Những bệnh mạn tính làm tăng nguy cơ mắc cúm mùa
BS. Vũ Tường Vi
Thời tiết bước vào những tháng lạnh nhất trong năm cũng là lúc số người bị bệnh cúm tăng lên. Người lớn tuổi và trẻ em là 2 đối tượng dễ bị vi rút cúm tấn công nhất. Đặc biệt, đối với những đối tượng mắc các bệnh mạn tính, nguy cơ mắc cúm và các biến chứng nặng nề của cúm càng cao hơn.
Những người mắc hen suyễn, tim mạch, đái tháo đường và nhiều bệnh mạn tính khác có nguy cơ cao trong việc gặp phải biến chứng nghiêm trọng của cúm mùa, có thể dẫn tới nhập viện hoặc thậm chí tử vong.
Trên thực tế, trong những mùa cúm gần đây, 9 trong số 10 người nhập viện vì cúm có ít nhất một bệnh nền – đó là lý do tại sao việc chủng ngừa cúm hàng năm đặc biệt quan trọng đối với những người mắc một số tình trạng sức khỏe mạn tính.
Sự thật cần biết về bệnh cúm và các bệnh mạn tính
Người lớn mắc một số bệnh mạn tính có nguy cơ cao bị các biến chứng nghiêm trọng do cúm.
Vắc xin chủng ngừa cúm được chứng minh làm giảm nguy cơ bị bệnh cúm. Đối với những người mắc một số bệnh mạn tính, vắc-xin cúm giúp làm giảm nguy cơ trở nặng của các bệnh mạn tính liên quan đến cúm và ngăn ngừa nhập viện do cúm.
Những bệnh mạn tính nào là nguy cơ hàng đầu trong việc trở nặng do cúm?
Hen suyễn: Những người bị hen suyễn có nguy cơ cao bị các biến chứng cúm nghiêm trọng, ngay cả khi bệnh hen suyễn nhẹ hoặc các triệu chứng của họ được kiểm soát tốt bằng thuốc. Những người mắc bệnh hen suyễn có thể bị sưng và nhạy cảm với đường hô hấp, và bệnh cúm có thể gây viêm thêm đường thở và phổi.
Nguồn: CDC Hoa Kỳ
Bệnh tim mạch & đột quỵ: Trong số những người lớn nhập viện vì bệnh cúm trong những mùa cúm gần đây, bệnh tim là một trong những bệnh mãn tính phổ biến nhất — khoảng một nửa số người lớn nhập viện vì bệnh cúm có bệnh tim. Các nghiên cứu đã chỉ ra rằng bệnh cúm có liên quan đến sự gia tăng các cơn đau tim và đột quỵ.
Nguồn: CDC Hoa Kỳ
Bệnh đái tháo đường: Trong những mùa gần đây, khoảng 30% người lớn nhập viện vì bệnh cúm được ghi nhận mắc bệnh tiểu đường . Các bệnh cấp tính như cảm cúm có thể khiến việc kiểm soát lượng đường trong máu trở nên khó khăn hơn. Cảm cúm có thể làm tăng lượng đường trong máu của bạn, nhưng đôi khi mọi người cảm thấy không muốn ăn khi bị ốm và cảm giác giảm thèm ăn có thể khiến lượng đường trong máu giảm xuống.
Nguồn: CDC Hoa Kỳ
Bệnh thận mạn tính làm suy yếu phản ứng miễn dịch, có thể khiến hệ thống miễn dịch khó chống lại nhiễm trùng. Những người mắc bệnh thận mạn ở bất kỳ giai đoạn nào, những người đã được ghép thận và những người đang điều trị lọc máu đều có nguy cơ bị bệnh nặng do cúm cao hơn.
Một số tình trạng bệnh mạn tính khác cũng ảnh hưởng đến việc mắc cúm và các biến chứng nặng do cúm:
- Rối loạn thần kinh
- Các bệnh rối loạn máu (vd: bệnh hồng cầu hình liềm)
- Bệnh phổi mạn tính (chẳng hạn như bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính [COPD] và bệnh xơ hóa phổi)
- Rối loạn nội tiết (như đái tháo đường)
- Bệnh tim (chẳng hạn như bệnh tim bẩm sinh, suy tim sung huyết và bệnh mạch vành)
- Bệnh gan
- Rối loạn chuyển hóa (chẳng hạn như rối loạn chuyển hóa di truyền và rối loạn ty thể)
- Những người béo phì với chỉ số khối cơ thể (BMI) từ 40 trở lên
- Những người có hệ thống miễn dịch suy yếu do bệnh tật (chẳng hạn như những người bị HIV hoặc AIDS , hoặc một số bệnh ung thư như bệnh bạch cầu) hoặc thuốc (chẳng hạn như những người đang điều trị ung thư hoặc hóa trị hoặc những người bị bệnh mãn tính cần dùng corticosteroid mãn tính hoặc các loại thuốc khác ngăn chặn hệ thống miễn dịch)
- Những người đã bị đột quỵ
- Những người khuyết tật— đặc biệt là những người có thể gặp khó khăn với chức năng cơ, chức năng phổi, hoặc khó ho, nuốt hoặc làm sạch chất lỏng khỏi đường thở của họ.
Lược dịch từ CDC Hoa Kỳ