fbpx
Điểm tin y tếTin nổi bậtTin tức - Sự kiện

Nỗ lực tăng cường kiểm soát dịch của WHO tại khu vực Đông Nam Á

Hồ Thu Linh

Tổ chức Y tế Thế giới hôm nay đã triệu tập các nước thành viên và đối tác y tế trong một cuộc họp nhằm tăng cường các nỗ lực tập thể để kiểm soát sự lây lan COVID-19.

Phát biểu khai mạc Hội nghị ‘Đối tác Đông Nam Á về COVID-19’, TS Poonam Khetrapal Singh, Giám đốc WHO khu vực Đông Nam Á nhận định: “Một số quốc gia tiếp tục ghi nhận số ca nhiễm mới cao. Chúng ta vẫn đang ở trong giai đoạn nguy hiểm nhất của đại dịch. Vì vậy chúng ta phải tiếp tục ứng phó một cách mạnh mẽ dựa trên các nguồn lực sẵn có”.

Khu vực này đã ghi nhận sự gia tăng chóng mặt số ca CoVID-19 mới  với hơn 2 triệu ca trong 5 tuần liên tiếp.

Tính mạng và sinh kế của người dân, cũng như sự phát triển bền vững của khu vực với hơn 2 tỷ người – một phần tư dân số thế giới- đang bị đe dọa. Giám đốc khu vực nhấn mạnh rằng đoàn kết và duy trì quyết tâm trong toàn khu vực là biện pháp duy nhất để có thể ngăn chặn sự lây nhiễm, ngăn chặn những làn sóng mới, đồng thời mang đến những phương pháp điều trị và công nghệ dựa trên bằng chứng cho tất cả những người bị ảnh hưởng bởi đại dịch.

Bà nói: “Tăng cường năng lực hệ thống y tế, bao gồm cả việc tiếp cận các nguồn cung cấp thiết yếu như ôxy  đang là nhu cầu cấp thiết của các quốc gia trong khu vực. Để giải quyết tình trạng này, trong những tuần gần đây, WHO đã cung cấp hơn 340 tấn vật tư y tế thiết yếu trị giá hơn 50 triệu đô la Mỹ và vẫn tiếp tục huy động nhiều hơn nữa.“

Đồng thời bà còn nhấn mạnh về sự cần thiết của việc phân phối công bằng và sự sẵn sàng của thiết bị và vật tư.

WHO cam kết tăng khả năng phục hồi của chuỗi cung ứng, bao gồm thông qua sản xuất tại địa phương để đảm bảo quyền tiếp cận công bằng với các phương pháp điều trị, chẩn đoán, thiết bị bảo hộ (PPE) và các vật tư khác.

Liên quan đến việc phân phối vắc xin COVID-19, Giám đốc khu vực cho biết điều này đòi hỏi hành động đặc biệt và sự hợp tác toàn cầu. Mặc dù vắc xin COVID-19 đang được sản xuất một cách nhanh chóng, nhưng nguồn cung hiện không thể đáp ứng đủ nhu cầu. Điều này đã dẫn đến việc tiêm chủng chậm lại ở một số quốc gia, bao gồm cả những quốc gia phụ thuộc vào nguồn vắc xin từ chương trình COVAX.

WHO sẽ tiếp tục hỗ trợ tất cả các quốc gia thực hiện các biện pháp xã hội và sức khỏe cộng đồng dựa trên bằng chứng; để tăng cường bảo vệ kinh tế và xã hội; và duy trì khả năng tiếp cận công bằng với các dịch vụ y tế thiết yếu – ưu tiên cốt lõi ngay từ giai đoạn đầu của chương trình chống COVID, vốn đòi hỏi sự hỗ trợ liên tục và quy mô lớn.

TS Khetrapal Singh đánh giá cao các đối tác đã hỗ trợ WHO thực hiện chiến dịch chống COVID toàn diện, phối hợp và bền vững.

Với sự hỗ trợ từ các đối tác, tổ chức WHO khu vực Đông Nam Á đã cung cấp hơn 2,2 triệu bộ kit lấy mẫu, 1,9 triệu test PCR thủ công, 2,1 triệu găng tay, 7 triệu khẩu trang y tế, hơn 500 000 áo bảo hộ và hơn 600 000 mặt nạ phòng độc kể từ khi bắt đầu đại dịch.

Đây là khoản hỗ trợ thêm của họ cho Quỹ Khẩn cấp Y tế Khu vực Đông Nam Á, dành cho các hoạt động mang tính khẩn cấp cũng như các biện pháp ứng phó trong khu vực.

Hội nghị có sự tham dự của các quan chức cấp cao Bộ Y tế các nước khu vực, các đại sứ, Giám đốc khu vực LHQ, Điều phối viên thường trú LHQ, đại diện các Tổ chức Tài chính Quốc tế và các Ngân hàng phát triển; các thành viên của Phong trào Chữ thập đỏ, Liên minh vắc xin GAVI, và Quỹ toàn cầu; thành viên của các tổ chức phi chính phủ quốc tế, các tổ chức từ thiện và các đối tác.

Nhắc lại cam kết của WHO trong việc hợp tác và phối hợp để chấm dứt đại dịch, Giám đốc khu vực phát biểu: “Gửi tới tất cả các đối tác, thông điệp của tôi hôm nay là sự đoàn kết kiên định và quyết tâm: Chúng ta cùng đồng lòng thực hiện đúng chiến lược đề ra và sẽ vượt qua đại dịch này”.

Nguồn: https://www.who.int/

Show More

Related Articles

Back to top button