Những điều cần biết về sàng lọc ung thư cổ tử cung bằng xét nghiệm pap’s smear
Ths. Bùi Thị Thúy
Sàng lọc Tầm soát và phát hiện sớm ung thư phụ khoa bằng xét nghiệm Pap’s smear được xem là “chìa khóa vàng” giúp kết quả điều trị mang lại hiệu quả cao. Qua đó, bệnh nhân giảm nguy cơ tử vong và giảm chi phí đáng kể.
Sàng lọc ung thư cổ tử cung là gì?
Sàng lọc ung thư cổ tử cung được dùng để phát hiện những thay đổi bất thường trong tế bào cổ tử cung có thể dẫn tới ung thư. Việc sàng lọc ung thư cổ tử cung bao gồm xét nghiệm Pap smear (Test Pap hay Phết tế bào cổ tử cung).
Tiến triển tự nhiên của bệnh ung thư cổ tử cung
2. Xét nghiệm Pap’s smear là gì?
– Xét nghiệm Pap’s smear (còn gọi là Phết tế bào cổ tử cung – âm đạo hay Test Pap) được phát minh và đặt tên theo tên của bác sĩ người Hy Lạp, George Nicolas Papanicolaou (1883-1962). Là một xét nghiệm tế bào học để tìm những tế bào bất thường trong lớp biểu mô cổ tử cung. Mục đích của việc này là để phát hiện ung thư cổ tử cung – một bệnh lý ác tính rất thường gặp ở phụ nữ, nhất là ở các nước đang phát triển.
3. Đối tượng cần đi làm xét nghiệm Pap’s smear
Bệnh ung thư cổ tử cung có thể xảy ra ở bất kì ai, bất kỳ lứa tuổi nào, nhưng thường gặp hơn cả ở những nhóm sau:
– Phụ nữ từng có quan hệ tình dục.
– Khi khám phụ khoa phát hiện thấy những tổn thương ở cổ tử cung.
– Khi có yếu tố nghi ngờ ung thư cổ tử cung như: xuất huyết âm đạo bất thường…
– Có thói quen hút thuốc lá
4. Thời điểm nào cần xét nghiệm Pap’s smear?
– Hướng dẫn của Hiệp hội Ung thư Hoa Kỳ về việc xét nghiệm Pap’s smear ở phụ nữ như sau:
+ Nên tầm soát thường xuyên bằng Pap’s smear.
+ Xét nghiệm Pap’s smear nên bắt đầu sau 3 năm sau khi phụ nữ có quan hệ tình dục (dưới 21 tuổi) hoặc từ 21 tuổi trở đi
+ Phụ nữ dưới 30 tuổi nên thực hiện tầm soát bằng Pap’s smear mỗi năm một lần.
+ Phụ nữ trên 30 tuổi nên tầm soát 3 năm/lần nếu kết quả Pap’s smear cả 3 lần đều âm tính; hoặc kết quả xét nghiệm Pap’s smear và HPV đều âm tính.
– Như vậy phụ nữ trong độ tuổi từ 21 – 70 đã quan hệ tình dục, đặc biệt là độ tuổi từ 30-50 cần phải làm xét nghiệm sàng lọc phát hiện sớm nguy cơ ung thư cổ tử cung. Trong đó, phụ nữ từ 21 – 29 tuổi cần làm xét nghiệm sàng lọc bằng tế bào cổ tử cung hoặc VIA (Quan sát trực tiếp biến đổi tế bào bề mặt CTC với Acid Acetic) 2 năm/lần.
– Thời gian tốt nhất để thực hiện xét nghiệm tế bào cổ tử cung là 2 tuần sau khi kì kinh nguyệt cuối cùng kết thúc và khoảng 24 – 58 giờ sau khi quan hệ tình dục. Nếu bạn đã có lịch xét nghiệm thì tốt nhất nên tránh quan hệ tình dục, tránh sử dụng các loại kem bôi âm đạo hoặc dùng thuốc men, băng vệ sinh, thụt rửa âm đạo, dung dịch vệ sinh… trong khoảng 24 – 48 giờ trước đó.
– Hoạt động tình dục và quan hệ tình dục trước khi làm xét nghiệm Pap’s smear có thể gây ra trầy xước ở cổ tử cung. Điều này có thể làm thay đổi chất lượng của các tế bào và dễ khiến cho việc xét nghiệm đạt kết quả không chính xác.
