fbpx
Chuyên đề KCBDa liễu chuyên sâuPhong chuyên sâuTin nổi bật

Loại trừ bệnh phong

Người dịch: Quang Tiến

Mục tiêu chung của Chiến lược bệnh phong toàn cầu WHO giai đoạn 2021-2030 là loại trừ bệnh phong, được định nghĩa là ‘làm đứt đoạn sự lây nhiễm bệnh/không xuất hiện bệnh’. Đây là một sự thay đổi đáng kể. Trước đó, mục tiêu chung của WHO là “loại trừ bệnh phong như một vấn đề sức khỏe cộng đồng”, tức là có ít hơn 1 ca mắc mới/10.000 người. Nhưng số ca mắc mới đã chững lại trong thập kỷ qua, thúc đẩy các cam kết mới về ‘xoá bỏ bệnh phong’ và, chiến lược của WHO cần có một mục tiêu đòi hỏi định nghĩa mới về sự loại trừ bệnh phong.

Các quốc gia đã đạt được mục tiêu loại trừ bệnh phong hay chưa?

Một trong những mục tiêu của Chiến lược bệnh phong toàn cầu là đến năm 2030, 120 quốc gia sẽ không còn ca mắc bệnh phong là người bản xứ (nghĩa là không sinh ra ở nước ngoài) (tăng từ mức cơ bản năm 2019 là 34 ca). Không có gì ngạc nhiên khi một số quốc gia trước đây đã từng lưu hành bệnh phong rất quan tâm đến việc công nhận “tình trạng không còn bệnh phong”. Từ kinh nghiệm của các nước như Nhật Bản và Hàn Quốc, đã có bằng chứng cho thấy – do bệnh phong có thời gian ủ bệnh lâu – một quốc gia có thể đạt được mục tiêu ngăn chặn sự lây truyền nhiều năm trước khi hoàn toàn không xuất hiện bệnh. Giống như các bệnh nhiệt đới bị lãng quên (NTDs) khác, một quốc gia có đạt được các cột mốc này hay không cần phải được xác nhận thông qua một quy trình xác minh chính thức của WHO. Thông thường điều này yêu cầu hồ sơ chi tiết cung cấp tất cả các bằng chứng cần thiết.

Bộ phận chuyên trách của WHO về Tiêu chí Loại trừ Bệnh phong (TFCEL)

Bộ phận này được WHO thành lập vào tháng 3 năm 2020 sau Hội thảo ở Mexico do ông Wim van Brakel, Giám đốc Y tế của tổ chức NLR, thành viên ILEP, chủ trì, người sau đó cũng được bổ nhiệm làm Chủ tịch Ủy ban Kỹ thuật ILEP. Nó có hai nhiệm vụ chính:

  • Xác định các tiêu chí để biết chắc một quốc gia đã đạt được tiến bộ đáng kể trong việc ngăn chặn sự lây truyền và loại trừ bệnh phong
  • Thiết lập các tiêu chí và chỉ số giúp xác định rõ nhất việc làm đứt đoạn sự lây nhiễm và loại trừ bệnh phong (tỷ lệ mắc bệnh phong = 0)

Bộ phận này đã họp thường xuyên trong 12 tháng sau đó, kết thúc bằng một Hội thảo vào tháng 3 năm 2021.

Các cột mốc quan trọng

Một trong những kết quả quan trọng TFCEL đạt được là xác định các cột mốc quan trọng trong chương trình thực hiện mục tiêu loại trừ bệnh phong và xa hơn nữa. Chương trình này gồm bốn giai đoạn được trình bày trong bảng sau:

Các tiêu chí loại trừ bệnh phong

Yếu tố chính để xác định liệu một quốc gia có chuyển từ giai đoạn này sang giai đoạn tiếp theo hay không là việc cung cấp dữ liệu về lây truyền bệnh phong. Ví dụ, giai đoạn 3 xảy ra khi các quốc gia báo cáo không có ca bệnh nào là người bản xứ. Việc xác minh cột mốc này bao gồm một quá trình ba năm, trong đó các chương trình quốc gia sẽ thực hiện ‘Khảo sát Đánh giá Sự lây truyền Bệnh Phong’ (LTAS) ở các cơ quan y tế cấp tỉnh. LTAS là một cuộc đánh giá kỹ lưỡng bao gồm phân tích dữ liệu, đánh giá cơ sở hạ tầng y tế cung cấp dịch vụ bệnh phong và khảo sát dịch tễ học trong quần thể dân cư có nguy cơ mắc bệnh phong. Tất cả các cơ quan y tế cấp tỉnh đều phải được công nhận là không có ca bệnh bản xứ.

