Một số đặc điểm dịch tễ, lâm sàng bệnh viêm da cơ địa
Giới thiệu:
Viêm da cơ địa (VDCĐ) là tình trạng viêm mạn tính, tái phát của da với nhiều yếu tố bệnh sinh phức tạp. Bệnh thường gặp ở các nước công nghiệp, các nước phát triển. Bệnh tiến triển mạn tính và hay tái phát từng đợt cấp tính. Bệnh gặp ở cả nam và nữ, gặp ở mọi lứa tuổi nhưng thường khởi phát ở trẻ nhỏ và có thể tồn tại đến tận tuổi trưởng thành. Triệu chứng lâm sàng đa dạng với các biểu hiện khác nhau nhưng chủ yếu là các biểu hiện mụn nước, mụn mủ, sẩn, dày da, trợt xước… ở các vùng da trên cơ thể đặc trưng theo lứa tuổi.Vị trí biểu hiện triệu chứng lâm sàng bệnh viêm da cơ địa thay đổi ở lứa tuổi khác nhau. Trẻ sơ sinh thường biểu hiện ở má, mặt duỗi. Trẻ nhỏ hay gặp tổn thương ở vùng duỗi, còn trẻ lớn và người lớn thì tổn thương hay ở vùng gấp. Tổn thương cũng khác nhau ở các giai đoạn cấp tính, bán cấp hoặc mạn tính. Chẩn đoán bệnh chủ yếu dựa vào triệu chứng lâm sàng, nhưng việc điều trị bệnh gặp nhiều khó khăn, thời gian điều trị kéo dài, chi phí điều trị lớn. VDCĐ có thể bội nhiễm và có biến chứng làm gia tăng thời gian, chi phí điều trị, ảnh hưởng sức khỏe thể chất lẫn tinh thần người bệnh.
- Định nghĩa: Viêm da cơ địa là tình trạng viêm mạn tính, tái phát của da, đặc trưng bởi các tổn thương ban đỏ, có mụn nước hoặc dày da lichen hóa, với triệu chứng cơ năng điển hình là rất ngứa, phân bố ở các vị trí điển hình theo tuổi.
Viêm da cơ địa có cơ chế bệnh sinh phức tạp, bị ảnh hưởng bởi nhiều yếu tố bên ngoài môi trường như dị nguyên, yếu tố lý, hóa, sinh học… tác động lên các bệnh nhân có yếu tố cơ địa bên trong bao gồm gen, đáp ứng miễn dịch tại chỗ và toàn thân, hàng rào da bảo vệ cơ thể…
- Tình hình viêm da cơ địa:
Trên thế giới có rất nhiều nghiên cứu về tình hình, dịch tễ, lâm sàng, điều trị VDCĐ cũng như nghiên cứu cơ bản để tìm hiểu các yếu tố bệnh sinh của bệnh VDCĐ. Tình hình VDCĐ trên thế giới cũng như ở Việt nam gần đây có xu hướng gia tăng [5]. Tỷ lệ mắc bệnh khác nhau ở mỗi quốc gia, mỗi vùng lãnh thổ, điều kiện kinh tế – xã hội, môi trường. VDCĐ chiếm tỷ lệ cao ở các nước công nghiệp phát triển với cơ cấu kinh tế công nghiệp là chủ yếu. Tỷ lệ viêm da cơ địa trên thế giới ở người lớn cao nhất tới 3% và trẻ em khoảng 15% – 20% [3]. Năm 2012 trên tạp chí Allergy Asthma Proc, Daveiga SP công bố tỷ lệ VDCĐ ở cả trẻ em và người lớn chiếm khoảng 1-20%. Đây là một nghiên cứu ở quy mô lớn gồm 3 giai đoạn với 1 triệu người ở nhiều quốc gia là đối tượng nghiên cứu trong giai đoạn 3. Báo cáo chỉ ra rằng tỷ lệ VDCĐ khác nhau ở từng quốc gia, trong đó cao nhất là ở Nigeria, Anh và New Zealand. Tỷ lệ cao nhất dường như đạt đỉnh ở xung quanh tỷ lệ khoảng 20% [4]. Một nghiên cứu lớn khác trên 56 nước, 256410 trẻ từ 6-7 tuổi và 458623 trẻ 13-14 tuổi được hoàn thành khảo sát. Kết quả cho thấy tỷ lệ VDCĐ ở trẻ 6-7 tuổi thấp nhất ở Iran chiếm 2%; cao nhất ở Nhật và Thụy điển chiếm 16%. Lứa tuổi 13-14 tỷ lệ VDCĐ cao nhất ở Nigeria là 17% còn thấp nhất ở Albani là 1%. Trong khi đó, Năm 2004, Nnoruka EN nghiên cứu tiến cứu trong 2 năm điều tra tỷ lệ VDCĐ chung ở Nigeria là 8.5%, cao hơn nhiều so với 15 năm trước đó[17].