5. Tại sao cần phải làm lại Pap’s smear nhiều lần?
– Xét nghiệm Pap’s smear là phương pháp an toàn và hiệu quả để sàng lọc ung thư cổ tử cung. Tuy nhiên, không có xét nghiệm nào là hoàn hảo cả. Trên thực tế, mặc dù rất hiếm nhưng phết tế bào cổ tử cung vẫn có thể nhận được kết quả âm tính giả. Khi kết quả xét nghiệm là âm tính giả, không có nghĩa là quy trình thực hiện có vấn đề. Nói chung, vẫn có các yếu tố khách quan gây ra kết quả âm tính giả mà chúng ta không thể kiểm soát được, bao gồm:
+ Số lượng tế bào phết cổ tử cung thu được quá ít
+ Chưa đủ ngưỡng phát hiện
+ Các tế bào bất thường bị che khuất bởi các tế bào máu.
- Tuy mầm mống ung thư có thể không bị phát hiện qua một lần xét nghiệm Pap smear. Ung thư cổ tử cung phải mất vài năm để phát triển. Bên cạnh đó, rất có thể những tế bào bất thường này sẽ không thể “thoát khỏi” trong lần xét nghiệm tiếp theo.
- Hơn nữa, việc xét nghiệm Pap’s smear tầm soát ung thư cổ tử cung định kỳ nhiều lần để kịp thời phát hiện nguy cơ mắc bệnh, từ đó triển khai điều trị sớm nhất có thể.
6. Xét nghiệm Pap’s smear được thực hiện như thế nào?
– Pap’s smear được thực hiện tại phòng lấy mẫu dành riêng cho phụ nữ, bác sĩ là người trực tiếp thực hiện và quy trình này chỉ mất vài phút.
– Để thực hiện, bạn cần nằm ngửa trên bàn khám phụ khoa, trong tư thế thả lỏng, đầu gối cong lại. Tiếp theo, bác sĩ sẽ nhẹ nhàng đặt mỏ vịt vào bên trong âm đạo. Mỏ vịt giúp mở rộng và cố định thành âm đạo của bạn để bác sĩ có thể dễ dàng nhìn thấy khu vực cổ tử cung bên trong. Sau đó, bác sĩ sẽ dùng bàn chải mềm và một dụng cụ giống như cái thìa để lấy mẫu tế bào cổ tử cung. Đối với xét nghiệm Pap’s smear, rất hiếm khi tình trạng đau hay tổn thương xảy ra, nhưng thường bạn sẽ cảm thấy không quen khi làm lần đầu.
7. Sau khi làm Pap’s smear bao lâu thì nên làm lại?
– Theo Hiệp hội Sản Phụ khoa Hoa Kỳ, phụ nữ nên lặp lại xét nghiệm Pap’s smear mỗi ba năm một lần trong độ tuổi từ 21 đến 29 tuổi. Đối với phụ nữ từ 30 tuổi trở lên, vấn đề sau bao lâu nên làm lại Pap’s smear sẽ tùy thuộc vào kết quả xét nghiệm HPV. Xét nghiệm HPV giúp phát hiện sự có mặt của virus HPV, một trong những tác nhân phổ biến dẫn đến ung thư cổ tử cung. Do đó, bạn có thể lựa chọn thực hiện đồng thời xét nghiệm Pap và HPV (bộ hai xét nghiệm này gọi chung là (Co-testing)). Có 2 trường hợp xảy ra ứng với kết quả cận lâm sàng HPV là âm tính hay dương tính.
– Trường hợp HPV âm tính (không bị nhiễm HPV): bạn nên ưu tiên thực hiện Co-testing mỗi 5 năm một lần, hoặc tiếp tục làm Pap smear 3 năm/lần.
– Trường hợp HPV dương tính (có nhiễm HPV): bệnh nhân cần thực hiện Co-testing trong 12 tháng tiếp theo.
