MỘT SỐ ĐIỂM CẦN LƯU Ý KHI SỬ DỤNG KHÁNG SINH ĐIỀU TRỊ MỤN TRỨNG CÁ
Bs.CKII Đinh Thị Ái Liên
1. ĐẠI CƯƠNG
Trứng cá (acne) là bệnh da do tăng tiết chất bã và viêm của hệ thống nang lông tuyến bã.
Bệnh biểu hiện bằng nhiều loại tổn thương khác nhau như mụn cám, sẩn, sẩn viêm, mụn mủ, mụn bọc, nang…khu trú ở vị trí tiết nhiều chất bã nhờn mặt, lưng, ngực.
Trứng cá không ảnh hưởng nghiêm trọng đến tính mạng, tuy nhiên, do tồn tại dai dẳng, mụn, sẩn hay sẹo lồi, sẹo lõm ở vùng mặt ảnh hưởng tới thẩm mỹ và chất lượng cuộc sống của người bệnh.
2. CĂN NGUYÊN, BỆNH SINH
Mụn trứng cá được hình thành dưới tác động của 3 yếu tố chính:
+ Tăng sản xuất chất bã: Tuyến bã chịu sự điều tiết hoạt động của các hormon, đặc biệt là hormon sinh dục nam, các hormon này kích thích tuyến bã hoạt động và phát triển thể tích làm tăng bài tiết chất bã lên nhiều lần.
+ Sừng hóa cổ nang lông : Cổ nang lông tuyến bã bị sừng hóa làm ống bài xuất tuyến bã bị hẹp lại, chất bã không thoát ra ngoài được nên bị ứ đọng lại trong lòng tuyến bã, lâu ngày bị cô đặc lại hình thành nhân trứng cá.
+ Vi khuẩn Propionibacterium acnes: Sự gia tăng hoạt động của vi khuẩn Propionibacterium acnes (P. acnes). Bình thường P. acnes cư trú ở da một cách vô hại. Khi các lỗ nang lông bị ứ lại, các chất bã và tế bào chết sẽ tạo nên môi trường kỵ khí và P. acnes có thể phát triển, trở nên gây bệnh.
Một số yếu tố khác liên quan đến hình thành mụn trứng cá
Tuổi: 90% trường hợp ở lứatuổi 13-19, sau đó bệnh giảm dần, nhưng trứng cá có thể bắt đầu ở tuổi 20-30 hoặc muộn hơn, thậm chí tới tuổi 50-59.
Giới: Nữ nhiều hơn nam, tỷ lệ nữ/nam gần bằng 2/1, nhưng bệnh nam thường nặng hơn ở nữ.
Yếu tố gia đình: Theo Goulden, cứ100 bệnh nhân bị trứng cá thì 50% có tiền sử gia đình.
Yếu tố thời tiết, chủng tộc: khí hậu nóng ẩm, hanh khô liên quan đến bệnh trứng cá; người da trắng và da vàng bị bệnh trứng cá nhiều hơn người da đen.
Yếu tố nghề nghiệp: khi tiếp xúc với dầu mỡ, với ánh nắng nhiều…làm tăngkhả năng bị bệnh.
Yếu tố stress: có thể gây nên bệnh hoặc làm tăng nặng bệnh trứng cá.
Chế độ ăn: một số thức ăn có thể làm tăng bệnh trứng cá như sô-cô-la,đường, bơ, cà phê…
Các bệnh nội tiết: một số bệnh như Cushing, bệnh cường giáp trạng, bệnhbuồng trứng đa nang…làm tăng trứng cá.
Thuốc: một số thuốc làm tăng trứng cá, trong đó thường gặp là corticoid,isoniazid, thuốc có nhóm halogen, androgen (testosteron), lithium…
Một số nguyên nhân tại chỗ: vệ sinh da mặt, chà xát, nặn bóp không đúngphương pháp và lạm dụng mỹ phẩm làm ảnh hưởng đến bệnh trứng cá.
3. TÁC ĐỘNG CỦA KHÁNG SINH ĐIỀU TRỊ MỤN TRỨNG CÁ
Kháng P. acne + Kháng viêm.
Giảm P. acnes → cải thiện triệu chứng lâm sàng.
