fbpx
Chuyên đề KCBĐa khoa phổ cậpTin nổi bật

Hy vọng mới từ liệu pháp miễn dịch cho bệnh nhân ung thư vú

Hồ Thu Linh

Nghiên cứu cho thấy liệu pháp miễn dịch có tác dụng trên một số loại ung thư vú, tuy nhiên cần tiến hành các thử nghiệm mới để đánh giá tiềm năng này.

Liệu pháp miễn dịch, giúp tăng cường phản ứng miễn dịch của cơ thể, đã thay đổi bối cảnh điều trị ung thư. Những phương pháp điều trị này cho thấy tác dụng ở một số loại ung thư như tăng tỉ lệ sống thêm chưa từng có. Tuy nhiên, các bệnh nhân khác nhau thì kết quả điều trị không giống nhau.

Trong một bài đánh giá gần đây được công bố trên tạp chí Cancers, Tiến sĩ Maggie Cheang và Tiến sĩ Milana Bergamino Sirvén của Viện Nghiên cứu Ung thư, nhấn mạnh những thách thức và cơ hội trong việc phát triển các loại thuốc điều trị miễn dịch mới và phù hợp hơn trong điều trị ung thư, bao gồm điều trị ung thư vú.

Khó khăn trong điều trị bằng liệu pháp miễn dịch là khó dự đoán khả năng đáp ứng thuốc của bệnh nhân. Một số bệnh nhân có khối u sinh miễn dịch, hoặc khối u “nóng”, có khả năng đáp ứng cao hơn so với bệnh nhân có khối u “lạnh hơn”.

Đồng tác giả bài viết, Tiến sĩ Bergamino Sirvén, Nghiên cứu sinh Nghiên cứu lâm sàng về Phân tích Bộ gen tích hợp tại Đơn vị Thống kê và Thử nghiệm Lâm sàng của ICR (ICR-CTSU), giải thích: “Liệu pháp miễn dịch luôn có mặt sáng và mặt tối. Chúng tôi đã chứng kiến thành công đáng kinh ngạc trong việc điều trị các khối u sinh miễn dịch. Tuy nhiên, các loại ung thư khác có thể có mối liên hệ phức tạp hơn với hệ miễn dịch nên khó điều trị hơn. Đây là mặt tối. ”

Liệu pháp miễn dịch trong điều trị ung thư

Liệu pháp miễn dịch bao gồm nhiều phương pháp điều trị khác nhau, từ vắc xin ung thư và liệu pháp virut Oncolytic, đến các liệu pháp nhắm mục tiêu dựa trên kháng thể. Một trong những hình thức phổ biến nhất của liệu pháp miễn dịch là thuốc ức chế chốt kiểm miễn dịch, thuốc tác động protein cho phép tế bào T nhận diện tế bào ung thư và tiêu diệt chúng.

Những loại thuốc này đặc biệt thành công trong điều trị các loại ung thư sinh miễn dịch như u ác tính, ung thư phổi không tế bào nhỏ và ung thư thận.

Tuy nhiên, vẫn có hy vọng cho bệnh nhân mắc các loại ung thư ít sinh miễn dịch như ung thư vú, được xem là có khối u “lạnh hơn” vì số lượng tế bào bạch cầu xâm nhập vào khối u thấp.

Theo bài đánh giá, chỉ có vài bệnh nhân mắc những bệnh ung thư này đáp ứng được liệu pháp miễn dịch. Một số loại thuốc trị liệu miễn dịch mới không tiến triển ngay từ các thử nghiệm giai đoạn đầu hoặc thất bại trong các thử nghiệm ở giai đoạn cuối vì chúng được chỉ định cho nhóm bệnh nhân mắc các loại ung thư ít sinh miễn dịch chưa được chọn lọc.

Thực hiện các thử nghiệm lâm sàng tốt hơn là chìa khóa để tìm ra những bệnh nhân mắc ung thư ít sinh miễn dịch đáp ứng được điều trị.

Phát triển các loại thuốc điều trị miễn dịch mới

Trong bài đánh giá, nhóm tác giả đã đưa ra 5 yếu tố chính để tiến hành các thử nghiệm tốt hơn cho các loại thuốc điều trị ung thư miễn dịch khả thi: tiêu chí đáp ứng, chỉ tiêu đánh giá, dấu ấn sinh học, độc tính và thiết kế.

  • Tiêu chí đáp ứng: Thuốc điều trị miễn dịch có thể mất nhiều thời gian hơn để phát huy tác dụng, vì vậy các nghiên cứu cần theo dõi phản ứng của bệnh nhân trong thời gian dài hơn.
  • Chỉ tiêu đánh giá: Sống thêm toàn bộ vẫn là tiêu chuẩn vàng để đo lường sự thành công của liệu pháp miễn dịch, vì sống thêm không tiến triển có thể không phải là thước đo thích hợp cho những loại thuốc mới này. Tuy nhiên, nhóm tác giả gợi ý rằng các chỉ tiêu đánh giá dựa trên dấu ấn sinh học mới có thể là thước đo thay thế tốt hơn để đánh giá mức độ phản ứng của bệnh nhân trong giai đoạn đầu của quá trình phát triển thuốc.
  • Dấu ấn sinh học: Hầu hết các thử nghiệm hiện tại trong ung thư học đều hạn chế sử dụng các tiêu chuẩn lựa chọn dựa trên dấu ấn sinh học. Các dấu ấn sinh học liên quan đến miễn dịch mới nên được sử dụng để chọn những bệnh nhân có thể hưởng lợi từ liệu pháp miễn dịch.
  • Độc tính: Độc tính của liệu pháp miễn dịch khác với các phương pháp điều trị ung thư khác. Các tác dụng phụ liên quan đến miễn dịch thường không chẩn đoán được – vì vậy, các nhà nghiên cứu cần phải xem xét mức độ độc tính tích tụ theo thời gian cũng như các tác dụng phụ đi kèm.
  • Thiết kế: Nhóm tác giả nhận định cần thay đổi thiết kế thử nghiệm, các thử nghiệm ‘nhiều nhánh’ đã được chứng minh là có hiệu quả trong việc kiểm tra tác dụng của liệu pháp miễn dịch ở các phân nhóm khác nhau, nhưng đòi hỏi sự hợp tác đa ngành và tài trợ đáng kể vì chi phí rất cao.

