fbpx
Điểm tin y tế

Làm gì để thực hiện y đức?

Sa sút y đức trong ngành y đang là vấn đề nan giải. Trong khi dân số ngày càng tăng và dân số già đi, mô hình bệnh tật từ mắc bệnh truyền nhiễm là chủ yếu chuyển sang mắc các bệnh mạn tính, bệnh thời văn minh như béo phì, huyết áp, stress,… và bệnh nan y như ung thư, HIV/AIDS. Sự vất vả của các bác sĩ cũng tăng theo. Nhưng đồng lương quá thấp khiến các lãnh đạo bệnh viện phải tăng thu nhập cho họ thông qua các dịch vụ y tế.

Nghề “cứu nhân độ thế” mà vẫn phải mưu sinh, cho nên đẻ ra các tiêu cực và cả sự lãnh cảm đối với người bệnh. Sự vất vả thường ngày tại bệnh viện và sự tất tả khi về nhà khiến phần đông các y, bác sĩ quên mất mình mang sứ mệnh cứu người. Sự niềm nở, ân cần hỏi han, động viên tinh thần không còn là thái độ thường trực ở họ nữa. Thay vào đó, người nhà người bệnh muốn yên tâm, phải kiếm những nụ cười, thái độ ân cần của những vị bác sĩ này bằng những “phong thư”, dày, mỏng khác nhau tùy thuộc sự nguy hiểm của căn bệnh mà người thân mắc phải.

Chính sách cấp kinh phí cho các bệnh viện công của ta chỉ ở mức 40 – 50 triệu đồng/giường bệnh/năm là không thỏa đáng. Tăng thu nhập thông qua dịch vụ y tế hiện đại, xã hội hóa dịch vụ khám, chữa bệnh ư? Tạo môi trường phát triển kỹ năng, năng lực chuyên môn ư? Đó từng là những sáng kiến không phổ biến của số ít các bệnh viện chuyên khoa cấp trung ương và thành phố lớn. Sự chênh lệch lớn về thu nhập ở các bệnh viện và các tuyến tạo ra sự đố kỵ nghề nghiệp rất nguy hiểm cho sự nghiệp chăm sóc, bảo vệ sức khỏe nhân dân. Thực tế cho thấy, các xét nghiệm cận lâm sàng nhiều khi bị chỉ định thái quá làm nhiều nhà có người bệnh thêm khó. Tuy nhiên, những chỗ không thể đầu tư thiết bị y tế hiện đại thì không có người bệnh, khó để tích lũy, nâng cao chuyên môn và không thể tăng thu nhập một cách chính đáng. Sự quá tải chỉ xảy ra ở những bệnh viện, nơi mà chuyên môn thầy thuốc cao, thiết bị hiện đại, nơi có thể cứu sống hoặc chữa khỏi bệnh cho nhiều người bệnh.

Nhưng có ý kiến cho rằng, thiết bị y tế hiện đại đã khấu hao đủ thì không nên tăng phí dịch vụ. Trong 20 năm nay, một số xét nghiệm cận lâm sàng, chẳng hạn chụp cắt lớp, siêu âm,… vẫn giữ nguyên giá. Có người cho biết, giá cao vì sức ép phải hoàn vốn đầu tư nhanh. Vậy nên chăng phải có chính sách giãn thời gian khấu hao để giảm giá các dịch vụ y tế hiện đại? Thay vào đó, các dịch vụ khám bệnh, chăm sóc, điều dưỡng nên tăng giá để bù thu nhập cho các y tá, y sĩ, hộ lý, nhân viên gián tiếp. Nhưng tăng viện phí có lý cũng chỉ là giải pháp tình thế. Giải pháp tăng ngân sách trên đầu giường cũng phải sát thực tế số lượt người bệnh khám, chữa bệnh trong năm và số ngày nằm viện trung bình/năm.

Sự cứu vãn tình trạng sa sút y đức không thể bằng những lời khuyên, lời thề. Trên tất cả các chính sách cho ngành y, cơ chế tiền lương phải được cải cách càng sớm càng tốt. Đây mới là nguyên nhân của mọi nguyên nhân. Sức khỏe là thứ đáng giá nhất của đời người. Toàn xã hội “khỏe” không chỉ nhờ các thầy thuốc trực tiếp khám, chữa bệnh. Vì thế, các “thầy thuốc không giường bệnh” trên mặt trận y tế dự phòng và các cán bộ, nhân viên trong ngành gián tiếp bảo vệ sức khỏe nhân dân cũng phải được đối xử xứng đáng. Đó mới là công bằng! Đấy là trách nhiệm của toàn xã hội khi vẫn còn xem “thầy thuốc như mẹ hiền” (Nhân dân 4/10).

Ngày 04/10/2011

Show More

Related Articles

Back to top button