Các nghiên cứu ở Mỹ cho thấy có khoảng 10-20% trẻ em và 1-3% người lớn mắc VDCĐ. Năm 2007, Hanifin khảo sát 60000 hộ gia đình với 116202 người ở Mỹ bằng bảng câu hỏi cho được kết quả VDCĐ chiếm khoảng 6%[11]. Năm 2010, Spergel công bố nghiên cứu tỷ lệ VDCĐ ở trẻ em Mỹ là 17% trong đó có 65% khởi phát trước 18 tuổi, 30% sau này có biểu hiện bệnh hen[19]. Eichenfild LF báo cáo tỷ lệ VDCĐ của trẻ em tại Mỹ tăng lên trong vòng 5 thập kỷ gần đây chiếm từ 10-20% [6]. Trước đó, vào năm 2003, dựa trên cuộc khảo sát toàn nước Mỹ cho 102353 trẻ em, Shaw TE báo cáo tỷ lệ chàm/VDCĐ là 10.7%; tỷ lệ khác nhau ở các bang khác nhau khoảng từ 8.7-18.1%. Gần đây, trên tạp chí Allergy năm 2014, Flohr C cho rằng tỷ lệ VDCĐ chiếm tới 20% ở trẻ em[7].Tại Đức, Illi Sabina nghiên cứu 1314 trẻ 0-7 tuổi cho thấy tỷ lệ VDCĐ chiếm tới 21.5% trong số trẻ từ 2 tuổi trở xuống tức là cứ khoảng 5 trẻ dưới 2 tuổi thì có 1 trẻ bị VDCĐ [12]. Tại Nhật bản tỷ lệ VDCĐ trẻ em là 12-13% [9],còn một nghiên cứu khác trên trẻ em 3-6 tuổi ở Thượng hải – Trung quốc cho tỷ lệ VDCĐ là 8.3%.VDCĐ thường khởi phát trước 6 tháng tuổi hoặc trẻ nhỏ dưới 2 tuổi [10]. Tuy nhiên bệnh cũng có thể khởi phát ở người trưởng thành. VDCĐ gặp ở cả 2 giới, nam và nữ tương đương không có sự khác biệt [8][10]. Nghiên cứu cho kết quả ở một số quốc gia, tỷ lệ VDCĐ ở trẻ em lên đến 20% nhưng cũng khác nhau ở lứa tuổi khác nhau: lứa tuổi 6-7 tuổi ở Ấn độ tỷ lệ VDCĐ chỉ 0.9% trong khi ở Ecuador lên đến 22.5%, VDCĐ lứa tuổi 13-14 tuổi ở Trung quốc là 0.2% trong khi ở Columbia lên đến 24.6%. [18].
- Một số đặc điểm dịch tễ
3.1. Về giới:
VDCĐ gặp ở cả 2 giới nam và nữ. Tỷ lệ giữa nam và nữ khác nhau ở mỗi nghiên cứu và ở các quốc gia khác nhau. Nghiên cứu ở Ấn độ: 152 trẻ dưới 15 tuổi bị viêm da cơ địa trong đó có Nam: 43,2%, Nữ 56,8%, tỷ lệ nam: nữ là 1:1.3[13], nghiên cứu Ba lan của Adam J. Sybilsk: Nữ nhiều hơn nam với tỷ lệ: 1: 0.66; [20], một số nghiên cứu khác cũng cho thấy tỷ lệ VDCĐ ở nữ nhiều hơn nam [15] nhưng cũng có nghiên cứu lại cho thấy không có sự khác biệt giữa nam và nữ[14]. Nghiên cứu của AkcayA cũng thấy nam và nữ tương đương: nam 47,9%, nữ 52,1% [2]Tỷ lệ này dường như không đồng nhất trong các thiết kế nghiên cứu khác nhau, đối tượng nghiên cứu, lứa tuổi, địa dư… khác nhau.Đối với các nghiên cứu mẫu lớn, đại diện cho mọi lứa tuổi, ở nhiều vùng địa dư khác nhau thì tỷ lệ viêm da cơ địa ở nam và nữ tương đương, không có sự khác biệt.
3.2. Về tuổi:
Viêm da cơ địa gặp ở mọi lứa tuổi. Từ trẻ sơ sinh cho đến người già đều có thể mắc bệnh. Lứa tuổi bắt đầu mắc bệnh thường ở trẻ < 6 tháng tuổi (bệnh khởi phát trong năm đầu chiếm khoảng 60%); phát bệnh < 5 tuổi chiếm khoảng 30% và chỉ khoảng 2% phát bệnh sau 20 tuổi. Tỷ lệ mắc viêm da cơ địa ở trẻ em khoảng 20% còn ở người lớn chiếm khoảng 1-3%. VDCĐ khác nhau về triệu chứng lâm sàng, tỷ lệ mắc và thời gian khởi phát ở từng lứa tuổi.
