NHỮNG CON NGƯỜI THẦM LẶNG TRONG CUỘC CHỐNG ĐẠI DỊCH COVID-19
Nguyễn Thị Yến
Sát cánh bên những y bác sĩ trực tiếp giành giật sự sống cho các bệnh nhân Covid-19 nguy kịch còn có những con người hết sức thầm lặng, đóng vai trò vô cùng quan trọng trong bảo đảm an toàn cho mỗi khâu điều trị. Đó là những người làm công tác kiểm soát nhiễm khuẩn, những công việc của y công, hộ lý, vệ sinh môi trường bề mặt, xử lý dụng cụ, đồ vải và xử lý thi hài, xử lý chất thải.
Trong cuộc chiến đại dịch, công việc của những người làm công tác kiểm soát nhiễm khuẩn luôn đi trước về sau. Để chuẩn bị cho tiếp nhận điều trị bệnh nhân Covid-19 thì ngay từ lúc đầu họ đã cùng các lãnh đạo, các chuyên gia thiết kế, xây dựng những mô hình làm sao luôn đảm an toàn cho nhân viên, cho cộng đồng. Từ tận dụng những cơ sở sẵn có đến xây dựng cải tạo phải đảm bảo làm sao luôn tuân thủ quy trình kiểm soát nhiễm khuẩn, từ cơ sở vật chất, nhân lực, trang thiết bị cho công tác kiểm soát nhiễm khuẩn đến triển khai công tác kiểm soát nhiễm khuẩn tuân theo các Quy định, Hướng dẫn hiện hành. Công tác chuẩn bị đến xây dựng các quy trình, quy định theo Hướng dẫn của Bộ Y tế và thực tế tại cơ sở. Từ xây dựng những tình huống, kịch bản và cách ứng phó phòng bệnh trong từng cấp độ… đến những việc rất nhỏ, lo từ băng dính, túi ni-lông, khăn lau, giẻ lau rồi phương tiện lớn hơn như thiết bị xử lý dụng cụ, đồ vải y tế, trang thiết bị phòng hộ. Nếu không đủ thiết bị, phương tiện, nhân viên y tế không thể có môi trường làm việc và thực hành an toàn, nguy cơ lây nhiễm rất cao.
Đơn vị tôi chưa tiếp nhận điều trị bệnh nhân Covid-19, nhưng theo tiếng gọi thiêng liêng của hai nghĩa “đồng bào”, bằng mệnh lệnh của trái tim, xuất phát từ chính tinh thần, đồng nghiệp của tôi đã có nhiều đoàn tham gia tuyến đầu chống dịch tại TP. Hồ Chí Minh. Đồng hành cùng với đoàn tham gia chống dịch, công tác đào tạo kiểm soát nhiễm khuẩn trong bối cảnh bệnh dịch cần phải hướng tới những thực hành phòng, chống dịch an toàn, có thể thực hiện trong điều kiện thiếu thốn theo hình thức cầm tay chỉ việc hay tập huấn trực tuyến, chủ yếu duy trì tuân thủ 5K trong bệnh viện, tuân thủ nghiêm ngặt thực hành phòng ngừa cơ bản như vệ sinh tay, vệ sinh bề mặt môi trường tiếp xúc thường xuyên, sử dụng đúng phương tiện phòng hộ cá nhân. Nhưng điều khó nhất là làm sao tất cả mọi người có ý thức tuân thủ. Chỉ một vài người không tuân thủ tốt, đồng nghiệp và người bệnh sẽ không an toàn.
Tại tâm dịch, những nhân viên kiểm soát nhiễm khuẩn luôn thầm lặng đảm nhận những công việc tại khu bệnh nhân nguy kịch, bám theo kíp trực trọn cả ca từ 8 đến 10 tiếng đồng hồ. Những y công phải luôn tay làm việc bởi toàn bộ buồng bệnh và các trang, thiết bị y tế phải sát khuẩn, khử khuẩn. Bên cạnh đó, lượng chất thải y tế nhiều, virus bám trên bề mặt ở Khoa điều trị bệnh nhân nguy kịch rất lớn. Hơn nữa, ở đó có nhiều vật dụng sắc, nhọn, thô ráp, nếu không cẩn thận, quá trình thao tác sẽ bị rách bao tay, nguy cơ nhiễm virus rất cao…, những việc đặc thù cần làm tỉ mỉ hơn. Mặt khác, trong khu điều trị bệnh nhân Covid-19 nguy kịch, việc mang mặc đồ bảo hộ kín mít, nóng nực, chật chội, đi lại liên tục giữa các buồng bệnh, các tầng trong nhiều giờ liền, nên cần những người có thể lực tốt, tính cách cẩn thận.
