HƯỚNG DẪN CỦA TỔ CHỨC Y TẾ THẾ GIỚI VỀ CHĂM SÓC BỆNH NHÂN NHIỄM N-COV TẠI NHÀ
CHĂM SÓC BỆNH NHÂN NHIỄM N-COV TẠI NHÀ
HƯỚNG DẪN CỦA TỔ CHỨC Y TẾ THẾ GIỚI VỀ CHĂM SÓC BỆNH NHÂN NHIỄM N-COV TẠI NHÀ
Lời nói đầu
Tổ chức Y tế thế giới (WHO) đã đưa ra một số lời khuyên để giúp mọi người có thể chăm sóc tại nhà một cách an toàn cho bệnh nhân nghi ngờ nhiễm corona virus mới (2019-nCoV) với các triệu chứng nhẹ. Đồng thời hướng dẫnmột số biện pháp y tế công cộng để quản lý các trường hợp không có triệu chúng.
Lời khuyên này dành cho các chuyên gia trong lĩnh vực y tế công cộng, dự phòng và kiểm soát các bệnh truyền nhiễm (IPC), các nhà quản lý trong lĩnh vực chăm sóc sức khỏe và nhân viên y tế.
Hướng dẫn chăm sóc tại nhà cho các trường hợp nghi ngờ nhiễm nCoV với triệu chứng nhẹ
Ở một số địa phương, vì một số lý do như cơ sở chăm sóc nội trú không có sẵn hoặc không an toàn (nghĩa là hạn chế năng lực và tài nguyên, không thể đáp ứng nhu cầu cho các dịch vụ chăm sóc sức khỏe).
Nếu tồn tại một số lý do như vậy, những bệnh nhân có các triệu chứng nhẹ và không mắc các bệnh mạn tính như hen, phổi tắc nghẽn mạn tính, tim mạch, suy thận hoặc tình trạng suy giảm miễn dịch thì họ có thể tự chăm sóc tại nhà. Đối với các các bệnh nhân đã xuất viện, nguyên tắc chăm sóc cũng tương tự. Điều quan trọng là phải có phán đoán lâm sàng ban đầu chính xác và môi trường tại gia phải thực sự an toàn.
Trong suốt thời gian chăm sóc tại nhà, người bệnh và gia đình nên giữ liên lạc với nhân viên y tế thường xuyên cho đến khi hồi phục hoàn toàn. Bệnh nhân và người nhà nên được giáo dục về vệ sinh cá nhân, phòng ngừa nhiễm khuẩn và các biện pháp kiểm soát, ngăn ngừa sự lây lan. Bên cạnh đó, bệnh nhân và gia đình nên tuân thủ các khuyến nghị sau đây:
– Bố trí phòng ở của bệnh nhân thật thông thoáng
– Hạn chế số lượng người chăm sóc bệnh nhân, nên chọn một người có sức khoẻ tốt; không tiếp khách thăm nom
– Các thành viên khác trong gia đình nên ở trong một phòng khác; nếu không thể, hãy giữ khoảng cách tối thiểu 1m với người bệnh
– Hạn chế cử động của bệnh nhân và giảm thiểu chia sẻ không gian. Đảm bảo rằng các không gian chung (ví dụ: nhà bếp, phòng tắm) được thông gió tốt
– Người chăm sóc nên đeo khẩu trang y tế khi tiếp xúc trực tiếp với người bệnh. Không nên chạm tay vào khẩu trang, nếu khẩu trang bị ướt hoặc dính dịch tiết, phải đổi ngay lập tức. Bỏ khẩu trang vào thùng rác và vệ sinh tay sau khi sử dụng.
– Thực hiện vệ sinh tay sau khi tiếp xúc với người bệnh, sau khi nấu ăn, trước khi ăn, sau khi đi vệ sinh và bất cứ khi nào tay trông bẩn, nếu tay không dính bẩn, có thể được sử dụng dung dịch sát khuẩn tay nhanh.
– Sau khi rửa tay bằng xà phòng và nước, nên lau lại bằng khăn giấy (nếu không có sẵn, có thể sử dụng khăn vải).
– Tất cả mọi người nên giữ gìn vệ sinh hô hấp, đặc biệt là người bệnh. Che miệng và mũi trong khi ho hoặc hắt hơi bằng khẩu trang y tế, khẩu trang vải, khăn giấy hoặc cong khuỷu tay, sau đó vệ sinh tay.
