Nghiên cứu cho thấy chiếu xạ mặt trời làm bất hoạt SARS-CoV-2 và các vi rút corona khác ở người
Người dịch: Quang Tiến
Thực hiện chiếu xạ mô phỏng ánh sáng mặt trời lên các vi rút corona lây nhiễm tế bào cho thấy khả năng lây nhiễm và nhân lên của vi rút giảm đi so với các vi rút không được chiếu xạ.
Ánh sáng tia cực tím (UV) bước sóng ngắn được sử dụng rộng rãi để tiêu diệt vi sinh vật có hại, bao gồm cả vi rút. Các nghiên cứu chỉ ra rằng tia cực tím cũng có thể tiêu diệt chủng vi rút corona 2 gây hội chứng hô hấp cấp tính nghiêm trọng (SARS-CoV-2), nguyên nhân của đại dịch COVID-19.
Tuy nhiên, trong ánh sáng mặt trời chiếu xuống mặt đất không có tia UV bước sóng ngắn mà phần lớn là tia UV có bước sóng khoảng 320-400 nm. Tia UV có bước sóng ngắn hơn 320 nm (UVB) chỉ chiếm chưa tới 2% tổng lượng tia UV chiếu tới mặt đất. Một số nghiên cứu cho thấy việc tiếp xúc với tia UVB gây ra sự bất hoạt của SARS-CoV-2, thậm chí tia UVB trong ánh sáng mặt trời cũng gián tiếp giúp giảm tỷ lệ tử vong do COVID-19.
Hiện nay các nhà khoa học vẫn chưa hiểu rõ sự ảnh hưởng khác nhau giữa mức độ tia UV chiếu tới mặt đất và mức độ tia UV ở trong môi trường. Những kiến thức này sẽ hữu ích trong việc lựa chọn các quyết định về y tế công cộng.
Ánh nắng mặt trời ảnh hưởng đến hoạt động của virút
Các nhà nghiên cứu từ Đại học Arizona, Tucson, Hoa Kỳ, đã nghiên cứu ảnh hưởng của tia cực tím trong ánh sáng mặt trời ở mức độ thông thường trên mặt đất đối với các vi rút corona ở người như HCoV-NL63 và SARS-CoV-2.
Các nhà nghiên cứu tiến hành cho vi rút HCoV-NL63 tiếp xúc với tia UV mô phỏng chiếu xạ mặt trời ở mức độ cao, bao phủ toàn bộ quang phổ UV, sau đó các vi rút này sẽ lây nhiễm các tế bào biểu mô ở ruột kết là Calu-3 và Caco-2. Họ phát hiện việc vi rút được chiếu xạ đã giảm khả năng lây nhiễm cho mỗi loại tế bào lần lượt gấp 8 lần và 4 lần, được xác định thông qua kỹ thuật xét nghiệm đám hoại tử. Phân tích số lượng RNA bộ gen cũng chỉ ra tình trạng ức chế sự sao chép của vi rút HCoV-NL63 ở mức chiếu xạ thấp 240 mJ/cm2.
Sau khi tiến hành gây nhiễm vi rút HCoV-NL63 đã được chiếu xạ cho các tế bào Calu-3 ở phổi, nhóm nghiên cứu cũng theo dõi biểu hiện gen của các tế bào này. Các tế bào bị nhiễm vi rút không được chiếu xạ có xuất hiện sự thay đổi tại các gen phát tín hiệu thông báo tình trạng viêm và phản ứng sốc nhiệt.
Ngược lại, biểu hiện gen của các tế bào bị nhiễm vi rút đã được chiếu xạ cho thấy tình trạng không phản ứng hoặc phản ứng rất ít. Rõ ràng vi rút được chiếu xạ tia UV đã giảm khả năng lây nhiễm so với không được chiếu xạ. Ngoài ra, bộ gen của tế bào đã được chiếu xạ bị tổn thương do virus cũng xuất hiện tình trạng biến đổi.
Sau đó, các nhà nghiên cứu đã gây nhiễm vi rút SARS-CoV-2 đã được chiếu xạ tia UV lên các tế bào Vero biểu mô của khỉ xanh châu Phi. Sau 03 ngày, số lượng tế bào Vero bị lây nhiễm thông qua xét nghiệm đám hoại tử cho thấy khả năng lây nhiễm của vi rút đã giảm đáng kể.
Khả năng sao chép của vi rút SARS-CoV-2 phụ thuộc vào mức độ chiếu tia UV. Ở mức chiếu xạ cao 1010 mJ/cm2, vi rút hoàn toàn bị ức chế, không thể nhân lên. Vi rút SARS-CoV-2 trong tế bào biểu mô Calu-3 ở phổi người cũng gặp tình trạng ức chế tương tự. Khi các tế bào khác bị nhiễm vi rút từ tế bào được chiếu xạ, biểu hiện gen của các tế bào này giảm đáng kể. Điều này cho thấy vi rút SARS-CoV-2 nhạy cảm với tia UV ở các mức độ phơi nhiễm thông thường.
Tiềm năng bất hoạt vi rút của ánh sáng mặt trời
Mức độ tia UV trong ánh sáng mặt trời ở môi trường gần mặt đất, kể cả mức thấp hơn mức gây cháy nắng, làm cho vi rút bất hoại. Tuy nhiên, sự tiếp xúc với ánh nắng của con người rất phức tạp và phụ thuộc vào nhiều yếu tố như mùa, vị trí mặt trời và vĩ độ. Vì vậy, cần tìm hiểu thêm về cách ứng dụng kết quả nghiên cứu.
Ngoài ra, bởi vì các thí nghiệm được tiến hành bằng cách sử dụng toàn bộ quang phổ mặt trời, nên ảnh hưởng của từng thành phần riêng lẻ vẫn cần được làm sáng tỏ. Hơn nữa, các tác động thực tế của việc chiếu xạ mặt trời có thể rất đa dạng bởi các yếu tố khác như lây truyền qua đường không khí và hạt khí dung cũng như sự lưu giữ vi rút trên các bề mặt.
Nguồn: news-medical.net