và điều trị. Trong đó hội chứng ruột kích thích chiếm tỷ lệ hơn 80% (số liệu tại khoa khám bệnh bệnh viện Bạch Mai 2004).

Hoàn cảnh xã hội có ảnh hưởng đến sự phát sinh hội chứng ruột kích thích. Bệnh thường xảy ra ở người trưởng thành dưới 50 tuổi, nữ mắc bệnh gấp đôi nam giới. Bệnh không nguy hiểm đến tính mạng nhưng ảnh hưởng nhiều đến chất lượng cuộc sống của bệnh nhân.

Hội chứng ruột kích thích là gì?

Hội chứng ruột kích thích là một tình trạng mạn tính với đặc trưng là đau bụng đi kèm rối loạn chức năng ruột. Cơn đau thường giảm sau khi đi đại tiện và đôi khi kèm theo trướng bụng. Không có bất thường về cấu trúc nào để giải thích cho cơn đau này. Căn nguyên có thể gồm nhiều yếu tố và bằng chứng gợi ý tới các yếu tố nhu động, viêm, di truyền, miễn dịch, tâm lý và chế độ ăn uống.

Hiện nay, nhờ các thăm dò hiện đại về hình thái và chức năng của ruột đã dần làm sáng tỏ, cơ chế điều chỉnh ống tiêu hóa chủ yếu là sự tác động qua lại giữa hệ thống thần kinh trung ương với hệ thống thần kinh ruột (trục não –ruột) và hệ thống mạng lưới thần kinh hoạt động cùng với nhau để thực hiện nhịp nhàng chức năng bình thường của ruột.

Cơ chế bệnh sinh của hội chứng ruột kích thích:

Hầu hết các bằng chứng cho thấy rằng có rối loạn chức năng về vận động và cảm giác của đường tiêu hóa ở những người bị hội chứng ruột kích thích.

Đường ruột tăng tính nhạy cảm, dễ bị kích thích dẫn đến thay đổi nhu động và bài tiết để đáp ứng với các tác nhân khác nhau, có thể từ môi trường (áp lực cuộc sống) hoặc từ lòng ruột (thực phẩm, vi khuẩn, độc tố…). Phản ứng này dẫn đến đau cũng như táo bón hoặc tiêu chảy.

Thay đổi tính chịu đựng của ruột, giảm khả năng chịu áp lực của khối thức ăn trong một số đoạn ruột.

Ngoài ra, còn có rối loạn điều tiết trục não-ruột. Điều này có thể liên quan tới phản ứng căng thẳng mạnh hơn và kèm sự điều tiết hoặc tiếp nhận các tín hiệu hướng tâm từ hệ thống thần kinh ruột.

Phân loại Rome IV:

Phân nhóm phụ hội chứng ruột kích thích theo đặc điểm phân:

  1. Hội chứng ruột kích thích có táo bón (IBS-C): phân cứng hoặc thành nhiều cục ≥25% số lần đại tiện, và lỏng (sệt) hoặc phân nước ≤25% số lần đại tiện.
  2. Hội chứng ruột kích thích có tiêu chảy (IBS-D): phân lỏng (sệt) hoặc phân nước ≥25% số lần đại tiện, và phân cứng hoặc thành nhiều cục ≤25% số lần đại tiện.
  3. Hội chứng ruột kích thích hỗn hợp (IBS-M): phân cứng hoặc thành nhiều cục ≤25% số lần đại tiện, và phân lỏng (sệt) hoặc phân nước ≤25% số lần đại tiện.
  4. Hội chứng ruột kích thích không đặc trưng: độ đặc của phân không đủ bất thường để đáp ứng tiêu chuẩn của IBS-C, IBS-D, IBS-M.

Các yếu tố nguy cơ của hội chứng ruột kích thích:

Thường gặp:

 Bệnh nhân tuổi dưới 50. Khởi phát hội chứng ruột kích thích ít gặp ở những người trên 50 tuổi, đây là nhóm cần đánh giá cẩn thận nguyên nhân khác gây triệu chứng ở ruột.

Tỷ lệ nữ: nam là 2:1.

Có tình trạng lạm dụng hoạt động thể chất.

Các triệu chứng của hội chứng ruột kích thích có thể xảy ra ở 30% bệnh nhân sau viêm dạ dày ruột cấp tính do vi khuẩn.

Ngoài ra có thẻ do căng thẳng từ gia đình và công việc. Những biến cố cuộc sống căng thẳng đôi khi có liên quan tới việc các triệu chứng trở nặng, nhưng bản chất của mối liên hệ này chưa rõ ràng.

Chẩn đoán lâm sàng:

Các yếu tố nguy cơ.

Khó chịu ở bụng. co thắt ở giữa bụng hoặc bụng dưới. nhẹ hoặc nặng.

Thay đổi thói quen đi ngoài đi kèm đau (thường gặp). Có thể có tiêu chảy hoặc thường là phân mềm, táo bón, hoặc xen kẽ tiêu chảy và táo bón. Đại tiện làm giảm đau bụng hoặc khó chịu.

