Kết quả hoạt động Dự án “Chăm sóc sức khỏe và Phục hồi chức năng đối với nạn nhân chất độc hóa học/dioxin, giai đoạn 2018-2022”
Vũ Tuấn Anh, Trần Xuân Vỹ
Bệnh viện Phong – Da liễu Trung ương Quy Hòa là đơn vị đồng thực hiện Dự án với cơ quan chủ quản – Cục Quản lý Khám chữa bệnh, Bộ Y tế, là đầu mối thực hiện hoạt động dự án Chăm sóc sức khỏe và Phục hồi chức năng đối với nạn nhân chất độc hóa học/dioxin triển khai tại 2 tỉnh Bình Định và Quảng Nam. Khu vực đặc thù thường xuyên ảnh hưởng thời tiết mưa bão, địa bàn rộng, giao thông đi lại khó khăn nhân viên y tế cơ sở rất vất vả khi tiếp cận với nạn nhân và người khuyết tật.
Tuy nhiên, với tinh thần trách nhiệm và sự nỗ lực vượt khó khăn, các trạm y tế, trung tâm y tế, bệnh viện Phục hồi chức năng, cán bộ các Sở y tế Bình Định và Quảng Nam đã tích cực phối hợp thực hiện, chủ động triển khai các nội dung liên quan nhằm phục vụ tốt nhất người dân, nạn nhân tại các huyện tham gia dự án được tiếp cận đầy đủ các chương trình, hoạt động. Qua 5 năm triển khai, Dự án đã đạt được những hiệu quả tích cực cho cộng đồng, cho người dân.
Bệnh viện phối hợp các Sở y tế đào tạo, tập huấn cho 210 cán bộ tuyến tỉnh, huyện vùng dự án, chuyển giao kiến thức cho mạng lưới y tế về sàng lọc định kỳ nhằm phát hiện sớm các vấn đề sức khỏe, phục hồi chức năng cho nạn người khuyết tật, hướng dẫn chăm sóc sức khỏe tại nhà, … bên cạnh đó, dự án cũng tập huấn thu thập thông tin và nhập phần mềm quản lý người khuyết tật của Bộ Y tế cho 381 lượt cán bộ y tế tuyến xã, huyện.
Đào tạo, tập huấn cho cán bộ y tế tại các tỉnh, huyện tham gia dự án
Thực hành nhập phần mềm quản lý người khuyết tật
Dự án đã tập huấn, hướng dẫn cho 2.226 người khuyết tật, nạn nhân và người nhà về kỹ năng chăm sóc sức khỏe, phát hiện sớm các vấn đề sức khỏe và phục hồi chức năng tại nhà.
Khám sàng lọc và kiểm tra sức khỏe cho 2.076 người khuyết tật, nạn nhân chất độc hóa học tại các huyện tham gia dự án, phát hiện 1.158 người có vấn đề sức khỏe, giới thiệu chuyển tuyến người bệnh đến các cơ sở y tế để khám, điều trị, phục hồi chức năng theo chuyên khoa.
Khám sàng lọc và lập hồ sơ quản lý người khuyết tật
Một trong những nhiệm vụ quan trọng của Dự án, bệnh viện đã tổ chức khám sức khỏe người dân trên địa bàn xã Cát Tân và thị trấn Ngô Mây huyện Phù Cát, Bình Định. 10.725 người được siêu âm tổng quát, xét nghiệm cơ bản và lập hồ sơ sức khỏe cá nhân, sàng lọc hơn 3.000 người có bệnh mạn tính như: huyết áp, đái tháo đường, thoái hóa cột sống thắt lưng, ung thư… các thầy thuốc đã tư vấn điều trị, chăm sóc sức khỏe tại nhà cho người dân, đồng thời giới thiệu đến các cơ sở y tế để được quản lý điều trị và theo dõi các bệnh mạn tính.
Gần 200 người khuyết tật, nạn nhân chất độc hóa học được đoàn khám giới thiệu chuyển tuyến chuyên khoa phù hợp để thực hiện chăm sóc, điều trị. Đặc biệt, phát hiện 30 người bệnh chủ yếu lứa tuổi học sinh mắc các bệnh cong vẹo cột sống, chậm phát triển trí tuệ, tăng động, giảm chú ý…, các trường hợp này đoàn khám cũng đã tư vấn gia đình khám chuyên khoa để chẩn đoán xác định, qua đó thẩm định mức độ tàn tật để quản lý, chăm sóc tại cơ sở.
Đoàn khám của Bệnh viện khám bệnh, tư vấn cho người khuyết tật
Bệnh viện tổ chức khám bệnh cho người dân, học sinh
Thu dung, tiếp đón người khuyết tật khám bệnh, điều trị nội ngoại trú tại các cơ sở y tế, sử dụng các dịch vụ chăm sóc, phục hồi chức năng. Dự án đã hỗ trợ một phần kinh phí đi lại, ăn uống cho 338 người khuyết tật, người nhà trong thời gian khám và điều trị chuyên khoa.
Hình ảnh chăm sóc, PHCN cho người khuyết tật tại các cơ sở y tế
Ngoài công tác tập huấn, khám bệnh và chăm sóc phục hồi chức năng cho người khuyết tật, Bệnh viện phối hợp với CDC Bình Định thực hiện sản xuất 06 phóng sự chuyên đề truyền hình được thực hiện tại huyện Phù Cát và thị xã Hoài Nhơn về công tác khám sàng lọc chăm sóc sức khỏe người dân vùng phơi nhiễm chất độc hóa học, chăm sóc sức khỏe nạn nhân chất độc hóa học – xoa dịu nỗi đau da cam…
Trong suốt quá trình triển khai, Dự án gặp không ít khó khăn nhưng đã nhận được sự chỉ đạo, ủng hộ, tạo mọi điều kiện thuận lợi của Cục Quản lý Khám chữa bệnh – Bộ Y tế, sự phối hợp chặt chẽ của các Lãnh đạo Sở Y tế, chính quyền địa phương, đặc biệt là sự quản lý, giám sát, điều hành hướng dẫn thực hiện kế hoạch và mục tiêu dự án của Ban quản lý dự án các cấp.
Quan 5 năm triển khai, Dự án đã có nhưng tác động tích cực với đời sống và nhu cầu của nạn nhân chất độc hóa học và người khuyết tật, giúp họ tự nhận biết vấn đề sức khỏe và chăm sóc sức khỏe bản thân, tự tin hòa nhập tốt với cộng đồng. Các Sở y tế cần tiếp tục duy trì và phát triển tốt thành quả của Dự án để chăm sóc sức khỏe, phục hồi chức năng nhằm đem lại chất lượng cuộc sống tốt hơn cho nạn nhân và người khuyết tật.