HƯỚNG DẪN CHẾ ĐỘ ĂN CẢI THIỆN SỨC KHỎE TIM MẠCH
Ths.Bs Phạm Thị Thuyên
Chế độ ăn với chất lượng kém có liên quan đến việc gia tăng nguy cơ tử vong và nguy cơ mắc các bệnh tim mạch. Các mô hình chế độ ăn có lợi cho tim mạch cần được áp dụng ngay từ sớm và duy trì suốt cuộc đời. Khuyến cáo chế độ ăn cung cấp đầy đủ dinh dưỡng, hỗ trợ sức khỏe tim mạch và sức khỏe chung, tôn trọng sở thích cá nhân và tùy theo từng giai đoạn.
10 khuyến cáo về chế độ ăn để tăng cường sức khỏe tim mạch của Hiệp hội Tim mạch Hoa Kỳ (American Heart Associasion – AHA) năm 2021.
- Điều chỉnh năng lượng nạp vào và năng lượng tiêu thụ để duy trì cân nặng lý tưởng.
- Ăn nhiều trái cây và rau xanh
- Lựa chọn thực phẩm từ ngũ cốc nguyên hạt hơn là ngũ cốc tinh chế
- Lựa chọn nguồn protein lành mạnh
- Lựa chọn dầu thực vật hơn dầu của các loại thực vật nhiệt đới (dầu cọ, dừa…) chất béo động vật (bơ, mỡ) và chất béo được hydro hóa một phần
- Lựa chọn thực phẩm đã quan chế biến tối thiểu thay vì thực phẩm siêu chế biến
- Hạn chế tiêu thụ đồ uống và thực phẩm có đường
- Lựa chọn/ chế biến thực phẩm với ít muối hoặc không có muối
- Duy trì thói quen không uống rượu hoặc chỉ uống với liều hạn chế
- Tuân thủ chế độ ăn theo hướng dẫn bất kể nơi thực phẩm chế biến hay tiêu thụ
Hình 1. Chế độ ăn tăng cường sức khỏe tim mạch
1. Điều chỉnh năng lượng nạp vào và năng lượng tiêu hao để đạt và duy trì cân nặng phù hợp
Duy trì cân nặng phù hợp là một trọng những yếu tố quan trọng để làm giảm nguy cơ tim mạch. Trong 3 thập niên vừa qua, việc tăng cường nạp năng lượng và duy trì lối sống tĩnh tại làm mất cân bằng năng lượng và tích trữ cân nặng dư thừa. Chế độ ăn lành mạnh kết hợp với hoạt động thể chất vừa phải (tối thiểu 150 phút/tuần) có thể hỗ trợ tối ưu hóa cân bằng năng lượng. Tuy vậy, nhu cầu năng lượng thay đổi theo tuổi, cường độ vận động, giới tính và kích thước cơ thể. Trong suốt thời kỳ trưởng thành, nhu cầu năng lượng giảm gần 70 – 100 calo mỗi 10 năm. Việc tiêu thụ quá nhiều thức ăn có thể làm mất cân bằng năng lượng và tăng cân, kể cả đối với nhóm thực phẩm lành mạnh.
Chế độ ăn lành mạnh theo khuyến cáo là sự phối hợp cùng lúc giữa việc kiểm soát khẩu phần và cân bằng năng lượng – đây là cốt lõi để hạn chế thừa cân và nguy cơ các bệnh tim mạch. Bác sĩ và bệnh nhân cần cân nhắc những chế độ ăn không theo khuyến cáo dù chế độ ăn này có thể khiến bệnh nhân sụt cân trong thời gian ngắn, không thể chắc chắn bệnh nhân có thể tuân thủ lâu dài cũng như chắc chắn về các kết cục. Áp dụng những công cụ sàng lọc đánh giá nhanh chế độ ăn trong chăm sóc sức khỏe có thể giảm nguy cơ các bệnh tim mạch và theo dõi chế độ ăn trong hồ sơ y tế điện tử có thể hỗ trợ bác sĩ đạt mục tiêu dễ dàng hơn.