Tuy nhiên, dữ liệu về lây truyền bệnh không phải là yếu tố duy nhất được xem xét. TFCEL đã xác định danh sách 14 tiêu chí mà các quốc gia cần phải thực hiện để đảm bảo rằng các thành tựu sẽ được duy trì. Các tiêu chí bao gồm:

  • Cam kết chính trị về nguồn lực đầy đủ dành cho bệnh phong trong bối cảnh tích hợp
  • Nâng cao chất lượng dịch vụ của hệ thống chăm sóc sức khỏe
  • Nâng cao nhận thức của các quần thể dân cư mục tiêu và các nhân viên y tế
  • Vận động cho bệnh phong với các cơ quan chính phủ
  • Quan hệ đối tác có tổ chức ở cấp quốc gia và cấp địa phương
  • Cơ sở chẩn đoán và điều trị bệnh phong đảm bảo phát hiện sớm bệnh phong
  • Chất lượng dịch vụ để quản lý các biến chứng, bao gồm dịch vụ tư vấn và sức khỏe tâm thần
  • Giám sát hiệu quả và cải tiến hệ thống quản lý dữ liệu
  • Theo dõi đối tượng tiếp xúc
  • Hóa trị dự phòng hoặc điều trị dự phòng sau phơi nhiễm
  • Chuẩn bị tài liệu ở cấp tỉnh và xây dựng hồ sơ theo chương trình quốc gia
  • Khảo sát Đánh giá Sự lây truyền Bệnh Phong (LTAS)
  • Theo dõi, đánh giá và xác minh để chắc chắn đạt được các chỉ tiêu cho từng giai đoạn
  • Tham gia vào nghiên cứu bệnh phong

Hồ sơ đề nghị xác nhận đạt mục tiêu loại trừ bệnh phong

Tất cả tài liệu nói trên cần được đưa vào Hồ sơ đề nghị xác nhận đạt mục tiêu loại trừ bệnh phong do chương trình quốc gia chuẩn bị để chứng minh cho tuyên bố của mình là đã đạt được cột mốc quan trọng đó. Bằng chứng được thu thập cho phép một nhóm điều tra quốc tế, do WHO chỉ định, xác minh rằng một quốc gia a) có hệ thống giám sát thích hợp; b) đạt các tiêu chí loại trừ bệnh phong; c) hiện có các dịch vụ để phát hiện, điều trị và quản lý các ca bệnh nhỏ lẻ có thể xảy ra ngay cả khi đã đạt được mục tiêu loại trừ; và d) hiện có các dịch vụ để chăm sóc và hòa nhập những người bị khuyết tật do bệnh phong.

Ý nghĩa đối với ILEP và các tổ chức thành viên của ILEP

Các thủ tục và yêu cầu này là hoàn toàn mới đối với các quốc gia lưu hành bệnh phong cũng như các tổ chức thành viên ILEP. Chúng tôi dự đoán rằng Bộ Y tế các nước sẽ yêu cầu tổ chức thành viên ILEP hỗ trợ trong một số lĩnh vực, chẳng hạn:

• Tăng cường sự tập trung của ILEP vào các quốc gia có dịch tễ thấp cần hỗ trợ kỹ thuật nhằm đạt được mục tiêu xoá bỏ bệnh phong

• Lập kế hoạch và thực hiện LTAS

• Quy trình thu thập dữ liệu cho tất cả các nội dung cần thiết

• Biên soạn Hồ sơ đề nghị xác nhận đạt mục tiêu loại trừ bệnh phong

Các công cụ và thủ tục mới chắc chắn sẽ cần phải được thử nghiệm ở một số quốc gia đã gần đạt được mục tiêu làm đứt đoạn sự lây nhiễm bệnh và cần sự hỗ trợ kỹ thuật của ILEP.

Cuối cùng, TFCEL lưu ý rằng chưa có các mục tiêu rõ ràng đối với nhóm hành động chiến lược thứ ba và thứ tư của Chiến lược bệnh phong toàn cầu (Quản lý bệnh phong và các biến chứng của nó, đồng thời ngăn ngừa tàn tật mới và Chống kỳ thị và đảm bảo quyền con người). WHO có khả năng sẽ đề nghị các chuyên gia của ILEP phát triển các mục tiêu và chỉ số dành cho các quốc gia và cũng đảm bảo rằng những khía cạnh quan trọng của bệnh phong đều được đưa vào hồ sơ đề nghị xác nhận đạt mục tiêu loại trừ bệnh phong.

Các bước tiếp theo

Nhằm làm rõ thêm cho các tiêu chí TFCEL đưa ra, Chương trình Bệnh phong Toàn cầu của WHO đang chuẩn bị một tài liệu Hướng dẫn Kỹ thuật, tài liệu này có thể sẽ được xuất bản vào đầu năm tới.

Nguồn: ilepfederation.org

Show More

Related Articles

Back to top button