3.3. Địa dư:
Các nghiên cứu chỉ ra rằng VDCĐ gặp nhiều hơn ở vùng thành thị, vùng công nghiệp phát triển với sự ảnh hưởng của môi trường, ô nhiễm không khí, nguồn nước… Ô nhiễm không khí với quá trình đô thị hóa diễn ra nhanh chóng làm cho ô nhiễm không khí thêm trầm trọng làm gia tăng các bệnh dị ứng trong đó có VDCĐ [1]. Nghiên cứu của Xu F tại Trung Quốc cho tỷ lệ VDCĐ ở trẻ 3-6 tuổi là 8.3% trong đó nam 8.5% còn nữ 8.2% nhưng tỷ lệ ở vùng thành phố cao hơn ở nông thôn với tỷ lệ cao nhất ở thành phố là 10.2 % còn nông thôn là 4.6%[22].Trong nghiên cứu tại Ethiopia, Yemaneberhan H báo cáo tỷ lệ VDCĐ chung tương đối thấp: 1.2% tuy nhiên có sự khác biệt lớn giữa nông thôn: 0.3% và thành thị: 1.3%.Nghiên cứu này cho thấy tỷ lệ VDCĐ ở thành thị cao hơn ở nông thôn (1.3% so với 0.3%), còn theo nghiên cứu của sybilski AJ, tỷ lệ VDCĐ trẻ em nhóm tuổi 6-7 và 13-14 ở thành phố chiếm 9,6% còn nông thôn chiếm 3,7% [21] tuy nhiên trong nghiên cứu học sinh 6-7 tuổi ở postorico cho thấy tỷ lệ VDCĐ tới 24,8%, nhưng không có sự khác biệt giữa các vùng địa lý [14]. Ấn độ: vùng nông thôn chiếm 62.1%, thành thị chiếm 37,9% [13]. VDCĐ gặp tỷ lệ cao ở các nước công nhiệp phát triển nhưng gần đây tại các nước đang phát triển, tỷ lệ VDCĐ cũng đang ngày càng gia tăng.
3.4. Về tiền sử bản thân và gia đình:
Bản thân trẻ VDCĐ khi còn nhỏ, sau này thường phát triển các triệu chứng và bệnh dị ứng như viêm mũi dị ứng, hen. Các triệu chứng VDCĐ thường có liên quan với bệnh hen và viêm mũi dị ứng[23].Tỷ lệ VDCĐ kết hợp với viêm mũi dị ứng là 26,17 % và kết hợp với hen là 14,6% [20] thậm chí tới 30% [19]. 47,7% có tiền sử bản thân bị bệnh dị ứng. Dị ứng thức ăn cũng thường gặp trong VDCĐ, các loại thức ăn hay bị dị ứng như các loại sữa, trứng, đậu… Trong số các thức ăn gây dị ứng thì trứng, sữa bò, lạc (đậu phộng) chiếm tỉ lệ cao nhất. Trẻ càng nhỏ thì tỉ lệ dị ứng với thức ăn càng nhiều hơn so với trẻ lớn.Dị ứng thức ăn chiếm khoảng 30% bệnh nhân VDCĐ.
Tiền sử gia đình bệnh nhân VDCĐ cũng thường có người bị một trong các bệnh như viêm mũi dị ứng, VDCĐ, dị ứng với thức ăn, và một số kháng nguyên. Nghiên cứu ở nigeria: 41,7% có tiền sử gia đình, trong đó có 16,7% VDCĐ, 14,6% hen và 2,1% viêm kết mạc dị ứng [21]. Tình trạng dị ứng có liên quan chặt chẽ đến tỷ lệ VDCĐ, khoảng 12% trẻ VDCĐ có liên quan đến dị ứng đường hô hấp. Tỷ lệ VDCĐ có dị ứng ở trẻ không có tiền sử gia đình bị dị ứng hoặc viêm da cơ địa là khoảng 12%, nhưng tỷ lệ dị ứng lên tới 28% ở trẻ bị VDCĐ mà không có tiền sử gia đình dị ứng, và lên tới 50 % ở trẻ có VDCĐ đồng thời có tiền sử gia đình dị ứng. Tiền sử gia đình bị chàm, viêm mũi dị ứng, hen dị ứng… có liên quan chặt chẽ tới bệnh VDCĐ. Trong các nghiên cứu về tiền sử gia đình bệnh nhân VDCĐ thấy tỷ lệ con bị VDCĐ tới 60% nếu một trong 2 bố mẹ bị VDCĐ và tỷ lệ này lên tới 80% nếu cả hai bố mẹ đều bị VDCĐ.
3.5. Môi trường:
Môi trường xung quanh có tác động nhiều đến bệnh viêm da cơ địa. Các yếu tố như thời tiết, độ ẩm không khí, ô nhiễm môi trường, các dị nguyên, các vật dụng tiếp xúc xung quanh như quần áo, đồ dùng sinh hoạt có thể kích thích và gây dị ứng da. Khí hậu khô, lạnh về mùa đông làm cho da bệnh nhân viêm da cơ địa càng trở nên khô hơn, dễ nứt nẻ, và bội nhiễm. Tỷ lệ VDCĐ gặp cao ở những nước có khí hậu khô, lạnh. Nhiều bệnh nhân viêm da cơ địa dị ứng với các dị nguyên ở môi trường xung quanh như bụi, phấn hoa. Bệnh nhân cũng có thể dị ứng với thời tiết, viêm mũi dị ứng, dị ứng thức ăn…môi trường khói thuốc lá cũng ảnh hưởng đến trẻ VDCĐ, tỷ lệ VDCĐ cao ở trẻ em có bố mẹ hút thuốc hoặc mẹ hút thuốc trong thời gian mang thai.