Các anh chị làm bộ phận giám sát thì luôn giám sát chặt chẽ từng thao tác, các công đoạn trong quá trình điều trị người bệnh nhằm hạn chế tối đa nguy cơ nhiễm khuẩn, nhiễm virus cho mọi người. Hướng dẫn kỹ lưỡng mặc trang phục bảo hộ và khử khuẩn trước khi vào khu điều trị bệnh nhân nguy cấp, luôn căn dặn đồng nghiệp: Tất cả công đoạn mang mặc và tháo phương tiện phòng hộ cá nhân đều phải tuần tự, không được sai sót ở bất cứ khâu nào dù là nhỏ nhất. Bởi đây là khu điều trị bệnh nhân nguy kịch, tải lượng virus SARS-CoV 2 rất cao, nguy cơ nhiễm gấp nhiều lần so với tiếp xúc thông thường ngoài môi trường. Vì vậy, chỉ cần một sơ suất nhỏ là sẽ bị nhiễm virus ngay. Và luôn động viên thần cho những anh em có chút căng thẳng phải bình tĩnh, làm tỉ mỉ từng công đoạn. Khi đã tuân thủ đúng các quy trình mặc- tháo phương tiện PHCN thì sẽ tránh được nguy cơ lây nhiễm. Tất cả y sĩ, bác sĩ ở đó dù không lạ gì với công đoạn này, nhưng trước khi vào ca đều được bộ phận giám sát, nhắc nhở và hỗ trợ mang mặc để bảo đảm an toàn nhất trong khi làm việc. Hàng ngày các bạn cũng thầm lặng chuẩn bị đồ lá để cung cấp đủ cho hàng nghìn nhân viên trong trung tâm.
Ảnh ở phòng mặc phương tiện PHCN tại trung tâm HSCC
Bệnh viện TW Huế tại TP. Hồ Chí Minh
Và chúng tôi những người làm công tác kiểm soát nhiễm khuẩn đang làm việc tại địa phương không tham gia tuyến đầu ở TP. Hồ Chí Minh nhưng hàng ngày chúng tôi phải luôn dõi theo cùng các bạn ở trong đó. Ở đây chúng tôi vẫn liên tục được các Thầy, Cô, các chuyên gia kiểm soát nhiễm khuẩn liên tục tập huấn trực tuyến, cập nhập những kiến thức mới, thích ứng với tình hình hiện tại và được chia sẻ những kinh nghiệm từ các bệnh viện tuyến đầu, rồi kiểm soát nhiễm khuẩn đơn vị chúng tôi lại tiếp tục tập huấn chia sẻ cho đồng nghiệp để chuẩn bị tham gia tuyến đầu chống dịch. Khi trao đổi công việc với bạn tôi tại bệnh viện tuyến đầu chúng tôi không thể nào cầm được nước mắt khi biết các Bác sĩ, Cử nhân, Kỹ thuật viên của Bệnh viện tôi thường ngày ở Bệnh viện tôi không làm công tác kiểm soát nhiễm khuẩn, nhưng khi tham gia tuyến đầu được phân công ở lĩnh vực xử lý thi hài thì họ cũng không ngần ngại và thực hiện tốt đúng quy trình một cách thuần thục.
Đồng nghiệp tôi chia sẻ: “Có ngày xử lý lên đến hơn mười mấy bệnh nhân, có hôm gặp bệnh nhân nặng hơn trăm ký, bốn anh em trong tổ cùng nhau cố sức gồng người khiêng vào quan rồi đẩy đến nơi chở đi xử lý, phải đẩy đoạn đường cách xa hàng trăm mét, có khi trời mưa đường lầy trơn rất khó nhọc, có hôm mệt lã không ăn nổi nhưng vẫn cố gắng ăn và luôn thực hiện đảm bảo an toàn”. Tại trung tâm HSCC, bên trong khu điều trị các bác sĩ, điều dưỡng đang giành giật sự sống cho bệnh nhân Covid-19 thì bên ngoài những công việc thầm lặng mà các anh em đồng nghiệp tôi hàng ngày vẫn thường làm cho những bệnh nhân không may qua đời vì bệnh Covid-19. Dù không được đầy đủ như những phong tục của người khi chết, nhưng ở bệnh viện tuyến đầu trung tâm HSCC bộ phận xử lý thi hài họ vẫn cố gắng làm cho an toàn tránh lây nhiễm cho cộng động, họ còn làm các thủ tục gọi là “lễ” cho những linh hồn không may qua đời vì dịch bệnh.
Ảnh tại khu xử lý thi hài TTCC Bv TW Huế tại TP/Hồ Chí Minh
Cho đến hôm nay, tất cả các Đoàn tham gia chống dịch của Bệnh viện tôi, những bác sĩ, cử nhân điều dưỡng, kỹ thuật viên họ đã hoàn thành nhiệm vụ và trở lại làm việc bình thường tại đơn vị, tất cả đều được bình an, không một ai bị lây nhiễm, điều đó cho thấy ở đâu công tác kiểm soát nhiễm khuẩn nghiêm ngặt, đầy đủ, tuân thủ tốt thì tất cả chúng ta đều an toàn, Và những công việc thầm lặng của những con người thầm lặng khi về lại quê nhà khi cuộc chiến đại dịch vẫn chưa kết thúc thì họ vẫn tiếp tục và chuẩn bị sẵn sàng cho công việc thầm lặng tại đơn vị ./.