fbpx
Chuyên đề KCBĐa khoa phổ cậpĐiểm tin y tếTin nổi bật

Nhiễm Helicobacter Pylori ở trẻ em

Tác giả : BSCK1 Lê Thị Thơm

1. Dịch tễ học:

Helicobacter Pylori (H. Pylori hay HP) là vi khuẩn được tìm thấy trong lớp nhầy của niêm mạc dạ dày, được biết đến như nguyên nhân chính của viêm, loét dạ dày.

H.Pylori lây nhiễm từ người sang người qua đường tiêu hóa. Lây nhiễm thường xảy ra giữa các cá nhân trong gia đình, giữa các cá nhân trong tập thể hoặc do vệ sinh kém.

Tại Việt Nam có đến 80% trẻ em dưới 10 tuổi có dấu hiệu nhiễm H.Pylori khi xét nghiệm. Cho đến nay H.Pylori là nguyên nhân gây viêm loét dạ dày – tá tràng thường gặp nhất ở trẻ em.

2. Triệu chứng lâm sàng nhiễm H.pylori

– Trẻ em nhiễm H.pylori thường không có triệu chứng gì cả. Khi H.pylori gây ra triệu chứng, thì thường đó là triệu chứng của viêm loét dạ dày tá tràng.

– Triệu chứng viêm dạ dày ở trẻ em thường là buồn nôn, nôn ói, đầy bụng và khó tiêu.

– Ở trẻ lớn viêm dạ dày là cảm giác cồn cào, nóng rát và đau vùng bụng trên, vùng giữa bờ sườn và trên rốn, đau bụng tái diễn (đau bụng ≥ 3 lần trong vòng 3 tháng) . Đau tăng lên khi đói và giảm đi khi ăn.

– Ở trẻ em  loét dạ dày cũng có thể gây chảy máu dạ dày, có biểu hiện như ói ra máu, đi tiêu ra phân đen hoặc có máu trong phân. Hoặc gây thiếu máu nhược sắc kín đáo hoặc diễn biến từ từ đến nặng.

3. Xét nghiệm cận lâm sàng

3.1.Các phương pháp test H.pylori

Các bác sĩ có thể chẩn đoán nhiễm H.pylori bằng cách sử dụng nhiều loại xét nghiệm khác nhau. Trong đó có test không xâm nhập gồm xét nghiệm máu, xét nghiệm phân, test thở urea và test xâm nhập gồm nội soi kèm sinh thiết, test urease nhanh, nuôi cấy.

Xét nghiệm máu

Phương pháp xét nghiệm máu giúp phát hiện sự xuất hiện của vi khuẩn H.pylori trong dạ dày.

Phương pháp này dễ thực hiện nhưng không kiểm tra được định lượng vi khuẩn H.pylori đang hoạt động, không xác định được có tổn thương dạ dày và mức độ tổn thương dạ dày. Độ nhạy 85%, độ đặc hiệu 79%.

Xét nghiệm phân

Xét nghiệm phân giúp phát hiện chính xác sự xuât hiện, khả năng hoạt động của vi khuẩn H.pylori trong dạ dày. Độ nhạy 91- 98%, độ đặc hiệu 94 – 99%. Phương pháp này cũng không xác định được tình trạng tổn thương niêm mạc.

Test hơi thở Hp

Test hơi thở Hp được xem là một phương pháp chẩn đoán có độ chính xác rất cao, độ nhạy 86 – 98% và độ đặc hiệu 96 – 99%, đặc biệt trẻ trên 6 tuổi.Phương pháp này đơn giản, an toàn, dễ thực hiện song cũng không kiểm tra được tình trạng tổn thương dạ dày và chi phí cao.

Nội soi

Nội soi dạ dày là phương pháp phổ biến, có giá trị chẩn đoán cao vì xác định được tình trạng bệnh, mức độ bệnh, nguyên nhân gây bệnh. Độ nhạy >95%, độ đặc hiệu 100%.

Test nhanh urease

Cho phép xác định sự có mặt của vi khuẩn H.pylori. Độ nhạy 93-97%, độ đặc hiệu >95%.

Nuôi cấy

Là phương pháp chẩn đoán đặc hiệu nhất ( độ đặc hiệu 100%), nhưng khó khăn về kỉ thuật, nên độ nhạy thay đổi theo từng phòng xét nghiệm ( 70-80%).

3.2. Tiêu chuẩn chẩn đoán viêm loét dạ dày tá tràng do Helicobacter pylori:
• Chẩn đoán loét dạ dày tá tràng dựa vào nội soi.
• Chẩn đoán viêm dạ dày dựa vào mô bệnh học
• Chẩn đoán nhiễm Helicobacter pylori: khi có ≥ 2 trong số các tiêu chuẩn sau:
– Mô bệnh học có vi khuẩn Helicobacter pylori (+)

– Test Urease(+).
– Nuôi cấy mảnh sinh thiết dạ dày có vi khuẩn HP(+).
– Nếu chỉ 1 trong 2 xét nghiệm mô bệnh học và test urease(+), tiến hành làm thêm test thở hoặc test phân(mọi lứa tuổi), nếu test thở hoặc test phân dương tính xác định có nhiễm Helicobacter pylori.