Trướng hoặc căng bụng (thường gặp). Tình trạng này tăng lên trong ngày, không đi kèm với buồn nôn và nôn. Tình trạng được cải thiện khi đại tiện hoặc trung tiện.

Khám bụng thông thường (thường gặp). Không có phát hiện đáng kể. Có thể có đau bụng nhẹ tại góc phần tư dưới bên trái hoặc bên phải.

Ngoài ra có thể đi ngoài phân có nhầy (không thường gặp). Xảy ra khi bệnh nhân có triệu chứng và không kèm theo máu.

Cận lâm sàng:

Xét nghiệm máu bình thường.

Xét nghiệm phân, cấy phân tìm vi khuẩn bình thường.

Sinh thiết, xét nghiệm mô bệnh học đại tràng bình thường.

Chụp X.Q khung đại tràng, bình thường hoặc có rối loạn co bóp nhu động. Nội soi đại-trực tràng bình thường.

Qua thăm khám và xét nghiệm có thể giúp chúng ta phát hiện một số triệu chứng báo động về bệnh lý thực tổn để chẩn đoán phân biệt với HCRKT.

Các tiêu chí chẩn đoán:

Tiêu chuẩn Rome IV

Đau bụng hoặc cảm giác khó chịu bụng tái phát, trung bình ít nhất 1 ngày một tuần trong 3 tháng gần đây và kết hợp với ≥2 trong số các tiêu chuẩn sau:

  • Liên quan đến đại tiện
  • Kết hợp với thay đổi tần suất đại tiện
  • Kết hợp với thay đổi dạng phân.

Tiêu chuẩn Manning

Đau bụng tái phát và ≥2 trong số tiêu chuẩn sau:

  • Đỡ đau sau khi đại tiện
  • Đi đại tiện thường xuyên hơn khi cơn đau khởi phát
  • Phân lỏng hơn khi cơn đau khởi phát
  • Trướng bụng có thể nhìn thấy được
  • Tiết chất nhầy ở trực tràng
  • Cảm giác đi ngoài chưa hết.

Các triệu chứng báo động: 

Chán ăn, sụt cân.

Thiếu máu.

Sốt, tăng BC, tốc độ máu lắng tăng.

Đại tiện phân có nhầy máu.

Phân nhỏ dẹt thường xuyên.

Các triệu chứng rối loạn phân mới xảy ra ở người > 40 tuổi.

Tiền sử gia đình có người bị ung thư đại tràng.

Chẩn đoán phân biệt: HCRKT với một số bệnh thường gặp.

HCRKT có ỉa chảy:

Nhiễm trùng đường ruột.

Suy giảm miễn dịch.

Ung thư đại-trực tràng.

U lympho ruột.

Dị ứng thức ăn.

Thiếu men lactase.

Viêm loét đại trực tràng chảy máu.

Viêm đại tràng vi thể.

Hội chứng Crohn

HCRKT có táo bón – đau bụng nổi trội:

U đại tràng.

Bệnh to giãn đại tràng.

U tụy.

Ngộ độc chì.

Thoát vị.

Bệnh sỏi mật và viêm túi mật.

Rối loạn chuyển hóa porphyrine.

Điều trị:

Mục đích chính của việc điều trị là giảm mức độ nghiêm trọng của các triệu chứng và cải thiện chất lượng cuộc sống.

Điều trị triệu chứng là điều cần thiết trong điều trị.

Hiện tại chưa có thuốc đặc hiệu điều trị bệnh.

Việc điều trị có thể không làm dứt hẳn triệu chứng những sẽ cải thiện tốt hơn chất lượng sống của bệnh nhân. Các triệu chứng có thể giảm hoặc mất hoàn toàn những rất dễ tái phát.

Chỉ dùng kháng sinh khi có nguyên nhân từ vi khuẩn.

Điều trị không dùng thuốc:

Thay đổi lối sống và chế độ ăn uống

Ở tất cả các bệnh nhân, điều quan trọng là thiết lập một mối quan hệ trị liệu hiệu quả và cung cấp hướng dẫn cũng trấn an bệnh nhân. Phương pháp điều trị ban đầu nên là bảo tồn, bao gồm thảo luận về các thay đổi lối sống có thể giảm bớt căng thẳng.

Có thể cần phải loại bỏ các chất có tính chất thúc đẩy bệnh, chẳng hạn như cà phê, thuốc lá, đồ sống, rau tươi, RƯỢU. Hiệu quả khi tuân thủ chế độ ăn có thể lên đến 60%.

Giám sát triệu chứng bằng nhật ký có thể có ích trong việc xác định các chất và các yếu tố thúc đẩy bệnh.

Vai trò của chế độ ăn LOW –FODMAP.

– Thực hiện tích cực trong 6-8 tuần.

– Khi kiểm soát triệu chứng

– Ăn chế độ ăn bình thường

– Hạn chế vài loại FODMAPs cao.

