NHỮNG ĐIỀU CẦN BIẾT VỀ BỆNH LẬU
BSCKII. Đinh Thị Ái Liên
I. ĐẠI CƯƠNG
1. Khái niệm bệnh lậu
Lậu là bệnh nhiễm trùng rất phổ biến lây truyền qua đường tình dục. Bệnh do song cầu khuẩn Gram âm có tên là Neisseria gonorrhoeae gây nên.
Biểu hiện bệnh ở nam thường là viêm niệu đạo cấp tính, ở nữ là viêm cổ tử cung có thể có hoặc không biểu hiện triệu chứng lâm sàng. Các bộ phận khác cũng có thể bị nhiễm bệnh như hậu môn- trực tràng, họng, mắt…
2 Dịch tễ:
Những năm gần đây bệnh lậu có xu hướng tăng. Theo ước tính của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), hằng năm trên toàn thế giới có khoảng 62 triệu người bệnh lậu trong tổng số 390 triệu người bệnh mắc các bệnh lây truyền qua đường tình dục.
Bệnh lậu tăng lên do nhiều yếu tố, trong đó có tự do tình dục và tăng hoạt động tình dục do có các biện pháp tránh thai. Trẻ sơ sinh có thể bị viêm kết mạc mắt do đẻ qua đường sinh dục người mẹ bị bệnh. Bệnh có thể gặp ở mọi lứa tuổi, nhưng phổ biến nhất ở lứa tuổi 15-35.
Bệnh gặp nhiều hơn ở đô thị, một số nhóm dân cư đặc biệt đóng vai trò quan trọng trong dịch tễ học bệnh lậu như: gái mại dâm, khách làng chơi, người nghiện ma tuý. Những người bệnh không triệu chứng đóng vai trò quan trọng trong dịch tễ học bệnh lậu.
II. TRIỆU CHỨNG LÂM SÀNG
1. Bệnh lậu ở nam
Lậu cấp: ủ bệnh trung bình 3-5 ngày, sớm nhất là 1 ngày, chậm nhất là 2 tuần. Thời gian này người bệnh dù không có triệu chứng gì nhưng vẫn có khả năng lây lan cho người khác. Triệu chứng lâm sàng: . Biểu hiện sớm nhất là cảm giác khó chịu dọc niệu đạo kèm đái dắt. . Mủ có thể tự chảy ra hoặc đi tiểu ra mủ. . Đái buốt, đái rắt. . Miệng sáo, quy đầu viêm đỏ, có mủ chảy ra tự nhiên hoặc chảy ra khi vuốt dọc từ gốc dương vật. Toàn thân: có thể sốt, mệt mỏi.
Lậu mạn tính: thường do lậu cấp không được điều trị hoặc điều trị không đúng. Biểu hiện lâm sàng thường khó nhận biết làm người bệnh không biết mình bị bệnh. Có thể thấy các triệu chứng sau: Có giọt mủ vào buổi sáng khi chưa đi tiểu gọi là “giọt mủ ban mai”. Đái buốt không rõ ràng. Người bệnh có cảm giác nóng rát, dấm dứt dọc niệu đạo. Đái rắt do viêm niệu đạo sau. Có thể có các biến chứng như viêm mào tinh hoàn, viêm tinh hoàn, viêm tuyến tiền liệt, viêm túi tinh.
2. Bệnh lậu ở nữ
Lậu cấp: Thời kỳ ủ bệnh ở nữ thường kéo dài hơn, trung bình 5-7 ngày. Biểu hiện lâm sàng thường âm thầm không rõ ràng. Khám bộ phận sinh dục thấy: mủ ở âm hộ, lỗ niệu đạo viêm đỏ, có mủ chảy ra, các lỗ tuyến Skène, Bartholin đỏ. Cổ tử cung viêm đỏ có mủ nhày màu vàng hoặc vàng xanh. Lậu mạn: Triệu chứng nghèo nàn. Có thể ra “khí hư” như các viêm nhiễm khác ở bộ phận sinh dục. Có thể có các biến chứng: viêm niêm mạc tử cung, áp xe phần phụ, viêm tắc vòi trứng, viêm vùng hố chậu có thể gây vô sinh, chửa ngoài tử cung.
3. Lậu ở một số vị trí khác
+ Lậu hầu họng: do quan hệ sinh dục-miệng, lâm sàng có đau họng, ngứa họng. Khám thấy họng đỏ, có mủ, viêm họng cấp hoặc mạn, có thể kèm giả mạc.