2. Tiêu thụ nhiều hoa quả, rau củ và lựa chọn đa dạng hoa quả, rau củ
Kết quả từ nhiều nghiên cứu quan sát cho thấy chế độ ăn giàu hoa quả và rau củ (ngoại trừ khoai tây trắng) có liên quan đến việc làm giảm nguy cơ các bệnh tim mạch. Kết quả từ các nghiên cứu can thiệp cũng cho kết quả tương tự. Hoa quả và rau củ có màu đậm ( rau xanh, táo đỏ, đào..) thường chứa nhiều dưỡng chất hơn hoa quả và rau củ có màu nhạt/màu trắng. Hoa quả và rau củ nguyên dạng chứa nhiều chất xơ và dễ mang đến cảm giác no hơn nước ép. Do vậy nên tiêu thụ hoa quả và rau củ nguyên dạng hơn nước ép. Đa số các phân nhóm hoa quả và rau củ đều có liên quan đến việc làm giảm tỷ lệ tử vong.
Lựa chọn đa dạng nhóm thực phẩm có thể cung cấp đầy đủ các dưỡng chất thiết yếu và các hợp chất có trong thực vật (phytochemical). Tất cả các dạng hoa quả và rau củ (tươi, đông lạnh, đóng hộp và sây khô) đều có thể bổ sung vào chế độ ăn lành mạnh cho tim mạch. Hoa quả và rau củ đông lạnh có hạn sử dụng dài hơn và chứa hàm lượng dưỡng chất tương tự hoặc cao hơn hoa quả và rau củ tươi, đồng thời giá thành cũng rẻ hơn. Tuy nhiên nên hạn chế những loại hoa quả và rau củ đóng hộp có thêm muối và đường.
3. Ưu tiên lựa chọn thực phẩm từ ngũ cốc nguyên hạt hơn ngũ cốc tinh chế
Kết quả từ các nghiên cứu quan sát và các thử nghiệm lâm sàng cho thấy việc tiêu thụ thực phẩm làm từ ngũ cốc nguyên hạt hàng ngày mang đến nhiều lợi ích về nguy cơ tim mạch, bệnh mạch vành, đột quỵ, hội chứng chuyển hóa và các yếu tố nguy cơ của bệnh tim mạch chuyển hóa hơn so với việc tiêu thụ nhóm thực phẩm này không thường xuyên. Ngũ cốc nguyên hạt chứa nội nhũ, phôi, cám và nhiều chất xơ. Sản phẩm chứa tối thiểu 51% ngũ cốc nguyên hạt trong thành phần thường được xem là ngũ cốc nguyên hạt. Dữ liệu từ các nghiên cứu quan sát cũng cho thấy việc thay thế ngũ cốc tinh chế bằng ngũ cốc nguyên hạt có liên quan đến việc làm giảm nguy cơ bệnh mạch vành. Lợi ích của ngũ cốc nguyên hạt đối với hệ vi sinh vật đường ruột và tác dụng nhuận tràng cũng được ghi nhận.Tiêu thụ ngũ cốc nguyên hạt thay vì ngũ cốc tinh chế cũng có thể cải thiện các yếu tố nguy cơ tim mạch trong các nghiên cứu can thiệp ngẫu nhiên có đối chứng.
4. Lựa chọn protein có nguồn gốc lành mạnh chủ yếu là protein từ thực vật (thực vật họ đậu và quả hạch)
Đậu nành, các loại đậu khác, đậu lăng, đậu gà và đậu khô tách đôi là những loại thực phẩm có nguồn gốc từ thực vật họ đậu điển hình. Những loại thực phẩm này không chỉ giàu protein mà còn là nguồn chất xơ dồi dào. Kết quả của các nghiên cứu tổng quan hệ thống so sánh việc tiêu thụ ít và nhiều thực vật họ đậu cho thấy việc tiêu thụ nhiều thực vật họ đậu có liên quan đến việc làm giảm nguy cơ mắc các bệnh tim mạch.
Tiêu thụ nhiều quả hạch cũng có liên quan đến việc làm giảm nguy cơ tim mạch, bệnh mạch vành, đột quỵ và tử vong vì đột quỵ. Khuyến cáo cho chế độ ăn có nền tảng từ thực vật thường tập trung vào việc thay thế thực phẩm có nguồn gốc từ động vật bằng thực phẩm có nguồn gốc từ thực vật bằng các loại cây họ đậu, quả hạch và các chế phẩm làm từ 2 loại thực vật này. Việc chuyển đổi mô hình ăn uống này cũng có lợi ích trong việc làm giảm lượng khí thải carbon, từ đó góp phần bảo vệ môi trường.
