NƠI HỘI TỤ TÌNH THƯƠNG NHÂN LOẠI BÊN BỜ BIỂN XANH.
Năm 1929, Paul Maheure, một linh mục người Pháp đưa hơn ba mươi bệnh nhân phong vượt đèo vào Vũng Dừa (Ghềnh Ráng, thành phố Quy Nhơn, Bình Định) lập làng sinh sống và chữa trị.
Thời gian như nước qua cầu. Gần một thế kỷ qua từ thuở ban đầu mở cõi, biến miền đất hoang vu thành nơi quần cư của những phận người không may mắc căn bệnh hiểm “tứ chứng nan y”, trong đó có nhà thơ tài hoa bạc mệnh Hàn Mặc Tử .
Từ những túp nhà mái lá đơn sơ, bệnh viện Quy Hòa dần được thành lập. Trong khoảng thời gian từ 1929 – 1975, nhiều linh mục người Pháp, người Việt và các nữ tu dòng Phanxico đã đảm nhận chức trách điều trị, chăm sóc bệnh nhân tại đây.
Sau ngày thống nhất đất nước, bệnh viện được đổi tên thành Khu điều trị Phong Quy Hòa rồi Bệnh viện Phong – Da liễu Quy Hòa. Đến năm 2005, được chính thức mang tên Bệnh viện Phong – Da liễu Trung ương Quy Hòa (BVPDLTWQH) cho đến nay.
Là đơn vị trực thuộc Bộ Y tế, BVPDLTWQH được giao 06 nhiệm vụ: Khám, chữa bệnh,, phòng bệnh và phục hồi chức năng cho bệnh nhân phong, da liễu, HIV/AIDS; đào tạo cán bộ; nghiên cứu khoa học; chỉ đạo tuyến; hợp tác quốc tế; quản lý bệnh viện. Địa bàn phụ trách trải rộng trên 11 tỉnh miền Trung, Tây nguyên.
Qua nhiều đợt chỉnh trang, nâng cấp, hiện BVPDLTWWQH có tổng cộng 416 giường bệnh, 33 khoa phòng cùng đội ngũ y, bác sĩ, nhân viên trên 400 người. Được đánh giá là một trong những trung tâm y tế phát hiện, điều trị phong, da liễu hàng đầu Việt Nam và khu vực châu Á, những năm gần đây BVPDLTWQH đã mở rộng diện khám, điều trị đa khoa. Bằng việc đầu tư trang thiết bị đồng bộ, hiện đại, không ngừng nâng cao tay nghề đội ngũ y, bác sĩ, điều dưỡng viên, bệnh viện đã từng bước khẳng định vị thế của mình trên nhiều lĩnh vực bệnh lý vừa tiếp cận.
Những năm cuối của thế kỷ trước, vẫn còn tình trạng nhiều bệnh nhân phong phải vật vã trên những chuyến xe đường dài vào Sài Gòn, ra Hà Nội để điều trị, phẫu thuật phục hồi chức năng. Nhưng từ nhiều năm nay, hình ảnh u buồn ấy đã hoàn toàn biến mất.
Phát hiện bệnh sớm, điều trị kịp thời, giảm thiểu mức độ tàn tật, phẫu thuật phục hồi chức năng, tạo hình thẩm mỹ, xử lý hiệu quả các trường hợp dị ứng, ngộ độc thuốc điều trị, ngăn chặn nguồn lây…là một chuỗi công việc có tác động liên quan, tương hỗ và phải được giải quyết một cách đồng bộ, bền bỉ nếu muốn ngăn chặn, đẩy lùi căn bệnh phong quái ác. BVPDLTWQH đã nỗ lực không ngưng nghỉ để đạt được mục tiêu ấy.
Nếu như năm 1996, trên phạm vi cả nước có đến 2866 người mắc bệnh phong mới thì đến năm 2014, chỉ còn 255 bệnh nhân mới mắc bệnh. Sự sụt giảm đáng mừng này có phần đóng góp không nhỏ của BVPDLTWQH. Bởi tính riêng khu vực miền Trung, Tây nguyên, trong năm 1996 đã có tới 789 bệnh nhân mới nhưng đến năm 2014 con số này chỉ còn 48.
So sánh với tỷ lệ lưu hành bệnh phong vào thời điểm 2000, tại khu vực miền Trung, Tây nguyên có 0,41% dân số mắc bệnh phong, trong khi cả nước tỷ lệ này chỉ có 0,23%. Đến năm 2014, tỷ lệ này đã được hạ xuống mức 0,04% tại các tỉnh miền Trung, Tây nguyên và 0,02% trên phạm vi cả nước.
Những con số cực kỳ ấn tượng, minh định những thành quả lớn lao mà BVPDLTWWQH đã gặt hái được suốt chặng đường dài vừa qua.
Bên cạnh đó, giảm thiểu mức độ tật nguyền cho bệnh nhân cũng là mảng công tác luôn được bệnh viện đầu tư tâm sức, tìm tòi những giải pháp thích hợp. Dựng xưởng đóng giày đặc chủng, đồng thời sản xuất chân giả cho bệnh nhân phong nhằm hạn chế đến mức thấp nhất những tổn thương dẫn đến tàn tật là một giải pháp hiệu quả, đậm tính nhân văn. Hàng vạn đôi giày đặc chủng cùng hàng ngàn chân giả được cấp phát miễn phí đã góp phần hạ thấp tỷ lệ tàn tật độ 2 ở bênh nhân phong mới tại địa bàn miền Trung, Tây nguyên từ mức 23% vào năm 2000 xuống còn 0,16% năm 2014. Trong khi trên phạm vi cả nước, tỷ lệ tàn tật độ 2 năm 2000 là 20,92%, đến năm 2014 vẫn còn ở mức 10,70%.