Dấu ấn sinh học

Tìm và xác định các dấu ấn sinh học đặc biệt quan trọng để phát triển các liệu pháp miễn dịch mới và phù hợp hơn. Dấu ấn sinh học là một đặc điểm được đo lường bởi các bác sĩ – thường bằng xét nghiệm máu – và kết quả sẽ phán ánh bản chất của một căn bệnh ở một bệnh nhân cụ thể, và quan trọng là liệu nó có thể đáp ứng với một phương pháp điều trị cụ thể hay không.

Một số ví dụ phổ biến về các dấu ấn sinh học định hướng điều trị ung thư bao gồm HER2 (thụ thể yếu tố phát triển biểu mô 2) – sự hiện diện của thụ thể này trong các khối u vú phản ánh khả năng nhạy cảm với thuốc nhắm mục tiêu trastuzumab (Herceptin) – và đột biến gen BRCA ở một số bệnh nhân ung thư, cho thấy thuốc ức chế PARP có thể có hiệu quả.

Trong liệu pháp miễn dịch, việc sử dụng PD-L1 và PD1 làm dấu ấn sinh học rất được quan tâm, đây cũng là mục tiêu của các loại thuốc ức chế chốt kiểm miễn dịch. Các protein này là các dấu ấn sinh học ‘cổ điển’, liên quan trực tiếp đến hoạt động của các loại thuốc cụ thể trên.

Tuy nhiên, đối với những bệnh nhân mắc các loại ung thư có xu hướng ít sinh miễn dịch, như ung thư vú, chúng ta cần các dấu ấn sinh học phức tạp hơn để xác định những bệnh nhân thường không được xem xét điều trị, nhưng có thể hưởng lợi từ liệu pháp này.

Triển vọng nghiên cứu

Và các nhà nghiên cứu của chúng tôi đang dẫn đầu trong việc tìm kiếm các dấu ấn sinh học kể trên.

Ví dụ như một nghiên cứu gần đây tiến hành phân tích hồ sơ di truyền của những bệnh nhân ung thư vú kháng một liệu pháp hormone và điều này có thể giúp xác định những bệnh nhân có thể hưởng lợi từ liệu pháp miễn dịch.

Kết quả ban đầu được trình bày tại Hội nghị của Viện Nghiên cứu Ung thư Quốc gia (NCRI) năm 2020 cho thấy một nhóm nhỏ bệnh nhân tham gia thử nghiệm ung thư vú POETIC có dấu hiệu kháng liệu pháp nội tiết thì có một số gen tăng biểu hiện liên quan đến miễn dịch khối u.

Tăng biểu hiện ở các gen này dường như là đặc trưng cho bệnh nhân ung thư vú kháng thuốc, cũng được thấy ở những bệnh nhân mắc các loại ung thư khác, như ung thư phổi tế bào nhỏ và ung thư biểu mô, vốn là những bệnh nhân đáp ứng liệu pháp miễn dịch. Từ đó cho thấy những bệnh nhân ung thư vú có những dấu hiệu nói trên có khả năng đáp ứng liệu pháp miễn dịch.

Trong tương lai, các nhà nghiên cứu của chúng ta sẽ tiến hành các nghiên cứu bổ sung để đánh giá dấu hiệu liên quan đến miễn dịch ở bệnh nhân ung thư vú HER2 +. Cuối cùng, kết quả có thể giúp chọn ra những bệnh nhân dễ bị tổn thương hơn một cách nhanh chóng và xác định những bệnh nhân bị ung thư vú có thể được điều trị bổ sung kết hợp với liệu pháp hormone hoặc có cơ hội tham gia các thử nghiệm lâm sàng.

Tiến sĩ Maggie Cheang, Trưởng nhóm Phân tích Bộ gen tích hợp tại Đơn vị Thống kê và Thử nghiệm Lâm sàng, đồng thời trưởng nhóm nghiên cứu, nói: “Chúng ta cần tiếp tục tập trung vào những câu hỏi khó ngay cả khi khó tìm được nguồn tài trợ hoặc phát triển các phương pháp tiếp cận để xem xét những chủ đề này dưới một góc nhìn mới. Tương lai của phương pháp điều trị ung thư cá nhân hóa phụ thuộc vào khả năng hưởng lợi của bệnh nhân từ các phương pháp điều trị hiện có, bao gồm cả liệu pháp miễn dịch”.

Nguồn: Institute of Cancer Research News|May 13, 2021

Show More

Related Articles

Back to top button