fbpx
Điểm tin y tếTin nổi bậtTin tức - Sự kiện

Nghiên cứu cho thấy vắc-xin COVID-19 an toàn đối với bệnh nhân viêm đường ruột

Người dịch: Quang Tiến

Theo một nghiên cứu gần đây tại Bệnh viện Cedars-Sinai được công bố trực tuyến và sẽ xuất bản trong thời gian tới trên tạp chí American Journal of Gastroenterology, nguy cơ phản ứng với vắc-xin COVID-19 của các hãng Pfizer và Moderna không tăng thêm ở những bệnh nhân viêm đường ruột (IBD). Trên thực tế, những bệnh nhân IBD được điều trị bằng các liệu pháp miễn dịch tiên tiến có thể còn ít bị phản ứng phụ hơn so với người bình thường.

Các bệnh IBD, bao gồm bệnh Crohn và viêm loét đại tràng, là những tình trạng mãn tính xảy ra khi hệ thống miễn dịch đường ruột hoạt động quá mức, gây ra tiêu chảy mãn tính và các triệu chứng tiêu hóa khác. Trong một cuộc khảo sát được công bố khi bắt đầu phân phối vắc-xin COVID-19, 70% bệnh nhân IBD cho biết lo lắng về tác dụng phụ của vắc-xin.

Bác sĩ Gil Melmed, tác giả chính của nghiên cứu này và giám đốc của Phòng nghiên cứu lâm sàng bệnh viêm đường ruột tại Bệnh viện Cedars-Sinai cho biết “Những gì chúng tôi tìm hiểu được là nếu bạn mắc IBD, các phản ứng phụ mà bạn có thể gặp phải sau khi tiêm vắc-xin cũng tương tự người khác. Nếu bạn đang được điều trị bằng các liệu pháp tiên tiến như liệu pháp sinh học, phản ứng sau tiêm thậm chí còn có thể nhẹ hơn. Vì vậy, đừng để những lo lắng này là lý do để không tiêm chủng. ”

Đánh giá phản ứng phụ sau tiêm chủng

Thử nghiệm vắc xin COVID-19 đã loại trừ bệnh nhân mắc IBD và các bệnh khác liên quan đến hệ miễn dịch đang điều trị bằng liệu pháp sinh học, vì vậy Bác sĩ Melmed và cộng sự tại Bệnh viện Cedars-Sinai đã đánh giá các phản ứng phụ sau tiêm chủng ở 246 bệnh nhân IBD trưởng thành lấy từ dữ liệu đăng ký tiêm vắc-xin COVID-19 trên toàn quốc.

Những bệnh nhân này, giống như người bình thường, bị đau và sưng tại chỗ tiêm, sau đó là mệt mỏi, nhức đầu và chóng mặt, sốt và ớn lạnh, và có các triệu chứng rối loạn tiêu hóa. Hầu hết các phản ứng phụ đều nhẹ và chỉ kéo dài vài ngày.

Số lượng bệnh nhân IBD được báo cáo gặp phải các phản ứng phụ nghiêm trọng – thường là mệt mỏi, sốt và nhức đầu – là rất ít. Và chỉ 02/246 bệnh nhân trong nghiên cứu bị các triệu chứng rối loạn tiêu hóa nghiêm trọng.

Nhiều bệnh nhân IBD bày tỏ lo ngại rằng việc tiêm vắc-xin sẽ khiến cho tình trạng bệnh của họ trở nặng. Các nhà nghiên cứu đang tìm hiểu liệu các triệu chứng rối loạn tiêu hoá sau tiêm chủng là do tình trạng bệnh IBD trở nặng hay chỉ đơn giản là phản ứng phụ sau khi tiêm vắc-xin. Tuy nhiên, Bác sĩ Melmed nhấn mạnh phần lớn các triệu chứng rối loạn tiêu hóa được báo cáo chỉ xuất hiện trong thời gian ngắn và tự khỏi.

Khoảng 80% bệnh nhân tham gia nghiên cứu đang được điều trị bằng các liệu pháp tiên tiến điều trị đích nhằm ức chế phản ứng miễn dịch của cơ thể, bao gồm thuốc ức chế Janus kinase và các thuốc sinh học khác. Bác sĩ Melmed cho rằng sự ức chế hệ miễn dịch phần nào đó giúp cho các bệnh nhân này ít gặp các phản ứng phụ sau tiêm hơn.

“Rất nhiều phản ứng phụ xảy ra khả năng là do hệ miễn dịch phản ứng với vắc-xin. Vì vậy, có thể bạn sẽ không phản ứng mạnh với vắc-xin nếu bạn đang điều trị bằng các liệu pháp miễn dịch.”

Phản ứng phụ trên bệnh nhân mắc các bệnh khác liên quan đến hệ miễn dịch được điều trị bằng các liệu pháp này cũng có thể ít xuất hiện hơn.

Tiến sĩ, bác sĩ Dermot McGovern, đồng tác giả nghiên cứu và giám đốc của Trung tâm Nghiên cứu Ứng dụng thuộc Viện Nghiên cứu Sinh học miễn dịch và Viêm đường ruột, Bệnh viện Cedars-Sinai cho rằng “Chúng tôi tin tưởng kết quả của nghiên cứu sẽ có thể áp dụng cho những bệnh nhân mắc các bệnh lý viêm nhiễm do rối loạn miễn dịch trong các chuyên khoa da liễu, thần kinh, thấp khớp và các chuyên khoa khác, bởi vì những loại thuốc nói trên được sử dụng rộng rãi để điều trị các bệnh này. Nhóm nghiên cứu sẽ làm việc với các đồng nghiệp chuyên khoa ung thư để tìm hiểu tác động của vắc-xin đối với bệnh nhân ung thư đang trị liệu, và hợp tác với các đối tác nghiên cứu nhân viên y tế để tìm hiểu các bệnh tự miễn ảnh hưởng đến kết quả tiêm vắc-xin như thế nào. “

Nghiên cứu mở rộng

Đồng thời, nghiên cứu hiện tại đang được kéo dài thêm 5 năm để giúp các nhà nghiên cứu xác định có phải do hệ miễn dịch của bệnh nhân IBD đang được điều chỉnh bởi liệu pháp miễn dịch nên họ nhận được ít sự bảo vệ hơn từ vắc-xin COVID-19 hay không.

Bác sĩ Susan Cheng, đồng tác giả nghiên cứu và Giám đốc Bộ phận Nghiên cứu Sức khỏe Cộng đồng, Bệnh viện Cedars-Sinai cho biết: “Điều chúng tôi chưa biết là liệu những loại vắc-xin này có tạo ra khả năng miễn dịch lâu dài với COVID-19 ở những bệnh nhân mắc các bệnh do rối loạn miễn dịch hay không. Thu thập thông tin cực kỳ quan trọng này là bước tiếp theo của nhóm nghiên cứu.”

Nguồn: news-medical.net

Show More

Related Articles

Back to top button