fbpx
Chuyên đề KCBDa liễu chuyên sâuTin nổi bật

NHỮNG ĐIỀU CẦN BIẾT VỀ VIÊM DA CƠ ĐỊA Ở TRẺ EM

Bs.Ck2 Đinh Thị Ái Liên

1. ĐẠI CƯƠNG

Viêm da cơ địa là một bệnh da mãn tính, thường gặp ở trẻ em từ vài tháng tuổi cho đến tuổi đi học. Biểu hiện của bệnh phong phú: trẻ nhỏ ở thời kỳ bú mẹ hay gặp chàm sữa là tình trạng khô đỏ hai má, lớn hơn trẻ có thể bị những đám mụn, ngứa ở những vùng da cọ xát nhiều như cổ, bàn tay chân, thân mình, các vùng nếp kẽ… Bệnh không  gây nguy hiểm đến tính mạng nhưng gây ngứa nhiều có thể làm trẻ mất ngủ; việc tái phát, điều trị lâu dài ảnh hưởng đến phát triển thể chất của trẻ. Điều này làm ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống của trẻ và người chăm sóc. Khi trẻ bị viêm da cơ địa cần có kế hoạch quản lý bệnh hiệu quả với mục tiêu là  điều trị giảm nhanh triệu chứng khô da và viêm da  và hạn chế đợt bùng phát của bệnh.

Bên cạnh tổn thương da, viêm da cơ địa còn thường đi kèm với các bệnh lí dị ứng/cơ địa khác như hen suyễn, viêm mũi dị ứng, dị ứng thức ăn và mày đay.

2. NGUYÊN NHÂN VÀ CƠ CHẾ BỆNH SINH

Không có nguyên nhân chính xác gây ra viêm da cơ địa. Bệnh gây ra bởi 3 yếu tố chính bao gồm: di truyền, môi trường và rối loạn đáp ứng miễn dịch.

Có rất nhiều yếu tố có thể khởi phát đợt bệnh và làm trầm trọng bệnh. Khí hậu hanh khô làm cho da khô hơn nên các trẻ viêm da cơ địa thường nặng hơn về mùa đông và đỡ hơn về mùa hè. Sử dụng xà phòng, tiếp xúc với hóa chất, chất tẩy rửa cũng làm bệnh nặng lên. Điều kiện vệ sinh kém, nhiễm khuẩn, thức ăn cũng là những yếu ố hay gặp khởi phát đợt cấp của viêm da cơ địa.

Nhiều trẻ em bị viêm da cơ địa có người thân trong gia đình cũng mắc bệnh này hoặc mắc các bệnh dị ứng khác như hen suyễn, viêm mũi dị ứng, mày đay, hay dị ứng theo mùa. Dù hiếm gặp, cũng có trường hợp viêm da cơ địa ở trẻ sơ sinh liên quan đến dị ứng thực phẩm, ví dụ như dị ứng sữa bò hay trứng

3. CHẨN ĐOÁN

3.1 Viêm da cơ địa ở trẻ nhũ nhi:

Bệnh phát sớm khoảng 3 tuần sau sinh, thường cấp tính với các đám đỏ da, ngứa, sau đó xuất hiện nhiều mụn nước nông, dễ vỡ, xuất tiết và đóng vảy tiết, có thể bội nhiễm, hạch lân cận sưng to.

Vị trí hay gặp nhất là 2 má, có thể ở da đầu, trán, cổ, thân mình, mặt dưới các chi. Khi trẻ biết bò có thể xuất hiện tổn thương ở đầu gối. Không thấy tổn thương      ở vùng tã lót.

Trẻ có thể dị ứng với một số thức ăn như sữa, hải sản, thịt bò, thịt gà… Khi không ăn các thức ăn gây dị ứng thì bệnh viêm da cơ địa giảm rõ rệt.

Bệnh hay tái phát, mạn tính và rất nhạy cảm với các yếu tố như nhiễm trùng, mọc răng, tiêm chủng, thay đổi khí hậu hay môi trường sống.

3.2. Viêm da cơ địa ở trẻ em

Thường từ viêm da cơ địa nhũ nhi chuyển sang.

Thương tổn là các sẩn đỏ, vết trợt, da dày, mụn nước khu trú hay lan toả cấp tính kèm theo nhiễm khuẩn thứ phát.

Vị trí hay gặp nhất là ở khoeo, nếp gấp khuỷu tay, mi mắt, hai bên cổ, cẳng tay, ở cổ có sạm da mạng lưới, ít khi ở mặt duỗi các chi.

 Bệnh thường trở nên cấp tính khi trẻ tiếp xúc với lông súc vật, gia cầm, mặc đồ len, dạ…

Nếu tổn thương trên 50% diện tích da, trẻ thường suy dinh dưỡng.

 Khoảng 50% sẽ khỏi khi trẻ được 10 tuổi.

4. ĐIỀU TRỊ

4.1 Nguyên tắc điều trị

Dùng thuốc chống khô da, làm dịu da. Chống ngứa, chống viêm, chống nhiễm trùng.