+ Lậu hậu môn-trực tràng ở nam do quan hệ sinh dục-hậu môn. Ở nữ có thể do quan hệ tình dục qua hậu môn hoặc do mủ chảy từ âm hộ xuống hậu môn. Lâm sàng: người bệnh mót rặn, buồn đại tiện liên tục, lúc đầu còn có phân sau đó chỉ ra chất nhày hoặc không, có thể lẫn máu.
+ Lậu mắt ở trẻ sơ sinh, xuất hiện sau đẻ 1-3 ngày. Có thể bị một hoặc cả hai mắt. Mắt sưng nề không mở được, có rất nhiều mủ từ mắt chảy ra, kết mạc, giác mạc viêm đỏ và có thể loét, không điều trị kịp thời gây mù vĩnh viễn.
+ Lậu mắt ở người lớn lây do dùng chung khăn, chậu rửa mặt với người bị nhiễm lậu hoặc do chính người bệnh gây ra khi đi tiểu mủ dính vào tay rồi dụi lên mắt. Biểu hiện: viêm kết mạc, giác mạc có mủ, mắt sưng nề.
+ Nhiễm trùng da tiên phát do lậu có thể xảy ra và thường là các vết loét ở sinh dục, tầng sinh môn, đùi và ngón tay.
III. CÁC BIẾN CHỨNG
1. Biến chứng tại chỗ ở nam
Biến chứng thường gặp nhất là viêm mào tinh hoàn. Trước khi có kháng sinh trị liệu có hiệu quả, tỷ lệ biến chứng này khoảng 20% số bệnh nhân lậu. Hiện nay, viêm mào tinh hoàn thường do Chlamydia trachomatis hơn là do lậu, hoặc phối hợp hai tác nhân này. Biểu hiện sưng một bên bìu, đau và thường có viêm niệu đạo. Viêm bạch mạch hiếm gặp. Chít hẹp niệu đạo và áp xe quanh niệu đạo ngày nay rất hiếm do viêm-áp xe tuyến Littre. Các biến chứng hiếm gặp là viêm túi tinh, viêm tuyến tiền liệt.
2. Biến chứng tại chỗ ở nữ
Viêm vòi trứng là biến chứng để lại những hậu quả lâu dài như vô sinh, chửa ngoài tử cung, đau tiểu khung mạn tính. Biểu hiện là đau bụng dưới, đau khi giao hợp, rối loạn kinh nguyệt, ra máu giữa kỳ kinh
Viêm tiểu khung, áp xe tuyến Bartholin gặp khoảng 28% số bệnh nhân lậu nữ. Viêm-áp xe tuyến Skène hiếm gặp.
3. Biến chứng toàn thân
– Nhiễm lậu cầu toàn thân (Disseminated Gonococcal Infection-DGI) là biến chứng hay gặp nhất của biến chứng lậu toàn thân, gặp khoảng 0,5-3% trong số bệnh nhân lậu cấp không điều trị. Có thể tìm thấy lậu cầu trong máu, dịch khớp, thương tổn da vào khoảng 50% trường hợp. Khoảng 80% bệnh nhân DGI phân lập được lậu cầu ở hậu môn – sinh dục hoặc họng hoặc từ bạn tình của họ.
– Nhiễm trùng huyết do lậu đôi khi khó xác định về lâm sàng, xét nghiệm máu nuôi cấy tìm lậu cầu cũng khó khăn, tỷ lệ dương tính chỉ khoảng 20-30%.
– Viêm màng não và viêm màng tim do lậu (Gonococcal Endocarditis and Meningitis). Tỷ lệ xảy ra trên bệnh nhân DGI rất thấp, chỉ khoảng 1-3%. Tuy nhiên đây là biến chứng rất nặng.
IV. XÉT NGHIỆM
1. Nuôi cấy
Phân lập lậu cầu bằng nuôi cấy là tiêu chuẩn chẩn đoán bệnh. Và làm kháng sinh đồ để đánh giá vi khuẩn có kháng thuốc hay không, xác định được kháng sinh sử dụng cho điều trị.
2. Nhuộm Gram
Nhuộm Gram thấy song cầu bắt màu Gram âm trong và ngoài bạch cầu đa nhân trung tính.