Tiêu thụ thường xuyên cá và hải sản
Chế độ ăn chứa cá và hải sản có liên quan đến việc làm giảm nguy cơ các bệnh tim mạch. Kết quả của các nghiên cứu tổng quan hệ thống cho thấy 2 – 3 bữa ăn chứa cá/tuần có liên quan đến việc làm giảm tỷ lệ tử vong do mọi nguyên nhân, bệnh tim mạch, bệnh mạch vành, nhồi máu cơ tim, đột quỵ và suy tim. Lợi ích này được cho là do cá và hải sản chứa acid béo omega 3và hiệu ứng có lợi khi thay thế các protein động vật khác (thịt đỏ, thịt qua chế biến và các sản phẩm từ sữa chứa đầy đủ chất béo). Tuy nhiên, cần phải lưu ý đến quá trình chế biến cá và hải sản vì dạng chiên không mang lại lợi ích. Dữ liệu hiện có ủng hộ việc tiêu thụ tối thiểu 2 bữa ăn chứa cá mỗi tuần.
Chế phẩm làm từ sữa chứa ít/không chứa chất béo
Những bằng chứng hiện có cho phép tạm thời kết luận rằng chế độ ăn có các chế phẩm làm từ sữa chứa ít/không chứa chất béo có liên quan đến việc làm giảm nguy cơ đến tỷ lệ tử vong do mọi nguyên nhân thấp hơn, bệnh tim mạch, thừa cân và béo phì. Các chế phẩm làm từ sữa chứa ít/không chứa chất béo là một phần trong Chế độ ăn Ngăn chặn Tăng huyết áp (dietary approaches to stop hypertention – DASH). Trong hơn 40 năm qua, sự thay đổi trong chế độ ăn và lối sống của cộng động có liên quan đến việc làm giảm đáng kể nồng độ cholesterol trong huyết thanh và tỷ lệ tử vong vì các bệnh mạch vành. Một nửa lợi ích thu được là do giảm nồng độ cholestrol huyết thanh với thay đổi chế độ ăn bằng việc tăng cường tiêu thụ hoa quả, rau củ, cá, giảm tiêu thụ đường, muối và chuyển đổi từ thịt mỡ sang thịt nạc. Các nghiên cứu quan sát cho thấy việc thay thế chất béo từ sữa thành chất béo thực vật và chất béo chưa bão hòa làm giảm nguy cơ tim mạch và đột quỵ. Tuy nhiên, đây vẫn là chủ đề có nhiều tranh cãi. Tóm lại, việc thay thế các chế phẩm làm từ sữa có đầy đủ chất béo bằng các chế phẩm chứa ít/không chứa chất béo và nguồn thực phẩm khác chứa chất béo chưa bão hòa có thể làm tăng tỷ lệ chất béo chưa bão hòa và chất béo bão hòa trong chế độ ăn. Điều này có thể mang đến nhiều lợi ích cho sức khỏe tim mạch .
Nếu muốn tiêu thụ thịt hay thịt gia cầm, nên lựa chọn phần nạc và tránh thực phẩm đã qua chế biến
Chế độ ăn có nhiều thịt đỏ có liên quan đến việc gia tăng nguy cơ xảy ra các nguy cơ tim mạch và tử vong vì các bệnh tim mạch cũng như tăng chỉ số khối cơ thể và vòng eo. Nhiều nghiên cứu tổng quan hệ thống và phân tích gộp đã chỉ ra mối liên hệ trực tiếp giữa việc tiêu thụ thịt đỏ và tỷ lệ mắc/tỷ lệ tử vong do các bệnh tim mạch. Mối liên hệ này nghiêm trọng hơn đối với các chế phẩm thịt đã qua chế biến. Tác động của thịt đỏ đối với nguy cơ mắc các bệnh tim mạch có thể do nhiều yếu tố , bao gồm chất béo bão hòa và hàm lượng sắt heme (heme iron) và sự chuyển hóa L – carnitine và phosphatidylcholine của hệ vi sinh vật đường ruột.
Thịt đã qua chế biến bao gồm thịt, thịt gia cầm hoặc hải sản được bảo quản bằng cách hun khói, xử lý hoặc ướp muối hoặc bổ sung các hóa chất bảo quản (ví dụ: thịt xông khói, xúc xích, hot dog, deli meat, pepperoni và salami. Các thực phẩm này thường được chế biến với natri và nitrit. Do vậy, thịt đã qua chế biến thường chứa nhiều muối, chất béo chưa bão hòa, cholesterol, sắt heme, hydrocarbon thơm đa vòng và amin dị vòng. Kết quả của các phân tích cho thấy việc thay thế thịt đã qua chế biến bằng các nguồn protein khác có liên quan đến việc làm giảm tỷ lệ tử vong vì các bệnh tim mạch.