Trường hợp ngoại lệ:
• Nếu gia đình từ chối nội soi: chỉ định làm test thở hoặc test phân (mọi lứa tuổi)
– Nếu test (-) tìm nguyên nhân khác
– Nếu test (+) thảo luận gia đình soi dạ dày chẩn đoán nguyên nhân đau bụng.
• Trẻ có test thở hoặc test phân (+), bố mẹ điều trị ung thư dạ dày hoặc loét dạ dày tá tràng => điều trị theo phác đồ 1.

4. Điều trị

Điều trị phác đồ 1:
• Trẻ <8 tuổi
– Amoxicillin + Clarithromycin + PPI
– Amoxicillin + Metronidazole + PPI

– Clarithromycin + Metronidazole + PPI

• Trẻ >8 tuổi
– Amoxicillin + Clarithromycin + PPI
– Amoxicillin + Metronidazole + PPI
– Tetracyclin ( hoặc) Doxycyclin + Metronidazol+ PPI

Điều trị phác đồ 2:

– Bismuth + Metronidazole + PPI + Kết hợp thêm với 1 trong các kháng sinh sau: Amoxicillin, Clarithromycin, Tetracylin.

– Metronidazole + Clarithromycin + Ranitidin bismuth citrat

Liều:
– Amoxicillin: 50mg/kg/ngày
– Clarithromycin: 20 mg/kg/ngày
– PPI (omeprazole): 1 mg/kg/ngày
– Metronidazol: 20 mg/kg/ngày
– Tetracyclin: 50 mg/kg/ ngày
– Doxycyclin: 5 mg/kg/ngày

– Ranitidin bismuth citrate: 1 viên/lần, 4 lần/ngày.

Thời gian điều trị: Kháng sinh:14 ngày, PPI: 1 tháng, Ranitidin bismuth citrate: 1 tháng.


Đánh giá hiệu quả diệt H. Pylori:
• Tiến hành sau khi :
– Dừng kháng sinh ≥ 4 tuần
– Dừng PPI ≥ 2 tuần.
• Phương pháp: Test thở C13 hoặc Test phân
• Kết quả:
– Nếu test (-) sạch vi khuẩn
– Nếu (+) còn vi khuẩn, phác đồ thất bại.

Trường hợp điều trị thất bại:
• Bệnh nhân được tiến hành nội soi dạ dày, urease test, mô bệnh học, nuôi cấy HP và làm kháng sinh đồ
– Nếu cấy H.pylori (+) và làm được kháng sinh đồ : điều trị theo kháng sinh đồ: kết hợp 2 loại kháng sinh nhạy cảm + PPI trong 2 tuần
– Nếu cấy H.pylori (-) :
+ Thay kháng sinh khác loại kháng sinh đã dùng trong phác đồ 1
+ Tăng liều
+ Kéo dài thời gian điều trị
+ Phối hợp Bismuth
Trong trường hợp phác đồ thất bại, test đánh giá vẫn tồn tại H.Pylori thì cần tiếp tục theo dõi và làm kháng sinh đồ. Điều trị tiếp theo sẽ là điều trị theo kháng sinh đồ kết hợp 2 kháng sinh nhạy cảm và PPI trong 2 tuần

5.Phòng ngừa nhiễm trùng H.pylori ở trẻ em

Giúp con xây dựng thói quen tốt cho sức khỏe hoặc vệ sinh cá nhân có thể giúp giữ an toàn cho con. Những thói quen này bao gồm:

  • Rửa tay bằng xà phòng và nước nhất là sau khi đi vệ sinh, trước khi ăn
  • Ăn thực phẩm đã được làm sạch và nấu chín an toàn
  • Uống nước an toàn và sạch sẽ

Tài liệu tham khảo :

1.M.Gasparetto et al HP Eradication Therapy Gastroenterology, vol 2012, article ID 186734. 8 pages.

2.Jones N. L., S. Koletzko, K.Goodman, P. Bontems, S. Cadranel, T. Casswall, et al. (2017), “Joint ESPGHAN/NASPGHAN Guidelines for the Management of Helicobacter pylori in Children and Adolescents (Update 2016)”, J Pediatr Gastroenterol Nutr, 64(6), pp. 991-1003.

  1. Bộ Y tế (2016) Hướng dẫn chẩn đoán và điều trị một số bệnh thường gặp ở trẻ em. Nhà xuất bản Y học, Hà Nội, 363-369.

4.Bệnh viện Nhi đồng 2 (2013), Viêm dạ dày – tá tràng, Phác đồ điều trị Nhi khoa 2013, Nhà xuất bản Y học, Tp.Hồ Chí Minh, pp. 494-499.

  1. https://suckhoedoisong.vn/canh-giac-voi-viem-loet-da-day-do-vi-khuan-hp-o-tre-169210829211256461.htm
Show More

Related Articles

Back to top button