3.1.Vấn đề kháng kháng sinh
– Cyclines, macrolides và clindamycin: Là kháng sinh kiềm khuẩn. Dùng càng nhiều càng làm tăng tỷ lệ kháng thuốc
– Các nguy cơ làm tăng kháng kháng sinh:
+ Sử dụng kháng sinh kéo dài
+ Lặp lại việc dùng kháng sinh nhiều lần
+ Sử dụng kháng sinh phổ rộng
3.2.Nguyên tắc sử sụng kháng sinh trong điều trị mụn trứng cá:
+ Không dùng kháng sinh đơn trị liệu, kết hợp kháng sinh với benzoyl peroxide 5% hoặc các hoạt chất kháng khuẩn khác
+ Giảm thời gian dùng thuốc, không quá 3-4 tháng.
+ Không dùng một loại kháng sinh cho cả bôi và uống
+ Không dùng kháng sinh như liệu pháp duy trì.
+ Kháng sinh uống: Chỉ sử dụng cho bệnh vừa và nặng
3.3.Các nhóm kháng sinh được sử dụng trong điều trị mụn trứng cá:
Các nhóm kháng sinh: Cyclines, Macrolid (azithromycin), Beta lactam (amoxicilin), Cephalosporin (cephalexin), TMP-SMZ…
3.31. Nhóm Cycline:
Là kháng sinh hay được các bác sỹ dùng điều trị bệnh trứng cá ( chiếm khoảng 80% )
Cơ chế kháng viêm:
Điều hòa ức chế các cytokine tiền viêm (TNF-α, IL-1β),
Giảm chuyển hóa arachidonic acid thông qua ức chế phospholipase A2,
Ưc chế sản xuất các gốc tự do,
Ức chế MMP có nguồn gốc BC: collagenases (MMP- 8, -13), gelatinases (MMP-2, -9), elastases (MMP-12),
Ức chế cathelicidin
Cơ chế kháng khuẩn: gắn với ribosom 30S, gây ức chế sinh tổng hợp protein VK
Tetracyclin:
Thế hệ 1, FDA (1953) cấp phép, 250-500mg/ 1 -2 lần/ngày.
Chống chỉ định cho trẻ dưới 8 tuổi và phụ nữ có thai/cho con bú.
Doxycycline:
Thế hệ 2 được FDA (1967) cấp phép điều trị trứng cá thông thường vừa và nặng với liều 50-100mg/ 1-2 lần/ ngày.
Minocycline:
Thế hệ 2, bán tổng hợp, FDA(1971) cấp phép điều trị trứng cá thông thường vừa và nặng với liều 100- 200mg/ngày
Cơ chế: ức chế apotosis, chống viêm, điều hòa MD (periodontitis, rheumatoid arthritis…).
Minocyclin ưa mỡ , thấm tốt vào chất bã ở nang lông, giảm P.acners hiệu quả hơn doxycycline, tetracycline, erythromycin
Sarecycline:
Thế hệ 3, FDA (2018) cấp phép điều trị trứng cá thông thường vừa và nặng, với liều 1.5mg/kg/ngày.
Biệt dược: Seysara
3.3.2. Nhóm Macrolid: Azithromycin
Macrolide được FDA cấp phép là kháng sinh uống điều trị trứng cá thông thường, vừa và nặng (khi bệnh nhân không thể hoặc đã thất bại khi dùng cyclines).
Thấm tốt vào nhiều tổ chức khác nhau, đặc biệt niêm mạc biểu mô nên chỉ định rộng rãi cho nhiều nhiễm khuẩn thông thường, bệnh nhân dị ứng betalactam.
Ngoài kháng khuẩn, có thêm cơ chế kháng viêm.
Theo Akamatsu et al: Macrolide ức chế lipase của P. acne, ức chế con đường hóa ứng động bạch cầu trung tính liên quan P. acnes.
T/2: 68h, 3 lần/tuần, 4–5 tuần (BN tăng tuân thủ), HL 250, 500, 600mg Tác dụng phụ: ít (buồn nôn, đau bị, rối loạn tiêu hóa), dung nạp tốt
Phân loại B cho phụ nữ có thai.
3.3.3. Nhóm Beta lactam: Amoxicillin
Kháng sinh uống cho trứng cá thông thường vừa, nặng
Ức chế P. acnes in vitro so với minocycline.