Các vật nuôi, thú nuôi trong nhà có thể ảnh hưởng đến bệnh VDCĐ. Các dị nguyên có trong không khí thường gặp là phấn hoa, bụi mạt nhà, nấm mốc, lông thú….Các dị nguyên này thường ảnh hưởng lên VDCĐ ở trẻ em hơn ở người lớn.Các loại lông súc vật có thể kích ứng da hoặc gây phản ứng dị ứng, có thể kích hoạt hoặc làm vượng bệnh VDCĐ.Mạt bụi nhà là loài hay gây dị ứng cho da và là nguyên nhân hàng đầu kích hoạt hoặc làm vượng bệnh.
Khi trẻ mới sinh ra, pH trên bề mặt da gần như trung tính (pH 6,5). Khi lớn lên, pH chuyển dần về hướng axit (pH từ 5,4-5,9). Tiếp xúc với xà bông và các chất tẩy rửa sẽ làm tăng pH của bề mặt da từ 5,5 đến 7,5 hoặc cao hơn. pH tăng sẽ kích thích hoạt động của proteases sẽ phá hủy men ức chế proteases như Cystatin A làm phá hủy các cầu nối gian bào dẫn đến tổn thương thêm hàng rào bảo vệ da, làm tăng sự mất nước qua da và tạo điều kiện thuận lợi cho các dị nguyên xâm nhập vào da để gây kích hoạt phản ứng viêm tạo thương tổn VDCĐ.
3.6. Nghề nghiệp:
Một số ngành nghề có tỷ lệ viêm da cơ địa cao như công nhân dệt, may, chế biến nông, thủy sản, nông dân, thợ thủ công … những nghề này thường xuyên tiếp xúc với các yếu tố có thể gây kích ứng hoặc dị ứng da, làm tổn thương da và làm trầm trọng thêm triệu chứng viêm da cơ địa.Các nghành nghề thường xuyên tiếp xúc với nước, ẩm ướt, tiếp xúc hóa chất, chất tẩy rửa, thường làm VDCĐ trầm trọng hơn và cần phải tránh tiếp xúc. Các nghề ở trên cũng thường gặp triệu chứng viêm da bàn tay, bàn chân là một trong những triệu chứng phụ của VDCĐ.
3.7. Yếu tố tâm lý, thần kinh:
VDCĐ bị ảnh hưởng bởi các yếu tố tâm lý: căng thẳng, stress, mất ngủ… Các yếu tố tâm lý có thể làm trầm trọng thêm triệu chứng bệnh hoặc cũng có thể là yếu tố kích hoạt bệnh VDCĐ.Cho đến nay, cơ chế chính xác về sự tương tác giữa hệ thống thần kinh và hệ thống miễn dịch của da vẫn chưa được sáng tỏ. Tuy nhiên, người ta thấy có sự liên quan giữa các peptid thần kinh như calcitonin gene-related peptid (CGRP) đến ảnh hưởng của trình diện kháng nguyên trên tế bào Langerhan, từ đó ảnh hưởng đến quá trình viêm trên bệnh nhân VDCĐ.
- Đặc điểm lâm sàng:
Các triệu chứng ngoài da chính của VDCĐ còn gọi là tổn thương chàm (eczema) là: tổn thương mụn nước rải rác hoặc thành đám, sẩn đơn lẻ hoặc thành đám, ban đỏ, đám da đỏ, có thể chảy dịch, mủ, hoặc đám da dày, lichen hóa, các vết trợt trầy xước do cào gãi, các đám da khô, nứt nẻ… tùy thuộc vào từng giai đoạn cấp tính hoặc mạn tính mà có các biểu hiện khác nhau. Giai đoạn cấp tính thường có các biểu hiện là đám da đỏ, các sẩn đơn độc hoặc thành đám, mụn nước. Da bị phù nề, chảy dịch, đóng vảy tiết. Các vết xước trợt do cào gãi, có thể bội nhiễm tạo các mụn mủ. Giai đoạn mạn tính da dày, thâm, khô da và liken hoá, các vết nứt trầy xước do bệnh nhân ngứa gãi nhiều.
4.1. Triệu chứng về da trong viêm da cơ địa:
– Đỏ da, ban đỏ: đám đỏ da ranh giới rõ, giai đoạn cấp tính thường phù nề, chảy dịch. Trên ban đỏ có nhiều mụn nước li ti nổi thành đám. Tổn thương rất ngứa.
– Mụn nước: là các tổn thương kích thước nhỏ 1-vài mm trong có chứa dịch trong, nổi gồ lên mặt da, có thể riêng lẻ hoặc tập trung thành đám trên nền da đỏ. Có thể trợt, vỡ, chảy dịch, chảy nước. Tổn thương ngứa nên bệnh nhân thường cào gãi trợt da, đóng vảy tiết.
– Sẩn: các tổn thương sẩn nhỏ li ti, nổi trên mặt da, kích thước 1 – vài mm. Sẩn thường đi kèm ngứa nhiều làm bệnh nhân cào gãi, trợt da, đóng vảy da.
– Mụn mủ: do tổn thương bội nhiễm, hóa mủ. Các mụn mủ riêng lẻ hoặc đám mụn mủ, chảy dịch, đóng vảy tiết…
– Trầy da, trợt xước: là các tổn thương thứ phát xuất hiện sau các tổn thương ban đầu của VDCĐ. Bệnh nhân ngứa nhiều nên cào gãi, làm da trầy, trợt xước, có thể bội nhiễm tạo mủ.