5. Lựa chọn dầu thực vật thay vì dầu thực vật nhiệt đới (dầu dừa, dầu cọ…), chất béo động vật (bơ và mỡ) và chất béo được hydro hóa một phần
Bằng chứng hiện có đã chứng minh lợi ích của các chất béo chưa bão hòa trong chế độ ăn đối với hệ tim mạch, đặc biệt là khi thay thế các chất béo bão hòa và chất béo dạng trans. Tác động bảo vệ tim mạch của chất béo chưa bão hòa bao gồm làm giảm nồng độ LDL cholesterol và nguy cơ tim mạch. Trong đó chất béo chưa bão hòa đa có nhiều lợi ích hơn chất béo chưa bão hòa đơn. Chất béo chưa bão hòa đa có nguồn gốc chủ yếu từ dầu thực vật còn chất béo chưa bão hòa đơn có nguồn gốc từ cả thịt và dầu thực vật. Chế độ ăn và thuốc điều trị làm giảm nồng độ LDL cholesterol làm giảm tiến triển xơ vữa động mạch và có thể làm giảm đáng kể nguy cơ mắc các bệnh tim mạch.
Nguồn cung cấp chất béo chưa bão hòa đa trong chế độ ăn chủ yếu là dầu thực vật như dầu đậu nành, dầu bắp, dầu hoa hướng dương, dầu hoa rum, dầu hạt óc chó và dầu hạt lanh. Nguồn cung cấp chất béo bão hòa đơn từ thực vật trong chế độ ăn chủ yếu là dầu hạt cải, dầu oliu và quả hạch.
Dầu hạt lanh, dầu hoa hướng dương, đậu phộng, đa số quả hạch và bơ từ quả hạch chứa nhiều acid oleic. Cá chứa nhiều chất béo là nguồn cung cấp dồi dào acid béo omega – 3. Để đạt chế độ ăn lành mạnh, chất béo bão hòa và chất béo dạng trans nên được thay thế bởi dầu thực vật (không phải thực vật nhiệt đới).
6. Lựa chọn thực phẩm chế biến tối thiểu thay vì thực phẩm siêu chế biến
Hiện nay, NOVA là hệ thống phân loại thường được áp dụng. Trong hệ thống phân loại này, thực phẩm được phân nhóm thành:
- Chưa qua chế biến hoặc qua chế biến tối thiểu (unprocessed và minimally processed)
- Nguyên liệu qua chế biến (processed culinary ingredientsc): nguyên liệu thu được sau quá trình chế biến thực phẩm tối thiểu bằng cách nén, tinh chế, nghiền hoặc xay
- Thực phẩm chế biến (processed food): thực phẩm thuộc 2 nhóm trên được gia vị thêm muối, đường hoặc chất béo
- Thực phẩm siêu chế biến (ultra – processed food): thực phẩm thuộc các nhóm trên ngoài việc được gia vị thêm muối, chất tạo ngọt và chất béo còn được thêm màu, hương vị nhân tạo và chất bảo quản để gia tăng tính ổn định trong thời hạn bảo quản, giữ nguyên kết cấu món ăn cũng như tăng độ ngon của món ăn
Tiêu thụ thực phẩm siêu chế biến có liên quan đến nhiều bất lợi đối với sức khỏe, bao gồm thừa cân, béo phì, rối loạn tim mạch – chuyển hóa và tử vong do mọi nguyên nhân. Kết quả của một số nghiên cứu gần đây cho thấy việc tiêu thụ nhiều thực phẩm đã qua chế biến có liên quan đến việc gia tăng nguy cơ đái tháo đường type 2, nguy cơ mắc các bệnh tim mạch và tử vong do mọi nguyên nhân. Tóm lại, nên gia tăng lựa chọn thực phẩm chưa qua chế biến hoặc chế biến tối thiểu.
7. Tiêu thụ tối thiểu đồ uống và thực phẩm có thêm đường
Các loại đường thường được lựa chọn để bổ sung vào đồ uống và thực phẩm là glucose, dextrose, sucrose, siro bắp, mật ong, si rô cây phong và nước ép trái cây cô đặc. Việc thêm đường vào đồ uống và thực phẩm liên tục có liên quan đến việc làm tăng nguy cơ mắc đái tháo đường type 2, bệnh mạch vành và thừa cân. Có nhiều bằng chứng để ủng hộ việc hạn chế tiêu thụ thực phẩm có đường đến mức tối thiểu trong suốt cuộc đời.