AAD guideline 2016 khuyến cáo liều 250mg-500mg, 3 lần/ngày cho người lớn, trong 3-4 tháng
Dễ dung nạp
3.3.4. Nhóm Cephalosporin: Cephalexin
Kháng sinh uống cho trứng cá thông thường vừa và nặng, không đáp ứng các thuốc cổ điển (chưa có khuyến cáo về liều và thời gian).
Chưa rõ cơ chế.
Cephalexin 500mg, 2lần/ngày trong 3-4 tháng,
Dễ dung nạp.
Tác dụng phụ: khó chịu dạ dày ruột,
Chống chỉ định nếu có tiền sử dị ứng cephalosporins, penicillin
3.3.5. Trimethoprim – sulfamethoxazole
KS uống cho trứng cá vừa và nặng mà không thể dùng cyclines hoặc kháng trị. Số liệu nghiên cứu hạn chế → sử dụng hạn chế cho trường hợp thật sự cần thiết.
Cơ chế diệt khuẩn do ức chế tổng hợp folate ở vi khuẩn.
Liều khởi đầu 160/800mg 2 lần/ngày, liều duy trì: 1 lần/ngày để ngăn tái phát mụn.
Tác dụng phụ: Dị ứng sulfa (Hồng ban đa dạng), RL tiêu hóa, giảm tiểu cầu
3.4.Kháng sinh bôi:
Trứng cá nhẹ và vừa.
Phải kết hợp benzoyl peroxide 5%
Thai phụ: Bôi hàng ngày erythromycin hoặc clindamycin, dùng ngắn ngày (không có số liệu về dùng dài ngày).
Không có tác dụng phụ toàn thân.
Tăng cường kháng khuẩn thay thế: benzoyl peroxide 5% , salicylic acid hoặc dermocosmetics (tinh dầu trà xanh, alkylglycosid,…)
Minocycline 4% bôi dược dùng rất rộng rãi để điều trị trứng cá vừa và nặng do giảm tác dụng phụ đường uống.
Nghiên cứu dược động học: minocycline dạng bôi thấp hơn dạng uống
Không có liều tích lũy sau 21 ngày bôi minocycline 4%.
An toàn và dễ dung nạp do không có nhiều tác dụng phụ khiến bệnh nhân phải dừng thuốc.
4. KẾT LUẬN
– Chỉ dùng kháng sinh khi thật sự cần thiết
– Ưu tiên chọn kháng sinh phổ hẹp
– Dùng đúng nguyên tắc:
+ Phù hợp thể bệnh
+ Đa trị liệu
+ Dùng kháng sinh từ 3-4 tháng
+ Không thay đổi kháng sinh tùy tiện
+ Bổ sung men tiêu hóa trong quá trình điều trị.
Bệnh viện phong – Da liễu Trung ương Quy Hòa là tuyến đầu của khu vực Miền trung – Tây nguyên điều trị các bệnh da trong đó có bệnh trứng cá. Vì vậy, khi mắc bệnh người bệnh nên đi khám để được các bác sĩ khám và điều trị sớm.
TÀI LIỆU THAM KHẢO
1. Bộ Y tế (2015), Hướng dẫn chẩn đoán và điều trị một số bệnh Da liễu, Ban hành kèm theo Quyết định số 75/QĐ-BYT ngày 13/01/2015 của Bộ trưởng Bộ Y tế, tr 23-27.
2. Phạm Văn Hiển (2015), Da Liễu Học, Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam, tr 71-77.
3. Nguyễn Văn Thường (2017), “Bệnh học da liễu, tập 2”, Nhà xuất bản Y học, tr 86-87.
4. Patel DJ, Bhatia N. Oral Antibiotics for Acne. Am J Clin Dermatol. 2021;22(2):193-204. doi:10.1007/s40257-020-00560-w
5. Aslan Kayiran M, Karadag AS, Al-Khuzaei S, Chen W, Parish LC. Antibiotic Resistance in Acne: Mechanisms, Complications and Management. Am J Clin Dermatol. 2020;21(6):813-819. doi:10.1007/s40257-020-00556-6
6. Gold LS, Del Rosso JQ, Kircik L, et al. Minocycline 1.5% foam for the topical treatment of moderate to severe papulopustular rosacea: Results of 2 phase 3, randomized, clinical trials. J Am Acad Dermatol. 2020;82(5):1166-1173. doi:10.1016/j.jaad.2020.01.043