fbpx
Chuyên đề KCBĐa khoa phổ cậpTin nổi bật

NHIỄM TRÙNG SƠ SINH

BS. Nguyễn Thị Thảo Nguyên

1. ĐẠI CƯƠNG

Định nghĩa

Nhiễm trùng sơ sinh (NTSS) là khái niệm chỉ mọi bệnh lý nhiễm trùng xảy ra trong thời kỳ sơ sinh (28 ngày), hoặc cá biệt một số bệnh cảnh khởi phát chậm sau thời kỳ sơ sinh có mầm bệnh mắc phải trước, trong hoặc sau sinh. Tỉ lệ NTSS chung dao động từ 1-5/1000 ca sống (1).

NTSS bao gồm nhiễm trùng toàn thân (nhiễm trùng huyết) và các nhiễm trùng khu trú như phổi, mắt, da, rốn, thận niệu, xương khớp và màng não. Trong đó nhiễm trùng huyết (NTH) và viêm màng não (VMN) là 2 bệnh lý nhiễm trùng sơ sinh có tỉ lệ tử vong cao nhất trong giai đoạn sơ sinh, đặc biệt là trẻ nhẹ cân, sinh non.

Phân loại: NTSS được chia làm 2 loại

Nhiễm trùng khởi phát sớm: khởi phát trước 7 ngày tuổi. Nguồn lây thường là mắc phải trước hoặc trong lúc sinh. Thường gặp nhất là nhiễm trùng huyết (2).

Nhiễm trùng khởi phát muộn: khởi phát ≥ 7 ngày tuổi. Nguồn lây thường mắc phải trong bệnh viện hoặc từ cộng đồng. Bệnh cảnh gặp phải thường đa dạng với cả nhiễm trùng toàn thân hoặc nhiễm trùng khu trú (2).

2. ĐƯỜNG LÂY BỆNH VÀ CƠ CHẾ BỆNH SINH

2.1 Nhiễm trùng trong tử cung

Nhiễm trùng trong tử cung là kết quả của nhiễm trùng mẹ có biểu hiện lâm sàng hoặc tiềm ẩn do nhiều tác nhân như CMV (Cytomegalovirus), Toxoplasma gondii, Rubella virus, giang mai, thủy đậu… lây truyền qua nhau thai theo đường máu sang thai nhi.

2.2 Nhiễm trùng ngược dòng

Các tác nhân lây nhiễm ngược dọc gây nhiễm trùng dịch ối và là nguyên nhân thường gặp trong giai đoạn chuyển dạ hoặc sinh. Ối vỡ trên 18 giờ lằm tăng tỷ lệ nhiễm trùng khởi phát sớm do liên cầu khuẩn nhóm B (2), và 18 giờ là ngưỡng thích hợp được xem là làm tăng nguy cơ nhiễm trùng sơ sinh.

Bất kỳ sinh vật cư trú ở đường sinh dục – tiết niệu hoặc đường tiêu hóa dưới có thể gây nhiễm trùng trong khi sinh và sau sinh. Các vi khuẩn phổ biến nhất là liên cầu khuẩn nhóm B (Group B Streptococcus, GBS) và E. coli.

2.3 Nhiễm trùng muộn sau sinh

Sau sinh, sơ sinh bắt đầu tiếp xúc với các mầm bệnh trong phòng dưỡng sinh hoặc cộng đồng. Nguồn lây quan trọng nhất cho trẻ sơ sinh nằm viện là bàn tay nhân viên y tế (2).

Các tác nhân thường gây nhiễm trùng liên quan đến chăm sóc y tế ở trẻ sơ sinh gồm E. coli, Klebsiella pneumoniae, Enterobacter, Pseudomonas aeruginosa, Staphylococcus aureus và Candida (2).

3. YẾU TỐ NGUY CƠ

  • Các yếu tố từ mẹ: Sinh non (<37 tuần), vỡ ối non và kéo dài (>18 giờ), nhiễm trùng quanh lúc sinh của mẹ (cư trú GBS ở người mẹ, sốt trước sinh và các dấu hiệu khác của viêm màng đệm.
  • Các yếu tố từ con: Yếu tố dễ nhiễm trùng có thể dẫn đến nhiễm trùng huyết là sinh non (<37 tuần) hoặc nhẹ cân (CNLS < 2.500g).

4. LÂM SÀNG

Nhiễm trùng huyết sơ sinh có thể có các triệu chứng không đặc hiệu hoặc dấu hiệu nhiễm trùng tại chỗ.

Hình 1: Ban xuất huyết ở trẻ sơ sinh nhiễm Streptococcus Group B

Triệu chứng lâm sàng: thường biểu hiện trong vài giờ đầu, 90% trong vòng 24 giờ đầu.

