HƯỚNG DẪN CHĂM SÓC TRẺ ĐẺ NON
Lê Ánh Diệu
1. Định nghĩa
Trẻ sống sinh ra trước 37 tuần (kể từ ngày đầu của kỳ kinh cuối cùng) được gọi là trẻ đẻ non.
2. Những nguy cơ dẫn đến trẻ đẻ non
Về mặt lý thuyết, đẻ non thường liên quan đến những tình trạng trong đó tử cung không còn khả năng giữ thai, những kích thích làm tử cung co bóp trước khi chuyển dạ. Các yếu tố thường gặp:
- Tuổi người mẹ lúc sinh quá trẻ (< 16 tuổi) hoặc quá lớn (> 35 tuổi).
- Bệnh mãn tính tim, phổi, cao huyết áp, bệnh thận, thiếu máu …
- Điều kiện kinh tế xã hội thấp, mẹ ăn uống thiếu thốn.
- Mẹ lao động quá sức dẫn đến mệt nhọc
- Các yếu tố sản khoa như: đẻ nhiều, đẻ dày, rau bám thấp, dị dạng tử cung, viêm màng ối, đa ối…
- Các yếu tố về thai nhi: Khuyết tật về nhiễm sắc thể, dị tật bẩm sinh, suy thai cấp hoặc mãn, thai nhi chậm phát triển…
- Có đến 30 – 50% trẻ đẻ non không tìm thấy yếu tố liên quan, khi đó cần nghĩ đến và tìm bằng chứng của tình trạng nhiễm trùng mẹ – thai
3. Chăm sóc trẻ đẻ non
Việc chăm sóc trẻ đẻ non cần được thực hiện ở đơn vị chăm sóc sơ sinh đặc biệt.
Nguyên tắc luôn cần bảo đảm là vô trùng và giữ ấm (nên dùng lồng ấp hơn là bàn sưởi để giảm sự mất nước không nhận biết qua da) ; tránh những ảnh hưởng không tốt cho trẻ (tiếng ồn, ánh sáng, kích thước không cần thiết …); giảm thiểu thời gian cách li mẹ con, chăm sóc bằng phương pháp Kangaroo cho các trẻ đã qua giai đoạn bệnh nặng.
3.1 Khi trẻ mới sinh
– Đánh giá hô hấp, màu da, nhịp tim.
– Đánh giá tuổi thai
– Phát hiện những dị tật cần can thiệp cấp cứu.
3.1.1 Nếu trẻ khóc ngay
– Tính chỉ số Apgar sau 1 và 5 phút.
– Hút dịch mũi họng thông đường thở, làm rỗng dạ dày.
– Giữ ấm, bảo đảm nhiệt độ cơ thể (sử dụng lồng ấp, bàn sưởi ấm hoặc phương pháp da kề da).
– Theo dõi nhịp tim, nhịp thở, màu da.
– Theo dõi chỉ số Silverman nhiều lần mỗi 15- 30 phút.
3.1.2 Nếu trẻ có khó thở
– Khó thở nhẹ:
+ Nằm bàn sưởi ấm.
+ Xoa da kích thích thở, hồi sức ngay sau sinh thật tốt, thở oxy qua mặt nạ.
+ Theo dõi chỉ số Apgar sau 10 phút.
– Khó thở nặng
+ Đặt nội khí quản, hút dịch nước ối.
+ Thông khí hỗ trợ nếu cần.
+ Cho chụp phim phổi (nếu được, X quang tại giường là tốt nhất) để phát hiện sớm bệnh màng trong.
+ Cần theo dõi tiếp theo.
3.2 Tiếp theo
– Trong những giờ đầu sau khi thăm khám và đánh giá trẻ cần thực hiện các xét nghiệm máu glucose, canxi, bilirubin, thăng bằng toan kiềm, huyết đồ…; làm cấy phân hay dịch dạ dày để phát hiện nhiễm trùng.
– Chú ý theo dõi hàng ngày để đánh giá sự tiến triển của trẻ và điều trị kịp thời các bệnh cũng như biến chứng có thể xảy ra.
+ Thân nhiệt
+ Cân nặng
+ Nhịp thở
+ Nhịp tim.
+ Màu sắc da (tím tái, vàng da, mụn nước, ban xuất huyết ngoài da).
+ Thần kinh (thóp, trương lực cơ, đáp ứng khóc và cử động với kích thích, tiếng khóc hay cử động bất thường).
+ Tiêu hóa (số lượng sữa, dịch nôn, đại tiện với số lần và tính chất, bụng chướng).
+ Nước tiểu.
– Các mốc thời gian cần tầm soát những vấn đề ở trẻ đẻ non.
+ Lần khám đầu ngay sau sanh vài giờ: Ngạt, dấu cấp cứu, suy hô hấp, dị tật bấm sinh nặng
+ Đến sau ngày thứ 4: Còn ống động mạch, vàng da.
+ Đến ngày thứ 7 – 10: Chức năng thận, viêm ruột hoại tử, xuất huyết não màng não, còn ống động mạch.
+ Đến tháng 1: Bệnh phổi mãn, bệnh lý võng mạc, thiếu máu, tăng cân.
+ Suốt thời gian nằm viện: Nhiễm trùng mắc phải tại bệnh viện.
3.3 Khi trẻ ra viện
– Đánh giá sự phát triển của trẻ trước khi ra viện.
– Hẹn tái khám để đánh giá về sự phát triển thể chất, thần kinh, tinh thần, các di chứng.
– Tiêu chuẩn ra viện cần hội đủ những tiêu chuẩn sau để đảm bảo an toàn, tránh nhâp viện lại ngay sau xuất viện :
+ Cân nặng đạt 1800- 2000g.
+ Tăng cân 30 – 50 g/ ngày trong 3 ngày liên tục.
+ Nhiệt độ nách ổn định 36,5 độ C ở nhiệt độ phòng trong 48 giờ và vẫn tiếp tục tăng cân.
+ Không có cơn ngừng thở nặng/ chậm nhịp tim trong 5 ngày.
+ Dấu hiệu sống ổn định
+ Dung nạp hoàn toàn lượng sữa trong 2 ngày.
+ Gia đình đã được hướng dẫn và có khả năng chăm sóc trẻ.
Tài liệu tham khảo:
- Giáo trình sau đại học Nhi khoa tập 1, PGS Tiến sĩ Hoàng Thị Thủy Yên.
- Ballard RA (2005), Care of the High- Risk Infant. In: H. William Taeusch, Roberta A. Ballard, Christine A. Gleason, Avery’ Diseases of The Newborn, Elservier- Saunders, 8th edition, Philadelphia, pp.349-446.