– Dày da, lichen hóa: tổn thương lâu ngày trở nên lichen hóa, dày da, khô da.Là các mảng da dày, thay đổi màu sắc, thường là thâm da, rất ngứa, vị trí ở các vùng nếp gấp của cơ thể.
4.2. Triệu chứng phụ trong viêm da cơ địa:
– Khô da: là triệu chứng phụ thường gặp trong VDCĐ. Thường khô da ở vùng mặt, cánh tay, cẳng tay, cẳng chân, bàn tay, bàn chân, đầu ngón tay, ngón chân. Khô da có thể gây nứt nẻ, tạo cơ hội cho viêm nhiễm, làm tổn thương VDCĐ trầm trọng hơn. Da khô do giảm ceramide của da, tổn thương hàng rào bảo vệ da, tăng mất nước qua da.
– Da dạng vảy cá: tổn thương da khô, xếp lớp trông như vảy cá. Thường gặp tổn thương này ở vùng cẳng chân, cẳng tay.
– Nếp chỉ tay đậm: các nếp chỉ tay hằn sâu, nổi rõ, ít nếp nhỏ và nông, bàn tay khô, ráp.
– Dày sừng nang lông: là các sẩn sừng ở nang lông, sờ ráp. Có thể viêm tạo mủ ở vị trí chân lông. Tổn thương dày sừng nang lông hay gặp ở vùng cánh tay, đùi, lưng.
-Nhiễm trùng da và hay tái phát: tổn thương da dễ bội nhiễm, phản ứng viêm đỏ, tái phát nhiều lần.
– Viêm da ở bàn tay, bàn chân, không đặc hiệu: là các dạng da khô, bong vảy da, nứt nẻ ở lòng bàn tay bàn chân, ngón tay ngón chân.
– Chàm núm vú: biểu hiện viêm đỏ, mụn nước thành đám, có thể phù nề, chảy dịch, vùng núm vú và quầng xung quanh núm vú.
– Viêm môi: môi khô, bong vảy hoặc mụn nước trên nền viêm đỏ, có thể chảy dịch.
– Nếp dưới mắt Dennie- Morgan: là 2 nếp da ở dưới mi dưới của mắt, chụm lại ở khóe mắt.
– Đục thủy tinh thể: cũng là một trong những biểu hiện của VDCĐ nhưng tần xuất gặp không nhiều.
– Quầng thâm viêm quanh mắt: là các tổn thương viêm da, thâm da xung quanh mắt.
– Vẩy phấn trắng: thường gặp ở trẻ em, là các dát trắng, không có triệu chứng cơ năng, cảm giác bình thường, ranh giới rõ với da lành, vị trí ở má, thân mình.
– Ngấn gấp ở cổ: là nếp da ngang ở cổ, có thể tổn thương viêm da ở cổ tạo thành ngấn gấp.
– Ngứa khi ra mồ hôi: một số trường hợp VDCĐ khi vận động, ra mồ hôi nhiều xuất hiện đỏ da, ngứa.
– Không dung nạp len dạ: bệnh nhân VDCĐ thường có biểu hiện ngứa, đỏ da, dị ứng với len, dạ…
– Không dung nạp thức ăn: tình trạng dị ứng với một số loại thức ăn thường xảy ra ở bệnh nhân VDCĐ.
– Chứng da vẽ nổi trắng. Là biểu biện da vẽ nổi nhưng không phải màu đỏ, hồng mà là các vệt trắng nổi lên khi có áp lực tỳ đè hoặc khi dùng vật cùn vạch lên da.
4.3. Triệu chứng cơ năng:
– Triệu chứng cơ năng điển hình trong VDCĐ là ngứa. Ngứa luôn đồng hành với các tổn thương da trong VDCĐ. Hầu hết bệnh nhân bị VDCĐ đều ngứa. Ngứa làm bệnh nhân cào gãi, càng làm tổn thương da thêm trầm trọng, tăng nguy cơ nhiễm khuẩn, ảnh hưởng giấc ngủ gây căng thẳng tâm lý, mệt mỏi cả thể xác lẫn tinh thần. Vòng xoắn bệnh lý ngứa – gãi – ban đỏ – ngứa – gãi ….ngày càng làm tăng thêm mức độ bệnh, vì vậy điều trị triệu chứng ngứa cũng rất quan trọng trong điều trị VDCĐ. Triệu chứng ngứa trong VDCĐ thường bị kích hoạt bởi các kích thích như: tiếp xúc len, dạ, thay đổi nhiệt độ môi trường, mồ hôi, thay đổi về cảm xúc… đều làm triệu chứng ngứa tăng thêm. Mặc dù dị nguyên tương tác với IgE kích hoạt tế bào mast giải phóng các hóa chất trung gian đóng vai trò quan trọng trong việc gây ra triệu chứng ngứa trong VDCĐ nhưng việc điều trị triệu chứng ngứa ít hiệu quả khi dùng kháng histamin thế hệ 2 mà sử dụng kháng histamin thế hệ 1 với tác dụng gây buồn ngủ lại đạt kết quả cao hơn. Các peptid thần kinh có vai trò quan trọng trong cơ chế ngứa trong bệnh VDCĐ.
