fbpx
Chuyên đề KCBĐa khoa phổ cậpTin nổi bật

NHỮNG ĐIỀU PHỤ HUYNH CẦN BIẾT VỀ ĐÁI THÁO ĐƯỜNG Ở TRẺ EM

BS. Nguyễn Thị Thảo Nguyên

Nếu con trẻ được chẩn đoán đái tháo đường, có thể phụ hynh sẽ băn khoăn và đặt ra nhiều câu hỏi xung quanh căn bệnh này. Đây là những vấn đề căn bản nhất bạn cần biết về bệnh Đái tháo đường ở trẻ.

Đái tháo đường type 1 là gì?       

Là tình trạng người bệnh không thể sử dụng Glucose (đường) để đáp ứng nhu cầu năng lượng cho cơ thể. Nguyên nhân do cơ thể không thể sản xuất đủ hormon Insulin. Bình thường, sau khi ăn, một lượng lớn Glucose trong máu sẽ tăng cao. Khi đó, tụy sẽ tiết Insulin vào máu, nó có nhiệm vụ như một chìa khóa mở cửa tế bào cơ thể để nhận Glucose và cung cấp năng lượng cho tế bào.

Trong đái tháo đường type 1, tụy không tạo được Insulin. Không có Insulin, đường không thể vào tế bào. Nó tồn lại trong máu và gây tăng đường huyết. Việc có quá nhiều đường trong máu hoàn toàn không tốt và có thể gây nhiều hậu quả nghiêm trọng. Một số biến chứng có thể diễn biến nhanh chóng và cần phải điều trị tức thời, trong khi một số khác sẽ âm thầm tiến triển theo thời gian và gây nhiều biến chứng sau này.

Khác với đái tháo đường type 1, đái tháo đường tuyp 2 cơ thể vẫn tạo đủ Insulin, nhưng nó lại không thể hoạt động theo đúng chức năng. Loại này chính là bệnh đái tháo đường chúng ta vẫn thường được nghe và gặp chủ yếu ở người lớn.

Tại sao trẻ lại mắc đái tháo đường type 1?

Vẫn chưa biết được chắc chắn tại sao một số người lại mắc đái tháo đường type 1. Nhiều nghiên cứu cho rằng, lý do có thể đến từ hệ gen của người đó. Tuy nhiên, việc chỉ mang gen mắc đái tháo đường type 1 dường như chưa đủ, nó cần nhiều yếu tố hơn nữa, bao gồm nhiễm siêu vi, cân nặng lúc sinh, chế độ ăn uống. Khi đó có thể làm người đã mang gen đái tháo đường type 1 khả năng cao sẽ mắc bệnh này.

Triệu chứng và dấu hiệu đái tháo đường type 1

Đái tháo đường có thể biểu hiện một cách từ từ hoặc đột ngột. Đôi khi, trẻ sẽ không có bất kỳ triệu chứng nào và chỉ được phát hiện một tình cờ khi xét nghiệm máu hay nước tiểu vì một nguyên nhân khác.

Đối với trẻ có biểu hiện, có thể sẽ gặp những triệu chứng sau:

– Tiểu nhiều

– Khát và uống nước nhiều hơn bình thường

– Cảm thấy mệt mỏi thường xuyên

– Sụt cân

Khi bệnh đái tháo đường tiến triển, lượng đường huyết tăng trên mức bình thường, thường là gấp 5  – 10 lần so với bình thường. Lượng glucose dư thừa tràn vào trong nước tiểu, kéo theo nước, dẫn đến làm gia tăng lượng nước tiểu và gây nên tình trạng mất nước. Cảm giác khát nước tăng lên do cơ thể cố gắng cân bằng lượng nước, và những người bệnh có thể uống rất nhiều nước. Người bệnh có thể sụt cân vài tuần đến vài tháng sau khi mắc bệnh. Hai biểu hiện khá phổ biến là trẻ mệt nhiều và thay đổi cảm xúc do cơ thể không được khoẻ.

Đái tháo đường type 1 được chẩn đoán như thế nào?

Bác sĩ sẽ cho xét nghiệm Glucose (đường) trong máu và nước tiểu. Đường máu cao quá ngưỡng sẽ khẳng định bệnh lý này ở trẻ. Trong phần lớn các trường hợp, trẻ không cần làm thêm bất cứ xét nghiệm nào khác. Tuy nhiên, trong trường hợp còn nghi ngờ, các bác sĩ có thể khuyên trẻ làm thêm xét nghiệm dung nạp glucose.

