Những hiểu biết về phân giải thuốc làm đầy bằng hyaluronidase
Người dịch: Quang Tiến
Axit hyaluronic là chất làm đầy phổ biến nhất được sử dụng ở Hoa Kỳ trong phẫu thuật thẩm mỹ. Khi các phương pháp điều trị thẩm mỹ tiếp tục phát triển và thị trường chất làm đầy mở rộng, việc sử dụng hyaluronidase để phân giải chất làm đầy axit hyaluronic trên khuôn mặt đang ngày càng phổ biến hơn. Tuy nhiên, có rất ít nghiên cứu và không có hướng dẫn lâm sàng chính thức về việc sử dụng loại chất này. Hyaluronidase được FDA Hoa Kỳ cấp phép cho một số chỉ định điều trị, nhưng việc sử dụng nó trong các quy trình thẩm mỹ không được đề cập.
Các biến chứng do chất làm đầy axit hyaluronic có thể chỉ tại chỗ và thoáng qua hoặc trì hoãn và/hoặc gây nguy hiểm. Các phản ứng tại chỗ thường cải thiện theo thời gian hoặc đáp ứng với chăm sóc triệu chứng. Tuy nhiên phản ứng tạo u hạt, tiêm không đúng chỗ, kết quả phẫu thuật thẩm mỹ có hại và tắc mạch máu là một số kết quả bất lợi cần điều trị ngay lập tức, thường sử dụng hyaluronidase, một loại enzym tự nhiên làm phân giải axit hyaluronic.
Các sản phẩm axit hyaluronic khác nhau về nồng độ, liên kết chéo, loại liên kết chéo được sử dụng và kích thước hạt, và do đó có mô hình phân giải khác nhau khi phản ứng với hyaluronidase. Ba sản phẩm hyaluronidase hiện có cũng khác nhau về nồng độ, nguồn gốc và hoạt động của enzym. Hyaluronidase có thời gian bán hủy là 2 phút nhưng có thời gian tác dụng từ 24-48 giờ tùy thuộc vào sản phẩm được sử dụng.
Trong nghiên cứu thú vị của Casabona G và cộng sự, liều lượng và hoạt động của 05 sản phẩm hyaluronidase có mặt trên thị trường toàn cầu đã được đánh giá khi sử dụng để phân giải năm chất làm đầy (Juvederm Volbella, Voluma, Ultraplus, Belotero và Belotero Balance) với các nồng độ và liên kết chéo khác nhau trong da. Kết quả cho thấy chất làm đầy Vycross (của hãng Juvederm Voluma) ít nhạy cảm nhất với hyaluronidase và yêu cầu nồng độ hyaluronidase lớn nhất cũng như do thời gian hòa tan lâu hơn nên đòi hỏi lượng hyaluronidase gấp ba lần để phân giải nếu so với cùng một lượng các sản phẩm axit hyaluronic khác.
Ngoài ra, sản phẩm hyaluronidase từ cừu được bán trên thị trường Hoa Kỳ với tên gọi Vitrase có hoạt tính tốt nhất đối với mức axit hyaluronic được sử dụng trong thử nghiệm. Nồng độ hyaluronidase cao hơn cũng có thể tạo ra phản ứng quá mẫn loại I và phù mạch ở những bệnh nhân mẫn cảm, bằng chứng là phản ứng mô bạch cầu ái toan có nồng độ lớn hơn 300 IU.
Hyaluronidase được bảo quản ở nhiệt độ mát (35 – 46°F). Nó có thể được hoàn nguyên bằng muối, nước hoặc nước muối kìm khuẩn để giảm đau vết tiêm; tuy nhiên, không được trộn lẫn với thuốc gây tê tại chỗ. Thể tích chất pha loãng được sử dụng tùy thuộc vào diện tích bề mặt cần xử lý và nằm trong khoảng từ 1 mL đến 10 mL. Thể tích nhỏ hơn được sử dụng để tiêm cục bộ tập trung hơn và thể tích lớn hơn cần định lượng chính xác hơn.
Đối với trường hợp hoại tử sắp xảy ra, nên sử dụng hyaluronidase trong vòng vài phút đến vài giờ sau khi phát hiện da chuyển màu và vùng da này nên được làm lưu thông máu 30 phút một lần cho đến khi máu vào được các mô. Tùy theo loại chất làm đầy được sử dụng mà liều lượng tiêm khác nhau, cần tiêm liên tục và quan sát phản ứng của mô tại vị trí tiêm. Một phác đồ liều lượng cao cho phép tưới máu mô ngấm dần vào thành mạch. Khuyến nghị là 2 mL nước muối kìm khuẩn được pha loãng với một lọ hyaluronidase. Bác sĩ nhãn khoa hoặc bác sĩ phẫu thuật tạo hình nhãn khoa có kinh nghiệm sẽ tiêm hyaluronidase phía sau nhãn cầu trong vòng vài phút sau khi tắc động mạch võng mạc với liều lượng 150-200 đơn vị trong 2-4 mL dung dịch pha loãng vào bên dưới hốc mắt.
Mặc dù chưa được đồng thuận, có nhiều nghiên cứu lâm sàng sử dụng các độ pha loãng hyaluronidase khác nhau từ 5 đến 30 đơn vị để phá vỡ 0,1mg/mL axit hyaluronic nhằm phân giải chất làm đầy axit hyaluronic trên khuôn mặt. Theo kinh nghiệm lâm sàng, ngoại trừ tình trạng hoại tử, nồng độ hyaluronidase được chuẩn độ để đạt hiệu quả lâm sàng cũng có thể được tiêm trong nhiều lần sau mỗi 48 giờ cho đến khi đạt được kết quả mong muốn.
Các biến chứng do tiêm hyaluronidase bao gồm ban đỏ mô cục bộ, phù nề, đau, phản ứng dị ứng và phản vệ. Những bệnh nhân có tiền sử dị ứng với hyaluronidase nên xét nghiệm phiến phết trong da với 10-20 đơn vị hyaluronidase ở cẳng tay, trường hợp nhạy cảm có thể xuất hiện mày đay trong vòng 30 phút sau khi tiêm. Nếu bệnh nhân có kết quả xét nghiệm miếng dán dương tính thì không được sử dụng hyaluronidase. Ngoài ra, tiền sử phản ứng dị ứng với ong có thể gây ra phản ứng cao với hyaluronidase và là chống chỉ định sử dụng.
Các bác sĩ sử dụng chất làm đầy axit hyaluronic được khuyến cáo luôn luôn có sẵn 2-3 lọ hyaluronidase đề phòng trường hợp khẩn cấp về mạch máu. Tính ổn định, thời hạn lưu trữ và ngày hết hạn cũng cần được theo dõi chặt chẽ.
Nguồn: mdedge.com