fbpx
Chuyên đề KCBTin nổi bậtXét nghiệm

MỘT SỐ THÔNG TIN VỀ XÉT NGHIỆM TSH

Ths Bs Hoàng Thị Thúy Hương

1. Giới thiệu chung:

TSH (thyroid-stimulating hormone) là hormone kích thích tuyến giáp, là glycoprotein hormone có trọng lượng phân tử 28 000 dalton , gồm 2 chuỗi peptid: chuỗi α – có hầu hết trong các hormone (giống chuỗi α của LH, FSH và hCG) và chuỗi β – mang những đặc tính sinh học và miễn dịch đặc trưng của TSH. Sự giống nhau này có thể dẫn đến phản ứng chéo giữa các kháng huyết thanh khác nhau.

TSH được tiết bởi tế bào ưa kiềm ở thùy trước tuyến yên để điều hòa chức năng tuyến giáp. Sự bài tiết của hormone TRH từ vùng dưới đồi kiểm soát việc tiết hormone hTSH. Trong hệ thống này, TSH lại điều hòa sự giải phóng T4 và T3. Cơ chế feedback ngược này rất nhạy cảm với nồng độ hormone giáp trong máu, và được theo dõi bởi vùng dưới đồi. Đây là hệ thống được biết như là trục Vùng dưới đồi – tuyến yên – tuyến giáp. Bất kì thay đổi nào của trục này có thể ảnh hưởng đến nồng độ T4 và T3 tuần hoàn trong máu. Nồng độ TSH có sự thay đổi theo thời gian trong ngày, tăng dần từ nữa đêm đến gần sáng (4 giờ sáng) và giảm dần khi về chiều.

TSH ảnh hưởng đến hầu hết các quả trình chuyển hóa ở tuyến giáp bằng việc gắn kết với các thụ thể của nó trên màng tế bào và hoạt hóa các men adenylate cyclase. Adenylate cyclase, tiếp tục tham gia vào việc sản xuất AMP vòng, “sứ giả thứ hai,” hTSH kích thích tạo ra một chuỗi các hiệu ứng trao đổi chất trong tế bào. Sự kích thích này làm tăng quá trình tổng hợp và giải phóng T3 và T4, và duy trì tính toàn vẹn về sinh lý và chức năng của tuyến giáp.

2. Ứng dụng lâm sàng:

Ứng dụng lâm sàng của xét nghiệm TSH là để đánh giá tình trạng tuyến giáp. Ở những bệnh nhân với chức năng vùng dưới đồi – tuyến yên còn nguyên vẹn, TSH được định lượng để:

          – Loại từ tình trạng nhược giáp (tăng TSH) hoặc cường giáp (TSH giảm hoặc không phát hiện được);

          – Theo dõi điều trị thay thế T4 ở bệnh nhân nhược giáp nguyên phát hoặc điều trị kháng hormone giáp ở bệnh nhân cường giáp;

          – Theo dõi sự ức chế T4 của sự ảnh hưởng của dinh dưỡng hTSH trong “bướu lạnh “và bướu cổ không độc hại;

          – Đo lường TSH cũng đang ngày càng được sử dụng để xác định tình trạng cường giáp hoặc suy giáp cận lâm sàng hoặc tiềm ẩn.

3. Thu thập mẫu xét nghiệm TSH:

Huyết thanh hoặc huyết tương.

Tốt nhất chạy mẫu xét nghiệm ngay sau khi lấy máu trong vòng 8h đầu ở nhiệt độ phòng xét nghiệm.

Mẫu bệnh phẩm có thể ổn định 7 ngày ở 2 – 80 C, 1 tháng ở – 20 0 C.

Mẫu chỉ được rã đông 1 lần.

4. Nhận định kết quả và các yếu tố liên quan:

Mỗi phòng xét nghiệm nên tự thiết lập dải giá trị tham khảo của mình để đảm bảo số liệu đó đại diện cho quần thể dân cư tại đó.

  • Giá trị tham chiếu: 0.27 – 4.2 mIU/ml.

–    TSH máu tăng trong: Suy tuyến giáp nguyên phát, bệnh u tuyến yên do tăng tiết TSH (TSH-oma) hoặc hội chứng kháng hormone tuyến giáp.

  • TSH máu giảm trong: cường tuyến giáp (Basedow), thiểu năng vùng dưới đồi yên, điều trị bằng thyroxin.
  • Một số yếu tố nhiễu ảnh hưởng kết quả xét nghiệm:

+ Huyết thanh vàng: bilirubin > 41 mg/dL.

+ Tán huyết: hemoglobin > 1.0 g/dL.

+ Huyết thanh đục: triglyceride > 1500 mg/dL.

+ Bệnh nhân đang dùng thuốc Biotin  với liều > 5 mg/ ngày. Cần lấy máu xét nghiệm ít nhất 8h sau khi sử dụng Biotin lần cuối.

+ RF > 3250 IU/ml.

+ Không có hiều ứng “high-dose hook” khi nồng độ TSH tới 1 000mIU/ml.

Cần lưu y thêm, thiếu hụt tuyến giáp nghiêm trọng mạn tính có thể dẫn đến tăng sản tuyến yên. Trong trường hợp này, bệnh nhân có mức TSH rất cao (> 100 mU/mL) và thường kết hợp prolactin tăng cao, có thể dẫn đến galactorrhoea (tuyến vú tiết sữa tự phát). Nêú tuyến yên phát triển lớn, dây thần kinh thị giác có thể bị chèn ép.

Tóm lại:

Định lượng hormone TSH là xét nghiệm đầu tiên khi thực hiện đánh giá chức năng tuyến giáp cũng như đánh giá chức năng trục dưới đồi – tuyến yên, xét nghiệm này còn được ứng dụng để chẩn đoán và theo dõi điều trị bệnh lí tuyến giáp. Tuy nhiên, đánh giá tình trạng tuyến giáp không nên chỉ dựa trên kết quả của  1 xét nghiệm TSH mà còn thực hiện cùng các xét nghiệm kiểm tra chức năng giáp khác cũng như các tự kháng thể của tuyến giáp ( trong chẩn đoán viêm giáp tự miễn) và đánh giá lâm sàng của bác sĩ.

Tài liệu tham khảo:

  1. Quyết định 320/QĐ-BYT ngày 23/01/2014 về việc ban hành tài liệu “ Hướng dẫn quy trình kỹ thuật chuyên ngành hóa sinh”, Định lượng TSH, tr.452-453.
  2. Jack DeRuiter (2002), Thyroid hormone tutorial: thyroid pathology, Endocri ne Module (PYPP 5260), Thyroid Section.
  3. Shashank R Joshi (2011), Laboratory Evaluation of Thyroid Function, Supplement to Japi, Vol 59.

Show More

Related Articles

Back to top button