fbpx
Đào tạoHội nghị - Hội thảoHợp tácTin nổi bật

Nghiên cứu mới cảnh báo tình trạng mắc giang mai ở nam giới quan hệ tình dục đồng giới cao bất thường trên toàn cầu

Người dịch: Quang Tiến

Nghiên cứu mới có tên Tỷ lệ mắc bệnh giang mai ở nam giới quan hệ tình dục đồng giới: Một đánh giá hệ thống và phân tích tổng hợp phạm vi toàn cầu từ năm 2000 đến năm 2020 được công bố hôm nay nhấn mạnh tỷ lệ mắc bệnh giang mai toàn cầu cao bất thường ở nam giới có quan hệ tình dục đồng giới và nhấn mạnh tình trạng này đã làm đình trệ tiến trình đạt mục tiêu loại trừ bệnh giang mai như một mối đe dọa sức khỏe cộng đồng vào năm 2030.

Bệnh giang mai là một bệnh nhiễm trùng lây truyền qua đường tình dục (STI), do vi khuẩn Treponema pallidum gây ra.

Nghiên cứu được thực hiện bởi Trường Vệ sinh và Y học Nhiệt đới London, London, Vương quốc Anh và được công bố trên tạp chí The Lancet Global Health, lần đầu tiên đưa ra ước tính tỷ lệ nhiễm bệnh giang mai phạm vi toàn cầu ở nam giới có quan hệ tình dục đồng giới. 

Kết quả nghiên cứu cho thấy nam giới quan hệ tình dục đồng giới rất dễ bị lây nhiễm bệnh giang mai, với tỷ lệ khác nhau đáng kể giữa các quốc gia và khu vực. Tỷ lệ lưu hành bệnh giang mai tổng hợp trên toàn cầu ở nam giới quan hệ tình dục đồng giới là 7,5% trong giai đoạn 2000-2020 (khoảng tin cậy (CI) 95%: 7.0-8.0), so với ước tính gần đây nhất về tỷ lệ lưu hành bệnh giang mai ở nam giới trên tổng dân số năm 2016 là 0,5% (95% CI: 0.4-0.6). Tỷ lệ mắc bệnh giang mai ở nam giới quan hệ tình dục đồng giới cao nhất ở những nơi có tỷ lệ lưu hành HIV trên 5% và ở các nước có thu nhập trung bình thấp. Phân tích chi tiết cho thấy tỷ lệ lưu hành tổng hợp ước tính ở một nửa số khu vực toàn cầu trong giai đoạn 2015-2020 cao hơn so với 5 năm trước đó và một số quốc gia đang báo cáo tình trạng mắc giang mai ở nam giới có quan hệ tình dục đồng giới đang gia tăng nhanh và liên tục.

Trên toàn thế giới, ước tính có khoảng 7 triệu ca nhiễm giang mai mới vào năm 2020. WHO đã đặt ra các mục tiêu đầy tham vọng là giảm 90% tỷ lệ mắc bệnh giang mai vào năm 2030, nhưng phản ứng toàn cầu còn chậm. Mặc dù tỷ lệ mắc bệnh giang mai bẩm sinh đã giảm nhẹ nhờ việc mở rộng quy mô can thiệp trong chăm sóc tiền sản, ví dụ như sàng lọc và điều trị bệnh giang mai cho phụ nữ mang thai, nhưng nhu cầu cấp thiết là phải có biện pháp hiệu quả hơn đối với các nhóm đối tượng ưu tiên khác bị bệnh giang mai ảnh hưởng nhưng chưa được đánh giá đúng. 

Bệnh giang mai có thể được phòng ngừa và chữa khỏi, với các biện pháp can thiệp hiệu quả cao và có thể tiết kiệm chi phí. Các xét nghiệm tại cơ sở y tế dễ sử dụng và không tốn kém bao gồm xét nghiệm máu nhanh cho kết quả trong vòng chưa đầy 20 phút và các sản phẩm xét nghiệm giang mai và HIV trên cùng 1 nền tảng. Điều trị bằng cách tiêm benzathine penicillin rất đơn giản và không tốn kém. Một thách thức lớn là các nhóm đối tượng có nguy cơ cao mắc bệnh giang mai, đặc biệt là ở các nước có thu nhập thấp và trung bình, thường không thể tiếp cận các dịch vụ do các rào cản như sợ bị hình sự hoá việc mắc bệnh, rào cản về chính sách và luật pháp, phân biệt đối xử và bạo lực. Theo khuyến cáo của WHO, các chính phủ nên ưu tiên giải quyết các rào cản này.

Tiến sĩ Meg Doherty, Giám đốc Chương trình HIV, Viêm gan và STI toàn cầu của WHO cho biết: “Nghiên cứu này nhấn mạnh nhu cầu cấp thiết cần cải thiện khả năng tiếp cận với các dịch vụ xét nghiệm, điều trị và phòng ngừa bệnh giang mai. Các bên liên quan phải giải quyết các rào cản như phân biệt đối xử và bạo lực; cải thiện giáo dục giới tính, và mở rộng khả năng tiếp cận và cung cấp xét nghiệm giang mai đồng thời điều trị ngay lập tức cho tất cả các nhóm đối tượng có nguy cơ lây nhiễm cao. ”

Nguồn: who.int, 09/7/2021

Show More

Related Articles

Back to top button