Việc sử dụng những chất tạo ngọt ít năng lượng để thay thế đường được xem là một biện pháp tiềm năng để giảm lượng đường tiêu thụ và lượng năng lượng nạp vào. Tuy nhiên, các phân tích gộp và thử nghiệm lâm sàng cho thấy nhiều kết quả khác nhau về tác động của các chất tạo ngọt ít năng lượng đối với cân nặng và kết cục chuyển hóa. Cần nhiều thời gian và nghiên cứu hơn về các chất tạo ngọt này.
8. Lựa chọn/chế biến thực phẩm chứa ít/không chứa muối
Lượng muối ăn vào hàng ngày có mối tương quan thuận với tăng huyết áp. Kết quả của thử nghiệm ngẫu nhiên cũng cho thấy tiêu thụ ít natri làm giảm huyết áp ở cả người bình thường và bệnh nhân tăng huyết áp, từ đó hỗ trợ cải thiện kiểm soát huyết áp. Kết quả của các nghiên cứu quan sát cho thấy hạn chế tiêu thụ natri làm giảm sự gia tăng huyết áp tâm thu liên quan đến tuổi tác và làm giảm nguy cơ của các bệnh tim mạch. Nhìn chung, lợi ích của việc giảm tiêu thụ natri đối với việc kiểm soát huyết áp rõ ràng nhất đối với người da đen, người trong độ tuổi trung niên, người lớn tuổi và bệnh nhân tăng huyết áp. Phối hợp chế độ ăn DASH với hạn chế tiêu thụ natri mang lại nhiều hiệu quả hơn so với việc chỉ ăn theo chế độ DASH hoặc chỉ hạn chế tiêu thụ natri. Ở Hoa Kỳ, nguồn chứa nhiều natri trong bữa ăn bao gồm thực phẩm chế biến, thực phẩm không được chế biến tại nhà, thực phẩm đóng gói và thực phẩm trong nhà hàng. Lưu ý rằng những loại thực phẩm được dán nhãn là 100% lúa mì nguyên cám hoặc hữu cơ có thể chứa nhiều natri.
Một loại muối khác có thể có tiềm năng để thay thế natri là muối giàu kali.
9. Tiếp tục không uống rượu hoặc hạn chế uống rượu nếu có thói quen uống rượu
Mối liên hệ giữa uống rượu và các bệnh tim mạch khá phức tạp. Nguy cơ này biến đổi tùy thuộc vào tổng số lượng rượu uống vào, số lượng rượu uống vào trong một lần, tuổi tác, giới tính và kết cục tim mạch đánh giá. Đối với hầu hết các kết mục tim mạch, mối liên hệ với rượu là mối liên hệ trực tiếp. Còn đối với bệnh tim mạch vành và đột quỵ do thiếu máu cục bộ, mối liên hệ với rượu có dạng chữ J hoặc chữ U, tức là nguy cơ thấp nhất khi tiêu thụ ít cồn và tăng lên khi không tiêu thụ/tiêu thụ nhiều cồn. Mặc dù việc tiêu thụ ít cồn có liên quan đến nguy cơ bị bệnh mạch vành và đột quỵ do thiếu máu cục bộ thấp hơn, nhưng AHA không khuyến cáo bắt đầu uống rượu ở bất kỳ mức độ nào để cải thiện sức khỏe tim mạch.
10. Tuân thủ khuyến cáo bất kể nơi thực phẩm được chế biến và tiêu thụ
Hướng dẫn chế độ ăn áp dụng cho tất cả các loại thực phẩm và đồ uống không kể nơi thực phẩm được chế biến, bảo quan và tiêu thụ. Các chính sách nên được ban hành để ủng hộ việc lựa chọn những thực phẩm lành mạnh hơn và hạn chế lượng muối và đường trong thực phẩm.
Tài liệu tham khảo
- Alice H. Lichtenstein, Lawrence J. Appel, Maya Vadiveloo et al. 2021 Dietary Guidance to Improve Cardiovascular Health: A Scientific Statement From the American Heart Association. Circulation. 2021;144:00-00. DOI: 10.1161/ CIR.0000000000001031