– Quy trình xét nghiệm HPV có thể được thực hiện dựa trên mẫu tế bào lấy từ cổ tử cung của phụ nữ, tương tự như Pap’s smear. Hình thức thực hiện như vậy gọi là “xét nghiệm HPV phân biệt”, nhằm phát hiện hai loại HPV chủ yếu gây ra ung thư cổ tử cung là HPV 16 và HPV 18. Đối với trường hợp dương tính với HPV, bạn cần phải làm thêm xét nghiệm HPV phân biệt để kiểm tra xem đó có phải là hai loại HPV gây ra ung thư cổ tử cung hay không.
– Nếu nhận thấy một số yếu tố nguy cơ nhất định, bác sĩ sẽ khuyên bạn nên làm xét nghiệm Pap’s smear với tần suất nhiều hơn, bất kể tuổi tác của bạn là bao nhiêu.
Như vậy, vấn đề “làm Pap smear bao lâu thì nên làm lại” tùy thuộc vào quyết định của bác sĩ và sự cân nhắc của người phụ nữ đối với những yếu tố nguy cơ của bản thân.
8. Khi nào có thể ngừng làm xét nghiệm Pap’s smear?
Trong một số trường hợp sau đây, bác sĩ sẽ cho ngừng thực hiện xét nghiệm Pap’s smear:
- Phụ nữ sau khi cắt toàn bộ tử cung
Nếu chị em vì lý do nào đó phải cắt bỏ tử cung hoàn toàn (bao gồm cả cổ tử cung), bác sĩ sẽ cân nhắc ngừng thực hiện xét nghiệm Pap’s smear. Cụ thể:
+ Nếu phẫu thuật cắt tử cung bắt nguồn từ bệnh lý không liên quan đến ung thư, chẳng hạn như u xơ tử cung, thì sẽ không phải làm xét nghiệm Pap’s smear nữa.
+ Nhưng nếu phẫu thuật cắt tử cung để loại bỏ các tế bào tiền ung thư hoặc ung thư cổ tử cung, thì nên tiếp tục thực hiện phết tế bào cổ tử cung.
- Phụ nữ cao tuổi
-
Xét nghiệm ung thư cổ tử cung ở đâu?
– Tại Quy nhơn – Bình Định, có rất nhiều địa chỉ chị em có thể đến để tầm soát ung thư cổ tử cung . Bệnh viện Phong – Da liễu Trung ương Quy Hòa cũng là một địa chỉ đáng tin cậy khám sàng lọc và phát hiện bệnh.
– Bệnh Viện đã áp dụng các phương pháp xét nghiệm sàng lọc ung thư cổ tử cung hiện đại như: Pap’s smear (phết tế bào âm đạo – cổ tử cung); xét nghiệm HPV-DNA, quan sát cổ tử cung bằng mắt thường; các nhóm có nghi ngờ qua sàng lọc sẽ được chẩn đoán qua soi cổ tử cung – sinh thiết. Giúp chẩn đoán chính xác những giai đoạn sớm, mang lại hiệu quả điều trị cao. Và giảm chi phí điều trị, tỷ lệ tử vong, giúp nâng cao hiệu quả xã hội.
– Với phương pháp xét nghiệm Pap’s smear giúp chị em chẩn đoán bệnh nhanh chóng và chính xác. Chị em có thể đợi biết ngay kết quả trong ngày
Trên đây là những thông tin về tầm soát ung thư cổ tử cung. Hy vọng qua bài viết này chị em sẽ hiểu rõ hơn về vai trò của việc tầm soát ung thư cổ tử cung. Cũng như lựa chọn những địa chỉ uy tín, để phòng và điều trị bệnh tốt nhất.
TÀI LIỆU THAM KHẢO
1.Bài viết tham khảo nguồn: Acog.org
- Huỳnh Xuân Nghiêm (2017), “Vai trò phết tế bào âm đạo trong tầm soát ung thư cổ tử cung”, Thông tin sức khỏe.
- Nguyễn Trần Bảo Song (2018), xét nghiệm tầm soát, phòng ngừa ung thư cổ tử cung, Thông tin sức khỏe.
- Jill J(2018), “Screening for Cervical Cancer”, American Medical Association, 320(7), pp.732.
- LeeA.L(2018), “Screening for Cervical Cancer New Tools and New Opportunities”, American Medical Association, 320(7), pp.647-649.
6. George F.S(2018), “Cervical Cancer Screening—Moving From the Value of Evidence to the Evidence of Value”, American Medical Association, 178(10), pp.1293-1295.