– Mất ngủ: Giống như các bệnh mạn tính khác, VDCĐ ảnh hưởng rất lớn đến tinh thần của bệnh nhân. Bệnh diễn tiến mạn tính, tái phát nhiều lần, ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống, làm cho bệnh nhân lo lắng, trầm cảm, mất ngủ. Mất ngủ là một trong những triệu chứng quan trọng trong việc đánh giá độ nặng của VDCĐ theo thang điểm SCORAD.
4.4. Triệu chứng theo lứa tuổi:
Viêm da cơ địa thường biểu hiện triệu chứng theo lứa tuổi. Chia ra các thời kỳ như sau:
– Thời kỳ nhũ nhi: từ sơ sinh 0-6 tháng tuổi và trẻ nhỏ: 7 tháng – 2 tuổi: biểu hiện triệu chứng lâm sàng là ban đỏ, mụn nước ở rải rác khắp cơ thể, tập trung nhiều ở má và vùng duỗi, có thể chảy dịch, nhiễm khuẩn, tạo mủ.
– Thời kỳ trẻ em từ >2 -6 tuổi và trước dậy thì >6 – 12 tuổi: tổn thương thường khư trú hơn, ở trẻ em thường ở vùng duỗi,trẻ trước dậy thì tổn thương thường ở vùng gấp, trước cổ tay, cổ chân, các đám ban đỏ, mụn nước, ngứa nhiều, có chỗ trầy xước, chảy nước. Bên cạnh đó cũng có những tổn thương khô, vảy da, dày da.
– Thời kỳ trẻ lớn >12- 18 tuổi và người lớn> 18 tuổi. Tổn thương thường ở vùng gấp của cơ thể. Dày da, lichen hóa, khô da, vảy da là các biểu hiện thường gặp. Tổn thương lâu ngày sẽ thay đổi màu sắc da trở nên thâm đen. Ngoài ra, thường biểu hiện tổn thương chàm ở các vị trí khác như bàn tay, bàn chân, môi, quanh núm vú, quanh mắt….
4.5. Triệu chứng theo giai đoạn:
VDCĐ chia ra 3 giai đoạn: cấp tính, bán cấp, và mạn tính.
– Giai đoạn cấp tính: Biểu hiện bệnh khi cấp tính là đám da đỏ ranh giới không rõ, các sẩn và đám sẩn, mụn nước tiết dịch, không có vẩy da. Da bị phù nề, chảy dịch, đóng vảy tiết. Các vết xước do gãi tạo vết trợt, bội nhiễm tụ cầu tạo các mụn mủ và vẩy tiết vàng.
– Biểu hiện bán cấp với các triệu chứng nhẹ hơn, da không phù nề, ít tiết dịch. Tổn thương khô da, vảy da, dày da nhiều hơn.
– Giai đoạn mạn tính: da dày thâm, ranh giới rõ, liken hoá, các vết nứt đau; đây là hậu quả của việc bệnh nhân ngứa gãi nhiều. Thương tổn hay gặp ở các nếp gấp lớn, lòng bàn tay, bàn chân, các ngón, cổ, gáy, cổ tay, cẳng chân.
4.6. Các nghiên cứu ngoài nước về triệu chứng lâm sàng viêm da cơ địa.
Năm 2007, Kulthanan nghiên cứu tại Thái lan báo cáo biểu hiện lâm sàng ở người lớn VDCĐ đến các bệnh viện đều có triệu chứng tổn thương da đặc hiệu cấp tính (chảy dịch) hoặc mạn tính (dày da, lichen) (100%); khoảng 76.3% có các triệu chứng phụ theo tiêu chuẩn của Rajka và Hanifin; tổn thương thường gặp nhất là chàm dạng đồng tiền. Vị trí hay gặp nhất là vùng gấp, ngoài ra có thể gặp ở thân mình, vùng duỗi của tay; còn trong nghiên cứu tại Iran, vị trí hay gặp là đầu và cổ, vùng chi thường gặp ở vùng duỗi. Trong khi đó Halkjaer LB nghiên cứu ở đối tượng trẻ em 0-3 tuổi thấy tổn thương gặp ở các vị trí đầu, mặt, trán, cổ, thân, vùng duỗi của chi [11[10]]. Nghiên cứu khác của Li YL tại Hàng châu, Trung quốc cho thấy khô da chiếm 96.3%; 80% trẻ em có dùng xà bông để tắm, 85.6% có tiếp xúc với đồ len, dạ. Tổn thương VDCĐ thường gặp khác nhau theo lứa tuổi: ở các vị trí má, mặt duỗi của chi đối với trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ, thường gặp ở vùng gấp với trẻ lớn và người lớn.Trong nghiên cứu của Nagaraja: 42,3% tổn thương ở mặt, 49,3% ở khuỷu tay, 34,7% ở khớp gối, triệu chứng phụ hay gặp nhất là khô da 71%, lichen 54,1%, nếp mi mắt 49,2%, chỉ tay đậm 51,8%.[18][16]. Nghiên cứu của Wahab MA cho thấy triệu chứng phụ hay gặp: nhiễm trùng da tái phát: 80%, ảnh hưởng bởi môi trường 66,7%; dị ứng len dạ 50%; khô da 43,8%, nếp gấp mi mắt 39,5%, vảy cá 34,3%; khởi phát sớm 32%, ngứa khi ra mồ hôi 26,7%, chỉ tay đậm 24,8%; dị ứng thức ăn 19%, dày sừng nang lông 14,8%, vảy phấn alba 14,3%; đỏ/tái mặt 1,9%; viêm môi 10,5%; chàm bàn tay 9%, chàm bàn chân 7,6%; không dung nạp dầu mỡ 6,7%, vảy da đầu 5,2%[21]
- Chẩn đoán Viêm da cơ địa:
Tiêu chuẩn chẩn đoán bệnh VDCĐ [11[10]]: theo Hanifin và Rajka gồm có 4 tiêu chuẩn chính và 23 tiêu chuẩn phụ. Được chẩn đoán VDCĐ khi có ít nhất 3 tiêu chuẩn chính và 3 tiêu chuẩn phụ.