Với chức trách chỉ đạo tuyến, đào tạo chuyển giao kỹ thuật cho mạng lưới y tế cơ sở, hàng trăm cán bộ, y, bác sĩ của BVPDLTWQH đã thực hiện nhiều cuộc khảo sát, giám sát tình hình dịch tễ trên 11 tỉnh thành thuộc địa bàn phụ trách. Đồng thời đào tạo, chuyển giao 07 kỹ thuật căn bản trong phát hiện, điều trị, ngăn ngừa bệnh phong, da liễu cho hàng trăm cán bộ, nhân viên y tế tuyến dưới. Nghiên cứu, lập bản đồ phân vùng dịch tễ đến tận cấp xã là một thành tựu quan trọng trong công tác chỉ đạo tuyến, một cách làm mới lần đầu tiên được BVPDLTWQH áp dụng hiệu quả, từ đó được nhân rộng trên phạm vi cả nước.
Vài năm trước, dư luận xã hội liên tục dậy sóng trước căn bệnh lạ bùng phát tại huyện Ba Tơ (Quảng Ngãi). Được Bộ Y tế giao nhiệm vụ, BVPDLTWQH tức tốc huy động lực lượng vào cuộc và đã xác định đó là căn bệnh viêm da dày sừng tay chân. Một chứng bệnh nguy hiểm, hiểm gặp có khả năng tàn phá nội tạng dẫn đến cái chết cho người bệnh nếu không được điều trị kịp thời. Bằng phác đồ điều trị thích hợp, BVPDLTWWQH đã ngăn chặn, đẩy lùi căn bệnh này, chấm dứt nỗi ám ảnh tâm lý “bệnh lạ” lan truyền trong nhân dân địa phương.
Lấy tình thương làm lẽ sống, dành tất cả tâm lực, khả năng để cứu chữa, xoa dịu nỗi đau cho người bệnh là truyền thống cao đẹp của bao thế hệ thầy thuốc nơi đây.Trong đó có sự đóng góp lớn lao của Bác sĩ chuyên khoa II Nguyễn Thanh Tân, người thầy thuốc nhân dân, giám đốc bệnh viện từ năm 1997 đến nay.
Tâm sự với chúng tôi, ông nói: “Tất cả cán bộ, y bác sĩ, nhân viên trong bệnh viện chúng tôi đều có một nhận thức chung, đó là Hãy dành tất cả những điều kiện tốt nhất để xoa dịu nỗi đau của bệnh nhân phong. Điều quan trọng nhất với một y, bác sĩ ngoài trình độ chuyên môn cần phải có tình thương, trách nhiệm. Chúng tôi luôn tâm niệm và cố gắng giữ gìn truyền thống tốt đẹp này. Cho nên, có rất nhiều bệnh nhân phong, da liễu từ mọi miền đất nước đã tìm đến Quy Hòa như một địa chỉ điều trị tin cậy, trong đó có cả những bệnh nhân người nước ngoài như Mỹ, Úc, Canada”,
Chúng tôi thực sự xác tín điều này khi tiếp xúc với các bác sĩ Trần Như Bửu Hoa, Nguyễn Khánh Hòa. Vừa làm công việc chuyên môn, vừa đảm đương trọng trách quản lý, họ nhiệt tình, say mê, am hiểu sâu những vấn đề liên quan đến bệnh phong, hết sức tận tình và xem bệnh nhân phong như người ruột thịt. Một tâm huyết nghề nghiệp đáng trân trọng.
Đồng thời, tận mắt chứng kiến cuộc sống của 417 người bệnh tàn tật không thân nhân nương tựa đang lưu trú tại bệnh viện, được điều trị, chăm sóc sức khỏe toàn diện mới thấu hiểu tấm lòng yêu thương vô bờ của các y bác sĩ và nhân viên điều dưỡng dành cho họ.
Từ truyền thống cao đẹp và những đóng góp đầy ý nghĩa ấy, Quy Hòa được định danh, trở thành một địa chỉ y tế, văn hóa có tầm ảnh hưởng, sức lan tỏa sâu rộng. Nhiều tổ chức, cá nhân trong, ngoài nước đã tìm đến đây, thể hiện tình nhân ái bằng những việc làm thiện nguyện thiết thực với những phận người không may.
Qua bao thăng trầm lịch sử, BVPDLTWQH giờ đã trở thành nơi hội tụ của tình thương nhân loại bên bờ biển xanh dạt dào sóng vỗ.
PHẦN THƯỞNG CAO QUÝ ĐƯỢC CẤP BỘ, NGÀNH, CHÍNH PHỦ,
NHÀ NƯỚC TRAO TẶNG:
– Cờ Thi đua của Chính phủ: năm 1998, 2006, 2010 và năm 2012.
– Cờ Thi đua của Bộ Y tế: năm 2001, 2005 và năm 2009.
– Cờ thi đua của Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam: năm 2010 và năm 2013.
– Huân chương Lao động hạng Ba năm 1984.
– Huân chương Lao động hạng Nhất năm 1999.
– Huân chương Độc lập hạng Ba năm 2008.
– Huân chương Độc lập hạng Nhì năm 2013.
DUY THÁI
(Bài đăng trên tạp chí Pháp Lý số đặc biệt kỷ niệm 90 năm ngày Báo chí Cách mạng Việt Nam 21/6/2015).
Ngày 11/07/2015