Những điều cần biết về vắc xin cho phụ nữ mang thai
BS. Vũ Tường Vi
Mang thai là một hành trình hạnh phúc của mọi phụ nữ. Để thai kì được an toàn và khỏe mạnh, hãy lưu ý tiêm đầy đủ các loại vắc xin cần thiết cho phụ nữ mang thai.
Vắc xin trong thời kỳ mang thai bảo vệ cả mẹ và bé sớm hơn
Bạn có biết em bé được miễn nhiễm bệnh tật (bảo vệ) từ mẹ khi mang thai? Tiêm vắc-xin cúm, uốn ván và COVID-19 khi bạn đang mang thai khiến cơ thể bạn tạo ra các kháng thể bảo vệ (các protein do cơ thể sản xuất để chống lại bệnh tật) và bạn truyền một số kháng thể đó cho con mình. Khả năng miễn dịch này có thể bảo vệ em bé của bạn khỏi một số bệnh trong vài tháng đầu đời trước khi bé được chủng ngừa, nhưng khả năng miễn dịch giảm dần theo thời gian.
Vắc xin an toàn cho cả mẹ và bé
Trung tâm kiểm soát bệnh tật Hoa Kỳ và một nhóm chuyên gia về vắc xin đã kết luận rằng vắc xin ngừa cúm và uốn ván an toàn cho phụ nữ mang thai và thai nhi. Các chuyên gia này đã xem xét cẩn thận các dữ liệu an toàn sẵn có trước khi đề xuất vắc xin uốn ván và cúm trong thai kỳ.
Vắc xin chủng ngừa COVID-19 hiện được khuyến cáo cho người mang thai, vì khi mang thai sẽ làm tăng nguy cơ mắc bệnh nặng do COVID-19.
Vắc xin cũng giống như bất kỳ loại thuốc nào, có nghĩa là chúng có thể có một số tác dụng phụ. Nhưng hầu hết những người tiêm phòng không gặp hoặc gặp rất ít tác dụng phụ. Các tác dụng phụ phổ biến nhất là nhẹ (mẩn đỏ, sưng tấy, đau nhức tại vị trí tiêm vắc-xin. Các tác dụng phụ khác có thể xảy ra liên quan đến vắc-xin COVID-19 là mệt mỏi, nhức đầu, đau cơ, ớn lạnh, sốt và buồn nôn.).
Nguồn ảnh: CDC Hoa Kỳ
Bị cúm khi đang mang thai có thể dẫn đến các biến chứng thai kỳ nghiêm trọng.
Những thay đổi về chức năng miễn dịch, tim và phổi trong thời kỳ mang thai khiến bạn dễ bị ốm nặng do cúm. Bạn cũng có nguy cơ cao bị các biến chứng thai kỳ, chẳng hạn như chuyển dạ sinh non nếu bạn bị cúm. Bị cúm cũng có thể làm tăng nguy cơ mắc các vấn đề nghiêm trọng cho em bé. Trẻ em dưới 2 tuổi có nhiều khả năng phải nhập viện vì bệnh cúm. Tiêm phòng cúm nếu bạn đang mang thai trong mùa cúm — đó là cách tốt nhất để bảo vệ bản thân khỏi bệnh cúm và ngăn ngừa các biến chứng thai kỳ do cúm có thể xảy ra.
Thời điểm tiêm vắc xin rất quan trọng
Khi nói đến vắc xin, thời điểm cũng rất quan trọng. Các đợt cúm khác nhau về thời điểm xuất hiện, nhưng CDC khuyên bạn nên chủng ngừa cúm vào cuối tháng Mười. Thời điểm này giúp đảm bảo rằng bạn được bảo vệ trước khi dịch cúm bắt đầu gia tăng.
Nguồn ảnh: CDC Hoa Kỳ
Nếu bạn mang thai lần nữa, bạn sẽ cần tiêm vắc xin một lần nữa
Việc tiêm vắc xin duy nhất 1 lần không áp dụng khi nói đến các loại vắc xin được khuyến cáo cho phụ nữ mang thai. Lượng kháng thể mà bạn có trong cơ thể sau khi chủng ngừa sẽ giảm dần theo thời gian. Khi bạn chủng ngừa trong một lần mang thai, lượng kháng thể của bạn có thể không duy trì ở mức đủ cao để bảo vệ đủ cho những lần mang thai sau này, ngay cả khi con bạn đã gần đủ tuổi. Vì vậy, hãy đảm bảo rằng bạn cung cấp cho em bé thứ hai (và cả thứ 3, thứ 4) số lượng kháng thể bảo vệ nhiều nhất và khả năng bảo vệ bệnh tật tốt nhất có thể bằng cách tiêm vắc xin mỗi khi bạn mang thai.
Bất kỳ ai xung quanh con bạn cũng cần tiêm vắc xin.
Trẻ sơ sinh chưa phát triển đầy đủ hệ thống miễn dịch nên đặc biệt dễ bị nhiễm trùng. Trẻ lớn hơn và người lớn có thể lây cho trẻ sơ sinh bệnh cúm và ho gà, ngay cả khi bản thân họ không bị bệnh nặng. Do đó, bất kỳ ai ở gần trẻ sơ sinh đều nên cập nhật tất cả các loại vắc xin thông thường, bao gồm cả vắc xin cúm. Bao gồm cha mẹ, anh chị em và bất kỳ người chăm sóc nào khác, như ông bà, bảo mẫu hoặc người giữ trẻ. Bất kỳ ai cần tiêm vắc-xin đều nên tiêm ít nhất hai tuần trước khi gặp em bé, vì phải mất khoảng hai tuần sau khi tiêm chủng để tạo thành kháng thể.
Nguồn ảnh: CDC Hoa Kỳ
Lược dịch từ CDC Hoa Kỳ