HỘI THẢO TẾ BÀO GỐC TRUNG MÔ ỨNG DỤNG TRONG LÂM SÀNG
Thạc sĩ. Bác sĩ. Nguyễn Quốc Cường
Trong thời gian gần đây, từ khóa “Tế bào gốc” đang dần trở nên phổ biến, được xem như “thần dược” chữa bách bệnh. Các chế phẩm bán tràn lan trên thị trường gắn mác tế bào gốc được quảng cáo có thể chữa được các bệnh mãn tính, bệnh tự miễn cho tới bệnh ung thư. Nhiều bệnh nhân vì tin theo mà sử dụng, để lại nhiều tai biến biến chứng phức tạp. Theo luật pháp Việt Nam, tế bào gốc chỉ được cho tặng, không được thương mại. Vì vậy thực chất các chế phẩm được bán ra trên thị trường chắc chắn không phải tế bào gốc. Vậy tế bào gốc là gì, ứng dụng trong lâm sàng như thế nào, qui trình chiết xuất và sử dụng ra sao? Nhằm chủ trương hiểu rõ về tế bào gốc, hướng tới thành lập trung tâm tế bào gốc, ngày 05/01/2024 Bệnh viện Phong – Da Liễu Trung ương Quy Hòa phối hợp với Viện tế bào gốc, Trường Đại học Khoa học tự nhiên- Đại học Quốc gia Tp. Hồ Chí Minh tổ chức hội thảo Tế bào gốc trung mô ứng dụng trong lâm sàng.
Tế bào gốc toàn năng biệt hóa thành các loại tế bào khác nhau
Có thể nói việc phát hiện ra tế bào gốc là thành tựu đáng kinh ngạc của y học trong thế kỉ qua, là chìa khóa mở ra hướng đi mới trong y khoa- y học tái tạo. Tế bào gốc là loại tế bào đặc biệt với khả năng tự biệt hóa thành các loại tế bào có các chức năng khác nhau trong cơ thể. Ở người trưởng thành, tế bào gốc có thể giúp bổ sung, thay thế, sửa chữa những tế bào già yếu, tế bào chết theo lập trình hoặc bị đột biến. Đồng thời tế bào gốc giúp “lái” quá trình lành thương theo hướng tái tạo, đặc biệt trong các tổn thương lớn, giúp tái tạo mô như ban đầu thay vì hình thành mô xơ sẹo như thông thường. Ở trẻ nhũ nhi, tế bào gốc có thể lấy từ cuống rốn, nhau thai. Đây là tế bào gốc non trẻ, có khả năng tăng sinh và biệt hóa rất tốt. Ở người trưởng thành, tế bào gốc có nhiều ở tủy xương và mô mỡ (tế bào gốc trung mô).
Theo PGS.TS. Phạm Văn Phúc, viện trưởng Viện Tế bào gốc, quy trình chiết xuất và ứng dụng tế bào gốc trung mô đã được ứng dụng lâm sàng thường quy ở nhiều nước trên thế giới. PGS. Phúc đưa ra nhiều nghiên cứu trên thế giới đã công bố với hiệu quả rõ rệt trong điều trị nhiều bệnh lí khác nhau của tế bào gốc. Tại Việt Nam, tế bào gốc không được thương mại hóa, chỉ được “cho-tặng” theo luật pháp Việt Nam. Ở nước ta, tế bào gốc cũng đã được nghiên cứu ứng dụng điều trị có hiệu quả cho nhiều bệnh như nhồi máu cơ tim, thần kinh cột sống, thoái hóa khớp, bỏng, vết thương mạn tính, thẩm mỹ da (đã có danh mục kĩ thuật của bộ y tế phế duyệt năm 2018) và nhiều bệnh lí khác đang trong qua trình nghiên cứu và công bố.
PGS.TS. Phạm Văn Phúc-Viện trưởng viện tế bào gốc trình bày tại hội thảo
Theo BSCKI. Huỳnh Thanh Ban, Khoa Tạo Hình-Thẩm Mỹ Bệnh viện Trung ương Quy Hòa, tế bào gốc lấy từ mô mỡ có nhiều lợi ích như vừa có thể làm giảm mỡ bụng vừa có thể tách chiết và nuôi cấy tế bào gốc lượng nhiều, ứng dụng trong thẩm mĩ da. Thạc sĩ, bác sĩ Nguyễn Quốc Cường khoa Ngoại Tổng Hợp Bệnh viện Trung ương Quy Hòa cho biết tế bào gốc có thể tác động vào cả 4 quá trình của sự lành vết thương, ứng dụng rất tốt trong những vết thương lâu lành như vết thương bỏng, vết loét mạn tính, thoái hóa khớp.
BSCKI Huỳnh Thanh Ban khoa Tạo hình-Thẩm Mỹ trình bày tại hội thảo
ThS.BS Nguyễn Quốc Cường- Khoa Ngoại- Tổng hợp trình bày tại hội thảo
BS. Vũ Tuấn Anh, giám đốc Bệnh viện Da liễu Trung ương Quy Hòa kết luận rằng tế bào gốc mở ra một chân trời mới cần khai phá trong y học. Việc thành lập Trung tâm ứng dụng tế bào gốc rất cần sự nỗ lực của cả tập thể và sự ủng hộ, hỗ trợ từ Bộ Y tế cũng như của Viện tế bào gốc. Đây có lẽ là một hướng đi mới đầy thách thức nhưng cũng đầy hứa hẹn, giúp điều trị những bệnh lí phức tạp đa chuyên khoa. Bệnh viện sẽ tiếp tục làm việc, hợp tác, chuyển giao để đặt nền móng cho một phương pháp điều trị mới, tiên phong trong khu vực Miền trung – Tây nguyên, đem lại lợi ích thiết thực cho người bệnh trong khu vực.
Ts.Bs. Vũ Tuấn Anh- Giám đốc Bệnh viện phát biểu