Tư vấn cho người bệnh và gia đình biết cách điều trị và phòng bệnh.

4.2 Điều trị cụ thể

    Điều trị tại chỗ

+ Tắm: Tắm hàng ngày bằng nước ấm với xà phòng có ít chất kiềm.

+ Sau khi tắm dùng các thuốc làm ẩm da.

Thuốc: Corticoid được dùng nhiều trong điều trị viêm da cơ địa. Trẻ nhỏ dùng loại hoạt tính yếu như: hydrocortison 1-2,5%. Trẻ lớn và người lớn dùng loại có hoạt tính trung bình: desonid, clobetason butyrat.

Với những tổn thương lichen hóa, vị trí da dầy có thể dùng loại corticoid hoạt tính mạnh hơn như clobetasol propionat.

Lưu ý: với tổn thương vùng da mỏng, nhạy cảm như mặt dùng mỡ corticoid nhẹ hơn, ít ngày, còn vùng da dày, lichen hoá thì dùng loại mạnh hơn để giảm ngứa, giảm viêm.

Cần tính để lượng thuốc bôi trong 1 tuần và giảm liều một cách từ từ, tránh tái phát.

Có thể dùng mỡ kháng sinh hoặc mỡ corticoid có thêm kháng sinh để chống nhiễm khuẩn.

Đắp dung dịch Jarish, nước muối sinh lý 0,9%.

Sản phẩm dưỡng ẩm rất quan trọng để điều trị khô da trong viêm da cơ địa. Làm ẩm da bằng urea 10%, Cicaplast Baume B5….

Thuốc bạt sừng bong vảy như mỡ salicyle 5%, 10%, …

Thuốc ức chế miễn dịch tacrolimus nồng độ 0,03-0,1% rất hiệu quả đối với viêm da cơ địa.

    Điều trị toàn thân

+ Kháng histamin:

        Chlorpheniramin 4mg / ngày.
Desloratadin 2,5mg-5mg/ ngày

+ Kháng sinh chống nhiễm khuẩn đặc biệt là tụ cầu vàng, liên cầu. Cho kháng sinh thuộc nhóm cephalosphorin thế hệ 1 là tốt nhất, cho một đợt từ 10-14 ngày.

+ Corticoid: có thể được chỉ định trong thời gian ngắn khi bệnh bùng phát nặng.     Không dùng thuốc kéo dài. Menison 4mg × 2 viên/ngày × 7 ngày.

4. PHÒNG BỆNH

Giáo dục người bệnh, người nhà người bệnh kiến thức về bệnh, yếu tố khởi động, quan điểm điều trị, lợi ích và nguy cơ.

Giảm các yếu tố khởi động: giữ phòng ngủ thoáng mát, tránh tiếp xúc lông gia súc, gia cầm, len, dạ, giảm bụi nhà, nên mặc đồ vải cotton.

Tắm nước ấm, không quá nóng, không quá lạnh, nhiệt độ < 36°C, ngay sau khi tắm xong bôi thuốc dưỡng ẩm da. Nếu dùng xà phòng thì chọn loại ít kích ứng.

Vệ sinh vùng tã lót ở trẻ nhỏ tránh chất tiết gây kích thích.

Bôi thuốc làm ẩm da hàng ngày nhất là về mùa đông, 2-3 lần/ ngày.

Giữ độ ẩm không khí trong phòng.

Ăn kiêng chỉ áp dụng cho trường hợp bệnh nặng, trẻ nhỏ, khi đã xác định rõ loại thức ăn gây kích thích.

Do vậy, cha mẹ cần kiểm soát và phòng tránh các yếu tố nguy cơ.

Bệnh viện Phong- Da liễu Trung ương Quy Hòa  là tuyến đầu của khu vực Miền trung- Tây nguyên điều trị các bệnh da trong đó có viêm da cơ địa ở trẻ em. Cha mẹ nên đưa trẻ đi khám để được các bác sĩ khám và tư vấn kỹ hơn.

Một số hình ảnh viêm da cơ địa ở trẻ em

TÀI LIỆU THAM KHẢO

  1. Bộ Y tế (2015), Hướng dẫn chẩn đoán và điều trị một số bệnh Da liễu, Ban hành kèm theo Quyết định số 75/QĐ-BYT ngày 13/01/2015 của Bộ trưởng Bộ Y tế, tr 114-118.
  2. Phạm Văn Hiển (2015), Da Liễu Học, NXB Giáo dục Việt Nam, tr 40-46
  3. Nguyễn Văn Thường (2017), “Bệnh học da liễu, tập 1”, NXB Y học,
    tr 87-96
  4. Ravnborg N, Ambikaibalan D, Agnihotri G, et al (2021). “Prevalence of asthma in patients with atopic dermatitis: A systematic review and meta-analysis”. J Am Acad Dermatol, 84(2), pp. 471-478.
Show More

Related Articles

Back to top button