+ Triệu chứng hô hấp: nhẹ đến nặng, trẻ thở nhanh, thở rên, có hoặc không cần nhu cầu oxy, cơn ngưng thở (thường ở trẻ sinh non hoặc viêm màng não), suy hô hấp.

+ Triệu chứng khác: lừ đừ, kích thích, co giật, bú kém, ói, chướng bụng, nhiệt độ không ổn định, da nổi bông, lạnh, xuất huyết dưới da, hạ huyết áp.

+ Triệu chứng bệnh khác: cơn khó thở nhanh thoáng qua, hội chứng hít ối phân su, cao áp phổi, xuất huyết não, nhiễm trùng bào thai, tim bẩm sinh tím.

5. CẬN LÂM SÀNG

Cấy máu dương tính cho phép chẩn đoán xác định nhiễm trùng sơ sinh.

Chọc dò tủy sống chỉ định khi cấy máu (+), xét nhiệm gợi ý nhiều là NTH, lâm sàng xấu đi dù đang điều trị kháng sinh.

Công thức máu không nên lấy ngay sau sinh, nên được lấy sau 6-12h.

CRP dương tính khi ≥ 10 mg/L

Chức năng đông máu toàn bộ nếu nhiễm trùng huyết nặng hoặc biểu hiện xuất huyết

X-quang phổi nếu có suy hô hấp

6. CHẨN ĐOÁN

  • Chẩn đoán xác định: cấy máu dương tính
  • Chẩn đoán có thể:

Lâm sàng biểu hiện nhiều triệu chứng và cận lâm sàng gợi ý nhiễm trùng huyết (3):

– Bạch cầu máu < 5000/mm3 hoặc >25.000/mm3;

– Bạch cầu neutrophil < 2000/mm3;

– Tỷ lệ bạch cầu neutrophil chưa trưởng thành/ neutrophil ≥ 0.3;

– Có không bào, hạt độc, thể Dohl;

– Tiểu cầu < 150.000/mm3;

– CRP >10 mg/L hoặc tăng sau 12 giờ kế tiếp.

  • Chẩn đoán phân biệt: các triệu chứng lâm sàng thường không đặc hiệu, cần phân biệt với các bệnh lý: các bệnh lý gây suy hô hấp, bệnh lý tim mạch, hệ thần kinh, bệnh lý vể máu…

7. ĐIỀU TRỊ

7.1 Nguyên tắc

– Bảo đảm theo nguyên tắc ABC: đường thở, hô hấp, tuần hoàn

– Lập đường truyền tĩnh mạch, điều chỉnh rối loạn kiềm toan

– Kháng sinh đặc hiệu

– Điều trị hỗ trợ: suy hô hấp, sốc, rối loạn đông máu, rối loạn đường huyết, điện giải, co giật

7.2 Các biện pháp hỗ trợ

– Duy trì oxy và tưới máu đầy đủ

– Ngăn ngừa hạ đường huyết và nhiễm toan chuyển hóa

– Duy trì dịch và điện giải bình thường

7.3 Liệu pháp kháng sinh

  • Khi nghi ngờ nhiễm trùng sơ sinh: cho kháng sinh ngay không chờ kết quả xét nghiệm (3):

– Ampicillin + Gentamycin.

– Hoặc Ampicillin + Cefotaxim.

– Hoặc Ampicillin + Cefotaxim + Gentamycin: khi có một trong các dấu hiệu sau:

+ Nhiễm trùng huyết trước 7 ngày tuổi.

+ Bệnh có dấu hiệu nặng, nguy kịch ngay từ đầu.

+ Nhiễm trùng huyết có viêm màng não mủ.

  • Nếu nghi tụ cầu (nhiễm trùng da hoặc rốn): Oxacillin + Gentamycin ± Cefotaxim (3).
  • Thời gian điều trị kháng sinh: dựa vào kết quả cấy máu và diễn tiến lâm sàng.

– Thời gian điều trị trung bình: 10 – 14 ngày.

– Thời gian điều trị dài hơn: 21 ngày khi có viêm màng não mủ hoặc nhiễm trùng huyết gram âm.

TÀI LIỆU THAM KHẢO

1. Edwards, Morven S. Clinical features, evaluation, and diagnosis of sepsis in term and late preterm infants, www.update.com, Feb 2018.

2. Shane, Barbara J. Stoll & Andi L. Neonatal infectious diseases. Philadelphia: Nelson Textbook of Pediatrics 20th, 2015. pp. 909-925.

3. Phác đồ điều trị Nhi khoa (2020), Bệnh viện Nhi đồng 1, Nhiễm trùng huyết sơ sinh, pp. 325-327.

Show More

Related Articles

Back to top button