4 tiêu chuẩn chính là:
Tiêu chuẩn 1. Ngứa.
Tiêu chuẩn 2. Viêm da mạn tính và tái phát.
Tiêu chuẩn 3. Hình thái và vị trí thương tổn điển hình.
– Trẻ em: Chàm khu trú ở mặt, vùng duỗi.
– Trẻ lớnvà người lớn: Dày da, Lichen vùng nếp gấp.
Tiêu chuẩn 4. Tiền sử cá nhân hay gia đình có bệnh cơ địa dị ứng như hen, viêm mũi dị ứng, viêm da cơ địa.
23 tiêu chuẩn phụ là:
- Khô da.
- Vảy cá, nếp chỉ tay đậm, hoặc dày sừng nang lông
- Phản ứng da tức thì týp 1 dương tính
- IgE tăng.
- Tuổi phát bệnh sớm.
- Dễ bị nhiễm trùng da và hay tái phát.
- Viêm da ở bàn tay, bàn chân, không đặc hiệu.
- Chàm núm vú.
- Viêm môi.
- Viêm kết mạc mắt và kích thích ở mắt tái phát.
- Nếp dưới mắt Dennie- Morgan.
- Giác mạc hình chóp.
- Đục thủy tinh thể.
- Quầng thâm quanh mắt.
- Mặt: Đỏ, tái.
- Vẩy phấn trắng.
- Ngấn gấp ở cổ.
- Ngứa khi ra mồ hôi.
- Không dung nạp len hoặc các chất hòa tan lipid.
- Các thương tổn khác giống dày sừng nang lông.
- Không dung nạp thức ăn.
- Tiến triển bệnh ảnh hưởng bởi môi trường và tâm lý.
- Chứng vẽ nổi trắng.
Ngoài ra, năm 1999, hội bác sỹ gia đình Mỹ đưa ra bộ tiêu chuẩn chẩn đoán gồm: 4 triệu chứng chính và 15 triệu chứng phụ bao gồm:
4 Triệu chứng chính:
- Ngứa
- Viêm da mạn tính tái phát
- Hình thái và vị trí điển hình:
– Trẻ em: mụn nước tập trung thành từng đám ở mặt, mặt duỗi các chi.
– Người lớn: Lichen hóa ở ở nếp gấp.
- Tiền sử gia đình hay bản thân bị các bệnh Atopy như hen phế quản, viêm da cơ địa, viêm mũi dị ứng, mày đay…
15 Triệu chứng phụ bao gồm:
- Khô da
- Dày lòng bàn tay bàn chân
- Viêm kết mạc mắt
- Mặt tái nhợt
- Vảy phấn trắng
- Vảy cá
- Viêm da lòng bàn tay bàn chân không đặc hiệu
- Chàm núm vú
- Phản ứng quá mẫn type I dương tính
- IgE huyết thanh cao
- Dễ bị dị ứng thức ăn
- Đỏ da
- Bệnh xuất hiện từ nhỏ
- Chứng da vẽ nổi
- Dày sừng nang lông
Chẩn đoán VDCĐ chủ yếu dựa vào lâm sàng. Với mỗi quốc gia có những bộ tiêu chuẩn khác nhau ở mỗinước. Trên thế giới các nước chủ yếu áp dụng các bộ tiêu chuẩn chẩn đoán của Hanifin và Rajka. Hiện nay Việt nam chưa có bộ tiêu chuẩn chẩn đoán VDCĐ nhưng thường sử dụng bộ tiêu chuẩn của Hanifin và Rajka trong các nghiên cứu về VDCĐ.
III. Kết luận:
Viêm da cơ địa là một bệnh phức tạp với rất nhiều biểu hiện lâm sàng đa dạng, trên nhiều vùng cơ thể.Viêm da cơ địa là bệnh viêm da mạn tính, tái phát, gặp ở mọi lứa tuổi, ở cả 2 giới nam và nữ,ở mọi chủng tộc, mọi quốc gia. Các triệu chứng ngoài da VDCĐ bao gồm các đám đỏ da, mụn nước, sẩn, các vết trợt xước, có thể chảy dịch, chảy mủ, tiến triển lâu dài dẫn đến mạn tính với biểu hiện dày da, lichen hóa. Triệu chứng cơ năng thường gặp là ngứa và mất ngủ. Các triệu chứng phụ gặp với tỷ lệ thấp hơn và không có đầy đủ ở mọi bệnh nhân. Chẩn đoán bệnh thường chỉ dựa vào Lâm sàng.Bệnh hay tái phát, điều trị dai dẳng và chi phí cao. Bệnh không chỉ ảnh hưởng đến sức khỏe chung mà còn ảnh hưởng đến tâm lý, tinh thần của người bệnh. Việc đánh giá các đặc điểm dịch tễ và hiểu hiện lâm sàng của bệnh góp phần hỗ trợ chẩn đoán, tiên lượng bệnh từ đó hỗ trợ cho công tác điều trị, góp phần nâng cao sức khỏe và chất lượng cuộc sống cho người bệnh viêm da cơ địa.