Điều trị đái tháo đường type 1

Dường như, đái tháo đường type 1 sẽ điều trị suốt đời vì cho đến hiện tại, chưa có phương pháp nào điều trị triệt để. Bác sĩ sẽ lên kế hoạch chăm sóc và điều trị bệnh riêng cho trẻ. Trong đó sẽ nêu cụ thể phụ huynh và trẻ cần phải làm gì mỗi ngày để giữ đường máu trong khoảng bình thường, đồng thời hẹn tái khám và kiểm tra định kỳ tại bệnh viện.

Một số vấn đề chủ yếu trong điều trị bệnh đái tháo đường type 1 bao gồm:

– Tiêm Insulin: cần thay thế lượng Insulin mà cơ thể không sản xuất ra được. Insulin cần phải được tiêm vào lớp mỡ dưới da (gọi là tiêm dưới da).

– Chế độ ăn riêng dành cho trẻ đái tháo đường, chủ yếu là cân bằng lượng tinh bột trong khẩu phần ăn.

– Kiểm tra đường máu thường xuyên.

– Thường xuyên tập luyện, vận động là yếu tố cấu thành lối sống khoẻ mạnh, tốt cho trẻ đái tháo đường.

Theo sát kế hoạch điều trị sẽ giữ trẻ đái tháo đường khỏe mạnh và tiến đến cuộc sống bình thường như những trẻ khác.

Biến chứng nào có thể xảy ra đối với trẻ đái tháo đường type 1?

Việc không kiểm soát được lượng đường trong khoảng cho phép có thể dẫn đến những vấn đề sau:

– Nhiễm toan keton: tình trạng này nghiêm trọng, cần điều trị ngay. Khi không đủ lượng insulin trong cơ thể để đưa đường vào tế bào, cơ thể bắt đầu sử dụng mỡ thay đường. Quá trình này làm tăng keton trong máu, là một chất mang tính acid, gây nên tình trạng nhiễm toan keton. Triệu chứng gây nôn, buồn nôn, đau bụng, thở nhanh, nặng hơn có thể gây hôn mê.

– Hạ đường huyết: xảy ra khi đường máu quá thấp và hoàn toàn có thể xảy ra trong quá trình điều trị trẻ do việc sử dụng quá liều insulin. Triệu chứng bao gồm đau đầu, chóng mặt, mệt mỏi, vã mồ hôi, run chi.

– Rối loạn tăng trưởng và phát triển: một số trẻ có thể sẽ phát triển chậm hơn những trẻ đồng trang lứa hoặc dậy thì muộn hơn bình thường.

– Việc để mức đường huyết tăng trong một thời gian dài, sẽ dẫn đến các biến chứng mạn tính, gây ảnh hưởng đến nhiều cơ quan, bao gồm tim, mạch máu, dây thần kinh, mắt và thận.

Bệnh đái tháo đường có thể phòng tránh được không?

Bệnh đái tháo đường type 1 là không thể ngăn ngừa được. Chúng ta thậm chí không thể biết ai sẽ mắc hay không mắc căn bệnh này. Bệnh đái tháo đường type 1 không phải là bệnh truyền nhiễm, vì vậy trẻ em và thanh thiếu niên không thể mắc bệnh từ người khác hoặc truyền bệnh cho bạn bè hoặc thành viên trong gia đình.

Tại sao cần phải đưa trẻ đến khám và theo dõi định kỳ tại bệnh viện?

Việc sống chung với bệnh đái tháo đường không hề dễ dàng. Theo dõi đái tháo đường ở trẻ em đòi hỏi rất nhiều thời gian và nỗ lực của trẻ và gia đình. Vì vậy, trẻ cần được bác sĩ theo dõi sát và điều chỉnh chế độ chăm sóc và điều trị hợp lý, đặc biệt là trong thời gian đầu.

Ngoài ra, các bậc phụ hãy lưu ý những dấu hiệu của bệnh đái tháo đường, nếu trẻ có triệu chứng như trên hãy đưa trẻ đến các cơ sở y tế để được khám, phát hiện và điều trị kịp thời.

TÀI LIỆU THAM KHẢO

1. Barbara Schreiner, PhD & Stephen Ponder, MD Self-management education for the child with diabetes mellitus, www.update.com, Feb 2018.

2. Phác đồ điều trị Nhi khoa (2013), Bệnh viện Nhi đồng 1,Đái tháo đường, pp. 682-686.

Show More

Related Articles

Back to top button