– Vứt bỏ các vật liệu được sử dụng để che miệng hoặc mũi (hoặc làm sạch chúng sau khi sử dụng).
– Tránh tiếp xúc trực tiếp với dịch cơ thể, đặc biệt là dịch tiết từ miệng, mũi và phân. Sử dụng găng tay dùng 1 lần để chăm sóc răng miệng, hệ hộ hấp và tiêu, tiểu cho bệnh nhân. Vệ sinh tay trước và sau khi tháo găng tay.
– Nên đặt găng tay, khăn giấy, khẩu trang và các chất thải khác từ người bệnh và người chăm sóc ở riêng một nơi.
– Tránh tiếp xúc trực tiếp với người bệnh hoặc các vật dụng mà họ sử dụng (ví dụ: tránh dùng chung bàn chải đánh răng, chén, bát, đũa , khăn tắm ,…).
– Làm sạch và khử trùng các bề mặt thường xuyên tiếp xúc như bàn cạnh giường ngủ, tấm trải giường, đồ nội thất phòng ngủ bằng chất khử trùng thông thường trong gia đình có chứa dung dịch thuốc tẩy pha loãng.
– Làm sạch và khử trùng bề mặt phòng tắm và nhà vệ sinh ít nhất một lần mỗi ngày bằng chất khử trùng thông thường trong gia đình có chứa dung dịch thuốc tẩy pha loãng.
– Làm sạch quần áo, khăn trải giường, khăn tắm và khăn lau tay,… của những người bị bệnh bằng cách sử dụng xà phòng giặt thường xuyên và phôi khô hoàn toàn. Tránh tiếp xúc trực tiếp với quần áo, đồ dùng bị ô nhiễm.
– Sử dụng găng tay và quần áo bảo hộ dùng 1 lần khi làm sạch hoặc xử lý các bề mặt, quần áo hoặc vải dính dịch cơ thể. Thực hiện vệ sinh tay trước và sau khi tháo găng.
– Những người có triệu chứng nên ở nhà cho đến khi các triệu chứng của họ được giải quyết dựa trên kết quả lâm sàng hoặc xét nghiệm (hai xét nghiệm RT-PCR âm tính cách nhau ít nhất 24 giờ).
– Tất cả các thành viên trong gia đình nên đươc kiểm tra sức khoẻ thường xuyên.
– Nếu một thành viên xuất hiện các triệu chứng nhiễm trùng đường hô hấp cấp tính, bao gồm sốt, ho, đau họng, khó thở nên đi khám ngay.
Quản lý tiếp xúc
Trước các bằng chứng hạn chế về lây truyền từ người sang người của 2019-nCoV, những người (bao gồm cả nhân viên y tế) có thể đã tiếp xúc với những người bị nghi ngờ nhiễm 2019-nCoV nên theo dõi sức khoẻ của họ trong vòng 14 ngày, kể từ ngày cuối cùng. Đồng thời, đi khám ngay lập tức nếu xuất hiện bất kì triệu chứng như sốt, ho, khó thở, tiêu chảy.
Các cơ sở y tế nên hướng dẫn trước cho người dân về phương tiện, địa điểm vận chuyển những người có bị bệnh. Bên cạnh đó, cũng cần có các biện pháp phòng ngừa lây nhiễm.
– Thông báo cho cơ sở y tế tiếp nhận rằng có một người tiếp xúc có triệu chứng sẽ đến cơ sở của họ
– Trong khi di chuyển, người bệnh nên đeo khẩu trang y tế.
– Tránh sử dụng xe bus hoặc các phương tiện công cộng khác, nên gọi xe cứu thương hoặc xe riêng, mở cửa sổ xe thông thoáng nếu có thể.
– Khi tiếp xúc với người bệnh phải luôn mang khẩu trang và vệ sinh tay; đứng hoặc cách xa người đó ít nhất 1m.
– Người chăm sóc và người tiếp xúc với người bị bệnh nên vệ sinh tay thường xuyên
– Bất kì bề mặt nào dính chất tiết đường hô hấp hoặc dịch cơ thể trong quá trình di chuyển phải được làm sạch và khử trùng.
BS. Vũ Tường Vi
Lược dịch từ WHO