TÀI LIỆU THAM KHẢO
- K. Ahn (2014), “The role of air pollutants in atopic dermatitis”, J Allergy Clin Immunol. 134(5), tr. 993-9; discussion 1000.
- A. Akcay và các cộng sự (2014), “Prevalence and risk factors of atopic eczema in Turkish adolescents”, Pediatr Dermatol. 31(3), tr. 319-25.
- M. I. Asher và các cộng sự (2006), “Worldwide time trends in the prevalence of symptoms of asthma, allergic rhinoconjunctivitis, and eczema in childhood: ISAAC Phases One and Three repeat multicountry cross-sectional surveys”, Lancet. 368(9537), tr. 733-43.
- S. P. DaVeiga (2012), “Epidemiology of atopic dermatitis: a review”, Allergy Asthma Proc. 33(3), tr. 227-34.
- I. A. Deckers và các cộng sự (2012), “Investigating international time trends in the incidence and prevalence of atopic eczema 1990-2010: a systematic review of epidemiological studies”, PLoS One. 7(7), tr. e39803.
- L. F. Eichenfield và các cộng sự (2012), “Atopic dermatitis: epidemiology and pathogenesis update”, Semin Cutan Med Surg. 31(3 Suppl), tr. S3-5.
- C. Flohr và J. Mann (2014), “New insights into the epidemiology of childhood atopic dermatitis”, Allergy. 69(1), tr. 3-16.
- N. Fukiwake và các cộng sự (2006), “Incidence of atopic dermatitis in nursery school children – a follow-up study from 2001 to 2004, Kyushu University Ishigaki Atopic Dermatitis Study (KIDS)”, Eur J Dermatol. 16(4), tr. 416-9.
- M. Furue, T. Chiba và S. Takeuchi (2011), “Current status of atopic dermatitis in Japan”, Asia Pac Allergy. 1(2), tr. 64-72.
- L. B. Halkjaer và các cộng sự (2006), “Development of atopic dermatitis during the first 3 years of life: the Copenhagen prospective study on asthma in childhood cohort study in high-risk children”, Arch Dermatol. 142(5), tr. 561-6.
- J. M. Hanifin và M. L. Reed (2007), “A population-based survey of eczema prevalence in the United States”, Dermatitis. 18(2), tr. 82-91.
- S. Illi và các cộng sự (2004), “The natural course of atopic dermatitis from birth to age 7 years and the association with asthma”, J Allergy Clin Immunol. 113(5), tr. 925-31.
- M. K. Kumar, P. K. Singh và P. K. Patel (2014), “Clinico-immunological profile and their correlation with severity of atopic dermatitis in Eastern Indian children”, J Nat Sci Biol Med. 5(1), tr. 95-100.
- M. A. Maymi và các cộng sự (2007), “The prevalence of atopic dermatitis in Puerto Rican school children”, P R Health Sci J. 26(2), tr. 127-33.
- H. Munivrana Skvorc và các cộng sự (2014), “Prevalence of and risk factors for the development of atopic dermatitis in schoolchildren aged 12-14 in northwest Croatia”, Allergol Immunopathol (Madr). 42(2), tr. 142-8.
- Nagaraja và các cộng sự (1996), “Frequency and significance of minor clinical features in various age-related subgroups of atopic dermatitis in children”, Pediatr Dermatol. 13(1), tr. 10-3.
- E. N. Nnoruka (2004), “Current epidemiology of atopic dermatitis in south-eastern Nigeria”, Int J Dermatol. 43(10), tr. 739-44.
- J. A. Odhiambo và các cộng sự (2009), “Global variations in prevalence of eczema symptoms in children from ISAAC Phase Three”, J Allergy Clin Immunol. 124(6), tr. 1251-8 e23.
- J. M. Spergel (2010), “Epidemiology of atopic dermatitis and atopic march in children”, Immunol Allergy Clin North Am. 30(3), tr. 269-80.
- A. J. Sybilski và các cộng sự (2015), “Atopic dermatitis is a serious health problem in Poland. Epidemiology studies based on the ECAP study”, Postepy Dermatol Alergol. 32(1), tr. 1-10.
- M. A. Wahab và các cộng sự (2011), “Minor criteria for atopic dermatitis in children”, Mymensingh Med J. 20(3), tr. 419-24.
- F. Xu và các cộng sự (2012), “Prevalence of childhood atopic dermatitis: an urban and rural community-based study in Shanghai, China”, PLoS One. 7(5), tr. e36174.
- H. Yemaneberhan và các cộng sự (2004), “Prevalence and associated factors of atopic dermatitis symptoms in rural and urban Ethiopia”, Clin Exp Allergy. 34(5), tr. 779-85.
Ts.Bs. Vũ Tuấn Anh