3. PCR (polymerase chain reaction) là kỹ thuật mới có độ đặc hiệu và độ nhạy cao
V. CHẨN ĐOÁN
1. Chẩn đoán xác định
– Tiền sử quan hệ tình dục với người bị bệnh,
– Lâm sàng.
– Xét nghiệm:
+ Nhuộm Gram thấy song cầu bắt màu Gram âm trong và ngoài bạch cầu đa nhân trung tính.
+ Nuôi cấy.
+ PCR (Polymerase Chain Reaction) với lậu cầu (+).
2. Chẩn đoán phân biệt: cần chẩn đoán phân biệt với tất cả các nhiễm trùng đường tình dục, bao gồm các bệnh sau:
– Viêm niệu đạo do Chlamydia, Ureplasma, Mycoplasma
– Viêm niệu đạo do tạp khuẩn
– Viêm niệu đạo do Candida
– Viêm niệu đạo do Trichomonas
VI. ĐIỀU TRỊ
1. Nguyên tắc điều trị:
– Điều trị đồng thời nhiễm Chlamydia.
– Điều trị sớm
– Điều trị đúng phác đồ
– Điều trị cả bạn tình.
– Tuân thủ chế độ điều trị: không quan hệ tình dục, không uống rượu bia và chất kích thích, không làm thủ thuật tiết niệu trong thời gian điều trị.
– Xét nghiệm huyết thanh giang mai và HIV trước và sau khi điều trị để phát hiện sàng lọc hai bệnh này.
2. Điều trị cụ thể
– Lậu cấp (lậu không biến chứng)
+ Cefixim uống 400mg liều duy nhất, hoặc + Ceftriaxon 250mg tiêm liều duy nhất, hoặc + Spectinomycin 2g tiêm bắp liều duy nhất.
Điều trị đồng thời Chlamydia với các thuốc sau: + Azithromycin 1g liều duy nhất, hoặc: + Doxycyclin 100mg x 2 lần/ngày x 7 ngày, hoặc: + Tetracyclin 500mg x 4 lần/ngày x 7 ngày, hoặc: + Erythromycin 500mg x 4 lần/ngày x 7 ngày, hoặc: + Clarithromyxin 250mg x 2 lần/ngày x 7 ngày.
Chú ý:
– Erythromycin nên uống sau ăn.
– Doxycycline, tetracycline không được dùng cho trẻ dưới 7 tuổi, phụ nữ có thai và cho con bú.
– Ofloxacin không dùng cho trẻ dưới 15 tuổi, phụ nữ có thai và cho con bú.
Điều trị bạn tình giống như điều trị cho người bệnh.
– Lậu mạn (lậu biến chứng)
+ Có biến chứng sinh dục tiết niệu: ceftriaxon 1g/ngày x 5-7 ngày. Phối hợp với điều trị Chlamydia như phác đồ trên.
+ Có biến chứng nhiễm lậu toàn thân, viêm màng não cần cho người bệnh nằm điều trị nội trú. Ceftriaxon 1-2 g/ngày, tiêm bắp hoặc tĩnh mạch x 10-14 ngày. Phối hợp với điều trị Chlamydia như phác đồ trên.
Lậu mắt ở trẻ sơ sinh: ceftriaxon 50mg/kg tiêm bắp liều duy nhất, tối đa không quá 125mg. Rửa mắt bằng nước muối sinh lý. Điều trị lậu cho bố mẹ.
Phòng ngừa lậu mắt ở trẻ sơ sinh: rửa sạch mắt trẻ ngay sau khi đẻ. Nhỏ mắt bằng dung dịch nitrat bạc 1%.
TÀI LIỆU THAM KHẢO
- Bệnh viện Phong- Da Liễu Trung ương Quy Hòa (2013), Bệnh học da liễu, NXB Y Học.
- Bộ Y tế (2015), Hướng dẫn chẩn đoán và điều trị các bệnh Da liễu, Ban hành kèm theo Quyết định số 75/QĐ-BYT ngày 13/01/2015 của Bộ trưởng Bộ Y tế.
- Nguyễn Văn Thường (2017), “Bệnh học da liễu, tập 1”, NXB Y học.
- Phạm Văn Hiển, Trịnh Quân Huấn, Nguyễn Duy Hưng và cs (2003). Xử trí các bệnh lây truyền qua đường tình dục, Nhà xuất bản Y học.
- King K. holmes, P. Frederick Sparling et al (2012). Sexually Transmitted Diseases/ Mc Graw Hill Medical. Fouth Edition.