Chế độ luyện tập rất cần thiết và phải kiên trì. Luyên tập chế độ đại tiện 1 lần hàng ngày, thư giãn, tập thể dục nhẹ nhàng…

Điều trị bằng thuốc:

Điều trị triệu chứng:

Giảm tiêu chảy: bảo vệ niêm mạc ruột, hấp phụ nước và độc chất. Có rất nhiều chủng và các men vi sinh khác nhau có thể có tác động khác nhau lên chức năng đường ruột. Một chủng, Bifidobacterium infantis, đã cho thấy hiệu quả trong việc cải thiện các triệu chứng hội chứng ruột kích thích và đây là sự lựa chọn được ưa thích hơn các loại men vi sinh khác. Men vi sinh được phát hiện là làm thay đổi hệ vi khuẩn đường ruột với kết quả là bình thường hóa tỉ lệ cytokine kháng viêm đối với tiền viêm trong tế bào đơn nhân máu, cho thấy vai trò điều hòa miễn dịch của vi sinh vật này ở những bệnh nhân mắc hội chứng ruột kích thích. Với bệnh nhân bị tiêu chảy nhiều, có thể cho dùng loperamide sau khi đi ngoài phân lỏng.

Nếu bệnh nhân có táo bón hoặc xen kẽ táo bón và tiêu chảy, thường được khuyến khích dùng chất xơ. Nếu bổ sung chất xơ không đủ có thể cung cấp lactulose.Lưu ý lactulose có thể làm tăng trướng bụng ở một số bệnh nhân.

Cách điều trị hàng đầu đối với bệnh nhân bị đau hoặc trướng bụng là nên dùng thuốc chống co thắt. Có thể dùng dicyclomine hoặc hyoscyamin thường xuyên hoặc khi cần thiết với bệnh nhân có các triệu chứng không thường xuyên.

Rifaximin, một kháng sinh hấp thụ tối thiểu, đã được chỉ ra là có ích lợi mức nhất định trong việc giảm các triệu chứng chung và trướng bụng ở bệnh nhân mắc hội chứng ruột kích thích mà không gây táo bón sau một đợt điều trị trong 2 tuần.

Nếu cơn đau vẫn còn dù đã dùng thuốc chống co thắt, thuốc chống trầm cảm ba vòng hoặc các thuốc ức chế tái hấp thụ serotonin có chọn lọc (SSRIs) có thể phù hợp.

Giải lo âu, an thần: nhóm Benzodiazepine.

Chống trầm cảm: nhóm TCA, nhóm SSRIs.

Xác định mức độ nặng của HCRKT và xử trí (theo GI-MIMS, 2005-2006):

  1. Nhẹ:
  • Triệu chứng không thường xuyên.
  • Rối loạn tâm lý ít.
  • Điều trị: Giáo dục về bệnh, ăn kiêng, chọn thức ăn thích hợp.
  1. Trung bình:
  • Triệu chứng thường xuyên, ảnh hưởng đến hoạt động bình thường.
  • Suy giảm tâm lý.
  • Triệu chứng nặng lên – tìm yếu tố thúc đẩy.
  • Thay đổi nếp sinh hoạt, tâm lý liệu pháp, chế độ ăn kiêng.
  • Dùng thuốc kiểm soát triệu chứng.
  1. Nặng:
  • Đau bụng thường xuyên.
  • Suy giảm tâm thần tiềm ẩn.
  • Điều trị như trên kết hợp với thuốc an thần hoặc thuốc tâm thần.

3 bước đơn giản để chẩn đoán HCRKT 

 

Tài liệu tham khảo:

  1. Drossman DA, Camilleri M, Mayes FA. AGA technical review on irritable bowel syndrome. Gastroenterology. 2002 Dec;123(6):2108-31.
2.Longstreth GF, Thompson WG, Chey WD, et al. Functional bowel disorders. Gastroenterology. 2006 Apr;130(5):1480-91.
3.Lacy BE, Mearin F, Chang L, et al. Bowel disorders. Gastroenterology. 2016 May;150(6):1393-407.
4.Manning AP, Thompson WG, Heaton KW, et al. Towards a positive diagnosis of irritable bowel. BMJ. 1978 Sep 2;2(6138):653-4.
5.Zhang Y, Li L, Guo C, et al. Effects of probiotic type, dose and treatment duration on irritable bowel syndrome diagnosed by Rome III criteria: a meta-analysis. BMC Gastroenterol. 2016 Jun 13;16(1):62
6.Tack J, Broekaert D, Fischler B, et al. A controlled crossover study of the selective serotonin reuptake inhibitor citalopram in irritable bowel syndrome. Gut. 2006 Aug;55(8):1095-103.
7.Pimentel M, Lembo A, Chey WD, et al. Rifaximin therapy for patients with irritable bowel syndrome without constipation. N Engl J Med. 2011;364:22-32.

 

 

Show More

Related Articles

Back to top button